Tạp chí Sông Hương - Số 169 (tháng 3)
Nhớ nhạc sĩ Thái Quý
09:54 | 07/05/2009
NGUYỄN TRỌNG TẠO...Người ta thường nhắc tới Thái Quý như nhắc tới một con người giàu tình cảm, dễ khóc, dễ cười, dễ nóng giận và cũng rất vị tha. Nói đến khuyết điểm của mình trong cuộc họp, anh khóc đã đành, nhưng khi chỉ trích khuyết điểm của đồng đội, anh cũng khóc...
Nhớ nhạc sĩ Thái Quý
Nhạc sĩ Thái Quý

 

1. Không mấy ai rõ tuổi thật của nhạc sĩ Thái Quý. Theo cuốn Nhạc sĩ Việt Nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam ấn hành năm 1997 thì nhạc sĩ Thái Quý sinh tháng 3-1936; nhưng cuốn Nhạc sĩ  sáng tác của Nhà xuất bản Văn hoá in năm 1990 thì lại ghi anh sinh tháng 2-1936. Có người nói Thái Quý sinh năm 1932, còn anh thì tự nhận anh tuổi Quý Dậu 1933.

Sau khi anh qua đời, tôi đến thắp hương viếng anh tại tư gia ở một ngõ hẻm trên đường Nhật Lệ - Huế, được đọc một bài văn ai của người chú từ quê nhà (Hưng Lam, Hưng Nguyên, Nghệ An) gửi vào điếu anh, nói là anh đã lên tuổi 71 - trong số những người "thất thập cổ lai hy". Nếu đúng như vậy, thì đáng ra, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phải mừng thọ 70 của anh từ năm ngoái như thường lệ đối với các hội viên cao tuổi. Nhưng việc đó đã không xảy ra vì người ta chỉ căn cứ tuổi theo hồ sơ lý lịch gia nhập Hội của anh. Chị Ninh vợ anh phân bua với tôi rằng, anh Quý thường hay "đơn giản" trong việc kê khai lý lịch, đến nỗi khai hồ sơ cho con, có lúc anh ghi quê quán Nghệ An, có lúc anh lại ghi quê quán ở nơi sinh, khiến cả nhà phải chạy đôn chạy đáo đi nhờ chính quyền sửa chữa lại hồ sơ của cháu cho thống nhất. Quả là nhạc sĩ Thái Quý "quá nghệ sĩ" trong cả những công việc rất cần sự chính xác, cụ thể...

2. Tôi có một thời gian được gần Thái Quý khi anh công tác tại Đoàn Văn công Quân khu IV trong chiến tranh chống Mỹ. Thuở ấy, anh là một nhạc sĩ sáng tác sung sức nhất của Quân khu. Anh viết hàng loạt những tác phẩm âm nhạc, từ ca khúc đến hợp xướng, từ độc tấu nhạc cụ đến nhạc múa nhiều chương. Nhiều tác phẩm để lại ấn tượng mạnh cho bộ đội và nhân dân vùng tuyến lửa lúc bấy giờ như Nữ du kích Trị Thiên đánh xe tăng, Hà Tĩnh trên đường chiến thắng, Quảng Bình đánh rất hay, Mầm xanh, Cánh võng Trường Sơn, v.v... Tôi còn nhớ những lần anh báo cáo tác phẩm vừa viết xong, chưa kịp dàn dựng, một mình anh với cây đàn ghita, anh hát liền cả bốn chương tổ khúc hợp xướng - vừa nhạc đàn, vừa nhạc miệng, vừa hát bè này vừa hát bè kia lại vừa dẫn giải ý đồ dàn dựng... khiến người nghe toát cả mồ hôi mà khâm phục cài tinh thần say mê nghệ thuật tuyệt vời của anh. Những ngày mở lớp sáng tác âm nhạc cho Quân khu cũng vậy, ốm đau anh vẫn bám lớp giảng dạy, sửa chữa bài vở cho học trò. Lần ấy, tôi có một kỷ niệm thật sâu sắc với anh. Tôi vừa viết xong tổ khúc hợp xướng Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ, thì bị sốt rét phải nằm viện. Ngày báo cáo tác phẩm, chính anh đã một mình trình bày liền mấy chương hợp xướng của tôi. Anh hát say sưa như là tác phẩm của chính anh. Anh là một người vô tư, hồn nhiên, yêu bạn bè đồng nghiệp như yêu mình. Vì vậy, những thành công của anh đều được bạn bè chia sẻ và trân trọng.

3. Người ta thường nhắc tới Thái Quý như nhắc tới một con người giàu tình cảm, dễ khóc, dễ cười, dễ nóng giận và cũng rất vị tha. Nói đến khuyết điểm của mình trong cuộc họp, anh khóc đã đành, nhưng khi chỉ trích khuyết điểm của đồng đội, anh cũng khóc. Một lần cùng đoàn văn công đi phục vụ bộ đội ở Lào, bạn Lào tặng anh một chiếc bật lửa (vì anh nghiện thuốc lá), anh đánh rơi đâu mất trong đêm tối. Tìm bật lửa không được, anh khóc hu hu. Thế là cả đoàn phải mang đèn pin đi tìm bật lửa cho anh. Tìm được bật lửa rồi, anh cũng khóc. Khóc vì chỉ một chiếc bật lửa cỏn con, mà mình đã làm phiền lòng đồng đội. Một lần tôi ghé căn phòng tập thể của vợ chồng anh tại đoàn văn công, thấy anh đang thắp hương khấn vái. Tưởng có cúng giỗ gì quan trọng lắm, hoá ra anh đang làm cỗ cúng con chó Mi Pha của anh vừa chết cách đó 3 ngày. Anh kể cho tôi nghe về con chó nhỏ bạn cho, thật ngoan hiền, mới mấy tháng mà nó lớn nhanh như thổi. Trưa hôm ấy thấy nó hơi đau ốm, anh bồi dưỡng cho nó 2 quả trứng luộc. Thế mà chiều tối nó đã nằm chết cứng dưới gậm giường. Anh ôm con Mi Pha khóc hu hu làm cho anh em tưởng có chuyện gì liền chạy đến. Anh đem con chó đi chôn, đắp mộ cho nó và làm thơ khóc chó Mi Pha. Bài thơ tôi không còn nhớ nữa, chỉ nhớ mấy câu đầy thương cảm:

Mi Pha ơi hỡi Mi Pha
Sống làm bạn với ta, chết làm ma dưới mồ
Thắp hương mà khấn hư vô
Ước người cũng tốt như là Mi Pha...

Hôm đó, anh giữ tôi ở lại tam nhật chó Mi Pha. Vừa uống rượu anh vừa kể lể về con chó nhỏ, và nước mắt giàn dụa trên khuôn mặt người nhạc sĩ đa cảm.

4. Thái Quý gia nhập quân đội từ năm 1952. Anh có một giọng hát đẹp và khoẻ. Vì thế mà được cử làm quản ca của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Rồi anh trở thành ca sĩ của văn công sư đoàn 320, Đoàn Văn công Quân khu III. Năm 1958, trong một lần cùng các nhạc sĩ Nguyễn An, Đôn Truyền và nghệ sĩ Tào Mạt theo chính uỷ Trần Độ ra thăm bộ đội đảo Hòn Mê, anh đã sáng tác được một ca khúc thật hay, đó là ca khúc: Khúc hát trên tiền tiêu Tổ quốc. Đến hôm nay nhiều người vẫn còn nhờ lời ca và điệu nhạc thật đẹp, thật yên bình của một nhạc sĩ có tâm hồn bay bổng, trong sáng: "Sương đêm buông phủ trắng đại dương. Tung cánh chim bay, thuyền vui, sóng vỗ, cánh buồm. Biển rộng ơi, rung lên trong lòng tôi hát khúc ca nhịp nhàng. Vì mến yêu thiết tha, Tổ quốc ta bao la"... Bài hát vừa viết xong liền được dàn dựng, biểu diễn, tham gia hội diễn, thu thanh phát sóng qua Đài Tiếng nói Việt Nam, và Thái Quý trở thành nổi tiếng. Bài hát này được nhạc sĩ Huy Thư soạn cho đàn ghi ta độc tấu, được hát trong các đám cưới như một bài tình ca mới của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Nhưng chỉ mấy năm sau, có ý kiến chụp mũ cho nó là "có tư tưởng hoà bình chủ nghĩa", thế là nó bị ngừng hát, dù không có ai cấm đoán. Nỗi oan đó làm cho Thái Quý hoang mang một thời gian. Anh phải rời Đoàn Văn công Quân Khu III, chuyển về Đoàn Văn công Quân Khu IV, nơi tuyến lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mãi đến năm 1996, ca khúc này mới được hát lại trong album ca khúc chọn lọc Qua đèo Ngang của anh do Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam ấn hành. Về câu chuyện này, năm 1999 tôi có viết bài báo Nhạc sĩ Thái Quý và bài hát "bị cấm"  in trên báo Tiền Phong. Trong bài báo đó, tôi có ghi địa chỉ và số điện thoại của anh. Mấy tuần sau, Thái Quý điện cho tôi, anh cảm động nói: "Nhờ bài báo của chú mà nhiều người bạn từ xưa đã liên lạc lại được với tôi. Họ gọi điện thoại cho tôi. Tôi khóc. Họ cũng khóc, chú ơi". Và tôi nghe trong điện thoại tiếng khóc vui sướng của anh.

5. Từ đoàn văn công Quân khu IV, Thái Quý chuyển về giảng dạy âm nhạc tại trường Nghệ thuật Huế, rồi làm chuyên viên văn nghệ của Nhà Văn hoá Lao động Bình Trị Thiên. Chia tỉnh, anh ra quê vợ làm cán bộ chỉ đạo nghệ thuật cho đoàn ca múa Quảng Bình. Từ ngày rời quân ngũ, Thái Quý vẫn sáng tác không mệt mỏi. Anh viết hàng loạt ca khúc mới, ca ngợi quê hương và tình yêu. Nhiều tác phẩm của anh đoạt huy chương vàng, và được công chúng yêu thích như: Tình ca nơi phố nhỏ (thơ Xuân Hoàng), Qua đèo Ngang (thơ Bà Huyện Thanh Quan), Chân trời mới, Khúc ca bình minh, Khúc ca gửi Huế, v.v... Dạo anh vừa viết xong Khúc ca gửi Huế, tôi cũng mới về sống ở Huế. Anh đến nhà tôi, hát cho tôi nghe thử và đề nghị tôi góp ý. Nghe xong, tôi ngồi lặng đi vì cảm động. Rồi tôi chỉ nói được một lời nhận xét: "Hay". Rồi rót rượu mời anh. Đây là một bài hát rất đẹp, rất trữ tình, thể hiện một tâm hồn yêu Huế đến da diết mà không bi lụy như một số ca khúc khác viết về Huế. Thấy tôi khen, Thái Quý mừng lắm, anh về nói với chị Ninh rằng: "Chú Tạo duyệt rồi. Bộ óc điện tử bảo là không phải sửa chữa gì cả". Anh gọi tôi là "bộ óc điện tử", đấy là vì anh quá tin yêu tôi. Vấn đề quan trọng là Khúc ca gửi Huế của anh vô cùng hoàn hảo. Sau đó, ca khúc này được nhiều ca sĩ ở Huế hát, và Đài tiếng nói Việt Nam đã nhiều lần phát trong chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả. Cũng vì tình yêu Huế sâu nặng thế mà cuối đời anh lại đưa gia đình từ Quảng Bình trở lại sinh sống ở Huế. Lại đi dạy nhạc. Lại tiếp tục sáng tác. Một người khoẻ mạnh về cả tâm hồn lẫn thể lực như anh, có ngờ đâu lâm bệnh hiểm nghèo. Khi bị bệnh huyết áp, anh vẫn đi dạy nhạc cho đến khi gục xuống, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tôi và nhà báo Thanh Tú đến thăm anh, anh không nói được mà chỉ khóc, khiến vợ anh cũng khóc theo. Tôi xa anh từ đấy, cho đến ngày 13-1-2003 nhận được tin anh qua đời. Thế là xa anh vĩnh viễn, anh Thái Quý ơi!

N.T.T

(169/03-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng