Trong cái trường thơ hỗn mang đó, Nguyễn Sĩ Cứ có muốn trở thành một nhà thơ hay không? Anh dè dặt như một kẻ biết điều. Anh lặng lẽ như một người chiêm ngẫm. Anh sợ hãi như một chàng trai tân vừa chạm tình trường: “Ngực ai rờn rợn chạm nơi tay”...
Còn nhớ ba năm trước, Nguyễn Sĩ Cứ đưa tôi 30 bài thơ nhờ đọc xem có in thành tập được không. Đã tuổi “tri thiên mệnh” mà trong tay có 30 bài thơ thì quả là quá ít so với gia tài thơ của bao người làm thơ khác; nhưng nếu in thành tập thì 30 bài kể cũng hơi nhiều. Tập Đầu súng trăng treo của Chính Hữu chỉ có 20 bài mà làm cho các nhà văn học sử không bao giờ dám bỏ sót tên tuổi của nhà thơ. Tôi đọc 30 bài thơ của Cứ, phân vân mãi, cuối cùng bảo anh nên đợi một thời gian xem có thêm được một số bài nữa không? ý tôi muốn tập thơ cần có thêm một sức nặng về chất, nghĩa là phải gây được ấn tượng riêng mạnh hơn nữa. Cứ nghe tôi nói, hơi hẫng một giây, rồi anh im lặng. Ba năm sau, tập bản thảo thơ của anh đã dày gấp rưỡi. Những bài thơ mới đã đến độ “chín tới”, với những xót đắng của yêu thương và chiêm nghiệm:
Cái cây trước nhà bị chặt Ra giêng chim lại tìm về Bơ vơ đánh rơi tiếng hót Tiếng hót loang dài mặt đê Sang năm rồi sang năm nữa Hết cây, chim chẳng tìm về Chim hót trong băng cát-xét Tiếng chim bán đầy chợ quê. (Tiếng chim)
Trong lời vô ngôn nỗi niềm vỡ tung ngực khát em nói yêu tôi ngoài tầm thể xác
nhưng có khi cơn mưa tôi không dịu em cơn khát chính là điều bất hạnh vô ngôn. (Vô ngôn)
Thơ Nguyễn Sĩ Cứ đa cảm, đa nghĩ. Những hồi nhớ quá khứ bám đuổi, cật vấn. Những chiêm nghiệm thực tại xoáy lật, róng riết. Những yêu thương rạo rực trong kìm nén. Và vì thế, thơ anh mang chứa nỗi buồn buốt nhói khuất ẩn – một nỗi buồn chìm. Cái nỗi buồn mà nếu không có nó, thơ sẽ trơ ra xác chữ. Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Sĩ Cứ là nỗi buồn chia sẻ với những bất hạnh ở đời. Kể cả khi anh cất lên cái giọng tưng tửng của “kẻ thích đùa” thì đấy cũng là cái giọng đùa ra nước mắt:
giấc mơ mùa đói đàn chim thiên di giấc mơ mùa no vỗ cánh dậy thì giấc mơ mồ côi có giày để đánh giấc mơ mùa lính cắt sốt đại ngàn giấc mơ mùa quan chan chan bổng lộc giấc mơ mùa học không có dạy thêm giấc mơ mùa em đường cong mỹ mãn giấc mơ mùa hạn nước đầy phù sa giấc mơ không mùa mùa không mộng mị... (Mơ mùa) Đôi lúc, Nguyễn Sĩ Cứ muốn thoát khỏi những con chữ quen thuộc để chuyển tải tư duy của người thơ hiện đại. Sau khi kiểm lại thế kỷ “Người nghèo kiếm ăn chân trời góc bể/ Người giàu phát minh món lạ nhậu chơi”, anh như rơi vào miền không trọng lượng: đêm, chùm sao rụng hố đen khép vũ trụ đầm đìa giấc mơ toát mồ hôi lạnh
bảnh mắt, nhét giấc mơ vào họng sửa soạn bộ mặt kiếm cơm giành giật với cả chính mình
đêm, những linh hồn vô định vẫn bền bỉ kiếm tìm chốn ẩn cư miền lạ. (Nghe đêm)
Nhưng có lẽ sự bền bỉ kiếm tìm nhất trong thơ anh là món nợ quá vãng, món nợ với những người mẹ, người lính suốt thời chiến tranh dai dẳng: Miền Trung là ai? Tôi nhìn người mẹ hoá đá vẫn khăn tang (Miền Trung nhớ bạn)
Tuổi xanh muối bạc vầng tóc mẹ bạn không về chống gậy mẹ xuôi tay nén nhang cháy cong hình dấu hỏi trước nấm mồ tôi người có lỗi (Dấu lặng 2)
Nếu ngày đó mảnh bom to chút nữa Hồn ta giờ chắc hẳn cũng phiêu diêu ...... Nên mỗi lần vào dịp này, tháng Bảy Ta khóc người, người hỡi có biết không? (Nhớ bạn)
Nguyễn Sĩ Cứ không chỉ bị ám ảnh về cuộc chiến khốc liệt mà chính anh là một người lính. Ngay cả những huyền tích lịch sử đầy bi hùng của dân tộc trong lịch sử cũng hiện lên trong thơ anh như là vẫn còn ở sát gần đâu đó quanh cuộc đời này. Một Đêm Bạch Đằng “trong chiến thuyền cháy/ áo máu chiến binh/ nhuộm rực tà dương”, một An Dương Vương “ôm hận xuống cửu tuyền” “gửi lại trời xanh câu hỏi lớn không lời”, một Loa Thành “con ốc biển khổng lồ/ hội tụ nghìn cơn bão/ một đêm phản trắc hiện hình”... đều là những ám ảnh không nguôi của người thơ đã mặc áo lính một thời. Những ám ảnh không dễ gì xoá nổi.
Dù người ta có muốn trở thành nhà thơ hay không, thì khi làm thơ, người ta vẫn bộc lộ cái bản chất sâu thẳm trong tâm hồn mình. Đọc thơ ấy, người ta nhận ra anh qua tâm hồn ẩn chứa trong từng câu chữ. Nguyễn Sĩ Cứ là một con người cả nghĩ và chân thực. Một con người không chỉ có trách nhiệm với chính mình mà còn có trách nhiệm với cả nỗi đau, niềm lo của người khác:
Mẹ em phơi củi Em phơi sách Đời mẹ đời con phơi giữa trời Mang mang ngầu lạnh phên hồng thuỷ Làng trôi ra biển Sao nghèo không trôi? (Phơi)
Tháng Ba ra phố Chợt tiếng khẩn nài: “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại” Nhận ra giọng nói làng mình Tháng Ba.. như người mất máu. (Tháng Ba)
Một người thơ có nỗi đau buốt nhói tưởng như quá tỉnh, lại đôi lần để lộ “gót Asin” của đam mê: Em đi áo tím qua cầu Nhuộm ta tím cả sắc màu Huế thơ (Với Huế)
Ta về uống nắng thành cây Uống hương thành gió Uống say thành lời. (Lại về cùng Huế)
Mắt huyền trời ạ, đừng lúng liếng Kẻo mà... chết đuối cả Mùa Thu. (Mùa cổ điển) Để rồi nhận ra một sự thật trong một nỗi buồn say: Thế là khô khát và... Mưa Thế là son phấn dối lừa và... Em Thế là sao ướt và... Đêm Thế là trăng rớt xuống thềm và... Say. (Say) Và có lúc thốt ra tự bạch như một người phẫn chí: Đời người mấy trận mưa chan Mấy phen nắng lửa thì tàn cuộc chơi? Thà về đếm hạt mưa rơi Và nghe cỏ hát những lời vô vi (Tự khúc)
Ấy là lúc anh muốn thoát ra ngoài những đua chen phù du nơi trần thế? Nhưng cuộc đời thì vẫn thế, như quả đất vẫn chẳng ngừng xoay. Và con người vẫn phải vật lộn với cả chính mình, cho đến lúc nhận ra: Cuộc phù thế chỉ như là đám bụi Rồi cũng ba thước đất dưới cỏ mềm. (Cuộc phù thế)
Thế kỷ này chúng ta chạy như điên Vẫn hướng đích đám côn trùng dưới cỏ. (Côn trùng)
Nguyễn Sĩ Cứ đã đẩy sự chiêm nghiệm đến chân tường để nhận chân cuộc sống. Và cuối cùng, anh đã gửi lòng mình vào câu thơ tưởng nhớ một nhà thơ đàn anh mà anh vô cùng quý trọng: Người đi... Trang viết neo lòng Câu thơ để lại trắng trong đời mình. (Nhớ nhà thơ Phùng Quán)
Hình như khi làm thơ, Nguyễn Sĩ Cứ cũng hướng tới điều đó. Hướng tới điều Chân, điều Thiện, điều Trắng Trong ở cõi lòng mình. Và thơ anh đã phần nào đảm trách được điều anh hướng tới. Thơ ấy có thể in thành tập để lưu lại cái phần hồn của người thơ, dù anh có muốn trở thành thi sĩ hay không. Hà Nội, chớm Thu 2005 N.T.T (199/09-05) |