1. Nhìn trên bản đồ, hình thể nước Việt dường như cứ phải uốn cong trước sức nặng của tảng đá khổng lồ là mảng lục địa phương Bắc. Hàng ngàn năm, dải đất hình chữ S cứ xoắn lại trong vất vả và nghiệt ngã nhưng không thể gục gãy, không khuất phục bao giờ. Mảnh như một nhành hoa, gầy khô như là nét vẽ, khắc khổ như một tiếng thở dài nhưng dáng vươn bật của chiếc lò xo phi thường ấy luôn ẩn chứa một nội sức vĩ tuyệt kiêu hãnh đến không ngờ. Hàng ngàn năm chịu đựng muôn vàn lưỡi dao mưu toan đồng hoá, tấm thân Việt vẫn nguyên lành khí phách của cha ông. Những cánh đồng chua đất mặn quanh năm bão, lũ ngập tràn không thể ngăn được sự bền bỉ vươn lên của mỗi con người.
Chính vì thế, năm 1858, khi tiếng súng xâm lăng của thực dân làm dậy sóng sông Hàn, con sông nhỏ đã trở mình nóng bỏng. Nhưng sự oái oăm của số phận một lần nữa lại bắt dân Việt phải đương đầu với thử thách khó khăn: Kẻ thù mới so với chúng ta không chỉ chênh lệch về vũ khí, phương tiện mà chúng còn đại diện cho cả một phương thức sản xuất mới đang bành trướng toàn cầu. Sự thất bại đã được báo trước: 101 nước châu Á và châu Phi, không một nước nào thoát khỏi ách nô dịch, trừ Nhật Bản đã khôn ngoan tránh được chiến tranh. Sự an ủi từ một trăm dân tộc đồng cảnh ngộ là không đủ. Cuộc đấu tranh mới phải được bắt đầu.
Nhiều vạn con người đã anh dũng ngã xuống. Mảnh đất đau thương bị vùi dập đến ê chề. Sự bất lực về con đường và phương hướng đã làm cho mọi ngọn sóng căm thù của nhân dân ta đều bị vỡ tan thành những bụi sóng xót xa. Cho đến một ngày... Con sông Sài Gòn tím biếc trong màn sương chờ đợi để ủ chín cơn quẫy mình khao khát từ bến Cảng - ngôi Nhà sinh hạ giống tiên Rồng.
Nguyễn Tất Thành rời xa Tổ quốc với ước vọng như chính tên anh: một con đường chắc chắn sẽ dẫn tìm đích đến bởi cha ông đã tủi nhục quá lâu rồi. Năm 1911 là năm mà cuộc Cách mạng Tân Hợi thành công. Nhưng Nguyễn không tìm đến một sự cứu giúp. Nguyễn muốn anh và cả dân tộc phải tự mình.
2. Chắc hẳn đó là phần không thể thiếu khi nhắc đến bối cảnh xa để làm nên bản Tuyên ngôn bất hủ. 80 năm khổ đau của dân tộc như quyện chặt vào 34 năm gian khó của Nguyễn Ái Quốc để những lời tâm huyết của Hồ Chí Minh vang vọng mãi lòng người. Bản Tuyên ngôn khẳng định sự thật bằng những tiếng thiêng liêng rực cháy từ hồn sông núi: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Tuyên Ngôn Độc Lập có sự kết hợp lạ kỳ của ngôn ngữ Đông - Tây. Những từ như dân cày và dân buôn; các nhà tư sản ta; công nhân ta; dân ta... đứng gần như đẳng lập với các cụm từ mà tính rõ nghĩa như trong luật pháp của chúng khẳng định dứt khoát rằng dân tộc Việt Nam biết rất rõ lẽ phải và sự thật của mình; rằng Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Chính vì thế, những ai đã công nhận những nguyên tắc của hội nghị Tehran và Cựu Kim Sơn (Sanfranscisco) quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam (tác giả nhấn mạnh). Chúng ta biết chắc rằng, với hơn 90 % dân số mù chữ, nhân dân ta hầu như chưa bao giờ làm quen với cách tạo câu theo dạng phủ định của phủ định đanh thép ấy.
Những câu như thế hoặc gần như thế không nhiều, chỉ có ở 16 câu trong tổng số 46 câu của 32 đoạn văn. Điều đó thật nhiều ý nghĩa. Nó cho biết rất rõ rằng Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng xuất sắc mà còn là một nhà ngoại giao tài giỏi. Rất đáng lưu ý đây là thời điểm thế giới rất cần những nhà ngoại giao như thế, bởi chiến tranh vừa kết thúc.
3. Bản Tuyên ngôn muốn nói đến thật nhiều điều qua hơn một ngàn từ ngắn ngủi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng nước Việt Nam mới chỉ xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp chứ không phải xoá bỏ tất thảy mọi quyền lợi; rằng chúng ta thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp chứ không phải thoát ly tất cả. Đất nước ta chỉ mới có quyền độc lập, quyền tự do chứ chưa phải là nền độc lập, tự do vì chúng ta chưa tổ chức Tổng tuyển cử. Người còn muốn nhắn nhủ rằng hai điều đáng lo nhất từ phía các kẻ thù là chúng luôn ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta,... ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch thật hay câu mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng (tôi nhấn mạnh-TVH). Nguyên văn: Tất cả mọi người đều được sáng tạo ra (bởi Đấng Sáng Tạo) bình đẳng (Every men was created equal). Có lẽ đã không hề ngẫu nhiên khi trong bản Tuyên ngôn, Hồ chủ tịch đã nhắc đến dân cày, dân buôn, tư sản, công nhân theo đúng một trình tự cần thiết của hoàn cảnh ấy? Ai cũng biết rất rõ thang bậc hàng ngàn năm của trật tự cũ là sĩ, nông, công, thương. Sự tuyệt vời của Bản Tuyên ngôn có thể tìm thấy ở ngay một chi tiết rất nhỏ: Ở câu 38, Tuyên ngôn viết rằng Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới...; còn ở câu 46 là Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố rằng... Thật rõ ràng là cách ngắt câu, cách đảo ngôi chủ - vị của từ lâm thời là cả một tuyệt bút dẫu chỉ có hai từ giản dị mà thôi.
60 năm đã trôi qua kể từ buổi sáng Ba Đình lộng lẫy sắc đỏ tự hào và rực rỡ ánh nắng vàng tươi mới ấy, ta vẫn như còn nghe thấy những âm thanh chưa có bao giờ của một cuộc đổi đời lịch sử. Bước chân của Nguyễn Tất Thành lớn dậy cùng dân tộc để cho muôn đời nối bước theo Người. Giọng nói thiêng liêng của Người khi đọc Tuyên Ngôn Độc Lập sẽ vang vọng mãi đến ngàn sau. Bây giờ, chắc chắn mỗi chúng ta đã hiểu rõ vì sao dân tộc ta có thể vượt qua chừng ấy khó khăn từ hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Chính từ Bản Tuyên ngôn lịch sử, Hồ Chủ tịch đã khẳng định chân lý tuyệt vời: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Quy Nhơn, 17/8/2005 T.V.H (199/09-05)
|