Mãi mãi thương nhớ Thái Ngọc San
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Một tuổi trẻ bất khuất trong những năm thành phố xuống đường. Một cây bút can trường của báo Thanh Niên. Một tấm lòng thuỷ chung đối với bạn bè. Thái Ngọc San đã sống đầy nhân phẩm trong một quãng đời đã qua đi thật vội vàng. Tôi mãi mãi nhớ anh Thái Ngọc San H.P.N.T Thái Ngọc San những dấu ấn khó quên
NGUYỄN XUÂN HOA
Giữa những năm 1960-1970, trong sự chuyển mình âm ỉ của các đô thị miền Nam, ở Huế đã xuất hiện những ấn phẩm văn nghệ lưu hành “bán công khai” mang xu hướng phản kháng chế độ Sài Gòn của một số cây bút trẻ, công khai hoặc ngấm ngầm cổ vũ cuộc đấu tranh chống xâm lược, khóc than về cuộc sống tủi nhục ở miền Nam, khao khát hướng về cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh đó, lớp học sinh sinh viên chúng tôi đã chuyền tay nhau những bài thơ đầy tâm huyết của Trần Quang Long, Phan Duy Nhân... Trong số những ấn phẩm chuyền tay, chép tay đó, tôi tình cờ nhận được một số tờ báo in ronéo mỏng manh, với tên gọi “Mặt Đất”. Báo chỉ in toàn những bài thơ ngậm ngùi nói về thân phận con người, với những con đường khô cây, những nụ cười núp dưới manh áo rách, những mặt người buồn như gã câm... Những bài thơ giọng điệu khác hẳn với lối thơ của Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa... rất thời thượng lúc bấy giờ.
Ấn tượng đặc biệt nhất là cuối tập có những dòng ghi đại ý: Ngoài những bản thường còn có ba bản đặc biệt, một bản để đốt trên đồi Blao, một bản để chôn ở bãi biển Nha Trang, một bản để đọc cho giun dế nghe (chừng như ở Lâm Đồng, Đà Lạt?). Độc đáo nhất là dòng chữ in đậm “Cấm trích dịch, đăng lại dưới mọi hình thức ở miền Nam Việt
”. Lúc bấy giờ trong vùng bị tạm chiếm, cụm từ “miền Nam Việt nam” chỉ duy nhất có ở tên gọi Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Những dòng ghi chú mang tính phản kháng chế độ Sài Gòn đã gây ấn tượng rất kỳ lạ. Lạ hơn nữa là ấn phẩm còn ghi rõ tên hai người chủ biên: Nguyễn Đức Sơn và Thái Ngọc San. Nguyễn Đức Sơn lúc bấy giờ đã xuất hiện trên một số mặt báo ở Sài Gòn. Còn Thái Ngọc San là ai? Cái tên Thái Ngọc San đã đến với tôi và khắc đậm ấn tượng khó quên từ đó.
Thời kỳ 1970-1972, khi phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam dâng cao, những cuộc xuống đường đấu tranh chống Mỹ ở Huế nổ ra liên tục, khuôn mặt một số văn nghệ sĩ gắn bó với phong trào sinh viên học sinh như Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San... đã khá quen thuộc. Thái Ngọc San lúc bấy giờ là anh chàng cao cao, tóc xoắn, thường mang cà vạt, đi cặp kè với Lê Văn Ngăn và hay ngồi tán gẫu với anh em ở quán cà phê Tổng hội Sinh viên Huế (22 Trương Định). Thái Ngọc San hình như không thuộc một phân khoa nào của Đại học Huế, nhưng luôn có mặt trong các cuộc xuống đường đấu tranh với sinh viên và nhóm Mặt trận Bảo vệ Văn hoá Dân tộc – một tổ chức biến tướng của Thành uỷ Huế mà chúng tôi có trách nhiệm ngấm ngầm hổ trợ. Bấy giờ những bài thơ của Thái Ngọc San đã mang hơi thở hừng hực của trận địa đường phố: Đã đến giờ chúng ta hành động Nầy anh em Nơi nào có bạo quyền Chúng ta tới. Anh vác loa đi đầu Tôi cầm biểu ngữ theo sau Nơi nào có tù ngục Chúng ta tới (Đã đến giờ chúng ta hành động)
Và hành động thơ quyết liệt nhất gây ấn tượng với tôi là bài thơ in ronéo trên tập giấy có tờ bìa màu đỏ thắm của Thái Ngọc San, bài thơ “Lòng ngưỡng mộ” phát công khai trong một buổi xuống đường, đanh thép như một lời tuyên chiến giữa đô thị miền Nam, công khai xác nhận thế đứng của lớp nhà thơ đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm: Gởi hy vọng cho người về đêm tối qua một dòng sông Hút mù như đóm sao băng Gởi lửa cho anh đốt cháy phi trường Gởi đạn cho anh phá trại tù binh Lòng ngưỡng mộ về rừng, gởi lá cờ xanh trên cửa phố Gởi vinh hiển cho người lăn vào chiến xa Gởi lúa ngô mẹ già cho người kháng chiến. Thái Ngọc San là như thế đó: mãnh liệt-hồn nhiên- và đầy trực tính. N.X.H
Hai kỷ niệm trong năm với Thái Ngọc San
LÂM THỊ MỸ DẠ
Sáng mồng một tết năm nay, tôi dậy sớm. Bỗng nghe ở cổng có tiếng ai gọi, nhìn ra thấy anh Thái Ngọc San. - “Ôi, điềm may mắn trong năm cho gia đình tôi”. Tôi thầm nghĩ, rồi ra mở cổng. Vẫn khuôn mặt xương xẩu khắc khổ, Thái Ngọc San bước vào nhà tôi với nụ cười tươi rói, cả mắt anh cũng cười. Anh rút 3 phong bì lì xì mừng tuổi cho bà ngoại, anh Tường và tôi. Rồi nói to: -năm nay mình quyết tâm dậy sớm lên đạp đất nhà ông bà. Rồi anh cười khì khì, tỏ vẻ hài lòng, rồi anh nâng ly chúc bình an cho gia đình chúng tôi. Anh San là người như vậy, luôn quan tâm đến người khác nhưng chẳng để ý gì đến mình
Bẵng đi một thời gian không gặp anh San. Một buổi trưa, tôi nghe có tiếng điện thoại reo- rồi giọng anh vui vẻ:- Ông bà chuẩn bị đón khách quý nghe. Mình sắp đưa đoàn lên đây. Đoàn khách gồm có vợ chồng anh Hoàng Ngọc Biên từ Mỹ về, nhà thơ Đỗ Trung Quân và một người em của vợ anh Biên. Hoàng Ngọc Biên là cháu của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sau bảy năm bị bệnh, đây là lần đầu tiên hai chú cháu gặp nhau, cuộc gặp gỡ ấm áp, cảm động kéo dài gần hai tiếng. Sau đó đoàn chia tay anh Tường để đi chơi thuyền trên sông Hương. Tôi cùng đi với đoàn. Vừa xuống đò, bia rượu và thức nhắm mới bày ra, Thái Ngọc San cũng bày luôn điệu Boléro ra ca hát. Thế là chẳng ai ăn uống gì, thi nhau hát Boléro. Tôi ít thấy ai thuộc các ca khúc theo điệu Boléro như Đỗ Trung Quân, Doanh Doanh và Thái Ngọc San. Họ hát say sưa, gương mặt ngời ngời. Đó là một đêm ấm áp, hạnh phúc trong năm của tôi. Không ai nghĩ rằng chỉ sau hơn một tháng, anh đã bỏ chúng tôi mà đi. Anh để lại vực nhớ thương thăm thẳm Cho vợ con cho tất cả bạn bè Còn đâu anh San “Mưa đêm ngoài phố” (*) Hát Boléro hồn hậu, say mê Anh San ơi, Dạ vẫn để dành chai rượu cho anh. Chai rượu hứa tặng anh mà anh chưa lấy. Biết khi mô anh trở về uống cốc rượu đó. Cốc rượu Lệ Thuỷ như tâm hồn anh nguyên chất trong veo. Đêm 25/7/2005 L.T.M.D
-------------------- (*) Tên một bài hát điệu Boléro
Thái Ngọc San - Cái tên của lòng nhân hậu
và khí phách
VÕ QUÊ
Tháng Bảy, mưa ngoi nam rơi trên thành phố Huế. Nhà thơ Thái Ngọc San, người anh em phong trào ra đi trong mưa, trong ngậm ngùi tiếc thương của biết bao người. Ngậm ngùi và tiếc thương bởi nhân cách sống của Thái Ngọc San đã để lại cho đời vô vàn điều quí báu, đáng trân trọng và ngợi ca. Trong phong trào đô thị miền Nam vào những năm 70, nhà thơ Thái Ngọc San đã là chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận đường phố. Cùng với bom xăng, thơ Thái Ngọc San ngời ngời ánh lửa chống bạo quyền, xâm lược. Thơ Thái Ngọc San thành vũ khí sắc bén bảo vệ những tình tự quê nhà yêu dấu trước làn sóng ngoại lai. Thơ Thái Ngọc San luôn là Nguồn Mạch Mới giữa lòng dân tộc với ước mơ cháy bỏng về hòa bình, về một ngày đất nước mình thống nhất. Trong báo giới từ sau 1975 đến nay, ngọn bút nhà báo Thái Ngọc San cũng sáng lấp lánh ánh thép. Trái tim nhân hậu của nhà thơ thường cháy lên nỗi Khát Vọng vô bờ về sự bình yên trong cuộc sống ngày thường của người dân. Những bài báo của Thái Ngọc San rất nhân văn khi trang trọng cái thiện và rất quyết liệt, không khoan nhượng khi đấu tranh đẩy lùi cái ác. Nhà báo Thái Ngọc San thường quan tâm đến những số phận không may mắn trước cuộc đời; quan tâm những gương sáng trong lao động, học tập nhưng lại bất hạnh, khó khăn, trở ngại trong xã hội. Khi vừa nghe tin nhà báo Ngọc Thảo Nguyên mới ra đi, chị bán báo bên đường Lê Lợi thương cảm: Rứa là dân Huế mất đi một nhà báo biết đấu tranh. Tiếc lắm! Thế là Thái Ngọc San đã về với Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ... Những nghệ sĩ tài hoa xứ Huế chắc chắn lại gặp nhau trong cõi vĩnh hằng. Sẽ không còn hình bóng một Thái Ngọc San bằng xương bằng thịt dưới những tàng cây Huế, bên những quán ven đường mỗi ngày ta gặp. Chỉ còn lại cái tên nhà thơ Thái Ngọc San, cái tên nhà báo Ngọc Thảo Nguyên trong tâm thức người người. Cái tên của lòng nhân hậu, của khí phách đang bền bỉ sống muôn thuở, muôn nơi. V.Q
Một người nhân hậu đã ra đi
TRẦN THUỲ MAI
0g45 phút ngày 25-7, anh Thái Ngọc San trút hởi thở cuối cùng trong phòng hồi sức cấp cứu Bệnh viện Huế. Bé Nhím, con gái anh, vuốt mắt cho anh trong tiếng khóc nấc: “Ba ơi, răng ba bỏ con mà đi”. Không chỉ mình Nhím, tất cả chúng tôi đều thấy anh bỏ cuộc đời mà đi vội vàng quá, tức tưởi quá. Chỉ vì một tai nan giao thông thật vô lý và vô duyên, trong nháy mắt, đã biến một con người mạnh mẽ, hữu ích trở thành một người bệnh thập tử nhất sinh, rồi cuối cùng chỉ còn một hình hài lạnh giá...
Anh San ơi! bao nhiêu công việc ngổn ngang còn chờ anh đó. Chuyện Festival nghề thủ công của Huế, chuyện nhà đất, tiêu cực... bao nhiêu người còn gửi gắm nơi anh. Chuyện cuối tháng bảy này đưa anh chị em thân hữu ở nước ngoài về Quảng Bình lập chương trình tín dụng để hỗ trợ đời sống chị em cựu thanh niên xung phong khó khăn, neo đơn... việc gì anh cũng lao vào với tất cả nhiệt tâm, không biết sợ phiền, sợ khó là gì. Việc gì cũng vì người, giúp người, còn bản thân mình thì xềnh xoàng,giản dị; chẳng đòi hỏi gì hơn cái niềm vui chiều ngồi với bạn bè, hát mấy bài bolero quen thuộc...
Trong đêm anh ra đi, chúng tôi không khỏi hồi tưởng những kỷ niệm mà anh để lại trong mấy mươi năm sống. Chúng tôi nhớ những bài thơ anh đã viết trong những ngày tháng đấu tranh trước 1975, trong lòng phong trào đô thị miền Nam; những ngày anh làm tạp chí Sông Hương; những ngày làm báo, tả xung hữu đột, đương đầu với bao nhiêu gian nan vất vả chỉ để thực hiện cái mơ ước một đời: chiến đấu với cái tham lam, giả dối, để bảo vệ những ước mơ, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Lại nhớ mỗi lần cuối năm, anh luôn lo tính làm sao cho bằng hữu neo đơn, khó khăn có tiền ăn tết. Những anh em chưa nhận nhuận bút, anh bớt phần mình để bạn kịp mua sắm tất niên. Cuộc đời ai cũng có lúc thăng trầm, nhưng lúc nào chúng tôi cũng có anh, người bạn trung tín, độ lượng và luôn thấu hiểu; một người bạn lớn mà ta không bao giờ sợ mất, dù trong những phút giây gian khổ nhất.
Nhưng bây giờ chúng tôi đã mất anh. Huế đã mất anh. Cuộc đời này đã mất anh. Đau đớn biết bao khi phải nói lời vĩnh biệt với một con người có một bản lĩnh sống như thế, có một tấm lòng nhân hậu với cuộc đời như thế. Anh nhận được rất nhiều hoa và nước mắt, bởi vì anh đã cho đi nhiều như thế trong suốt cuộc đời mình. Linh hồn anh, trung trực và mạnh mẽ, xin hãy phù hộ cho những ai vẫn đang cần đến sự giúp đỡ của anh! T.T.M
Thương tiếc nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San
NGUYỄN HOÀNG THU
Sau khi đi thăm Thái Ngọc San tại phòng cấp cứu hồi sức Bệnh viện trung ương Huế, vừa trở lại thành phố Buôn Ma Thuột được vài ngày, tôi đau lòng nghe tin anh mất vào lúc 5 giờ sáng ngày 25-7-2005. Các bác sĩ, bạn bè văn nghệ, đồng nghiệp báo chí gần xa và đặc biệt Ban biên tập Báo Thanh Niên đã hết sức hết lòng tận tình chữa trị, nhưng đã không cứu được Thái Ngọc San trước vết thương quá hiểm nghèo nơi đầu do một tai nạn giao thông tại thành phố Huế. Nhận tin buồn, tôi đứng lặng và rơi nước mắt. Tôi đã mất người bạn thân một thời cùng viết văn làm thơ yêu nước chống xâm lược Mỹ trước năm 1975. Tôi mất người bạn đã sống cùng nhau tại Sài Gòn, Qui Nhơn, Nha Trang... vào những năm tháng lận đận lao lung trốn tránh từng cuộc truy lùng của cảnh sát và quân cảnh chế độ cũ. Từ năm 1967 đến năm 1969, Thái Ngọc San đã 3 lần bị bắt lính và 3 lần đào ngũ, nhất quyết không cầm súng của chế độ Sài Gòn, tiếp tục làm thơ đấu tranh cho đến năm 1972 từ thành phố Huế anh thoát li lên căn cứ cách mạng và được đưa ra miền Bắc. Tôi nhớ mãi bài thơ “Máu chúng ta một rừng biểu ngữ” của Thái Ngọc San đăng trên tạp chí Trình Bầy số 1 xuất bản tại Sài Gòn năm 1970, đã bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ ra lệnh tịch thu và truy tố ra toà. Đó là bài thơ âm vang hào hùng đầy khí khái đấu tranh chống xâm lược Mỹ và chế độ quân phiệt độc tài. Tại thành phố Huế thời sinh viên học sinh đấu tranh, Thái Ngọc San đã cùng Võ Quê xuất bản chung tập thơ “Nguồn Mạch Mới” do Tổng hội sinh viên Huế ấn hành năm 1971. Sau năm 1975, tập thơ “Khát Vọng” của Thái Ngọc San chất chứa tình người tình đất nước được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Anh đã nhiều năm làm Thư ký toà soạn tạp chí Sông Hương, nhiệt tình và gắn bó hết lòng với công việc để góp phần lớn nâng tờ tạp chí văn học nghệ thuật của địa phương lên tầm cao của cả nước... Từ năm 1991 đến năm 2005, đại diện cho Báo Thanh Niên tại Thừa Thiên-Huế, anh đã viết hàng trăm bài báo đấu tranh chống tiêu cực và kêu gọi sự giúp đỡ đến với những hoàn cảnh khó khăn cay cực với bút danh Ngọc Thảo Nguyên. Cuộc đời Thái Ngọc San, dù với tư cách nhà thơ hay nhà báo, anh luôn sống trung thực, đầy đặn trách nhiệm với xã hội, nặng tình bạn và tình người. Anh không bon chen danh lợi cho mình. Thái Ngọc San và tôi cùng sinh năm 1947, cùng có những lận đận trước năm 1975, cả những năm cuối thập niên 80... anh không còn ở tạp chí Sông Hương rồi cùng nhau làm phóng viên Báo Thanh Niên từ năm 1991. Chúng tôi thân thiết với nhau nhưng ít khi được gặp. Thái Ngọc San ở Huế, còn tôi ở Đắk Lắk. Thỉnh thoảng tôi gởi cho San rượu đặc sản Tây Nguyên, còn anh gởi cho tôi tôm chua và rượu làng Chuồn của Huế. Những lần ngồi với nhau bên chai rượu, tại Huế hoặc Buôn Ma Thuột, khuôn mặt phong trần khắc khổ mà nhân hậu của Thái Ngọc San có lúc nhìn xa xôi như tiếc nuối thời gian qua nhanh mà mình chưa làm được gì nhiều cho cuộc đời. Tôi nghĩ anh đã sống khí khái, chân thật, có tình với cuộc đời, không mưu cầu lợi danh, không hại ai và không chối từ người cần giúp đỡ; bấy nhiêu cũng đủ một đời đáng sống. Thương tiếc Thái Ngọc San, một người bạn thân, một đồng nghiệp gần 40 năm qua, tôi tin anh yên nằm thanh thản với những gì mình đã sống qua, sống đẹp, bằng nhân cách của một nhà thơ và nhà báo. TP. Buôn Ma Thuột, 25-7-2005. N.H.T
Nhớ Thái Ngọc San
NGUYỄN QUANG HÀ
Thời kháng chiến chống Mỹ, ở trên rừng, báo Cờ giải phóng và báo Cứu lấy quê hương luôn luôn có chung một toà soạn. Những ngày sôi nổi nhất ở toà soạn là những ngày từ Huế chuyển lên tập ảnh của sinh viên Huế xuống đường, kể chuyện sinh viên tranh đấu và đọc những trang thơ nóng bỏng viết ngay trong phong trào sinh viên. Trong số những tác giả thơ ngày ấy chúng tôi được biết tên là Trần Hoài, Võ Quê, Trần Phá Nhạc, Lê Văn Ngăn, Trần Vàng Sao, Trần Quang Long và Thái Ngọc San. Bài chúng tôi thích nhất của Thái Ngọc San là bài “Tiếng gọi thanh niên”. Trong đó có những câu nóng bỏng nhiệt huyết bốc lửa từ trái tim hồng: “Ta là người thanh niên Việt Nam Trong bão lửa ta lớn lên Trong nhọc nhằn ta đi tới Ta lấy khổ đau làm khí giới Thân xác ta là đất đá nghìn năm Mang hồn thiêng sông núi Trái tim ta là biển là rừng Bất khuất những cơn gió không ngừng thổi”...
Không ngờ thơ trong phong trào sinh viên thành phố Huế đã truyền lửa cho chúng tôi. Chúng tôi cầm súng ra chiến trường đã là dũng cảm. Song cuộc đấu tranh ngay trong vùng tạm chiếm, dám đối mặt với kẻ thù, sự dũng cảm ấy đáng ngưỡng mộ biết bao. Thơ Thái Ngọc San là biểu tượng của sự đối mặt ấy. Sau này làm tạp chí Sông Hương, Thái Ngọc San là thư ký toà soạn. Không ngờ chúng tôi được ở cùng nhau. Cái lửa đấu tranh, nhiệt huyết tuổi trẻ của Thái Ngọc San không hề thay đổi. Phải nói lửa Sông Hương ngày ấy có lửa của trái tim Thái Ngọc San góp vào đó một phần xứng đáng. Bây giờ San ra đi đột ngột. Thương nhớ San biết nhường nào San ơi...! N.Q.H
THÁI NGỌC SAN Khát vọng *
Cuộc đời là những con đường không lặp lại Nên tôi chẳng dừng bước ở đâu Những cảnh tượng đi qua, đi qua rất mau Nhưng khát vọng, ước mơ không hề muốn tắt Tôi chẳng muốn giam chân dưới mái nhà chật Cuộc - đời- thường hay sự trễ nãi buồn tênh? Tôi cứ muốn bắt đầu như đứa trẻ mới làm quen Dẫu cuộc sống vẫn xưa như quả đất Tôi muốn hít thở đầy trong mỗi tích tắc Không để thời gian trốn chạy với mình
Ở trong từng khoảnh khắc của hành tinh Hàng triệu cái sẽ mất đi, hàng triệu điều sinh nở Những đổi thay và những tích tụ Trong tôi hưng phấn cứ traön đầy Tôi muốn ôm cả nhân loại trong tay Như ôm em với tình yêu ngọn lửa
Bầu trời rộng nhưng không rộng quá Lòng tôi còn rộng đến vô cùng Tôi hoà tan như hạt muối hoà tan Trong đại dương nghìn trùng sóng vỗ Có thể chỉ là ảo ảnh thôi - có thể Nhưng tình yêu không thể xa vời
Tôi biết thời gian chẳng sẽ đợi tôi Nên tôi cứ đi và đi mãi Sợ mai kia đôi chân mỏi Những buồn vui sẽ chết với cuộc đời
----------------------------- (*)Trích trong tập thơ “Khát Vọng” của tác giả
(198/08-05) |