Ngoài những công trình kiến trúc, những lăng tẩm đang hiện hữu, Cố đô Huế còn có một phần tài sản nữa hiện đang ẩn mình dưới những lớp đất cát; đó là vết tích của một thời gian vàng son trong quá khứ – những nguyên mẫu một Cố đô xa xưa. Phần tài sản đặc biệt đó đã và đang được xem là những cứ liệu khoa học hết sức chuẩn xác giúp chúng ta trả lại cho Huế những gì mà Huế đã từng có.
Qua 5 năm làm việc với đối tượng là 8 di tích quan trọng trong quần thể kiến trúc Cố đô, thám sát khảo cổ học đã phần nào cho ta cái nhìn khá chi tiết, khoa học về lịch sử tồn tại của di tích Cố đô Huế và đặc biệt là đã đưa lên khỏi lòng đất những vết tích nguyên gốc của các di tích đó. Nếu đem kết quả khảo cổ học so sánh với các nguồn sử liệu khác thì chúng ta có thể thấy được những khác biệt của quần thể kiến trúc Cố đô hiện nay với một Cố đô Huế lúc khởi thuỷ.
(Diên Thọ chính điện)
Tất cả 8 di tích đã được điều tra, thám sát khảo cổ học từ năm 1999 đến nay đều tìm được những vết tích mới, trong đó tiêu biểu là di tích cung Diên Thọ (1999), Duyệt Thị Đường (2000), cung Trường Sanh (2000-2001), hệ thống Trường lang trong Tử Cấm Thành (2002), lăng Gia Long (2003). ở di tích cung Diên Thọ, với những hố đào thám sát tổng diện tích 1400 m2 đã làm xuất lộ nhiều phế tích kiến trúc cho phép ta hình dung được tổng thể di tích từ khi mới được xây dựng dưới thời Minh Mạng như: Diên Thọ chính điện, kiến trúc Khương Ninh Các, Tả Túc Đường, vườn hoa Trường Du Ta... Những phế tích xuất lộ đó đã phản ánh diễn biến quá trình hưng, suy của di tích cung Diên Thọ. Việc tìm thấy vết tích của điện chính trong cung Diên Thọ được xây dựng vào thời Minh Mạng và bị phá huỷ, xây mới vào thời Tự Đức đã phát hoạ lên hình ảnh tổng thể kiến trúc ở đây. Vào thời đó, Diên Thọ chính điện là kiến trúc chính của di tích, quay mặt về phía đông hướng vào trục chính của Hoàng Thành chứ không phải quay mặt về hướng nam như hiện nay. Bên cạnh kiến trúc chính đó, xung quanh còn có một quần thể kiến trúc phụ như Khương Ninh Các, Tả Túc Đường, vườn hoa Trường Du Ta... Các kiến trúc phụ nầy đã tạo nên vẻ thâm trầm, kín đáo của một nơi cư trú của các bà Hoàng thái hậu, song cũng tạo nên nét hoa lệ, duyên dáng với đầy đủ vườn hoa, cây cảnh cùng núi non, sơn thuỷ phục vụ cho việc tiêu dao, giải trí của chủ nhân di tích.
Tương tự như cung Diên Thọ, tại cung Trường Sanh cũng đã tìm được vết tích của Vương Tự Điện nổi tiếng thời Thiệu Trị cùng với hệ thống lạch Đào Nguyên, núi non bô... và quan trọng hơn là qua vết tích đó đã lý giải được quá trình tồn tại và biến đổi của di tích nầy từ cung Trường Ninh là nơi thưởng tiết ưu du của vua chúa thời Minh Mạng đến cung Trường Sanh là nơi ăn chốn ở của các bà Hoàng thái hậu thời Thiệu Trị. Những diễn biến, thay đổi về cảnh quan, môi trường của di tích đồng thời cũng được lý giải hợp lý. Từ những chứng cứ khoa học trên đã phần nào dựng lại được bộ mặt nguyên thuỷ cung Trường Ninh thời Minh Mạng-Thiệu Trị, là thời gian tồn tại rực rỡ nhất của di tích nầy. Di tích được xây dựng trên một khu đất nổi cao hình bát úp với ba đơn nguyên kiến trúc: điện chính, điện trước, lầu sau cùng với lạch Đào Nguyên uón lượn chạy vòng quanh; hai bên bờ lạch là những hòn giả sơn, bồn hoa, cầu cống... tạo nên một cảnh đẹp thần tiên, sơn thuỷ hữu tình để làm nơi tiêu dao cho các bậc vua chúa... Đến thời Thiệu Trị, di tích được thay đổi về chức năng và kết cấu để trở thành nơi ở của các bà Hoàng thái hậu. Ba kiến trúc chính được đổi tên lại thành nhà Ngũ Đại Đồng Đường, điện Thọ Khang và lầu Vạn Phúc. Nối kết những kiến trúc nầy là một hành lang dài chạy từ nhà Ngũ Đại vào tận lầu Vạn Phúc. Tổng thể đó đã tạo thành Vương Tự Điện (điện hình chữ vương) vang bóng một thời, xứng đáng là Đệ thất cảnh của đất Thần Kinh do vua Thiệu Trị ban tặng.
(Duyệt Thị Đường)
Di tích Duyệt Thị Đường là một điển hình tiêu biểu nữa trong việc tìm lại các vết tích nguyên gốc của các kiến trúc trong khu vực. Có thể nói Duyệt Thị Đường đã trải qua nhiều giai đoạn tồn tại khác nhau cũng như trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, tôn tạo. Việc tìm lại các vết tích nguyên gốc không những giúp cho công tác trùng tu, tôn tạo có được cơ sở khoa học để phục dựng lại nguyên trạng di tích, mà còn giúp cho chúng ta hiểu rõ lịch sử của các khu vực quan trọng nầy. Theo vết tích xuất lộ trong các hố thám sát, kiến trúc Duyệt Thị Đường xưa kia có quy mô và cấu trúc khác với hiện trạng bây giờ. Những điều khác biệt đó đã được chúng tôi đề cập đến trong báo cáo điều tra và thám sát khảo cổ học di tích Duyệt Thị Đường năm 2000. Bên cạnh kiến trúc Duyệt Thị Đường, trong hố đào còn xuất lộ vết tích của các kiến trúc khác như Thái Y Viện và Thượng Thiện Sở ở phía đông di tích, vết tích hành lang ở góc tây - bắc và góc tây - nam. Các hành lang nầy là con đường nối Duyệt Thị Đường với các kiến trúc khác trong khu vực Tử Cấm Thành ở phía tây - bắc và với Đông Các, Tụ Khuê Thư Lâu ở phía tây - nam. Những vết tích xuất lộ nầy đã liên kết các kiến trúc trong khu vực thành một khối thống nhất, liên hoàn. Điều nầy khác hẳn với một kiến trúc Duyệt Thị Đường đơn lẻ như hiện nay là kết quả của lần đại trùng tu năm Khải Định thứ 7 (1922), và cũng là hình ảnh của trường Quốc gia Âm nhạc trong những năm 50, 60 của thế kỷ XX.
Trong khu vực Tử Cấm Thành, hệ thống trường lang là mạch nối các kiến trúc vừa là những đường diềm trang trí, tô điểm cho hệ thống kiến trúc đó thêm phần mềm mại, uyển chuyển. Trong điều kiện hầu hết các kiến trúc trong Tử Cấm Thành đã bị triệt giải thì việc hệ thống mạch nổi đó giúp ta hiểu rõ hơn quần thể kiến trúc trong khu vực. Qua kết quả khảo cổ học, vết tích hệ thống trường lang nầy đã được làm xuất lộ cho ta một cái nhìn toàn diện về cả cấu trúc, quy mô và cả quá trình thay đổi trong lịch sử tồn tại. Điều đáng để ý ở đây là vết tích nguyên gốc của những đoạn lang truyền thống như bốn vòng hồi lang chữ khẩu nối các điện chính trong khu vực từ Đại Cung Môn qua điện Cần Chánh, Càn Thành, hay đoạn lang nối từ phía tây điện Khôn Thái sang cung Diên Thọ... hay Vạn Tự Hồi Lang trong vườn Thiệu Phương... Các vết tích xuất lộ đó đã cho thấy được hình ảnh các đoạn hồi lang trong giai đoạn khởi thuỷ của nó. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể dễ dàng phục dựng lại hệ thống trường lang đó theo tính truyền thống. Cũng theo các vết tích xuất lộ. Các đoạn hành lang được xây dựng trong giai đoạn Gia Long, Minh Mạng hay Thiệu Trị đều có nhiều điểm khác biệt so với những đoạn hành lang được sửa chữa lại hoặc xây dựng mới ở giai đoạn Khải Định mà điều dễ thấy nhất là kết cấu kiến trúc. Nếu như ở những đoạn hành lang muộn được lát bằng gạch hoa xi măng, hệ thống con tiện cũng được đúc bằng xi măng thì ở hành lang truyền thống lát bằng gạch Bát Tràng, lan can gỗ, thậm chí có những đoạn không được lát gạch mà chỉ láng một lớp vữa dày trên bề mặt mà thôi như đoạn trực hành lang nối từ cung Khôn Thái sang cung Diên Thọ mà vết tích của nó được tìm thấy trong hố đào ở phía tây điện Khôn Thái. Vết tích nầy xuất lộ ở độ sâu 0,5 m so với mặt bằng hiện tại, dấu vết còn lại cho thấy bề mặt hành lang có dạng khum hình mai rùa, và được láng bằng một lớp vôi vữa có màu trắng đục dày 5 cm. Trên bề mặt của vết tích còn tìm được hố chân táng hình tròn có đường kính khoảng 20 cm. Theo giám định của các nhà chuyên môn thì đoạn hành lang này có niên đại đầu thế kỷ XIX, điều đó có nghĩa đây là vết tích của đoạn trường lang được xây dựng sớm nhất so với các đoạn hành lang khác trong khu vực Tử Cấm Thành. Các vết tích còn lại cho thấy hệ thống trường lang trong Tử Cấm Thành như mạch máu len lõi, uốn lượn qua các kiến trúc để kết nối các kiến trúc đó thành một thể thống nhất, liên hoàn. Bắt đầu là bốn vòng hồi lang chữ khẩu nối các kiến trúc chính trong trục thần đạo, rồi từ đó lan toả ra các hướng để kết nối với cung Diên Thọ hay về phía đông để kết nối với Duyệt Thị Đường. Đông Các, Tụ Khuê Thư Lâu. Mặc dầu hệ thống trường lang nầy đến thời Khải Định đã bị thay đổi mất đi kết cấu truyền thống nhưng việc tìm lại được vết tích nguyên gốc đã cho ta cơ hội trả lại hình dáng ban đầu của nó.
(Điện Minh Thành) Một hình ảnh ngoạn mục khác cũng được xuất hiện ở di tích lăng Gia Long thuộc xã Đình Môn, huyện Hương Trà. Khi thám sát khảo cổ học ở đây, các chuyên gia khảo cổ học đã tìm thấy vết tích của một hệ thống kiến trúc sớm ở độ sâu 0,5 m trở xuống so với mặt bằng hiện tại. Phát hiện nầy không chỉ làm thay đổi cả diện mạo của khu vực lăng ở thời điểm nó được xây dựng mà còn thay đổi cả nhận thức của các nhà nghiên cứu về hình ảnh của một lăng Gia Long hiện tại. Khi nói đến hệ thống lăng tẩm, chúng ta thường liên hệ tới từng ông vua cụ thể, lăng của vị vua nào đều mang đậm dấu ấn của ông vua đó từ đặc điểm, cấu trúc, thế giới quan và nhân sinh quan, thậm chí đến cả phong thái, ý thích của chủ nhân. Song hiện trạng của các lăng thời Nguyễn ở Huế bây giờ đã trải qua nhiều lần tu sửa của các vua đời sau cho nên dấu ấn ban đầu không tránh khỏi những sai lệch nhất định. Việc tìm lại được vết tích nguyên gốc chắc chắn sẽ giúp cho sự nghiệp trùng tu, tôn tạo nhằm trả lại cho lăng dáng vẻ, diện mạo ban đầu, để hệ thống lăng tẩm nầy được phát huy hết hiệu quả về văn hoá cũng như lịch sử...
Hiện trạng lăng Gia Long bây giờ qua khảo sát ban đầu là kết quả của lần “đại gia trùng tu” vào năm Khải Định thứ 7 (1922) và đây là lý do để các nhà khảo cổ đào thám sát lần tìm lại vết tích nguyên gốc của di tích. Có thể nói ba lớp kiến trúc tìm thấy ở ngay sau điện Minh Thành đại diện cho ba giai đoạn tồn tại của các kiến trúc trong khu vực nầy là chìa khoá để giải mã cho sự biến đổi của di tích qua các thời kỳ và cũng là cứ liệu khoa học để phục dựng lại các kiến trúc ở đây. Lớp kiến trúc thứ 3 được xem là nguyên mẫu của khu vực nầy lúc khởi thuỷ, mà ở đó ta tìm thấy ngoài điện Minh Thành, còn có hồi lang chữ khẩu nối với kiến trúc Bảo Y Khố ở phía sau, kiến trúc Tả, Hữu tùng phòng ở phía đông và tây cùng với hệ thống bồn hoa, cây cảnh bao quanh rất đẹp, thơ mộng. Đến lớp kiến trúc thứ hai thì điện Minh Thành đã bị thu hẹp lại, phần hiên phía sau bị triệt giải cùng với hồi lang chữ khẩu; Tả, Hữu trực phòng được dựng mới nằm chồng đè lên vết tích của hồi lang; kiến trúc Bảo Y Khố có lẽ vẫn tồn tại đứng độc lập ở phía sau ngay sát bình phong hậu. Nhưng đến năm Khải Định thứ 7 (1922) thì tất cả các kiến trúc phía sau bị triệt giải hết, chỉ còn lại Minh Thành điện như ta thấy hiện nay. Xu hướng trùng tu, sửa chữa của các vua đời sau đối với lăng tẩm của các vị vua trước là đơn giản hoá về hình thức, thu nhỏ hơn về quy mô. Có thể nhận định nầy chưa hoàn toàn đúng với tất cả lăng tẩm ở Huế nhưng đối với lăng Gia Long là hoàn toàn đúng.
Rõ ràng với các vết tích kiến trúc tìm thấy được qua các cuộc thám sát khảo cổ học ở Cố đô Huế đã cho ta một cái nhìn toàn diện về một Cố đô Huế xưa kia mà ở đó từng hiện hữu nhiều cái khác so với hiện tại về cả quy mô lẫn cấu trúc. Điều đó càng thú vị hơn khi Khảo cổ học đã cung cấp thêm những tư liệu mới mà lần đầu tiên tìm thấy ở đây như vết tích nền móng của một kiến trúc ba gian, hai chái ở vườn Thiệu Phương hay kỹ thuật gia cố nền móng ở lầu Tứ Phương Vô Sự hoặc kỹ thuật gia cố chân tảng tìm thấy ở Đông Các, ở trường lang phía tây nối điện Cần Chánh với điện Càn Thành chạy qua trước điện Trinh Minh... Tất cả những phát hiện trên vừa đánh dấu sự thành công của công tác điều tra, thám sát khảo cổ học, nhưng cũng vừa đặt ra những vấn đề khoa học cần phải giải quyết. Một trong những vấn đề nổi cộm ở đây là lý giải sự thay đổi về môi trường, địa lý cảnh quan để từ đó dẫn đến sự thay đổi của mặt bằng kiến trúc trong khu vực Đại Nội cũng như ở các lăng tẩm. Vấn đề thứ hai là lý giải một số vết tích kiến trúc đã xuất lộ thực sự trong hố đào song không hề được đề cập đến trong các thư tịch cổ mà điển hình là kiến trúc ba gian hai chái ở vườn Thiệu Phương, hồi lang chữ khẩu ở lăng Gia Long hay hai kiến trúc ở ngay sát bình phong tiền ở trước lăng Minh Mạng... Để giải quyết các vấn đề trên chắc chắn phải cần có nhiều thời gian và sức lực của nhiều ban, ngành khoa học khác nhau.
Trên đây, chúng tôi vừa đề cập đến một vài khía cạnh của Cố đô Huế qua kết quả của Khảo cổ học. Những vết tích xuất lộ thực sự là nguồn tài liệu đáng tin cậy cho chúng ta – những người đang nghiên cứu Huế, để tìm cái hay, cái đẹp của Huế và cho các nhà trùng tu, tôn tạo – những người đang ngày đêm nỗ lực trả lại cho Huế những gì đã mất. Song vấn đề đặt ra ở đây là thái độ ứng xử của chúng ta trước nguồn tư liệu vật chất đáng tin cậy đó. Chúng ta đã đưa lên khỏi lòng đất một khối tài liệu hết sức quan trọng, nó đã giúp ta phần nào nhận diện được một Cố đô Huế từ trước đến nay chìm sâu trong lòng đất. Nhưng bây giờ khi đã đưa lên rồi thì chúng ta có coi trọng vai trò của chúng không và coi trọng đến đâu? ý chúng tôi muốn nói ở đây là trong công tác trùng tu, tôn tạo có áp dụng một cách triệt để nhất những thông tin mà Khảo cổ học mang lại hay không? Nếu như chúng ta đã xác định tôn trọng tính nguyên gốc là nguyên tắc tối quan trọng trong trùng tu, tôn tạo thì kết quả Khảo cổ học từ trước đến nay đang hướng chúng ta đạt đến điều đó, song các dự án khai thác, áp dụng thông tin đó đến đâu là bài toán đang được đặt ra cho các nhà quản lý và các nhà lập dự án trùng tu, tôn tạo.
V.Q.H (199/09-05) |