Tạp chí Sông Hương - Số 199 (tháng 9)
Ghi chép qua các đại hội chuyên ngành
10:48 | 08/04/2009
*HỘI ÂM NHẠC THỪA THIÊN HUẾQua một nhiệm kỳ, Hội Âm nhạc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt. Bên cạnh việc xây dựng và tổ chức các chương trình hoạt động làm phong phú đời sống âm nhạc trên địa bàn tỉnh, mở rộng quan hệ hợp tác với các Hội Âm nhạc các tỉnh và thành phố bạn, Hội còn quan tâm đến việc củng cố và phát triển hội viên, duy trì sinh hoạt thường xuyên, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn và giới thiệu tác phẩm mới của hội viên, chương trình âm nhạc tưởng nhớ các nhạc sĩ đã qua đời như Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Thương..., các chương trình giao lưu âm nhạc...

Hội đã cử các hội viên tham gia các trại sáng tác do Hội LHVHNT tỉnh Thừa Thiên Huế hoặc do Bộ VHTT tổ chức, tham gia đánh giá chất lượng các hội thi, hội diễn và đạo diễn dàn dựng các chương trình nghệ thuật tại các cuộc liên hoan, hội diễn cấp quốc gia, khu vực và của địa phương. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu, phê bình, giảng dạy của các hội viên ở cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp Sở được Hội đồng khoa học đánh giá cao, nhiều hội viên đạt được các giải thưởng cao của cấp chuyên ngành quốc gia.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế còn có những băn khoăn về việc thành lập Hội đồng Nghệ thuật để xét các tác phẩm âm nhạc như vừa rồi tại giải thưởng Cố Đô. Một Hội đồng Nghệ thuật chỉ có 2 thành viên là chuyên ngành âm nhạc, thời gian họp xét kéo dài do có một thành viên âm nhạc vì lý do chuyên môn nên thường xuyên vắng mặt, do vậy thật khó khách quan khi xét.

Để tạo điều kiện cho các Hội chuyên ngành hoạt động có hiệu quả hơn, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế kiến nghị với Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế nên dành cho mỗi hội một góc làm việc tại trụ sở 26 Lê Lợi và bố trí một phần ngân sách cho mỗi hội ngay từ đầu năm để các hội chủ động khi đề ra các chương trình hoạt động.

*HỘI KIẾN TRÚC SƯ THỪA THIÊN HUẾ

Là một tổ chức hội cơ sở của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên của Hội LHVHNT và Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế. Có một thời gian dài Hội không phát triển được hội viên, số lượng chỉ trên dưới 20 người, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 150 kiến trúc sư, trong đó có 29 kiến trúc sư là hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Năm 2004, Hội đã thành lập Câu lạc bộ kiến trúc sư trẻ nhằm tạo điều kiện cho lực lượng kiến trúc sư trẻ giao lưu, trao đổi nghề nghiệp. Hoạt động của Hội gắn liền với tiến trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong những năm gần đây. Đội ngũ kiến trúc sư tại Thừa Thiên Huế bao gồm các kiến trúc sư có kinh nghiệm tham gia các công tác quản lý, sáng tác và đông đảo kiến trúc sư trẻ năng động, nắm bắt nhanh kỹ thuật công nghệ mới, có ý thức học tập nâng cao nghề nghiệp đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống và xã hội.

Thời gian qua, Hội đã có nhiều cố gắng và đã đạt được một số thành tích trong các hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội, trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nâng cao nghiệp vụ... nhưng nhìn chung, hoạt động của Hội còn trầm, chưa có những chương trình hoạt động cụ thể, các hoạt động còn mang tính thời vụ, đối phó nên sức thu hút, gắn bó với hội viên còn yếu. Mặt khác, trong công tác tư vấn phản biện xã hội, tiếng nói của Hội chưa ngang tầm, hoạt động của Hội chưa theo kịp những vấn đề bức xúc phát sinh trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, thể hiện trên các lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc,...

Nhiệm kỳ 2005-2010, Hội Kiến trúc sư Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển Hội vững mạnh, thu hút lực lượng kiến trúc sư vào các hoạt động của Hội, khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có tiếng nói góp phần vào xây dựng nền kiến trúc tỉnh nhà.

*HỘI NGHỆ SĨ MÚA THỪA THIÊN HUẾ

Ngày 01 tháng 8 năm 2000, Chi hội nghệ sĩ múa Thừa Thiên Huế được thành lập. Đến nay, Hội gồm có 14 hội viên, trong số đó có 5 hội viên Hội nghệ sĩ múa Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Hội LHVHNT, sự hỗ trợ của Sở VHTT cùng với sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, tổ chức Hội ngày càng ổn định, hoạt động hiệu quả hơn và đã đạt một số kết quả nhất định trong hoạt động chuyên môn nghệ thuật, trong công tác tổ chức và phát triển Hội cũng như công tác hoạt động phong trào. Các nghệ sĩ hội viên đã lao động sáng tạo nghệ thuật không ngừng để dàn dựng, khôi phục và biểu diễn nhiều tác phẩm múa Cung đình, múa dân gian. Ngoài ra, các hội viên luôn tìm biện pháp khoa học để truyền thụ nghệ thuật múa đến các học sinh, góp phần đào tạo các thế hệ diễn viên múa cho tỉnh nhà và cho cả miền Trung. Tuy nhiên, các hình thức hoạt động của Hội còn yếu nên chưa phát huy tốt các giá trị của nghệ thuật múa nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng, chưa kết nạp thêm được nhiều hội viên mới và cũng chưa tìm được giải pháp tăng thu nhập cho hội viên.

Nhiệm kỳ 2005-2010, Hội Nghệ sĩ múa Thừa Thiên Huế quyết tâm khắc phục các tồn tại nhằm xây dựng sự nghiệp múa tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, góp phần phát huy vốn nghệ thuật truyền thống Huế đa dạng, phong phú hơn.

*HỘI MỸ THUẬT THỪA THIÊN HUẾ

Trong 5 năm vừa qua, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động sôi nổi như tổ chức giao lưu nghệ thuật, tổ chức cho các hoạ sĩ Huế tham dự các trại sáng tác, tổ chức các cuộc triển lãm, các buổi hội thảo về nghệ thuật,... Hội đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần tạo cho nền mỹ thuật Thừa Thiên Huế một sắc thái riêng, tương đối dễ nhận diện trong các vùng miền của đất nước. Những giải thưởng mà Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã đạt được:

Giải của Hội Mỹ thuật Việt Nam: 1 giải nhì toàn quốc (Ngô Tâm, 2001); 2 giải A Khu vực (Lê Văn Nhường, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai), 2 giải B Khu vực (Ngô Tâm, Tô Trần Bích Thuý), 1 giải C Khu vực (Hoàng Đăng Nhuận).

Giải VHNT Cố Đô: 1 giải B (Ngô Tâm) và 3 giải C (Trương Bé, Lê Văn Nhường, Tô Trần Bích Thuý)

*HỘI NHIẾP ẢNH THỪA THIÊN HUẾ

Sáng tác và triển lãm ảnh là hoạt động chủ yếu của Hội Nhiếp ảnh. Đa số hội viên đã tích cực tham gia hoạt động nầy và đã có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật có giá trị, được thẩm định thông qua các giải thưởng trong các cuộc thi ở nhiều cấp khu vực, quốc gia và quốc tế.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 20 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật với hơn 1000 tác phẩm được công bố, đặc biệt là đã tổ chức được các cuộc triển lãm giao lưu giữa 3 thành phố Hà Nội - Huê ë- thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian dài gián đoạn. Bên cạnh đó Hội cũng đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm giao lưu với các tỉnh bạn như Đà Nẵng, Hội An, CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm chào mừng Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng,...

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao mang tính khám phá, phát hiện mới do đa số hội viên còn sáng tác theo cảm tính, thiếu tính chuyên nghiệp và mặt lý luận còn yếu. Do điều kiện kinh tế, nhiều hội viên chưa thể tự trang bị những phương tiện máy móc hiện đại nên còn hạn chế trong việc tiếp cận sự phát triển của khoa học kỹ thuật về ngành ảnh cũng như ít có điều kiện tham gia sáng tác hoặc tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế.

*HỘI SÂN KHẤU THỪA THIÊN HUẾ

Bao gồm các hội viên là những nghệ nhân lớn tuổi, những người hiện đang công tác hoặc không thuộc biên chế các cơ quan, tổng số hiện nay là 98 người, Hội Sân khấu Thừa Thiên Huế chia thành 4 Phân hội: Phân hội Đoàn Ca kịch Huế, Phân hội Đoàn Nghệ thuật truyền thống, Phân hội Đoàn Nghệ thuật Cung đình Huế và Phân hội Sân khấu nghệ thuật quần chúng. Là lực lượng chủ yếu trong các chương trình nghệ thuật, các hội viên Hội Sân khấu Thừa Thiên Huế đã tham gia phục vụ các ngày lễ, tham gia nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nước và ở nước ngoài như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Lào, Thái Lan,... đã góp phần giới thiệu và tôn vinh nghệ thuật truyền thống Huế với công chúng trong và ngoài nước.

Qua 5 năm hoạt động, dù còn nhiều khó khăn, các hội viên Hội Sân khấu Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu cả nước chưa tương xứng với loại hình nghệ thuật vốn có, chưa thu hút được công chúng đến với sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Mặc khác, do khó khăn về sáng tác kịch bản, về diễn viên, về dàn dựng, về trang thiết bị phương tiện, kỹ thuật hoạt động và đặc biệt là sự đầu tư để phát triển nghệ thuật sân khấu nên hiện nay các Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp đang còn nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng chương trình hoạt động và Hội cũng có nhiều khó khăn hạn chế. Nhiệm kỳ 2005-2010, với nhiệt tình say mê nghề nghiệp, những hội viên của Hội Sân khấu Thừa Thiên Huế tiếp tục phấn đấu, trao đổi nghề nghiệp, sáng tạo nghệ thuật, đảm bảo cho Hội Sân khấu thực hiện chức năng là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tham gia nhiều trên lĩnh vực sân khấu, góp phần cùng với các hội chuyên ngành, tạo nên những công trình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị chất lượng cao, phục vụ quê hương, đất nước.

*HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN THỪA THIÊN HUẾ

Với số lượng 42 hội viên, phần lớn đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng, các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan quản lý văn hoá nghệ thuật,... là những người có tâm huyết với nghề nghiệp và đã có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu: phong tục tín ngưỡng, ngành nghề truyền thống, văn học dân gian, âm nhạc dân gian, mỹ thuật dân gian, sân khấu dân gian, văn hoá các dân tộc ít người,... Trong nhiệm kỳ vừa qua, các hội viên đã tích cực tham gia các trại sáng tác, các cuộc nghiên cứu điền dã do Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế tổ chức, đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu của mình.

Hội đã tiến hành điều tra, lập tổng mục lục sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế để việc nghiên cứu được tiến hành một cách toàn diện và phù hợp với yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Hưởng ứng kế hoach “Tầm nhìn 2010" của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội đã lên kế hoạch tiến hành sưu tầm các sáng tác dân gian để lưu giữ và tìm kế hoạch ấn loát phổ biến, xúc tiến biên soạn bộ Tổng tập văn học dân gian Thừa Thiên Huế gồm 6 tập (3 trong 6 tập nầy đã được xuất bản). Ngoài ra, Hội cũng đã mở lớp tập huấn nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian tại thành phố Huế cho các hội viên và cộng tác viên của Hội. Hằng năm, Hội đã thực hiện tập Nghiên cứu Văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế với những bài viết về kết quả sưu tầm, nghiên cứu mới nhất của các hội viên và đã đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian cho 5 nghệ nhân ở Thừa Thiên Huế.

Thành quả trên rất to lớn, tuy nhiên lĩnh vực nghiên cứu của Văn nghệ dân gian vô cùng phong phú và có nhiều mặt còn đang bỏ ngỏ, do vậy Hội cần năng động, nhạy bén hơn trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan để thống nhất đề tài và kinh phí thực hiện, góp phần thích đáng của mình vào việc thực hiện các chương trình trọng điểm, các công việc cụ thể của Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

P.V

(199/09-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng