Bài cô viết là văn nhưng văn nói về thơ. Bạn bè nói thơ cô đã tạo cho cái tên cô gần gũi. Tôi chưa đọc thơ cô nhiều nhưng cũng coi như tạm đồng cảm gật gù với bạn bè thơ phú cho vui. Tôi chỉ lắng nghe cái tâm sự về “nghề thơ” của cô. Cô nói rằng cô là giáo viên bình thường, theo thơ là muốn lưu tả lại những gì ở cái thị xã mười năm đầy ắp kỷ niệm vui buồn, nghèo khổ nhưng gương mặt con người lúc nào cũng tươi, rồi muốn kéo về những ký ức lon ton cùng cha mẹ hết bo bo, đến bột mỳ, tem phiếu được giữ khư khư như đồng vàng, bạc nén. Rồi cô cũng không lý giải nổi là làm răng khi ở nơi chôn nhau cắt rốn vào cái tuổi bằng bé Khoa “đánh thức trầu” ngày ấy, rồi lớn tồng ngồng ở cái thị xã lèo tèo mười năm mà không có một chút thăng hoa - một ngữ thơ nào... Mà tứ thơ cứ tuôn trào sau một ngày lặn lội với nghề “gõ đầu trẻ”, đêm đêm lại ngóc đầu dậy làm thơ. Đọc hết bài văn ngắn tôi mới hiểu ra ý: Thơ không phải là nghề; là kiếm tiền vì mỗi bài Sông Hương trả không trên 100.000 đồng. Kiếm tiền chi lạ rứa? Là để kiếm chức? Ồ! chức gì trong sự lãng đãng đó. Mà theo cô có thơ là vì muốn giải toả một cái gì đó mình yêu. Ừ! Thì tạm chấp nhận.
Đến đây tôi cảm ơn cô nhiều nhiều. Chính là cô đã gợi ý cho tôi nghĩ về những con người tôi đã từng gặp, đã sống tuy không nhiều với Họ nhưng, Họ làm được một số công việc hữu ích và chỉ có một mong muốn như cô là để giải toả một cái gì đó mà mình yêu. Câu chuyện xảy ra ngót nghét 30 năm rồi.
Ngày 22/3/1975 tôi, lúc đó đang ở Đông Hà, nhận lệnh ông Trần Hoàn, Phó ban Tuyên huấn khu uỷ Trị Thiên Huế lên trình gấp để về Huế. May mắn thay tôi gặp anh Trường, người của đội xe Khu uỷ lái chiếc Zinkhơ, cho tôi thuận buồm về Sa Trầm nơi đóng quân. Xe xóc, tôi tựa lưng vào thùng xe và nghĩ miên man. Cũng xe này trước đó gần ba năm các anh đội xe ông Hoa, đội xe khu uỷ, cũng đã chở tôi, nhà thơ Thanh Hải, nhà văn Tô Nhuận Vỹ trở lại chiến trường sau vài năm giằng giai chữa bệnh. Ngày ấy, chúng tôi vào đến Sa Trầm liền bắt tay dựng lên tờ Tạp chí Văn nghệ Trị Thiên Huế. Gần một năm, Tô Nhuận Vỹ đáo bệnh sốt rét phải quay ra Hà Nội gấp. Rồi không lâu sau, Thanh Hải cũng không thể tiếp tục công việc Tạp chí được nữa, lại phải ôm bệnh gan tái phát quay lui...
Xe dừng lại. Tôi mới bình tĩnh và biết mình phải xuống xe. Nơi đến không phải Sa Trầm quen thuộc mà là Tam Dần. ”Ngạc nhiên chưa?” Anh Trường vui tính hỏi tôi và trả lời: “Đây là đất Phong Điền. Khu dời về đây theo lệnh Trung ương”. Vào đến chỗ trú quân cơ quan tôi, trời hỡi! Đi đâu ráo. Bác Thọ, người còn lại duy nhất chào tôi như kiểu quở trách. “Về Huế hết!” “Bác có đi không?” “Vài ba hôm nữa” “Ra mau chỗ cây gồi đi cho kịp”.
Rứa là ba chân bốn cẳng chạy. Ra đến nơi mọi người cũng đã chanh chóng rời khỏi Tam Dần. Vai tôi chỉ ba lô xẹp và khẩu súng. Nhiều người cũng như thế nên tất cả đi nhanh như chạy. Cứ thế, cứ thế, đi như chạy suốt đêm, đoạn rừng nào cũng ngạt mùi thuốc súng, khúc sông nào cũng nổi dăm ba xác chết rằn ri... Trưa hôm sau 24/3 chúng tôi đã ém quân ở An Ninh Thượng, nhà bác Nguyễn Luyến và bà Hồ Thị Hảo. Nhà có nhiều con nhưng lúc đó chỉ còn vài người đang độ tuổi gần thành niên. Có một cô gái đang vuốt ve chiếc áo dài trắng. Hỏi ra mới biết tên cô là Vân, học sinh Đồng Khánh; nghỉ học tiêng tiếc thế nào đó nên vuốt áo cho đỡ nhớ. Gặp tôi, anh Phan Ngô, anh Lâm bao giờ cô cũng chắp tay gập đầu nhẹ, chào với cái giọng ngọt ngào lắm lắm. Anh Ngô tâm sự: “Mình xa Huế lâu rồi. Nhớ lắm, nhớ lắm cái kiểu như cô gái ni thời mình còn trẻ...!!”
Tôi hỏi anh Phan Ngô: “Nhớ dữ rứa răng thủ trưởng chưa cho về Huế?” “Chờ lệnh đã! Trần Hoàn của cậu chưa kêu về, cậu dám về không?” anh Phan Ngô, anh Lâm là cán bộ có cỡ của Ban An Ninh, cũng có nhiều phút giây bồng bềnh lãng mạn, nhưng lúc này họ vẫn tỉnh táo và giữ vững kỷ luật sắt. Những giây phút chờ đợi, nhất là chờ đợi trong tập thể to lớn, trong chỉ huy kiểu quân ngũ công an như anh Phan Ngô cho nên cũng có lúc buồn. Diễu, anh trai cô Vân nghe nói đã tốt nghiệp tú tài ở trường Kỹ nghệ Huế, anh đến gần tôi, hình như anh nhạy cảm nhận ra chút phảng phất buồn trong tôi, anh ta mời tôi đi chơi bằng xe honda 67 mà anh ta mới lượm cách đó dăm ba ngày. Anh Phan Ngô đã sử dụng Diễu như một liên lạc khi cần thiết đến chỗ này sang chỗ nọ để nắm thông tin. Diễu nhiệt tình nhận việc và theo anh Phan Ngô thì lúc nào cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Đi chơi với Diễu, thú vị đấy chứ. Ít ra cũng là một chút bồng bềnh lãng đãng thời trai trẻ như anh Ngô. Thế là tôi gật đầu lẹc lẹc theo Diễu. Một loáng sau Diễu dừng xe và giới thiệu chỗ anh và tôi đang đứng là Đại Nội. Anh nói răng tôi nghe rứa vì đã biết chi ở cái chốn lạ lùng này. Chỉ biết hết con đường nhựa này là đến khúc quanh đường nhựa khác, luôn có tường bao cao ngất vv và vv...Tôi bắt đầu lành lạnh vì rằng đã phạm quy. Diễu lại nắm bắt được suy nghĩ của tôi: “Nhanh thôi, độ non nửa tiếng anh sẽ lái được xe này. Em biết anh thích đi xe”. Sợ thì sợ mà ưa thì ưa thiệt. Vù dăm ba vòng trong Đại Nội. Thế là lần đầu tiên trong đời tôi biết chạy xe honda mà mới tập đã được đi trên những con đường trong cung vua. Thú vị bậc nhất. Sướng lên tôi cảm ơn Diễu. “Không có chi” Diễu từ chối.
Ở trong nhà ba mẹ Diễu suốt ngày lo cái ăn, miếng chi ngon, vật chi lạ ở chợ Đông Ba bà Hảo cũng mua về. Bữa ăn nào cũng ngon. Cái ngon thú vị bởi thưởng thức và hiểu thế nào là ẩm thực của xứ Huế. Thú vị rứa mà ông Luyến, bà Hảo vẫn cảm thấy như chưa vừa lòng. Còn Diễu thì ngày nào cũng kè kè honda 67 để chờ lệnh. Quả là sự hăng hái nhiệt tình vô tư khó tả. “Đây có phải là trung tâm Huế không?” tôi hỏi. “Ừ” Diễu khẳng định. Tự nhiên tôi nhớ giọng điệu và cử chỉ lãng mạn của anh Phan Ngô: “Nhớ lắm! Nhớ lắm cái kiểu như cô gái ni thời mình còn trẻ...”. Nỗi nhớ bâng quơ ấy lại khiến tôi mường tượng ra hình dáng anh Trần Hoàn. Một hôm từ ngoài đội xe Khu uỷ vào, vừa bước vào thềm nhà của Tạp chí Văn nghệ Trị Thiên Huế anh liền vui vẻ báo tin: “Hôm nay vui quá. Mới gặp mấy cô gái Huế lên rừng...” Tôi, Thanh Hải, Vỹ cũng hồi hộp muốn ra đội xe để xem mặt nhưng trời khuya mất rồi. Sáng hôm sau chưa kịp ăn sáng, anh Trần Hoàn đã xuống nhà Tạp chí chúng tôi để khoe bài hát đêm rồi anh vừa hoàn tất. Bài hát có câu: “...Trời mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ. Cảm thương người trong Huế mới ra...” Anh còn chìa tấm ảnh đen trắng: Cầu Trường Tiền với hai cô gái áo dài, nón che nghiêng tóc dài đen láy cho chúng tôi xem. Xem ảnh Trường Tiền giữa Sa Trầm xanh biếc quả là giây phút đa đoan thật.
“Diễu ơi! Đi ra cầu Trường Tiền hè”. Tôi đề nghị. “Đi thì đi” Diễu giục. “Thôi thôi. Buổi khác”. Hình như cảm giác mách bảo tôi rằng hơi quá đà.
Thế là Diễu porter tôi, tôi chở Diễu, hai đứa “cõng nhau” vù về An Ninh Thượng. Lần đầu tiên được chạy honda trên đường lên Thiên Mụ. Anh Phan Ngô thấy thế không quở phạt gì. Có lẽ giá trị lịch sử của những giờ phút về với Huế thế này làm cho cái kỷ luật sắt trong con người ông cũng phải phảng phất chút vị tha cho hợp lẽ.
Chiều tối hôm đó 25/3/1975 đoàn quân của chúng tôi đã về đến trung tâm thành phố Huế. Tôi nhanh chóng trình diện với thủ trưởng Trần Hoàn ở tầng 2 nhà B số 2 Lê Lợi. Tất cả cán bộ Ban Tuyên huấn Khu uỷ Trị Thiên Huế quây quần gần hết tầng 2 ngôi nhà lớn. Tầng này được chia cho nhiều hộ gia đình. Hộ nào cũng có bảng ghi rõ họ tên chủ nhân. Tôi ở bên cạnh anh Mười, Kô Kê người dân tộc Katu. Bảng hiệu chủ hộ tôi ở đặt trên bàn là Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hải. Trên bàn còn nguyên mâm cơm ăn dở dang. Và một bình rượu chát gợi cảm lắm. Xem kỹ ra nhiều hộ đã sơ tán khỏi Huế vào giờ ăn. Và ngạc nhiên hơn cả tất cả lính tráng chúng tôi dường như chưa ai dám dỡ lồng bàn ra xem. Đồ đạc áo quần, thậm chí chăn màn cũng được xếp gọn hoặc cho vào tủ ngăn nắp. Tất cả chúng tôi chỉ ghé tạm cái thân trên những chiếc giường sang trọng. Thiếu chỗ thì nằm hành lang. Kô Kê và Mười bảo: “Ông Hoàn bảo không ai được đụng chạm cái chi trong nhà người ta”. Sáng sớm hôm sau vừa ngủ dậy, có người đang dụi mắt cũng đã nhanh chóng tập trung, hội ý chớp nhoáng. Anh Trần Hoàn xuất hiện, cười tươi, lời nói cất lên lưu loát sắc sảo. Anh điểm lại quân số và phân công việc cho từng cán bộ. Phần lớn chúng tôi được làm nhiệm vụ tiếp các nhà báo như Thép Mới, Phan Quang, Hà Đăng, nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục, Huy Du... và nhiều nhà báo nghệ sỹ ở Trung ương và các tỉnh nườm nượp, mỗi ngày một đông. Thời điểm này anh Trần Hoàn không còn cầm cây ghita say sưa như hồi trên núi: “tính tình tang... trời mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ...” mà là một con người nhanh nhẹn, xốc vác - con người của công việc. Trước khi giải tán, anh còn dặn: “Trước lúc ra khỏi phòng tất cả anh chị em phải kiểm kê đồ đạc từng hộ gia đình và nhớ phải dán giấy ký tên vào”.
Vừa ra khỏi cổng nhà số 2 Lê Lợi tôi gặp lại Diễu và Vân, con ông Luyến bà Hảo ở An Ninh Thượng, mảnh đất đầu tiên mà tôi đặt chân đến Huế và tiếp xúc với người Huế. Diễu chở Vân bằng honda màu rêu. Vân mang áo dài trắng. Tôi hỏi Diễu: “Honda 67 hôm nọ đâu rồi?”. “Em đem trả đúng chỗ nhặt được để người mất tìm đến lấy lại, kiểu như mượn vài hôm vì công việc” Diễu nói tỉnh bơ. “Đụng ai lượm trước chủ xe thì sao?” tôi hỏi. Diễu cười “Đó là việc của họ”. Nhìn Vân với chiếc áo dài trắng, chợt một niềm vui len nhẹ trong tôi, bởi lẽ Đồng Khánh đã bắt đầu tựu trường trở lại. Vài ba hôm sau những tà áo trắng đã xuất hiện nhiều hơn. Thế là với tôi, những ước ao của ngày nào khi được ngắm nghía hai cô gái áo dài, tóc đen thướt tha,... trong bức ảnh “Người trong Huế mới ra” của anh Trần Hoàn giờ đây đã không còn là mơ mộng.
Những ngày tháng lịch sử đó tôi thường cặp kè đi với Hữu Thu, Ngọc Đản phóng viên báo Nhân dân, Trần Tuấn phóng viên Thông tấn xã và nhiều anh chị em đồng nghiệp từ Trung ương và các tỉnh phía Bắc vào. Thành phố đã xuất hiện nhiều đám đông thanh niên, học sinh, sinh viên tụ họp ngồi ngay ngắn có khi ở Quốc Học, Hai Bà Trưng, có lúc ở Xẹc nghe thuyết giảng về đường lối của cách mạng trong những chiến thắng của quân và dân ta ngày một lan rộng về phía Nam. Hữu Thu cho tôi biết người thuyết giảng nhiều nhất là Lê Công Cơ. Quê anh ở thành phố Đà Nẵng, anh là sinh viên rồi trưởng thành trên đất Huế, anh cũng là một thành ủy viên trẻ có nhiều triển vọng và uy tín trong sinh viên học sinh. Những lúc thuyết giảng bao giờ cũng có mặt những anh chị em nòng cốt trong phong trào sinh viên “Dậy mà đi...” và phong trào đấu tranh ở đô thị như chị PhạmThị Xuân Quế, Hữu Lượng, Trần Phá Nhạc, Lê Gềnh, Lê Khắc Cầm, Trần Viết Ngạc, Quốc Dũng vv...Trong số anh chị em đó, người gây ấn tượng với tôi nhiều nhất là Lê Khắc Cầm và Trần Viết Ngạc. Lê Khắc Cầm đeo kính cận bốn năm độ gì đó nhưng có điều, đôi mắt anh thân thiện lắm, cái nhìn như thay cho lời nói. Còn Trần Viết Ngạc người đậm đà, nói năng, đi đứng chững chạc và cái bắt tay chắc dễ kéo con người vào quan hệ đầy niềm tin.
Sống giữa lòng thành phố những ngày này vui, sống động. Nhưng tôi vẫn cảm thấy lẻ loi vì chưa tìm lại được người quen thân nào. Tôi nhớ anh Thanh Hải, Tô Nhuận Vỹ và trách sao hai vị bình chân, nặng nợ chi ngoài Hà Nội mà lâu vô rứa.
Sau khi nghe tin Đà Nẵng, Quảng
giải phóng, anh Trần Hoàn có gợi ý với tôi đi chọn địa điểm cho trụ sở Hội Văn nghệ. Lạ quá! Trong lúc “tang gia bối rối” trăm thứ bà rằn mà anh Trần Hoàn còn nghĩ ra được chỗ cho những bạn bè nghệ sỹ hội tụ. Đi tìm. Chắc chắn là thế rồi! Nhưng tìm đâu? Tìm như thế nào giữa một thành phố rộng lớn cổ kính thế này? Tôi lại cầu khấn Thanh Hải, Tô Nhuận Vỹ hoặc Quang Hà mau mau trở lại Huế. Trong lúc không biết tỏ bày với ai thì tôi lại muốn gặp nhóm bạn phóng viên. Ngọc Đản, Trần Tuấn thì đã vù một mạch vào phía mất tiêu. Hữu Thu cũng biến luôn. May thay lúc này tôi lại gặp con người to cao, có cái trán hói vòi vọi lên tận đỉnh đầu, anh siết chặt tay và xưng tên tôi trước. Quá ngỡ ngàng nhưng rồi cũng nhận ra nhau. Tên anh tôi bắt gặp trên báo Văn nghệ: Trần Phương Trà. Nơi chôn nhau cắt rốn của anh cũng là Trúc Lâm gần An Ninh Thượng quê Diễu.
Tôi bày tỏ tấm lòng của anh Trần Hoàn, Trần Phương Trà hăng hái nhận lời, kéo tôi vào cuộc luôn. Đến chỗ đông học sinh, sinh viên đang nghe thuyết giảng Trần Phương Trà sà vào đám đông dẫn hai người bạn mới ra làm quen với tôi. Trần Phương Trà giới thiệu với cử điệu rất nghiêm túc: “Đây là Lê Khắc Cầm giáo sư Đại học Sư Phạm, đây là Trần Viết Ngạc giáo sư Đại học Tổng hợp, dạy sử”. Tôi cười mỉm. Trần Phương Trà ngước mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Lê Khắc Cầm vẫn cái nhìn thân thiện qua mắt kính, Trần Viết Ngạc lại vẫn động tác bắt tay thật chắc, rồi cùng cười.
Bỗng dưng chúng tôi, bốn anh em thành một nhóm văn nghệ lộc tộc trên bốn chiếc xe đạp chạy hết đường Lê Lợi, rẽ sang Duy Tân, về Đập Đá rồi ngược lên Lý Thường Kiệt... Đang đi tôi thấy khoái ngôi nhà số 6 quá. Bốn anh em dừng chân đẩy cửa vào. Nhà 2 tầng xinh xắn, hướng đông nam, có gara, vườn đẹp... Trần Viết Ngạc bảo đây là nhà thầy Ưng Luận, thầy dạy Pháp văn ở Nguyễn Tri Phương đã hưu trí năm 1973. Trần Phương Trà bức xúc: “Rứa thì có lấy làm trụ sở được không?” Lê Khắc Cầm giương mắt kiếng nhìn thẳng vào mắt Trần Viết Ngạc. Trần Viết Ngạc thản nhiên: “Được. Ông bà này chắc đi ra nước ngoài rồi”.
Chúng tôi kéo cửa chính. Cửa không khoá. Tất cả đều không khoá. Tầng hai, gác lửng áo quần, len cuộn xanh cuộn đỏ bừa bộn. Chúng tôi mỗi người một góc xếp gọn đồ đạc lại. Chúng tôi còn bảo nhau tìm màn treo lên để chuẩn bị cho giấc ngủ trưa sắp đến. Mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu. Chúng tôi khép cửa lại cùng nhau đi kiếm chút cơm, miếng cháo cho vào bụng và nghĩ rằng thế là ổn. Một trụ sở đẹp trong nay mai. Anh em nghệ sĩ sẽ vui, sẽ đu vào đây mà thăng hoa, mà sáng tác...
Gần chiều tối bốn chúng tôi quay lại nhà số 6 Lý Thường Kiệt. Trong nhà đã có một người phụ nữ. Hỏi ra mới biết gia đình bác Ưng Luận đang ở Đà Nẵng. Thế là chúng tôi rủ nhau đi tìm chỗ trú quân khác và hẹn sáng mai tiếp tục cuộc hành trình.
Số 3 Đội Cung (nay là số 1) gần sông Hương, ngôi nhà khá đẹp, rộng, cửa ngõ mở toang, đồ đạc, giấy tờ bừa bộn. Trước kia, nhà này là trụ sở phòng nhì của Pháp. Thời Nguyễn Văn Thiệu thuộc khu thuỷ nông miền Trung. Vẫn là nhà có chủ. Bốn anh em xem qua, lắc đầu cùng quay ra.
Đi lên, xuống đường Lê Lợi nhiều lần. Tôi và Trần Phương Trà hợp ý mê con đường này. Lê Khắc Cầm nghiêng đôi kính chỉ vào ngôi nhà số 26. Ngôi nhà kiểu dáng Pháp khá gọn gàng lịch sự. Nhà vườn dăm ba cây trứng gà( còn gọi là Lê ki ma- quả vàng au), hoa đại đang thì nở bông thoảng thơm. Đặc biệt nhà này là có hai cổng, một phía tây nam, một tây bắc đã được chặn kỹ hai đống thép gai cuộn tròn. Lê Khắc Cầm cười: “Nhà ni hình như của dân phòng dân vệ chi đó”. “Đúng là nhà không chủ rồi ta vô coi thử” Trần Phương Trà quyết tâm. Bốn chúng tôi hô hào những người chung quanh. Mọi người hè tay góp sức kéo đống thép gai chính diện sang một bên. Cửa nhà khép hờ không khoá. Tầng trên trống trơn. Tầng dưới, ô ngoài cùng có vài quả lựu đạn mỏ vịt và hai khẩu carbin bảng ngắn. Trên tường ô phòng cùng còn treo hai cuốn lịch nhỏ khoả thân.
Với hiện vật trong nhà như vậy rõ là không phải nhà dân, nhà công sở. Bốn chúng tôi bằng lòng chọn ngôi nhà này. Nhưng vẫn còn tiếc nuối ngôi nhà số 6 Lý Thường Kiệt. Sáng hôm sau đến mới hay ông bà Ưng Luận đã về tối hôm qua. Ông bà và bốn người con vẫn ngủ trên chiếc xe con không dám mở cửa vào nhà. Ông nghe nói có mấy ông giải phóng vào nhà. Khi nào mấy ông trở lại cho phép ông bà mới dám bước vào. Tội nghiệp cho ông già phép tắc đối với cách mạng đến thế là cùng!
Nhà 26 Lê Lợi dọn sạch cũng đẹp ra trò và hai ba ngày sau chúng tôi lui tới miết mà không thấy ai dòm ngó gì cả. Bốn chúng tôi lại cố công tìm kiếm thêm bàn ghế sắp xếp cho ra bề thế một cơ quan. Lê Khắc Cầm kéo chúng tôi đến nhà số 6 Phạm Hồng Thái (đường cũ là Lê Đình Dương), Cầm bảo đây là ngôi nhà Trịnh Công Sơn thường lui tới. Trịnh Công Sơn bà con với bà Mai, mà bà Mai là sui gia với nhà số 6 này. Hơn nữa bên cạnh nhà số 6, nhà số 4 là tiệm cà phê Da Vàng. Thỉnh thoảng Phạm Trọng Cầu ra Huế, Trịnh Công Sơn đều dẫn Phạm Trọng Cầu đến uống cà phê và hát. Nhà số 6, nhà số 4 đều vắng chủ. Với chỉ vẽ chắc chắn của Lê Khắc Cầm, chúng tôi mạnh dạn bê về 26 Lê Lợi bộ sa - lon nệm mút cũng khá sang trọng. Lê Khắc Cầm và Trần Viết Ngạc còn bê luôn một túi áo quần to ra đặt giữa hiên nhà. Lật giở ra từng cái và khẳng định đó là túi áo quần của Trịnh Công Sơn. Lê Khắc Cầm lấy ra một veston ướm thử. Lê Khắc Cầm lỏng lẻo trong chiếc áo. Đến lượt Trần Phương Trà ướm thì áo không vừa cỡ, quá chật. Tôi loáng thoáng biết Trịnh Công Sơn qua vài bài hát chứ chưa có dịp gặp. Nhưng qua chiếc áo và qua hai người ướm thử, một gầy rơ, một béo tròn, tôi hình dung ra Trịnh Công Sơn cao to hơn Lê Khắc Cầm một chút nhưng chắc chắn cũng cao hơn và không to kềnh càng như Trần Phương Trà. Chúng tôi báo tin có được ngôi nhà 26 Lê Lợi, anh Trần Hoàn vui “Tốt lắm, tốt lắm”. Những ngày sau, cánh văn nghệ nào đến Huế cũng được đưa đến 26 Lê Lợi nhìn ngắm cơ ngơi ban đầu này. Mong đợi nhiều, cuối cùng Thanh Hải, Tô Nhuận Vỹ cũng đã về Huế. Và 26 Lê Lợi là ngôi nhà chung của văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế đến hôm nay.
2005 rồi! Thời gian đi 30 năm ròng rã. Đứng trước thềm 26 Lê Lợi nhìn xa xa. Kẻ đi người ở đôi lúc cũng buồn và nhớ. Anh Trần Hoàn đã ra đi mãi mãi mà chưa kịp chào, bắt tay bạn bè đồng nghiệp ở Huế. Anh Xuân Hoàng, Lương An, Trịnh Công Sơn... cũng thế. Trần Phương Trà gốc rễ An Ninh Thượng nhưng lại cắm đô với vợ con ở Hà Nội. Lê Khắc Cầm, Trần Viết Ngạc lại biệt tăm mù khơi đâu ở Sài Gòn. Diễu, Vân thành người lớn vv và vv...
Nhìn lại ngôi nhà 26 Lê Lợi này, nơi biết bao văn nghệ sĩ tên tuổi đã đến rồi đi, không hiểu sao tôi sực nhớ đến một bài thơ khá nổi tiếng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bài thơ có tên là Địa chỉ buồn... Tôi nhớ đến tất cả vì tất cả họ đã làm nên điều có ích một cách vô tư, cũng giống như cô gái làm thơ kia chỉ có một nhu cầu muốn giải toả một cái gì đó mình yêu.
Huế 7/2005 V.M.L (198/08-05) |