Một nghịch lý nữa là trước thơ đăng trên báo đạt từ điểm 5, muốn vào sách ít ra phải đạt điểm 7; còn nay thì thơ trên báo vẫn phải từ 5 trở lên nhưng in vào sách điểm mấy cũng được. Tôi cho đó là điều dễ hiểu. Một trong những điều dễ hiểu là do “loạn xuất bản”. Một tập thơ tải được điều gì đó, một thông điệp nào đó, có sự tri âm lại nằm im lặng, lẫn lộn giữa 9 tập thơ phường xã thì độc giả biết đâu mà lần. Thôi thì tìm đọc chi cho mệt, nghe, nhìn cho khoẻ. Lỗi này tại ai? Khoan trách độc giả mà trước hết trách các nhà xuất bản (NXB) đi đã. Thời bao cấp chỉ có vài NXB sách văn học. Tác giả có thiên hướng tài năng được công bố tác phẩm phải theo tuần tự bất thành văn là: in chung với nhiều tác giả, tiến tới in chung cùng tác giả khác. Đến lúc định hình được giọng điệu thơ, các NXB mới duyệt cho in riêng. Bởi thế dù chưa đọc mà thấy có sách mới ra lò là độc giả đều ngầm hiểu cuốn sách thơ này không xoàng đâu. Thơ đã được in chí ít là “đọc được”. NXB chỉ cho xuất bản với một tiêu chí duy nhất là chất lượng tác phẩm, là đã được một hội đồng duyệt gồm các cây đa cây đề thơ. Thơ được in phải lọt từ lỗ sàng xuống lỗ nia, có khi còn từ nia phải lọt qua thêm lỗ vải mành nữa. Còn bây giờ? Điều kiện đầu tiên để thơ mình được in là tiền đâu. Tác giả phải có tiền, NXB phải có lãi.
Tóm lại là, thời bao cấp muốn in thơ phải có tài. Nay, thời thị trường cần in thơ phải có tiền. Trước đây NXB đã ít, rất ít nhưng cũng chỉ một số trong số NXB được phép xuất bản tác phẩm văn học. Nay thì NXB loạn xì ngầu, đều được phép xuất bản cả. Vẫn biết NXB nào cũng có Ban “chịu trách nhiệm xuất bản”, nhưng hầu như chỉ chú tâm chịu trách nhiệm pháp lý, không vi phạm qui chế Nhà nước. Miễn là tác giả chạy được giấy phép xuất bản, nộp tiền, có lãi là “ô-kê”. Tiêu chí chất lượng dễ dàng được lờ đi. Bởi thế mới có giai thoại bên lề Đại hội Nhà văn lần thứ VI (nhiệm kỳ trước) rằng một dãy phòng ngủ khách sạn nọ, sáng ra các đại biểu mở cửa phòng là thấy sách biếu “gửi” ngoài cửa. Thế vẫn còn đỡ (về chất lượng) bởi dù sao cũng của ai đó đủ tiêu chuẩn đại biểu. Với tôi thuộc loại được ít sách biếu nhưng cũng đã năm bảy lần phải nở nụ cười... buồn nhận những cuốn thơ giám đốc, thơ phường xã. Sau 25 năm biền biệt mới gặp lại ông anh là cán bộ thi đua, từ Lâm Đồng ra Quảng Trị dự lễ trao giải cuộc thi viết về Ngành (BĐ), anh tặng tôi tập thơ; đi tiếp ra Hà Nội công tác lại được thêm cuốn nữa của anh bạn Lịch sử - Truyền thống ở Bộ; trở về lại Huế thì thêm cuốn nữa của Hội đồng hương Hà Tây.
Tâm trạng phải bất đắc dĩ nhận những tập thơ phong trào, thơ quần chúng đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”, dễ đến chục năm có dư. Có được hạt lúa chắc thì NXB tung ra 9 hạt lúa lép tộn vào, che lấp nó đi, nhiễu loạn chất lượng. Giữa cái ma trận bùng nhùng như vậy làm sao bạn đọc tìm được thi ca đích thực. Mỗi năm tung ra hàng trăm tập thơ đủ loại như tung ra hoả mù. Vô hình dung các NXB góp phần “giúp” bạn đọc thêm dửng dưng, thờ ơ với “đọc”. Điểm lại các sách “bị biếu” này thấy đều của NXB Văn hoá dân tộc cả, tôi ngộ ra rằng NXB này là nơi dễ cho in văn-thơ nhất. Cũng là sách biếu, tôi thật sự trân trọng, vinh dự nhận từ tay anh Hải Bằng (lúc sinh thời) tập Thơ tình Hải Bằng, Mưa Huế; Gặp gỡ mùa gió chướng, Hoa hồng gió mặn, Trên những nẻo đường chiến tranh của Trần Nhật Thu, Mưa hai mặt của Nguyễn Khắc Thạch. Không được biếu thì tìm mua Bài thơ không năm tháng, Đề tặng một giấc mơ của Lâm Thị Mỹ Dạ để biết một tài năng sinh ra từ những bữa cơm tập đoàn hồi chiến tranh ở vùng sơ tán Phú Vinh; Những mùa trăng mong chờ để biết tài thơ của đứa em gái Lê Thị Mây có tuổi thơ nghịch ngợm cùng nhau ở xã cát Bảo Ninh. Tìm đọc của Nguyễn Trọng Tạo để tri âm thơ anh mà một thời đáng trân trọng anh sống ở Huế. Vẫn còn độc giả tìm đến thơ đấy chứ.
Đưa ra 2 cấp độ thơ như vậy là muốn nhắn gửi đến các nhà thơ chuyên nghiệp, đến Hội Nhà văn một góc nhìn khác nguyên nhân vì sao độc giả lãnh đạm với thơ (chứ quay lưng lại thì chưa hẳn). Mấy trăm nhà thơ hội viên và số trẻ sắp hội viên không những đủ mà còn thừa sức chiếm lĩnh thi đàn nhưng vấp phải con lươn bê tông “loạn xuất bản” ngáng trở trên con đường chinh phục lại bạn đọc. Có thể này được không: Cần một qui chế chặt chẽ, NXB chỉ được in hay xuất bản khi tập thơ đã có ý kiến của Hội đồng thơ (Hội Nhà văn), hoặc đã qua thẩm định của Hội đồng thơ cấp Tỉnh, Thành phố (thay cho thủ tục cấp giấy phép xuất bản). Còn việc công dân có quyền công bố thơ của mình thì Bộ Văn hoá cấp phép cho vài NXB và dán tem “Thơ tự chọn” (đại loại thế). Nghĩa là làm sao đó để sách thơ phát hành ra là bạn đọc hiểu được như thời bao cấp “đã được in thành sách tức tác giả đó đã có tài thơ”. S.T (197/07-05) |