Tạp chí Sông Hương - Số 197 (tháng 7)
Về một nơi không thể gọi tên
17:04 | 16/03/2009
ĐÔNG HÀTôi không sinh ra ở Huế, nhưng với tuổi đời chưa quá ba mươi mà đã hơn hai mươi năm sống ở đất Kinh thành, đó cũng một sự gắn bó không thành tên.

Quê tôi là một vùng đất nghèo chiêm trũng ở Quảng Bình, tuổi thơ theo cha mẹ khăn gói vào Huế từ ngày giải phóng, để từ đó biền biệt một nỗi quê như con nước không thể quay về. Lớn lên lại gửi cả một thời hoa mộng ở xứ Đông Hà đầy gió Lào cát trắng. Sáu năm ở Đông Hà không dài nhưng đủ khắc vào tôi nỗi ám ảnh về điều gọi là “thân phận”, và bắt đầu đa mang theo nghiệp văn chương.
Ôm những nỗi niềm không tên đó, tôi một mình quày quả quay lại Huế, nơi tôi đã khóc rất nhiều khi cô bé con bị cha mẹ kéo lên xe trở về Đông Hà xây dựng quê hương  theo lời hiệu triệu của Tổ quốc. Để bây giờ, khi ngồi gõ những dòng này, vẳng bên tai tôi, những hồi chuông nhà thờ Phủ Cam đang ngân nga đổ giọng, như tiếng gọi cứu rỗi những con chiên ngoan của Chúa quay về. Lại bâng khuâng về một điều sâu thẳm, rằng nơi nào là tiếng gọi quê hương? Khi mà trong tôi, quê hương là nơi tôi sinh ra, là nơi tôi lớn lên, cũng là nơi ngày ngày tôi đang tha thiết sống?
   
Ngày trước, mỗi lần đi đâu, khái niệm quê hương của tôi trong mắt bạn bè cả một dải miền Trung này đều chỉ được gọi tên là “Huế”, không phân biệt nổi đâu Quảng Bình, Quảng Trị. Nên mặc nhiên, tôi cũng thành “người Huế”, nghiễm nhiên được có những đặc tính của một cô gái Huế. Trong những trang viết đầu đời của mình, tôi mượn Huế làm quê hương bởi trong trí tưởng ngây ngô, tôi cứ nghĩ rằng, nàng thơ thì phảiyểu điệu thục nữ”, hơn ai hết, Huế lại thục nữ vô cùng. Nhiều người đã nhầm tôi là người Huế cũng từ sự ngây ngô ấy.
Bốn năm đèn sách ở xứ kinh thành, không hiểu trời xui đất khiến thế nào tôi lại trở nên thân quen với vùng đất này đến vậy. Bạn bè tôi  mượn nơi đây làm nơi trú ngụ cho mỗi chuyến đi về. Tôi trở thành “trạm” đón tiếp, lâu dần chết tên, trở thành một địa danh có thực tồn tại giữa lòng cố đô. Đôi người lại ngạc nhiên, sao em lại là Đông Hà chứ không phải là ai khác? Chỉ một người biết tại sao tôi lại là Đông Hà thì giờ đây biền biệt, xa tít mù khơi không một lời động vọng. Tôi chỉ ở Đông Hà có sáu năm, còn ở đây, hai mươi năm có lẻ”.

Giờ tôi đã là cô giáo, ở một ngôi trường cổ kính, đôi lúc tuổi của cây còn nhiều hơn tuổi của bao lớp học trò cộng lại, vậy mà đi giữa thênh thang thấy mình già cỗi còn hơn cây. Nhớ câu thơ ngày xưa “Thầy vẫn thế ngày ngày đến lớp/ đường lên lầu trăm bậc không hơn/ khi tới lên cao ra về xuống thấp/ đời vui theo mỗi bước thăng trầm”. Tôi giờ cũng vậy, mỗi bước cầu thang như một cuộc leo dốc, triền miên, vô tận, chỉ sợ mình thành Sysyphe ôm tảng đá leo dốc, ôm mãi đến tận cùng của niềm tuyệt vọng, biết đâu một đóa hồng đang hồi hộp đợi tình nhân? Sợ mình bị bỏ quên, cũng như đã từng quên”.

Khi còn là một bé con, tôi sớm nhận ra sự khác biệt của mình với lũ bạn bè láu táu. Như con nước sớm tách dòng, một mình lặng lẽ trôi xuôi, mà cuộc ra đi sớm này đâu dễ dàng đến đích, cứ đi mãi nào tìm được lối ra. Để rồi cũng như bao tâm hồn nhạy cảm khác, tôi tập làm thơ, bắt chước làm thơ, cứ như phải làm thơ, không ý thức được đây là một cuộc hành trình đầy nỗi đau của bao phận người gom góp lại. May mắn (hay không may mắn?), đó là những câu thơ buồn của bao nỗi lòng thiên hạ, nên được sự đồng điệu của những tâm hồn thơ, đó cũng chính là sự dìu dắt đầu đời dành cho một bé con tập làm người lớn. Nhà thơ Hải Bằng có câu thơ dễ chết: “không buồn thì không có thơ hay”, làm thơ không ai muốn thơ mình dở, nên buồn như tiền kiếp, từ thuở khai thiên lập địa đã biết buồn, cũng chính từ những câu thơ buồn rứt ruột đó, thiên hạ lại có dịp dòm dỏ, ngó nghiêng. Nên không những chỉ buồn như thân phận, mà còn đau, bởi tiếng thị phi đời.

Sự khởi đầu của tôi là những bài thơ, vậy nhưng “duyên đầu” của tôi với Sông Hương lại là một truyện ngắn. Một truyện ngắn rất bình thường, đầu tay, nhưng cũng gây ra sự chú ý cho bạn bè, bởi theo họ, nó mang màu sắc của  “chủ nghĩa hiện sinh”, khi mà xung quanh, bạn bè đang viết những điều thơ và mộng, thì tôi đã sớm buồn (trước tuổi) những điều (dự cảm) có thật về cuộc sống. Chẳng biết lý giải thế nào. Chỉ biết rằng có một thời, ở Huế, cây bằng lăng nào nở trước nhất, cành phượng nào màu “thương” nhất, gốc sầu đông nào tím đến nghẹt thở, tôi như là người biết trước tiên trong mỗi độ chuyển mùa. Nhưng sự nhạy cảm không dừng ở đó. Nếu dừng ở đó, tôi đã trở thành người lãng mạn với một trời hoa mộng, và yên ổn với những bâng khuâng nhẹ nhàng cần thiết cho một tâm hồn nữ nhi. Cái nhạy cảm trong tâm hồn tôi đã trượt vào vùng nghiệt ngã. Ở đó, tôi thấy những nỗi buồn cuộc sống cứ hiển hiện theo về, để rồi  đêm đêm chà xát cả một vùng tâm linh. Và nhắc nhủ rằng tôi phải viết. Nhiều lúc, tôi muốn tất cả hãy dừng lại, rằng trò chơi đã đến hồi kết thúc, nhưng đây là một trò chơi đã được cài đặt theo một chế độ mã hóa, mà tôi, kẻ đãng trí, lại trót quên chìa khóa mã của riêng mình, nên biết rằng, không bao giờ mình thoát khỏi trò chơi ngày bé lỡ mang mình nhập cuộc.

Bây giờ, hình như tôi là người Huế, nhưng Huế theo, không phải Huế dòng. Ngày ngày vẫn đi về trên những con đường thơ và nhạc mà ai xa Huế cũng phải xốn xang. Sống trong những màu sương bảng lảng, trong sự mơ màng huyền hoặc khói sương. Và dĩ nhiên, vẫn đảm trách phần việc của người ở lại, là đón đưa những chuyến tàu phương xa vào bến. Thi thoảng, lại làm kẻ vỗ về người ra đi bằng cách yêu giùm thiên hạ những điều gọi là “Tính cách Huế”. Lâu riết, thấy Huế thấm vào mình lúc nào không hay.

Chưa đủ ba mươi tuổi đời, mà hơn hai mươi năm ở Huế. Hai mươi năm sau, hai mươi năm sau nữa, tôi có trở thành một người Huế thực thụ không? Điều đó tôi không biết. Nhưng có một điều chắc chắn rằng , nơi tôi ngày ngày  tha thiết sống, vẫn là một thành phố đầy hoa trái xanh tươi, có tình yêu, có bạn bè, có tất cả những điều bình thường giản dị, cả những nỗi đau giúp mình lớn dậy thành người. Thế thôi.
            Huế, 1/6/2005
                   Đ.H
(197/07-05)

Các bài mới
Fóc kiêu ngạo (19/03/2009)
Đi tìm anh (18/03/2009)
Các bài đã đăng