Tạp chí Sông Hương - Số 199 (tháng 9)
Đào Phan với ba công trình nghiên cứu về chủ tịch Hồ Chí Minh
15:58 | 08/04/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊ     Ba công trình dày dặn nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của cùng một tác giả, cùng được xuất bản trong năm 2005 kể cũng đáng gọi là "hiện tượng" trong ngành xuất bản. Ba công trình đó là "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa" (NXB Văn hóa Thông tin, 315 trang), "Hồ Chí Minh - một nhân cách lớn" (NXB Văn hóa thông tin, 510 trang) và "Đạo Khổng trong văn Bác Hồ" (NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 375 trang).
Đào Phan với ba công trình nghiên cứu về chủ tịch Hồ Chí Minh

Tác giả của 3 công trình đặc sắc này là Đào Phan (1920-1996), một tên tuổi quen biết trong giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Ông là em ruột học giả Đào Duy Anh. Nhiều người, nhất là các chiến sĩ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám lại biết ông với tên Đào Duy Dếnh, 16 tuổi đã tham gia chống Pháp trong phong trào thanh niên, học sinh ở Huế, từng là Bí thư Thành ủy Huế, Bí thư Hà Nội, bị thực dân Pháp bắt và lưu đày tại nhiều nhà tù ở Thừa Thiên, Phan Rang, Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, thoát khỏi ngục tù đế quốc, ông được đồng chí Nguyễn Chí Thanh cử làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ, tập hợp những thanh niên trí thức đi đến tận những vùng rừng núi, những thôn xóm xa xôi hẻo lánh diễn thuyết, diễn văn nghệ tuyên truyền cho chính phủ cụ Hồ... Từng viết báo "Suối Reo" - tờ báo của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù Sơn La, năm 1947, ông được Trung ương điều ra phụ trách Nhà xuất bản và báo "Quân du kích" - tiền thân của NXB và báo "Quân đội nhân dân" hôm nay... Xuất thân từ một gia đình nổi tiếng, có một quá trình hoạt động cách mạng oanh liệt, nhưng do những trớ trêu và ngộ nhận của lịch sử, và cũng có thể vì tính bộc trực của mình, suốt mấy chục năm ông phải làm người "ở ẩn"; mãi đến những năm bảy mươi, khi ông bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về đề tài Hồ Chí Minh và nhất là từ ngày đất nước "Đổi Mới", ông mới lại được sống những ngày sôi nổi.

Ba công trình viết về Chủ tịch Hồ chí Minh là thành quả suốt mấy chục năm nghiên cứu của Đào Phan. Cũng có thể nói, từ cả "núi" tài liệu trong và ngoài nước, với tầm hiểu biết sâu rộng và nhãn quan của một nhà cách mạng từng trải, ông đã chắt lọc nên 1200 trang sách không chỉ đầy ắp giá trị thông tin, tư liệu mà còn gợi nhiều suy nghĩ bổ ích. Đặc biệt, qua trích đoạn hồi ký của chị Bội Hoàn - người bạn đời của Đào Phan, một cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế, từng tham gia Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ ngay sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta được biết, chính ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chủ tịch, ngày 10/5/1989, đã đưa ô tô mời cả gia đình Đào Phan đến thăm nơi ở của Bác Hồ vì ông đã tin cậy chọn Đào Phan là người viết công trình "Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa" để kịp công bố vào dịp UNESCO tổ chức Hội thảo về "Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh" tại Hà Nội. Cũng vì thế, ông Vũ Kỳ đã trân trọng viết Lời giới thiệu cả 2 cuốn sách "Hồ Chí Minh danh nhân văn hóa" và "Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn" với bạn đọc:

"...Cuốn "Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa" đã được viết bằng công phu nghiên cứu của tác giả trong hai chục năm qua... Là một người phục vụ Bác Hồ lâu năm, tôi càng sung sướng khi thấy cuốn sách đã nêu được những đường nét sống động và chân thật của Người..."

Ông Nguyễn Dy Niên, trong thư gửi tác giả nhân tác phẩm "Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa" xuất bản lần đầu năm 1991, đã viết: "...Lâu nay ở Việt Nam chúng ta, khi nói về Hồ Chí Minh thì nặng về phần Anh hùng giải phóng dân tộc và quá nhẹ về phần Danh nhân văn hóa, hoặc có nói về danh nhân văn hóa thì khô khan, đơn điệu, gò ép và chỉ đóng khung trong "Nhật ký trong tù" và một vài bài viết của Bác... Là một trong những tác giả của bản Nghị quyết UNESCO, tôi trăn trở về điều đó. Nhưng thưa Cụ khi lướt qua 5 chương của cuốn sách, tôi bàng hoàng và sung sướng  vì những điều trăn trở và ước ao đã được thực hiện..."

Cuốn "Đạo Khổng trong văn Bác Hồ" được hoàn thành từ năm 1985, nhưng đến năm 1996 mới ra mắt bạn đọc lần đầu . Sự chậm trễ này cũng là điều dễ hiểu vì trước thời "Đổi Mới", chỉ riêng tên sách như thế đã khó xuất hiện. PGS. Trung tướng Văn Cương, một trong những bạn đọc đầu tiên của công trình "Đạo Khổng trong văn Bác Hồ" đã viết trong "Lời giới thiệu" cuốn sách như sau:

"...Không phải ngẫu nhiên mà trong di sản văn tự của Hồ Chủ tịch từ năm 1921, khi người giới thiệu học thuyết Khổng Mạnh trên Tạp chí Cộng sản của Đệ Tam quốc tế, cho đến năm 1969, khi người viết lần cuối bản Di chúc, khi đọc, chúng ta thường xuyên nhận ra dấu ấn của quan niệm Khổng giáo... Những quan niệm đạo đức, chính trị của Khổng giáo, trong cái phần tinh hoa nguyên chất, vẫn đủ tiềm năng sức mạnh gia nhập vào tiến trình lịch sử của các nước phương Đông...Do những ràng buộc lịch sử, có những lúc chúng ta đã xem Khổng giáo như một tàn dư tệ hại của chế độ phong kiến và nhầm lẫn Khổng giáo với ý thức hệ phong kiến khoác áo Nho gia..."

Về vấn đề này, từ năm 1994, Đào Phan cũng đã công bố công trình "Không lẫn lộn học thuyết Khổng Mạnh với Nho giáo phong kiến". Với cách "lập thuyết" này, và "trên nền tảng một tri thức uyên bác" (chữ dùng của tướng Văn Cương), tác phẩm "Đạo Khổng trong văn Bác Hồ" đã có sức thuyết phục cao.

"Duy có điều, trong cuốn sách này... thoảng đó đây, suốt ba trăm trang sách hình như có tiếng thở dài, bộc lộ nỗi băn khoăn: Liệu rồi lớp con cháu chúng ta còn đủ khả năng lĩnh hội các khái niệm: cần, kiệm, liêm chính? Liệu rồi các lớp cán bộ của chúng ta trong tương lai có khả năng tự nguyện sống, làm việc như những công bộc "minh đức, thân dân", giống như mong ước của Bác Hồ?"  PGS Văn Cương đã viết như thế khi kết thúc "Lời giới thiệu" của mình về tác phẩm của Đào Phan.

Những trang sách làm cho con người băn khoăn, trăn trở. Có lẽ đó chính là thành công của tác giả, là một lý do khiến chúng ta tìm đến ba công trình viết về Hồ Chí Minh của Đào Phan.

N.K.P

(199/09-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng