Tạp chí Sông Hương - Số 197 (tháng 7)
Nhà thơ Trần Ninh Hồ - người lãng tử cuồng si và đắm khát
16:02 | 16/03/2009
BÙI ĐỨC VINH            (Nhân đọc tập thơ “Cho người tôi thương nhớ”-NXB Hội Nhà văn 2004)Có một chàng thi sĩ phong tình đi lang thang vô định trên nẻo đường mưa bay gió tạt, chợt lơ đãng nhận ra mình là kẻ bị tình yêu truy nã trong bài thơ “Nhận diện” anh đã tự thú với trái tim thổn thức của mình.

Tập thơ “Cho người tôi thương nhớ” là giai điệu nồng nàn dâng tặng cho những cuộc đời phong trần dầu dãi. Chỉ có kẻ quân tử mới dám nói một lời yêu mãnh liệt và tha thiết như thế, mới liều lĩnh dám rong chơi với nẻo trăng thề. Nhà thơ Trần Ninh Hồ có lúc quay đi rồi ngoảnh lại chiêm nghiệm những mất mát khổ đau về tình đời xao xót nguôi ngoai:
                        Hình như là tiếng sáo
                        Sinh ra trước mũi tên
                        Hình như là ngọn giáo
                        Sinh ra sau cây đàn
                                    (Hành trình1)
Lặng lẽ mà sôi trào, cô đơn cùng cực đến bốc cháy. Có phải thơ gánh trên mình cuộc hành trình dằng dặc những mất mát đỗ vỡ mê mải âm thầm. Tìm trong thơ anh, người ta tìm thấy sự khai phá niềm đau tột đỉnh của mọi bến bờ. Ôi! Khi anh bàng hoàng thức tỉnh trong một sự thật nghiệt ngã đau lòng:
                        Ngỡ chỉ có quyền uy, đá và trận mạc
                        Nơi đá tạc ngai vua, đá hoá long sàng
                        Ai biết được một ngày đá giật mình ngơ ngác
                        Đẫm hoàng bào nước mắt một tình yêu
                                                            (Động đá Hoa Lư)
Ngôn ngữ thơ anh giàu nhạc điệu như tiếng thở nhẹ mà sao có niềm đắng đót ẩn nấp phía sau những câu chữ bồi hồi. Tưởng chừng có một cơn áp thấp nương náu đòi nổ tung trong anh. Đôi khi ngợp gió cuốn lốc làm thành cơn bão phía cánh rừng trầm tư, anh không ồn ào lớn tiếng tuyên ngôn mà chỉ im ắng bền bỉ khơi dậy dòng nước mát thi ca từ bến sông tâm hồn đặc quánh niềm đau phù sa trầm tích nhân thế. Tôi đang nghe lời hổn hển dưới chiều của anh-kẻ nguyện làm chứng nhân cô đơn cùng lá:
                        Ta đi trong cõi vô tình ấy
                        Trời chẳng mù sương, mắt bỗng nhoà
                                                            
(Cõi vô tình)
Anh lãng tử khi biết chỉ mình em với gió. Chợt luồng tâm tư thổi ào ạt về náo động cõi riêng anh.
                        Và nhà thơ - kẻ sau trót tìm em
Băng qua cả thiên đàng và trần thế
Qua địa ngục của tận cùng quạnh quẽ
Đem tận cùng đơn lẻ tặng riêng em
                                                (Giao cảm)
Cái thi tứ đập nhức buốt lồng ngực nơi anh sao nghe có tiếng đay nghiến vò xé. Phải chăng yêu-kẻ lãng tử là chịu nhiều thiệt thòi nhất:
                        Tôi yêu em còn em không yêu tôi và ngược lại
                        Nhưng những vết hằn lửa cháy, khác nhau đâu
                                                                        (Có thể)
Ngọn gió hương xưa váng vất thổi se se trên vai người lữ thứ. Trần Ninh Hồ rót rượu tri âm vào đêm trắng mà khao khát trần tình: “tôi dám yêu như họ cả cuộc đời”. Liều lĩnh quá chàng thi sĩ đa tình ơi:
                        Người con gái ta yêu sẽ là người hát hay nhất
                        Như giọng mẹ hát ru từ thủa ấu thời
Nhưng mẹ đã ra đi. Còn em thì chưa tới
Nên suốt đời ta hoá trẻ mồ côi
                                                (Mồ côi)
Lá bùa ý nghĩ đang bay theo nỗi vô vọng hoang mang. Và giờ đây lại sốt ruột hổn hển đợi chờ.
                        Hỡi người thương mến của ta
Có nghe không nhỉ lời ca tâm tình
Thơ ta in mãi bóng hình
Như dòng sông biếc lung linh ánh trời
(Hỡi người thương mến của ta)
Giữa nẻo hồng trần lạc lầm, bụi bặm này, thơ còn là tiếng gọi yêu thương dìu dặt với cây đàn ngây dại của trái tim.
                        Sau bao năm về chung sống cùng nhau
                        Ai đó chúc ta xuân này trẻ lại
                        Tình yêu ơi có sống cùng mãi mãi
                        Cho ta tin lời chúc ấy cho mình
                                                            (Trước lời chúc mùa xuân)
Tôi rất trân trọng và nể phục những câu thơ đầm đìa nhân nghĩa day dứt kiểu như này ở Trần Ninh Hồ.
                        Và bóng rừng chiều nay ơi, sao giống lạ
                        Cũng nắng thắm vòm cây và bụi đỏ chân trời
Chỉ riêng khác một điều em ở đâu xa quá
Xa như cái ngả đường rừng chiều qua suốt cuộc đời tôi
(Một ngã đường chiều)
Tha thiết khẩn cầu trước ngôi đền linh thiêng của tình yêu. Mà tình yêu đôi khi là thứ bùa mê, là tín ngưỡng:
                        Một lời thôi, một lời thôi
                        Cho vơi thương nhớ cái người nhớ thương
                                                                        (Nhớ thương ơi)
Hình ảnh em - người con gái kiêu sa dịu dàng và trong suốt hiện lên trong ký ức chập chờn trắng dải lụa chiêm bao. Hình như đã hơn một lần làm anh lỗi nhịp tơ vương. Bỗng nhiên thơ anh lại trở nên lãng đãng khói sương giăng núi mờ mịt nẻo hồn người.
                        Em bảo chiều em không lại
                        Ngày mai anh được tự do
                        Ôi chưa bao giờ tôi thấy
Tự do buồn đến thế này
(Nghịch lý chiều)
Gấp lại tập thơ “Cho người tôi thương nhớ”  mà sao vẫn còn thòm thèm dư vị cay cay trên sống mũi của mình. Ngọn sóng lòng thi ca đang trào dâng, trỗi dậy phía cô đơn thăm thẳm không cùng mà chỉ có kẻ lãng tử cuồng si đắm khát mới hiểu nổi. Những câu thơ của anh đã cho tôi những giây phút lãng mạn rất con người được yêu thương, giận hờn, mất mát, xẻ chia, day dứt. Đọng lại trong tôi nỗi ngổn ngang của vệt khói trắng tiếc nuối ngậm ngùi. Chẳng biết nhà thơ Trần Ninh Hồ đã bao lần như thế này:
                        Những con tàu ngày một đúng giờ hơn
                        Đưa người đi, đón người về, mãi mãi
                        Riêng có một tàu chưa một lần trở lại
                        Là con tàu ngày ấy tiễn em đi
                                                         (Có một con tàu)
    B.Đ.V
(197/07-05)

Các bài mới
Fóc kiêu ngạo (19/03/2009)
Đi tìm anh (18/03/2009)
Các bài đã đăng