Tạp chí Sông Hương - Số 197 (tháng 7)
Ghi chép tại “bàn tròn” về công tác lý luận phê bình mỹ thuật
09:05 | 17/03/2009
VIỆT HÙNGCông tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật đang là mối quan tâm lo lắng của giới chuyên môn, cũng như của đại đa số công chúng, những người yêu văn học nghệ thuật. Tình trạng phê bình chưa theo kịp sáng tạo, chưa gây được kích thích cho sáng tạo vẫn còn là phổ biến; thậm chí nhiều khi hoặc làm nhụt ý chí của người sáng tạo, hoặc đề cao thái quá những tác phẩm nghệ thuật rất ư bình thường, gây sự hiểu nhầm cho công chúng.

Đối với mỹ thuật, trong nhiều năm qua, công tác lý luận phê bình vẫn bị xem là “dậm chân tại chỗ”, do có một thời gian dài chúng ta quá đặt nặng nội dung mà xem nhẹ hình thức, trong khi bất cứ nội dung nào cũng đều chứa đựng hình thức, và ngược lại. Bên cạnh đó, nhiều quan điểm nghệ thuật cứng nhắc, đã trở thành lối mòn mà chậm được thay đổi, gây nên hạn chế trong việc tiếp cận các trào lưu nghệ thuật của thế giới đương đại. Việc phê bình thì cứ phê bình, sáng tạo thì cứ sáng tạo, mạnh ai nấy làm, thiếu sự gắn kết với nhau vẫn đang tồn tại. Môi trường nghệ thuật thiếu sức lan toả cho công chúng, ví dụ tranh treo tại các galery thì hầu như bị “đóng khung” trong một không gian chật hẹp, bởi người thưởng ngoạn rất thưa thớt. Nhiều cuộc triển lãm tranh, trong đó có những lần được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, song cũng chỉ rầm rộ trong ngày cắt băng khai mạc; những ngày tiếp theo dần dần rơi vào không khí trầm mặc và quên lãng. Vậy thì rõ ràng, vai trò cầu nối giữa người sáng tạo với công chúng của những nhà lý luận phê bình đang còn nhiều khoảng trống. Một ví dụ nữa là, ở Huế đã ba lần mở trại sáng tác điêu khắc quốc tế; số tượng để lại tại các công viên là khá nhiều, và mang đầy đủ phong cách điêu khắc hiện đại của các châu lục, nhưng vớI công chúng thì vẫn cứ thờ ơ; một phần vì họ chưa hiểu hết, chưa đánh giá hết giá trị nghệ thuật của nó, và đang cần một sự định hướng về thẩm mỹ nghệ thuật. Đối với vấn đề giữa bản sắc dân tộc và tính hiện đại thì, cả người sáng tạo lẫn người phê bình hình như vẫn đang gặp nhiều lúng túng.

Nhằm đẩy mạnh công tác lý luận phê bình nghệ thuật trong những năm trước mắt, cần phải có những cuộc hội thảo khoa học về vấn đề này. Để tiến tới một cuộc hội thảo lý luận phê bình mỹ thuật mang tính toàn quốc, Hội Mỹ thuật Việt chủ trương mở một số cuộc toạ đàm tại một số tỉnh, thành. Cuộc toạ đàm diễn ra ở Huế trong tháng 6 vừa qua là cuộc toạ đàm thứ hai, sau cuộc toạ đàm ở thành phố Hồ Chí Minh; tiếp theo sẽ đến Hà NộI và một số địa phương khác.

Tại Huế, những ý kiến phát biểu trong toạ đàm đã nêu bật vấn đề, công tác lý luận phê bình mỹ thuật lâu nay rất ỳ ạch, chậm đổi mới; hầu như chưa tìm được lối ra, chưa tiếp cận được với phong cách hiện đại. Trong phát biểu đề dẫn của phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Đỗ Bảo, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Mỹ thuật Việt đã nhấn mạnh: Cần phải hiện đại hoá lý luận văn nghệ và đổi mới tư duy lý luận; vận dụng lý luận cho phù hợp với thời đại. Trong tiến trình hội nhập quốc tế về văn học nghệ thuật, giao lưu học tập cái mới, chúng ta phải sẵn sàng tiếp cận tất cả các trào lưu nghệ thuật của thế giới, song không nên bắt chước nguyên vẹn hoặc mô phỏng của họ. Đối với nghệ thuật thì mối quan hệ giữa hình thức và nội dung phải phù hợp với quan niệm mới, không thể xem nhẹ hình thức mà phải đặt nó ngang bằng với nội dung. Những nhà lý luận phê bình cũng phải tự tìm con đường đi cho riêng mình, không nên lệ thuộc hoàn toàn vào người sáng tạo.

Nhà nghiên cứu văn học Bửu Ý cho rằng: Lý luận và phê bình không phải đi liền mà có thể là hai con đường khác nhau, và sáng tạo lại có con đường đi riêng của nó. Sáng tạo phải luôn đi đầu. Theo ông, sáng tác văn học nghệ thuật của Việt tiến chậm so với thế giới, một phần do công tác lý luận phê bình của chúng ta đặt quá nặng những vấn đề to tát, làm chùn bước tiến của nhiều cây bút sáng tác. Một số cây bút lý luận chỉ chờ chực để cho những lời răn đe, gây tác động ngược đến sáng tác. Lý luận phê bình phải có tác dụng gợi mở, muốn vậy những người làm công tác này cần có tấm lòng rộng rãi với nghệ thuật. Để mở rộng môi trường nghệ thuật đến với công chúng, vai trò quan trọng thuộc về các nhà phê bình, giúp cho công chúng hiểu được cái đẹp của nghệ thuật. Ngoài ra, ông còn đề cập đến trách nhiệm của các nhà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đối với các văn nghệ sỹ, chẳng hạn như mỗi địa phương cần có quỹ riêng để mua tranh, vừa để lưu giữ các tác phẩm đẹp, vừa để động viên các hoạ sỹ.

Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Phan Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế quan niệm, hoạt động lý luận phê bình nghệ thuật không chỉ đóng khung cho những người chuyên làm công tác này, mà còn dành cho nhiều người yêu nghệ thuật. Theo anh, sự trung thực, chính xác của công tác phê bình là rất quan trọng, bởi ngay trong giới chuyên môn, đã từng xuất hiện những bài tán dương gây hiểu nhầm, tai hại cho công chúng đối với một tác phẩm hoặc một cuộc triển lãm rất bình thường. Điều này còn diễn ra trong việc chấm một số giải thưởng mỹ thuật, có những giải gây bất ngờ tranh cãi, có những tác phẩm được giải lại na ná một tác phẩm nào đó đã có sẵn, trong khi có những tác phẩm đẹp lại không được giải. Công tác lý luận phê bình không thể giải quyết sự thiếu hụt trong vòng 5 - 10 năm tới mà phải dài hơi hơn, vì việc phát triển nó ngay trong các trường đào tạo chuyên ngành cũng còn nhiều hạn chế. Phải quan tâm thấu đáo việc đầu tư xây dựng đội ngũ làm công tác này, bởi trong sáng tác dẫn đầu về cái mới đã khó, đối với lý luận phê bình thì còn khó hơn. Anh còn đề xuất, với các nhà phê bình, cần sớm có ý kiến phản hồi về các hoạt động mỹ thuật đang gây tranh cãi.

Hoạ sỹ Hải Yến, Chi hội trưởng Chi hội Lý luận Phê bình của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, sự thay đổi đến chóng mặt trong sáng tác buộc lý luận phê bình phải thay đổi theo. Trong bối cảnh giao lưu như hiện nay, đòi hỏi công tác lý luận phê bình càng phải có đường lối chủ đạo, có nền tảng vững chắc. Khi nói về bản sắc dân tộc trong sáng tác, chị đánh giá, đó là vấn đề rất trừu tượng, nhiều hoạ sỹ quan niệm cứ phải có luỹ tre làng, có đồng ruộng hay con trâu, con cò trong tác phẩm mới là bản sắc dân tộc. Quan niệm như thế quả là thô mộc; đây là công việc cần có sự mở đường của các nhà lý luận.

Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền, người đã ba lần phụ trách trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Huế cho rằng, mỗi lần mở trại là mở được cánh cửa giao lưu nghệ thuật với thế giới. Việt đã có sáu lần mở trại điêu khắc quốc tế, song những bài viết về nó thì chưa tương xứng, thậm chí còn chưa đúng, chưa đủ khả năng dẫn dắt, định hướng cho công chúng về nghệ thuật.

Ý kiến của các hoạ sỹ: Trương Bé, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam; Nguyễn Hùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật; Nguyễn Văn Hải, giảng viên bộ môn lý luận phê bình mỹ thuật đều có những điểm chung là, các nhà lý luận phê bình phải tự coi mình là người bạn đường đi cùng với sáng tạo; nhiều tác phẩm nghệ thuật nếu không có các nhà phê bình thì khó đến được với công chúng; sáng tạo nếu không gắn kết được với lý luận phê bình thì sẽ rất lẻ loi.

Nhìn chung, để đổi mới công tác lý luận phê bình mỹ thuật, các nhà chuyên môn đều nhận định: lý luận phê bình phải có tính định hướng, gắn liền với hoạt động xã hội tư tưởng thời đại, và đổi mới theo khuynh hướng dân tộc - hiện đại - nhân văn.

V.H
(197/07-05)

Các bài mới
Fóc kiêu ngạo (19/03/2009)
Đi tìm anh (18/03/2009)
Các bài đã đăng