Tạp chí Sông Hương - Số 198 (tháng 8)
Để cho Tây Nguyên được mãi bình yên
14:43 | 24/03/2009
NGUYỄN VIỆT              Ghi chépNhận được điện thoại của nhà báo Dương Hùng Phong, phóng viên Ban văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội (PTTH-HN), rủ tôi đi Tây Nguyên (TN) theo một chuyến công tác của chuyên mục "Vì an ninh tổ quốc" (VANTQ) thuộc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) mà anh là cộng tác viên. Lời rủ rê thật hấp dẫn, tôi nhận lời ngay, bởi tôi đã từng bôn ba gần khắp trong Nam ngoài Bắc, ấy vậy mà chưa một lần được dạo qua TN, mảnh đất chất chứa bao huyền thoại mà tôi vẫn mong có ngày được đặt chân đến.

Đúng hẹn, các anh vào đón tôi tại Huế. Trong đoàn ngoài nhà báo Dương Hùng Phong còn có nhà báo Chu Phong, phụ trách biên tập và anh Văn Thịnh, phóng viên quay phim của chuyên mục VANTQ thuộc VTV; nhà báo Xuân Trường, ban chuyên đề của VTV; và Việt Anh, lái xe của Bộ Công an, một chàng trai trẻ nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm cầm lái.

Qua ngã ba Huế, chúng tôi rẽ ngược lên đường Trường Sơn (TS), rồi theo QL14 chạy vào TN. Con đường TS thênh thang giữa bạt ngàn rừng núi, ầm ào tiếng xe chạy ngược xuôi đêm ngày. Chạy gần như song song với đường TS là đường điện cao thế Bắc - 500KV với những cột điện khổng lồ. Nhìn con đường thảm nhựa thênh thang vắt qua núi rừng trong nhịp sống sôi động, và hàng cột điện bề thế ngẩng cao đầu trên những sườn núi, không thể không nghĩ đến con đường mòn Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt. Cũng xe từng đoàn, cũng nguời hàng hàng lớp lớp, mà âm thầm luồn lách giữa rừng sâu heo hút. Có ồn ào chăng thì đó là những trận mưa bom bão đạn của quân thù hòng ngăn chặn hướng tiến công của những đoàn quân giải phóng.

Hết địa phận Quảng Nam, sang KonTum, mặc dù đang là tiết xuân mà đã thấy cái nắng, cái gió của TN mùa khô trong "Còn thương nhau thì về" của Nguyễn Cường thật không sai chút nào. Cả chặng đường dài suốt dọc KonTum, từ ĐắcGlei, qua Ngọc Hồi, Đắc Tô, Đắc Hà đến thị xã (TX) KonTum, mặc dù hai bên đường nhà cửa, đường, điện đã mang đến một sắc diện mới cho mảnh đất này nhưng dấu ấn khắc nghiệt của nắng gió mùa khô TN vẫn phủ một lớp bụi đất đỏ lên trên tất thảy. Có cảm giác màu xanh ở nơi này phải cạnh tranh vật vã với lớp lớp bụi đất đỏ để thể hiện sự tồn tại của mình. Đoạn ngang Đắc Tô - Tân Cảnh, anh Dương Hùng Phong chỉ ra xa trên sườn núi kể cho chúng tôi nghe về trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh, một chiến thắng góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của chiến trường TN. Rồi anh bảo: Từ đây, đi ngược lên dăm chục cây là đến ngã ba Đông Dương, nơi "một tiếng gà gáy trưa cả ba nước cùng nghe". Tôi nghĩ mà không dám nói thành lời: giá như được ngược lên dăm chục cây để tận tai nghe tiếng gà gáy nơi ngã ba ấy. Sau đúng 30 năm, giờ mới có điều kiện trở lại chiến trường xưa, nhà báo Dương Hùng Phong tỏ ra rất xúc động. Mỗi một địa danh ở TN  đều gợi cho anh nhớ về một kỉ niệm với đồng đội xưa mà trong đó không ít người đã ngã xuống và nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất này trước ngày toàn thắng của dân tộc.

Gia Lai hiện ra trước mắt chúng tôi cũng không kém phần nắng gió và cảm xúc, thậm chí còn đậm hơn KonTum nhiều. Xe vẫn chạy dọc theo QL14, từ huyện Chư Păh đến thành phố (TP) PleiKu, quang cảnh hai bên đường có phần trù phú và nhộn nhịp hơn. Khi ráng chiều đã đỏ đậm, cái lành lạnh của cao nguyên cũng đậm hơn lên, và TP PleiKu hiện ra xa xa phía trước, mỗi người chúng tôi lại có một cảm xúc riêng. Nhà báo Chu Phong nhắc ngay đến trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Tây Nguyên - Miền Trung, tức E20 (trong đó có tiểu đoàn I (D1) là đơn vị hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND) của Cục Cảnh sát bảo vệ & Hỗ trợ tư pháp (CSBV & HTTP) thuộc Bộ Công an. Đó là cái đích của chuyến đi công tác này cho chuyên mục VANTQ sắp tới của anh. Nhà báo Xuân Trường lại nhắc đến một số nhân vật trong một sêry phim tài liệu của anh làm trước đây, rồi nói như chỉ nói với mình: có thể bây giờ họ vẫn còn sống ở PleiKu. Còn Dương Hùng Phong lại nhắc đến chiến thuật của ta khi chuẩn bị mở màn chiến dịch TN: dùng mấy chiếc xe tăng kéo cành cây chạy lui tới suốt cả tuần trên núi, làm bụi đỏ bay mù trời để nghi binh là ta đang tăng cường quân cho trận đánh mở màn mùa xuân 1975 là ở KonTum và PleiKu. Tôi cười: chiến thuật của Gia Cát Lượng đánh lừa Tư Mã Ý từ trước Công Nguyên ba trăm năm mà vẫn còn đắc dụng ở gần cuối thế kỉ XX! Dương Hùng Phong bảo: binh thư của Tôn Tẫn cũng vậy. Nhưng vấn đề là cũng với những binh pháp ấy, cha ông ta ngày xưa như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... và thời đại Hồ Chí Minh chúng ta ngày nay, đã biết áp dụng mỗi nơi, mỗi lúc một cách rất sáng tạo trong thực tiễn của chiến tranh nhân dân. Mải chuyện, phút chốc TP PleiKu đã hiện ra trước mắt chúng tôi.

Tôi không ngờ TP cao nguyên này lại rộng lớn đến vậy. Nhà cửa cao tầng, đường xá thênh thang chạy theo những hàng đèn đường giăng giăng như mắc cửi khắp cả một vùng rừng núi. Tôi quay qua Dương Hùng Phong, hỏi: "Ông thấy có khác gì nhiều so với 30 năm trước"? Dương Hùng Phong dường như rất xúc động, anh nuốt khan một cái rồi mới thong thả: "Khác nhiều chứ. Kể cả khi các mũi tiến quân của ta chưa đánh tới đây, tức là trước tháng 3/1975, thì TP này cũng còn heo hút lắm. Lúc các đơn vị lính ngụy Sài Gòn được tăng cường về đây để phòng thủ ta đánh chiến dịch Xuân - Hè, thì TP này e lính nhiều hơn cả dân đấy. Đâu có khang trang, bề thế và sung túc như bây giờ". Cả xe yên lặng như để chiêm ngưỡng TP cao nguyên lúc lên đèn. Con đường liên tục đổ xuống sâu hun hút rồi lại vọt lên cao vời vợi, làm tôi bất giác nhớ đến "Tây tiến" của Quang Dũng với "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống". Có cái gì đó thật đẹp trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc trên cả bình diện địa hình của đất nước mà ta không dễ gì so sánh. Phải chăng chính những vùng đất như thế này là minh chứng sinh động nhất cho "Đất nước" trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm khi ông viết: "Ôi, Đất nước 4000 năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta..."

Chúng tôi đến đại bản doanh của E20. Tiếp chúng tôi là trung tá trung đoàn trưởng Vũ Ngọc Riềm, nguyên là tiểu đoàn trưởng D1 anh hùng. Khác hẳn với mường tượng của tôi, rằng “CSCĐ thì chắc là "hắc xì dầu" lắm”, ngay từ phút đầu gặp mặt, anh Riềm đã thân mật hỏi chuyện anh em trong đoàn về chuyến đi và công tác của mọi người, tạo nên một không khí hết sức cởi mở, thân thiện như anh em trong nhà.

Làm việc với E20, các anh trong BCH cho chúng tôi biết khái quát về nhiệm vụ và tình hình hoạt động của đơn vị, đặc biệt là những hoạt động vừa chuẩn bị chào mừng kỉ niệm 30 năm giải phóng TN, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỉ niệm 60 năm ngày thành lập CANDVN, vừa đề phòng những âm mưu kích động, gây rối của các phần tử phản động với cái gọi là "nhà nước tự trị Đề Ga" còn rơi rớt ở địa phương. E20 phải phụ trách một địa bàn khá rộng và cũng khá phức tạp, đó là Tây Nguyên - Miền trung, bao gồm 14 tỉnh thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, KonTum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Không phải nghe nhiều chúng tôi cũng hình dung được: Với 3 tiểu đoàn đóng rải ra, D1 ở Gia Lai, D2 ở Đắk Lắk, D3 ở Đà Nẵng, E20 phải rất vất vả mới có thể hoạt động bao quát được địa bàn rộng lớn này. Anh Vũ Ngọc Riềm cho biết: E20 luôn phối hợp rất chặt chẽ với các LLVT, các ban ngành đoàn thể ở địa phương, và tiếp tục phát huy truyền thống của các LLVTND là dựa vào nhân dân. Thực tế, BCH của E20 đã tổ chức nhiều lớp học tiếng dân tộc (DT) cho các CBCS, chủ yếu là tiếng DT Jarai và Êđê. Ở các lớp học đó, các CBCS không chỉ học tiếng mà học cả phong tục tập quán của các DT thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên - Miền trung.

Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, có hai xã trọng điểm nhất là IaTiêm và Bơ Ngoong, nơi có nhiều phần tử phản động còn lén lút hoạt động, thì E20 đã tổ chức kết nghĩa với nhân
dân cả hai xã và đã có rất nhiều hoạt động giúp nhân dân trong tổ chức đời sống văn hóa tinh thần cũng như lao động sản xuất. Chính những hoạt động đó đã góp phần không nhỏ trong công tác vận động tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhân dân, đưa hai xã là điểm nóng của nhiều vụ bị kích động gây rối trong mấy năm qua dần đến ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (ANCT & TTATXH) ở địa phương. Và để thật gắn bó với nhân dân  địa phương, tạo tâm lý ổn định cuộc sống gia đình để yên tâm công tác, hầu hết các sĩ quan của BCH E20 đều quê Bắc, hoặc Nam trung bộ nhưng đã đưa luôn vợ con vào lập nghiệp ở Gia Lai. Trung tá trung đoàn trưởng Vũ Ngọc Riềm, quê Thái Bình; trung tá trung đoàn phó Nguyễn Đăng Văn, quê Thanh Hóa, thiếu tá phó trưởng ban chính trị Nguyễn Văn Khương, quê Thanh Hóa, thiếu tá tham mưu trưởng Dương Ngọc Lang, quê Quảng Ngãi... Tất cả các anh đều đưa vợ con vào từ  những năm 90. Chuyển đổi chỗ ở, xa quê hương, thay đổi phong tục, tập quán làm ăn sinh sống là cả một vấn đề lớn, đâu dễ một sớm một chiều có thể làm ngay được. Vậy mà, tất cả các anh đều làm và làm được.

Cũng nhân dịp này, chúng tôi được mời dự khai giảng Lớp huấn luyện chiến sĩ nghĩa vụ CAND đợt I năm 2005 mà trung đoàn vừa tiếp nhận. Lớp có 145 chiến sĩ tân binh được chọn trong đợt tuyển quân đầu năm từ 6 tỉnh miền trung và TN, gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, KonTum, Gia Lai, Đắk Lắk. Lớp huấn luyện sẽ kéo dài trong 4 tháng với rất nhiều môn học như chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cơ sở, quân sự, võ thuật, nghiệp vụ cảnh sát... Những gương mặt tân binh trẻ măng nhưng mắt ai cũng rạng ngời phấn khích. Rồi đây, khi đã hoàn thành nghĩa vụ, trong số các CS trẻ ở đây, cũng như những lớp đàn anh đi trước, sẽ có không ít người tình nguyện ở lại với quê hương mới này. Tôi chợt hiểu sâu sắc hơn câu thơ của Chế Lan Viên: "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn..."

Chúng tôi được mời đến thăm D1, thăm phòng truyền thống, ra thao trường xem các đơn vị của D1 đang luyện tập võ thuật, các kĩ năng tác chiến của đội hình chống bạo động và hành quân dã chiến. Như đã nói ở trên, D1 là tiểu đoàn chủ công của E20, ngoài 5 huân chương Chiến công, Quân công các hạng I, II, III cho tập thể, và hàng trăm huân huy chương các loại cho cá nhân CBCS, D1 đã hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (Năm 1985 và 2003). D1 được thành lập từ 8/1978. Đến tháng 1/1979, Bộ CA điều động D1 tăng cường giúp cho CA tỉnh Lâm Đồng làm nhiệm vụ chiến đấu, truy quét, tiêu diệt bọn phản động Fulrô và tham gia đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm khác, giữ gìn ANCT & TTATXH. Đến tháng 11/1984, sau khi giải quyết cơ bản vấn đề Fulrô ở Lâm Đồng, Bộ CA điều động D1 tăng cường cho CA các tỉnh Gia Lai, KonTum tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Fulrô và đấu tranh với các loại tội phạm khác ở đây. Trong quá trình chiến đấu và xây dựng đơn vị, các CBCS của D1 luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ; đoàn kết gắn bó; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và nhân dân trên địa bàn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Rải rác trong các năm 1979, 1980, 1981, 1983, 1989, 1990, 1999, D1 có 12 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các liệt sĩ (LS) đều còn rất trẻ, 2 người nhiều tuổi nhất là LS Giáp Văn Xuyên, quê Lục Ngạn, Thanh Hóa, 26 tuổi, và LS Lương Văn Diễn, quê Kim Môn, Hải Hưng, 27 tuổi. 2 người ít tuổi nhất là LS Hoàng Đạt Thọ, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, và LS Trương Văn Đãi, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, cùng hy sinh năm 1979, khi mới 19 tuổi. Các LS khác đều 20, 21, 22 tuổi, quê Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú, trong đó có LS Lưu Thế Hà, người Thiệu Yên, Thanh Hóa, hy sinh ngày 7/4/1981, khi mới 21 tuổi, đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTNDVN.

Tại thao trường, trong phút giải lao ngắn ngủi, tôi tranh thủ hỏi chuyện các CBCS. Cũng như ở trung đoàn, các sĩ quan của D1 sau một thời gian về ở Gia Lai, họ đều đưa vợ con vào xây dựng cuộc sống ở đây để "an cư lạc nghiệp". Nhìn chung, cuộc sống gia đình của các anh đều khó khăn bởi khi chuyển vợ con vào, không dễ gì tìm được việc cho các chị. Hầu hết các chị đều phải ở nhà, và chỉ còn biết làm vườn, chăn nuôi lợn gà để giảm bớt chi tiêu từ đồng lương khiêm tốn của chồng. Mọi thứ mua sắm cho cả gia đình, cả chuyện ăn học của con cái, đều trông vào đồng lương của các anh. Hỏi ra tôi được biết, lương trung tá chưa đầy 2 triệu, thiếu tá gần 1,7 triệu. Mà ngoài lương ra, các anh không có chế độ gì thêm. Hỏi chuyện một số chiến sĩ về công việc và cuộc sống, tất cả đều vui vẻ với ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của người chiến sĩ CAND dù chế độ của họ cũng khó khăn không kém, vì ngoài các chế độ được trang cấp, họ chỉ có phụ cấp hơn 100 ngàn đồng/tháng.

Chúng tôi được mời tham gia đêm giao lưu tại nhà Rông của làng IaLang thuộc xã Chư HD Rông, TP PleiKu, một đơn vị kết nghĩa đã lâu của D1. Trước khi đi, anh Định cho tôi biết, làng IaLang trước đây cũng là một điểm nóng vì bọn Fulrô hay lén lút về lôi kéo dân đi theo chúng vào rừng. Bên ché rượu cần cực ngon, tôi đã gặp già làng Wé, trưởng thôn Aler, trưởng CA thôn Huôh, đều người DT Jarai. Họ nói tiếng phổ thông khá tốt. Hỏi chuyện về gia đình, cuộc sống, làm ăn, ai cũng vui vẻ cho biết: dù chưa giàu nhưng đủ ăn, đủ mặc, có tích lũy ít nhiều, và con cháu đều được học hành khá tốt. Rồi tôi gặp anh Lê Quang Hòa, bí thư đảng ủy xã; chị Phan Thị Thúy Kiện, phó bí thư thường trực đảng ủy; anh Lương Duy Thắng, phó bí thư xã đoàn kiêm chủ tịch Hội thanh niên của xã. Anh Thắng hồ hởi nói với tôi: Xã đoàn Chư HD Rông hoạt động khá mạnh, 3 năm liền là đơn vị đoàn vững mạnh. Nhân tháng Thanh niên, họ vừa cắt băng khánh thành một con đường dài 3km. Chị Thúy Kiện thì cho tôi biết, xã Chư HD Rông có nhiều phong trào tốt, đặc biệt là phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo.

Bên đống lửa lớn, âm thanh vang động, sôi nổi từ dàn cồng chiêng của làng với hơn một chục người trình diễn, đã cuốn hút dân làng và các CBCS của D1 vào các điệu Xoang xoay tròn quanh ngọn lửa hồng. Nhịp nhàng những chàng chiến sĩ trẻ cầm tay các thiếu nữ Jarai nhảy múa theo điệu xoang ngây ngất men rượu cần. Rời vòng nhảy, tôi đến bên ché rượu thì gặp một người trung niên cũng đang vít cần uống rượu với mấy anh của D1. Hỏi chuyện, tôi được biết, anh tên là Toih, người Jarai, 50 tuổi, người làng Khươn bên cạnh nhưng lấy vợ ở làng IaLang và ở luôn làng này. Anh Toih kể với tôi: nghe mấy người rủ rê nên đi theo Fulrô từ năm 1979. Mãi đến năm 1989, thấy trốn tránh chui rúc trong rừng đói khổ quá, đã ra đầu thú, đi học tập cải tạo mấy tháng rồi được trở về làm ăn với vợ con. Giờ thì anh Toih và gia đình sống rất yên ổn, hạnh phúc. Anh Toih cầm tay nhất quyết mời tôi về nhà chơi cho biết gia đình anh. Ở nhà chỉ có mẹ vợ anh, bà Woch, 80 tuổi, cùng đứa con út bị ảnh hưởng chất độc màu da cam đang nằm bất động trên giường. Lát sau, vợ anh, chị Hluk, cùng đứa hai đứa con từ hội làng trở về, còn hai đứa nữa chắc vẫn mải chơi. Mọi người rất vui khi thấy nhà có khách, ai cũng vui vẻ chào hỏi tôi. Khi đưa tôi trở lại hội làng, tôi hỏi anh Toih: Đã hoàn toàn yên tâm làm ăn chưa? Anh Toih cười: Mình hiểu rồi, mình không đi theo bọn xấu nữa đâu.

Tan hội, chúng tôi về nhà khách thì gặp đội văn nghệ CA tỉnh Gia Lai đang tập chương trình văn nghệ chuẩn bị cho kỉ niệm 30 năm giải phóng Gia Lai và 60 năm thành lập ngành CANDVN. NSƯT Quang Tâm, phó trưởng đoàn Nghệ thuật Đam San tỉnh Gia Lai đang giúp tập luyện cho đội văn nghệ đã vui vẻ giới thiệu với tôi các tiết mục trong chương trình, đặc biệt là tiết mục thơ múa "Mong anh về" với nội dung kêu gọi những người lầm lạc theo Fulrô vào rừng trở về với gia đình, làng bản. Tiết mục này do anh sáng tác và dàn dựng. Âm nhạc được viết và phối khí khá ấn tượng bởi dàn cồng chiêng có định âm đến 16 chiếc đủ cỡ từ to đến nhỏ, cùng mấy cây đàn Đinh goong, Tơ rưng, đàn Đá và dàn nhạc điện tử. Nghe qua giai điệu với âm hưởng lúc rộn rã, khi trầm hùng, tôi lại nhớ đến trường ca nổi tiếng của TN về Đam San, và truyền thuyết về nàng Xinh Nhã. Dù chưa có trang phục, ánh sáng, sân khấu nhưng tôi đã hình dung ra tiết mục này của các anh thật hay và có ý nghĩa thực tế rất bổ ích ở địa phương.   

Hôm sau, anh Huỳnh Phúc Tính ở phòng công tác chính trị CA tỉnh đưa chúng tôi đi thăm huyện KBang, quê hương anh hùng Núp. Từ TP PleiKu theo QL19 về TX An Khê rồi chạy chéo ngược lên KBang cũng gần 150 km. Đường rất tốt, chẳng mấy chốc đã đến TX An Khê. TX thật đẹp và khang trang. Dương Hùng Phong lại nhớ đến chiến dịch TN vào thời điểm này 30 năm trước. Anh nhắc chuyện ta đánh chặn đường 19, đường 7, đường 21 làm tắc nghẽn cả đường rút lui của địch từ KonTum, PleiKu, Đắk Lắc về xuôi, đồng thời chặn cả quân tiếp viện từ Bình Định, Tuy Hòa, Nha Trang lên. Lúc đó An Khê này thật là tiêu điều. Chúng tôi đến CA huyện KBang. Các anh Nguyễn Minh Phong, trưởng CA huyện; Nguyễn Văn Thuấn, Lê Tiến Hùng, phó CA huyện mời chúng tôi ly trà rồi lên ô tô cùng đi về làng STơr, xã Tơ Tung. Đường về Tơ Tung đầy bụi đỏ nhưng làng mạc hai bên đường lại khá sầm uất. Đến gần một con sông khá lớn, xe đổ dốc để qua một cái ngầm. Từ trên cao nhìn xuống, dù đang mùa khô cạn nhưng dòng sông vẫn còn biếc xanh, uốn lượn thật đẹp, và có cảm giác như nó chảy ngược. Hỏi ra mới biết đúng là có khúc nó chảy ngược. Đó chính là dòng sông Ba lừng lẫy mà tôi vẫn ngưỡng mộ trong "Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc. Nhìn dòng sông, trong tôi dâng lên một xúc cảm khó tả. Hình như những gì kì vĩ cũng đều giản dị và thật gần gũi.

Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã Tơ Tung, có chủ tịch (CT) xã Srâm, người Bahnar; phó CT Trần Xuân Nam, người Nghệ An. Sau khi cho chúng tôi biết qua tình hình ANCT & TTATXH của xã, các anh đưa chúng tôi đi thăm làng kháng chiến STơr. Làng Stơr gắn với tên tuổi của anh hùng Núp, cánh chim đầu đàn của TN trong lịch sử đấu tranh cách mạng. Làng được công nhận là "Di tích lịch sử cách mạng" năm 1993. Nhà của anh hùng Núp bây giờ là nhà lưu niệm. Nhiều hiện vật trưng bày ở đây gợi cho ta nhớ về những năm tháng sơ khai của cách mạng ở TN những ngày đầu chống Pháp. Chỉ với những bẫy đá, chông tre, giáo mác mà Đinh Núp đã cùng dân làng làm nên một huyền thoại TN đánh giặc giữ làng. Làng Stơr bây giờ đã khác xưa nhiều. Nhà rông, nhà sàn vẫn còn đó như khẳng định bản sắc văn hóa của TN, nhưng nhà xây mái ngói cũng rất nhiều. Điện về với bản làng đã lâu. Nhà nhà có ti vi. Không ít nhà có xe máy. Đối diện nhà anh hùng Núp là một dãy 3 lớp học. Thấy chúng tôi ghé vào sân, các thầy cô đang dạy đã vui vẻ ra chào và giới thiệu về học sinh và lớp học của mình. Cô giáo Hoàng Thị Tiềm, quê tận Cao Bằng, vào Gia Lai từ 1979. Cô Tiềm dạy học ở Tơ Tung từ 1994. Mỗi năm cô dạy ở một làng. Cô Lý Thị Theo, quê Lạng Sơn; thầy Phạm Hồng Quang, quê Bình Định, đều mới dạy 3 năm ở đây nhưng cũng đã gắn bó với quê hương mới như các CBCS của E20 và D1 vậy. Tôi nghĩ, họ không chỉ là những "Kĩ sư tâm hồn" mà còn xứng đáng được gọi là các chiến sĩ văn hóa.

Rời làng Stơr trong rất nhiều cảm xúc vấn vương, chúng tôi đến thăm làng ĐêBar, một làng từng là cơ sở đi về của một số phần tử phản động Fulrô có tiếng trước đây, nhưng nay, ĐêBar đã là làng văn hóa. Theo gợi ý của anh Chu Phong, các anh Srâm, Trần Xuân dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình có người từng theo Fulrô trước đây. Đến nhà anh Síp thì anh đang xây nhà mới bên cạnh ngôi nhà sàn cũ. Anh Síp theo Fulrô năm 1983, đến 1985 bị bắt. Sau khi học tập cải tạo mấy tháng, được sự giúp đỡ của xã, anh Síp đã chăm chỉ cùng vợ con làm ăn và phát triển kinh tế gia đình khá tốt. Hiện anh là phó CT hội nông dân của xã. Chúng tôi sang nhà anh Đinh Seng và anh Đinh ANhôi ở gần đó cũng thấy cảnh gia đình vui vẻ như anh Síp vậy. Anh Đinh Seng thì đang hứng khởi uống rượu với người hàng xóm vì anh vừa được xã xây cho một căn nhà theo dự án 134, dự án hỗ trợ nhà ở cho các hộ DTTS nghèo. Anh Seng cũng theo Fulrô cùng với Síp, đến 1985, thấy đói khổ quá, lại nhớ vợ con, thế là ra đầu thú. Nói chuyện với chúng tôi, anh bảo: Nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước mà gia đình anh có nhà. Còn anh Đinh ANhôi là người bị Seng và Síp rủ rê theo Fulrô, rồi cũng bị bắt, đi học tập cải tạo, nhưng giờ thì rất yên tâm chăm chỉ làm ăn, đời sống gia đình tương đối khá. Tôi tranh thủ dạo qua thăm nhà Rông của làng. Trong nhà Rông, nhiều bà con đang xem phim truyền hình. Trước nhà Rông, bên cạnh cây nêu lớn còn mang dấu tích của lễ hội đâm trâu vừa diễn ra ba ngày trước, có một bảng xây lớn ghi câu khẩu hiệu: "Hãy để muông thú yên ấm dưới mái rừng xanh, để những chú chim tự do đi trên sân nhà bạn". Tôi không biết câu này của ai nhưng lời văn thật mộc mạc mà ý tưởng thì thật nhân văn, sâu sắc.

Chia tay các anh ở xã Tơ Tung, chúng tôi trở lại KBang chào các anh CA huyện để về PleiKu, nhưng các anh giữ lại ăn cơm "cây nhà lá vườn". Quả là cây nhà lá vườn thật. Các anh đã thả lưới xuống hồ cá "chăn nuôi", bắt lên những con cá lớn, có nhiều con nặng hơn hai kg. Anh Phan Minh Túc, phó bí thư kiêm CT UBND huyện, và các chị bên UB qua chơi, kể cho tôi nghe về những dấu ấn lịch sử của KBang với Tây Sơn thượng đạo, nơi khởi đầu của khởi nghĩa Tây Sơn; vườn cam của nữ tướng Bùi Thị Xuân; cánh đồng Cô Hầu, vợ hai của Nguyễn Nhạc, người chuyên tìm, tuyển voi cho đội Tượng binh của Bùi Thị Xuân.... Đúng là núi rừng TN, tấm lòng của con người thì thật nhân ái, còn mỗi một tên đất tên làng đều gắn với bao di tích lịch sư  anh hùng, truyền thuyết và huyền thoại đẹp.

Rời TP PleiKu, chúng tôi vào Lâm Đồng. Cùng đi, có đại diện BCH E20 và D1 vào viếng thăm mộ các anh hùng LS của đơn vị ở nghĩa trang LS Đà Lạt. Dọc đường, từ TP PleiKu đến ĐắkLắk, hai bên đường còn khá nhiều đồi trọc. Những chỗ còn rừng thì cây cỏ khô cháy. Hình như chưa bao giờ TN khô khát như mùa khô này. Qua EaĐrăng, màu xanh của những vạt rừng cao su, cà phê, tiêu làm cho chúng tôi vơi bớt những xa xót trong lòng. Càng gần đến TP Buôn Ma Thuột, cảnh vật càng trù phú hơn. Như không thể đừng, Dương Hùng Phong lại nhắc đến chiến dịch TN với trận mở màn đánh vào Buôn Ma Thuột, trận đánh quyết định chiến thắng của cả chiến dịch TN, và từ đó dẫn đến chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Nếu như tôi được chiêm ngưỡng TP PleiKu lung linh khi đêm xuống với đèn điện và sao trời hòa trộn, thì TP Buôn Ma Thuột lại hiện ra trước mắt tôi rực rỡ dưới nắng vàng giữa ngọ. Từ một TX nhỏ, lại bị tổn thất khá nhiều trong chiến tranh, vậy mà nay, Buôn Ma Thuột đã là một TP rộng gần 400 km2 với gần 31 vạn dân. Nhà cửa, đường phố khang trang, đẹp nhiều hơn tôi tưởng. Quả là xứng đáng khi TP vừa được Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại II. Dẫu cũng còn một vài tiêu chí chưa đạt chuẩn, nhưng chắc chắn trong tương lai không xa, TP trẻ này sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa.

Sau khi ghé thăm và làm việc với tiểu đoàn CSCĐ số 2 (D2) đóng quân ở km4, đường 14 Buôn Ma Thuột, chúng tôi vào
Lâm Đồng. Đến Đà Lạt, người đón và đưa chúng tôi đi ăn cơm là anh Khang, CA huyện Lâm Hà, nguyên là chiến sĩ của D1 anh hùng, và hiện là trưởng ban liên lạc các cựu CBCS của D1 ở Lâm Đồng. Anh Định, anh Khương gặp lại anh Khang quá mừng, bởi tính từ khi D1 được điều ra Gia Lai, năm 1984, thì đã 21 năm rồi họ mới gặp lại nhau. Hôm sau, qua liên lạc của anh Khang, 15 CBCS nguyên là CBCS của D1, đã có mặt cùng anh Định, anh Khương và đoàn chúng tôi lên nghĩa trang LS Đà Lạt viếng các anh hùng LS của D1 năm xưa nằm lại trên TP ngàn hoa này. Thật là cuộc trùng phùng sau bao xa cách. Mọi người ôm lấy nhau, cười nói và cả rơm rớm nước mắt, hỏi nhau đủ thứ chuyện. Nghĩa trang LS Đà Lạt nằm cao vút trên một đồi thông xanh, vốn chỉ có tiếng thông reo rì rào, bỗng sống động hẳn lên với những tiếng cười tiếng nói. Trước mặt ba bề là TP hoa với tầng tầng lớp lớp các kiến trúc nhấp nhô khắp các ngọn đồi thật đẹp. Sau lưng là một dải núi xanh thông ôm vòng như một lớp thành bảo vệ. Có lẽ cả TN, chỉ còn TP Đà Lạt là chưa bị mùa khô hoai hủy. Khắp TP vẫn còn vẻ tươi xanh của mùa xuân hương sắc bởi đâu đâu cũng đầy hoa.

Chúng tôi
làm nghi thức đặt vòng hoa, thắp nhang trước Tượng đài LS. Toàn bộ nghĩa trang có hơn 2100 mộ LS. Các LS nằm ở đây có quê hương ở đủ khắp 3 miền Bắc, Trung, . Rời tượng đài, chúng tôi tìm đến khu mộ phần các LS của D1. Trong 12 LS, trừ LS Lưu Thế Hà nằm ở khu dành cho các anh hùng cạnh tượng đài, còn lại nằm chung ở khu bên phải tượng đài. Tất cả mọi người chia nhau tỏa ra khắp các mộ LS thắp nhang, rồi tụ về quanh mộ của các LS D1. Anh Thiều, CA huyện Lạc Dương; anh Cường, anh Tâm, CA TP Đà Lạt; anh Khoát, anh Tâm, anh Phượng, CA  tỉnh; anh Lê Duy Kiêu, nguyên là phó tiểu đoàn trưởng D1 hồi 1984, nay đã nghỉ hưu... và các anh khác mà tôi không nhớ hết tên (xin các anh tha thứ) thay nhau kể lại những kỉ niệm với những LS đang nằm dưới mộ. Nhìn những gương mặt từng trải đã bắt đầu hằn những nếp nhăn, những mái tóc đã pha sương, những ánh mắt long lanh ánh lệ, tôi thật sự cảm động về nghĩa tình đồng đội thủy chung son sắt của các anh. Nghe các anh kể chuyện đánh nhau với Fulrô, mới thấy hết sự gian khổ và hy sinh to lớn của các anh trong cuộc chiến ấy, nhất là khi đất nước đã thống nhất, hòa bình. Lúc quay ra thăm mộ anh hùng LS Lưu Thế Hà, mọi người không khỏi xúc động khi anh Tâm nói: Hồi đó mà đường tốt như bây giờ, chở Hà đi cấp cứu được nhanh hơn chút nữa thì Hà vẫn sống. Vâng, giá như... Giá như đừng có chiến tranh...

Mặc dù rất gấp để đi nhưng các anh trong BCH D1 và các cựu CBCS D1 dứt khoát mời chúng tôi đi LangBiang cho "biết" Đà Lạt. Và thật không uổng công, từ trên đỉnh LangBiang cao chót vót 2167m nhìn xuống mặt hồ ĐanKia lấp loáng như một tấm gương khổng lồ, tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp kì vĩ của TN. Chính lúc này, tôi càng thấm thía hơn khi nghĩ đến sự hy sinh của các anh hùng LS. Và tôi lại nhớ đến những câu thơ gan ruột trong "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm: "Em ơi, Đất nước là máu xương của mình/phải biết gắn bó và san sẻ/phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/làm nên Đất nước muôn đời"...

Chia tay với các anh của D1 cũng là lúc tôi phải chia tay với anh em trong đoàn để đi tiếp vào TP Hồ Chí Minh. Lên xe khách ở bến xe TP trong cái se se lạnh mà lòng vẫn ấm áp tình người. Tôi chào tạm biệt TP ngàn hoa, chào tạm biệt TN trong một xúc cảm thật thân thương và ngưỡng vọng. Tôi thật sự tiếc vì không theo được đoàn quay ra Đà Nẵng để thăm D3 cho trọn vẹn với E20, nhưng tôi tin, cũng như D2 và D1, các CBCS của D3 đang rất khẩn trương tập luyện, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới để luôn giữ vững ANCT&TTATXH ở địa bàn và khu vực.

N.V
(198/08-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng