Tôi thích thơ Thái Ngọc San, dù anh làm thơ ít, in thơ còn ít hơn. Có vẻ anh không quá ăn thua với chuyện thơ phú, nhưng phải đọc thơ anh mới biết, anh không thể sống thiếu thơ, vì cũng như lúc ngồi trong chiếu rượu với anh em, San làm thơ để giải toả, giải thoát, giải vây cho chính mình. Anh không làm thơ để được cái gì, cũng không làm thơ để mất cái gì. Anh làm thơ chỉ để nói một điều: “Ai biết trong lòng tôi - Có nỗi khổ tâm nào không nói được”. Vậy thôi. Ai chả có những nỗi khổ tâm riêng của mình, San chắc cũng vậy. Với tháng năm, tuổi tác và sự từng trải, đôi khi ta nhìn đời bình thản hơn, chịu đựng hơn, thậm chí xuê xoa hơn.
Nhưng Thái Ngọc San còn là nhà báo. Anh làm báo THANH NIÊN, ban đầu, chắc cũng giống như tôi, là để kiếm đồng vào đồng ra nuôi mình và gia đình, trước khi có những ước vọng hay tham vọng xa xôi hơn, lay trời chuyển đất hơn. Bây giờ làm báo có vẻ được, chứ hồi San mới làm cho báo TN, báo cũng còn nghèo và anh em làm báo còn nghèo hơn. Những lần ra Huế, tôi đều gặp San. Không phải để bàn chuyện làm báo, vì cũng chẳng có gì để bàn, hay huyên thuyên khắc khoải đọc thơ, vì cũng không lấy đâu nhiều thơ để đọc. Chúng tôi gặp nhau chỉ để uống mấy ly, nói vài câu, có khi chẳng nói gì. San cười cười, tôi cũng cười cười, vậy là đủ.
Có lẽ so với nhiều bạn bè khác của San, tôi ít gần anh hơn. Nhưng không vì thế tôi bớt quí San. Bài thơ Về những con đường khô cây của San, tôi đọc từ ngày còn ở chiến trường Nam Bộ, và tôi thích anh. Thơ hồi ấy ở các đô thị Miền Nam không phải ít. Thơ có xu hướng đấu tranh, có xu hướng phản kháng cũng không ít. Nhưng bài thơ này của Thái Ngọc San vẫn có một giọng điệu riêng, một từ trường riêng của nó. Đúng như tôi hình dung, tác giả bài thơ giống hệt như bài thơ con đẻ của anh. Đây là “cha giống con”, vì tôi biết “con” rồi mới quen “cha”. Thơ San nén lại, khắc khoải nhưng không tỏ ra như vậy. Anh không biết làm dáng, dù sau này, thỉnh thoảng nghe anh em nói, anh cũng ăn trầu cho “hoà đồng” với các mệ, với người Huế. Nhưng Thái Ngọc San không hề là “nhà Huế học” như một số bạn bè anh. Anh tưng tưng, nói nửa câu, cười nửa miệng, không thích hợp với một nhà nghiên cứu. Anh lại hay rượu, lại mơ mơ màng màng đến mức qua đường để xe tông, anh đâu thích hợp với vai nhà Huế học trầm tư nói năng khúc chiết. Hai lần bị tai nạn trong vòng 6 năm, lần sau nặng hơn lần trước, nhưng cũng là người khác tông vào anh, chứ San chưa vì say hay tỉnh mà tông ai. Anh thực ra là người rất hiền, người lúc nào như cố nén một cái gì, cố dấu một cái gì. “Và tình yêu buồn như viên gạch cũ- ở phía con đường kia”.
Tình yêu buồn như thế sao? Quả tình, không dễ hiểu thơ, kể cả thơ mình thích, thơ của người mình quen. Hôm kia giờ, từ lúc biết San đã rơi vào hôn mê sâu, mấy bạn bè chúng tôi không ngớt nói về anh. Nào có giúp được gì, những mẩu ký ức vụn vặt ấy. Nhưng chúng tôi còn biết làm gì hơn cho San? Anh đã ở bên bờ sinh tử từ hai tuần nay, và việc anh dứt áo ra đi chỉ là giọt nước cuối cùng.
0 giờ 45 phút ngày 25 tháng 7 năm 2005. Vĩnh biệt Thái Ngọc San! Trước khi chính thức lên rừng tham gia cách mạng nghe nói San đã từng phải đi lao công đào binh do phản chiến. Ngay lần đầu gặp anh, tôi đã thấy hiện rõ nơi anh vẻ khắc khổ, có lẽ cả khắc kỷ. Bù lại, San được rất nhiều bạn bè thương mến. Anh dường như dung hợp được họ, những người bạn rất khác nhau và cũng khác anh. Hôm kia giờ, vợ chồng Nguyễn Hữu Ngô - hai trong số rất nhiều bạn thân của San - từ Huế vào Quảng Ngãi chơi với vợ chồng tôi, và những kỷ niệm về Thái Ngọc San lại được “hâm nóng”. Chúng tôi đã mất một người bạn hiền. Rất ít khi có dịp gặp San, nhưng tôi và một người bạn tôi - Ngô Thế Oanh - vẫn quí San. Quí cả thơ lẫn người, dù thơ San lãng đãng mà người San còn lãng đãng hơn. Vĩnh biệt anh, người bạn chung của rất nhiều anh chị em chúng tôi, người từ đô thị, kẻ ở Bắc vào, những người đã đi qua chiến tranh với ít nhiều mất mát. “Tôi vẫn nhớ bạn bè tôi - Dù mỗi thằng đi mỗi hướng - Và tôi vẫn tin rằng - Không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm” (Về những con đường khô cây). Người như thế, làm sao không có nhiều bạn bè cho được?
Quảng Ngãi 25/7/2005 T.T (199/09-05) |