Chỉ cần đơn giản vậy thôi mà cũng không xong. Hai người đàn ông cáng thương đưa em đi viện chắc cũng không phải người địa phương này mà lúc đó tôi đâu kịp hỏi họ tên tuổi, ở đâu nên bí vẫn hoàn bí. Để đến bây giờ, ba mươi sáu năm rồi em ơi, tôi thành một ông lão, em thành một bà già tên gì, ở đâu đó trên đời? Sao lúc đó em im tiếng đến thế? Em chỉ cần nói em ở đâu tới đây lấy nước? Lấy cho em hay lấy cho ai? Còn tôi thì, đang ngây ngây quá đỗi. Tôi đứng trên thuyền. ống ti-dô cầm tay cho vòi nước vào phuy, chốc chốc vòi nước chệch ra ngoài tè xuống lòng thuyền. Là bởi tôi say nhìn em. Em trẻ và đẹp quá! Trắng quá! Con gái vùng than đi làm bịt mặt cả ngày chỉ chừa hai con mắt nhưng da dẻ thì như trứng gà bóc. Em đi lấy nước nên không cần khăn bịt mặt. Tôi đã say nhìn em khi em cho thuyền gối vào. Có ai còn lạ gì khi thuỷ thủ lên bờ. Dân ở tàu toàn đực rựa thiếu thốn tình cảm. Thuỷ thủ lên bờ bát phố là cốt để nhìn phái đẹp. Còn bây giờ trên đảo Giếng Tiên này chỉ có hai ta. Tôi hai mươi hai tuổi còn em thì có thể chưa đến mười tám? Tôi ước chừng vậy.
Hồi đó, tôi đã là cộng tác viên báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thượng uý Nguyễn Phúc Nghiệp thay mặt toà báo về tận Hạ Đoạn - Hải Phòng đặt vấn đề với tiểu đoàn trưởng để tôi làm lý lịch. Và chỉ tuần sau, tôi có thẻ cộng tác viên của báo. Tôi viết cho cả “Quân Bạch Đằng” - tờ báo nội bộ Quân chủng Hải quân. Và, tôi dự khoá bồi dưỡng viết “người tốt việc tốt” đầu tiên của Quân chủng. Lời thầy giảng đến nay tôi vẫn còn nhớ, đại ý: chuyện người tốt việc tốt nhưng người viết biết cách thêm “gia vị” thì trở thành tác phẩm văn học, hoặc: gặp chuyện hay, người viết cứ viết trung thực, không cần hư cấu vẫn thành truyện ngắn hay.
Nghĩ đến “vụ” của chúng mình là độc nhất vô nhị rồi và tôi cũng đã mấy lần cầm lấy bút nhưng đều bỏ bút. Tôi vò đầu đập trán tức tối mấy lần nhưng không viết nổi câu đầu tiên để “kéo” đến câu cuối bài như kinh nghiệm nhiều nhà thơ thường làm và họ cũng bày cho tôi như thế.
Ra quân, tôi dự một khoá viết văn rất đàng hoàng ở Quảng Bá - Hà Nội. Các thầy dạy là những nhà văn nhà thơ tầm cỡ: Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... Các thầy dẫn dụ nhiều kinh nghiệm viết đến tận đáy lòng cho lớp học đam mê văn chương với những nhân vật sống động mà “vụ” của tôi, nhân vật của tôi thì liệt vào bậc nhất (tôi nghĩ thế). Đã nghĩ thế vậy mà ngòi bút thì cứ chễnh đâu đâu?
Xong khoá học, tôi về Cẩm Phả mỏ. Tôi kể chuyện này cho nhà văn Võ Huy Tâm nghe. Ông chân tình:
- Chuyện hay đây. Em viết đi. Em là người trong cuộc. Ông nhấn mạnh: Em nên nhớ cho cái thế mạnh của người trong cuộc! (lại một ông thầy cừ khôi!). Đoạn ông đập bàn. Tiếng đập quá dột ngột làm tôi nẩy cả người, long cả óc, tai nóng ran còn mắt thì xót xót cay cay.
Ông có việc lên Hội văn nghệ Quảng Ninh. Khi xe ô tô ngang bến Quảng Đông, tôi cùng ông xuống xe. Và, tổng thể “hiện trường” diễn ra trước mắt chúng tôi: phía tay phải là hang Ma- nơi chiếc săn ngầm của tôi ẩn nấp. Phía tay trái là núi Giếng Tiên- nơi “vụ” xảy ra mà tôi đã khơi mào ở trước và sắp đi sâu chi tiết cho những ai sành săn chuyện muốn biết tường tận các nhân vật ở cuối truyện.
Hòn Chó Lớn, Chó Nhỏ, Cọc Năm vẫn đó. Và hình như cái kẻng báo động than Cọc Năm, theo thiển nghĩ của tôi, thì đến nay có thể người ta đang lưu giữ làm vật chứng sống động của một thời khốc liệt đạn bom?
Nhà văn họ Võ nghe tôi nói, nhìn tôi thì cứ lặng đi không nói không rằng. Hội Văn nghệ Quảng Ninh dưới chân núi Bài Thơ chỉ còn mấy trăm bước. Hai chúng tôi lặng lẽ cuốc bộ đến đó. Các nhà văn Lý Biên Cương, Trần Nhuận Minh kéo chúng tôi ra quán “ đãi bạn văn xa tới”. Cạn ly bia đầu, Võ Huy Tâm lên tiếng.
-Em thân tình bên vợ mình từ Huế ra tìm “người tình” đấy. Ông hất cằm sang tôi Rồi hất cằm sang ông Cương ông Minh: Có cách gì thì giúp em nó với!
Và, tôi kể tóm tắt “vụ” của tôi cho mọi người cùng nghe. Trần Nhuận Minh chắt lưỡi: như là trong mộng ấy, biết làm sao mà lần! Lý Biên Cương có cụ thể hơn: theo chỗ tôi biết thì thời ấy có một số chị em dân tộc Sán Dìu hay xuống thuê thuyền vào Giếng Tiên lấy nước ngọt rồi đưa đi bán cho số thuyền đánh cá người Hoa neo đậu trong vịnh Hạ Long này. Máy bay càng săn lùng bắn phá các bến cảng, thuyền bè thì dân đánh cá tẩu tán trong các mái đảo của vịnh càng thiếu nước dữ lắm. Nhưng nhà thơ khờ khạo của tôi ơi! (Cương học cùng khóa với tôi ở Quảng Bá và bây giờ ra mặt đàn anh). Nhà thơ cố gắng viết cái chuyện ấy lên. Nếu cô ấy mà còn sống, mình tin tiếng lành đồn xa, cô ấy đọc được, cô ấy sẽ cùng chồng, con cô ấy (giả dụ thế) sẽ cất công đi tìm cậu.
Lý Biên Cương viết truyện ngắn giỏi. Khi học cùng khóa với nhau thì Lý đã là nhà văn Việt Nam rồi còn tôi mới ở quân đội chuyển qua, thơ phú nhì nhằng khờ khạo lắm. Không phải khờ khạo mà nói thẳng là dốt đặc. Đúng. Mình dốt đặc! Nhân bốn mươi năm truyền thống Hải quân chiến thắng trận đầu, bỗng dưng tôi cầm lấy bút viết chuyện này, và, nếu thành công thì âu cũng là nhờ “học thày không tày học bạn” ở các ông Võ Huy Tâm, Lý Biên Cương kích thích cho từ dạo nào ở Hạ Long.
Năm ấy chiến tranh leo thang ác liệt vô cùng. Trước khi nhận chiếc săn ngầm đưa đi bảo quản, chúng tôi được tập trung phổ biến chỉ thị và nhận định của trên: chúng dùng không quân đánh mạnh ra miền Bắc có nghĩa là chúng đang yếu, quân Giải phóng miền Nam đã mạnh. Nhân dân miền Nam nổi dậy khắp nơi thì ngày giải phóng tới gần, thống nhất nước nhà tới gần. Khi đó lấy tàu đâu mà giải phóng miền Nam với những quần đảo lớn Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc... Vậy chủ trương đưa nhiều tàu đi sơ tán bảo quản lực lượng là ý đồ chiến lược...
Quân số bổ sung về các tàu bảo quản chỉ còn một phần tư. Thí dụ quân số bốn súng pháo bây giờ chỉ còn một. Các ngành cơ điện, hàng hải, buồm dây cũng đều vậy. Nghiệp vụ phải tinh thông. Một người làm đến hai, ba chức năng. Như tôi ở ngành vô tuyến điện thì phải biết luôn cờ hiệu, đèn hiệu nên anh em thường chế gọi “cờ đèn kèn trống” một mạch như đùa.
Và, trong một đêm mưa bão, không có máy bay hoạt động, chiếc săn ngầm của chúng tôi chạy đến tiếp cận hang Ma. Tàu có trang bị thêm một chiếc thuyền nụ. Vùng này đóng thuyền phía mạn lái lắp một cái chốt, giữa mái chèo khoan sâu một cái lỗ cho vừa sít cái chốt. Lắp mái chèo vào chốt mà “bát, cạy” gọi là chèo nụ. Nó không như đóng cọc chèo, có dây quai buộc mái chèo vào cọc chèo như nhiều nơi khác. Chúng tôi cẩu chiếc thuyền nụ xuống nước. Nhiều người ở trần nhảy tùm xuống vịnh rồi leo lên thuyền nụ, tóm dây thừng ở trên boong dòng xuống. Tàu tắt máy. Chúng tôi kéo đuôi tàu từ từ cho nó vào hang. Hang tối như chưa bao giờ tối đến thế. Chúng tôi cứ gọi nhau ơi ới mà làm chừng. Tôi có đèn pin đánh hiệu cũng không được dùng. Phải giữ bí mật tuyệt đối cho cả một khu neo đậu rộng lớn. Chiếc thuyền nụ trở thành “cái chân” cơ động quan trọng nhất. Khi đi lấy nước ngọt, đi chợ là phải khéo léo như người làm xiếc nghệ thuật. Người đứng lom khom trên thuyền, hai tay bám theo vách núi đá mà lần thuyền đi. Đi hết khoảng một phần tư vòng núi, thấy trời yên, không có báo động mới nụ nhanh sang bến Quảng Đông để lên chợ hay muốn đến đảo Giếng Tiên lấy nước thì lần thuyền theo hướng ngược lại với hướng đi chợ rồi nụ cắt chéo qua một hòn đảo nhỏ khác mà vòng về Giếng Tiên chứ không được nụ thẳng từ tàu ra giữa vịnh. Việc đi chợ, lấy nước là mất thời gian nhất, kỳ công nhất. Chiếc tàu khi được chằng dây cố định vững chắc, chúng tôi lên boong ăn cơm, mỗi người mỗi suất trong ăng-gô nấu sẵn từ nơi xuất phát. Trong bóng tối, chúng tôi dùng thìa xúc cơm nhai nhóp nhép như những bóng ma Hời. Ăn xong, chúng tôi lăn ra boong mà ngủ. Mai có việc khẩn cấp phải làm rất sớm!. Lệnh thuyền phó Sự phát thế.
Năm giờ sáng. Có người đã dậy đánh răng rửa mặt. Ca cốc đặt để lách cách. Có người háu đói tranh thủ nhai lương khô. Sáu giờ. Trong hang vẫn còn tối om om. Phó Sự cắt đặt công việc. Thứ nhất: hai đồng chí hàng hải, ra đa leo lên đỉnh núi. Chờ mặt trời lên, nhìn xuống mũi tàu xem nó có bóng in đáy nước hay không? Nếu có tìm sáng kiến nguỵ trang ngay, báo cáo ngay. Thứ hai: tổ buồm dây đi kiểm tra người ta thiết kế cho mình bếp nấu ăn ở đâu? Không phải việc của tôi nhưng tôi vẫn tụt xuống thuyền nụ xem nơi đặt bếp mới ra sao? Vòm hang sáng dần. Chúng tôi nhìn rõ những vết khoan vào đá, những vết đánh mìn cho hang rộng thêm cả ba phía. Mũi tàu vừa lút vòm hang nhưng thuyền nụ vẫn bơi quanh nhất là phía đuôi rất thoải mái. Hoá ra bộ phận công binh đã hoàn tất từ bao giờ? Họ còn chôn những cái móc sắt rất lớn vào vách hang cho chúng tôi buộc dây. Nơi nấu ăn thì chui qua một ngách hang khác xa đến cả trăm mét. ở đó, họ đặt ống dẫn khói sang đến đảo bên kia như là một mê-lộ-khói lan toả tựa sương mù. Công binh chu tất quá! Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi chuyển nồi niêu soong chảo trên tàu xuống đặt bếp mới, nấu củi.
Đến đây, tôi có thêm nhiệm vụ là dạy đánh tín hiệu cho một số thuỷ thủ làm việc trên boong. Đánh “tích... tà...” bằng đèn pin là rất khó. Dùng ban đêm rất dễ bị lộ nên phó Sự quyết định tạm thôi để chuyển hẳn sang khoa mục đánh cờ hiệu. Cứ hai tay cầm hai lá cờ cán ngắn, chéo qua chéo về, giơ lên chĩa xuống ghép hai mươi bốn chữ cái a, b, c... để thành những mệnh lệnh đơn giản: -Về tàu gấp! -Mua thêm rau! -Có khách! -Có máy bay! v.v. Họ khá thông minh, nắm rất nhanh. Sau một tuần, có anh đã đánh giỏi hay gọi “thu-phát” giỏi. Việc học là phải học. Khi cần mới dùng. Tôi nhớ hầu như chưa cần đến nó bao giờ cho đến lúc tôi chuyển công tác khác.
Công việc bình thường hàng ngày là lau chùi bảo quản khí tài, khởi động máy móc. Xong việc là nghe đài tiếng nói Việt Nam. Nhờ nghe đài thường xuyên nên ai cũng nắm được hôm nay chúng bắn phá ở đâu? bao nhiêu máy bay cháy? bắt được giặc lái ở trận nào? Nhờ nghe đài mà biết được nhà nước tuyên dương quân dân Vĩnh Linh anh hùng, đảo Cồn Cỏ anh hùng, Thái Văn A anh hùng. Cồn Cỏ gần chúng mà chúng vẫn không làm gì được thì, ở đây ta cóc sợ! Hết nghe đài lại đánh tú lơ khơ hoặc chầu chực cho đến giờ cơm. ăn uống cũng trở nên quan trọng. Mở hội thi nấu cơm ngon do phó Sự đề ra và mọi người nhất trí. Đơn vị này có nhiều anh quê Hải Hậu- Nam Định làm tiết canh vịt, làm món dồi lợn rất cừ. Anh em rất khoái món này. Cứ cách ngày là hô: “Nòng nợn nuộc” (lòng lợn luộc).
Đang bữa cơm trưa bình yên, thì bỗng phía Cọc Năm kẻng báo động vang vang dồn dập. Máy bay rú rít vòng lượn trên nóc hang chúng tôi. Tiếng bom nổ ở Cọc Năm. Tiếng pháo 14 ly 5 của tự vệ than bắn trả rền vào vách hang chát chúa. Rồi tiếng gầm im bặt. Sau đó là một hồi kẻng báo yên: “máy bay địch đã bay xa”.
Trưa hôm sau, chúng lại đến ném bom. Nhưng chúng không ném Cọc Năm mà bắn tên lửa không đối đất xuống một hòn đảo khác. Cứ sau một vòng liệng là tiếng nổ dữ dội bùng lên. Không có pháo mặt đất lên tiếng. Tôi vào phòng báo vụ truyền bức điện mật mã lên sở chỉ huy. Sau đó nhận bức điện cấp trên, phó Sự dịch ra: “ Báo cáo tiếp nó đánh ở đâu? S.N có khả năng bị lộ không?” Ông Sự thảo bức điện, tôi chuyển tiếp: “S.N an toàn. Nó đánh nhầm vào một hòn đảo không tên cách một hải lý về phía Đông Nam”.
Hôm sau, có đồng chí ở ban tác chiến Bộ tư lệnh Hải quân về kiểm tra cho biết: Trong hải đồ đó là một hòn đảo nhỏ không tên. Nó có hình dáng như một con tàu. Phía trên nhìn xuống càng thấy giống hơn. Khi chúng phóng tên lửa là lúc nó có máy chụp hình chụp luôn. Tên lửa khoan vào đá toé lửa như là có súng pháo tàu bắn trả. Ông tác chiến tiếp: đài Hoa kỳ, đài BBC đều đưa tin “Không lực Hoa Kỳ giờ... ngày... đã “đánh đắm” một chiến hạm của Bắc Việt trên vịnh Hạ Long!”. Hoá ra thế! Chúng tôi thích chí cười vang, âm thanh rền rền dội cả vòm hang. Hôm sau, chúng lại đến trút bom xuống “chiến hạm” mà chúng đã “đánh đắm”. Có ngày, đã mười sáu giờ rồi, chúng đi đánh đâu về, còn bom, chúng lại trút xuống đó cho nhẹ trước khi về hạ cánh sân bay Cò Rạt.
Hòn đảo nhỏ không tên bây giờ có tên: Hòn Tàu. “Hòn Tàu” là chính chúng tôi đặt tên cho nó vào thời đoạn ấy.
Máy bay Mỹ đến bắn phá Quảng Ninh, vịnh Hạ Long đối với chúng tôi quen như cơm bữa. Qua vụ “Hòn Tàu”, chúng tôi có bài học rút ra để cảnh giác cao hơn. Chiếc săn ngầm trong hang đâu đã an toàn nếu chúng tôi đi lại thiếu thận trọng. Chiến tranh khốc liệt bên sự sống con người rồi cũng bão hoà, cũng thành nếp. Tuỳ từng nhiệm vụ mà tính, mà có kế hoạch chu đáo thì ắt hoàn thành. Bom đạn khốc liệt làm cho con người ta thêm quả cảm. Dần dần nó trở nên bình thường và không còn ai sợ nó.
Công việc của tôi nhẹ nhàng. Trực canh về đêm. Ngày có việc mới mở máy không thì thôi. Bên súng pháo, cơ điện việc bảo quản nặng nề lắm bởi thiếu người. Vì vậy việc đi chợ, đi lấy nước ngọt là tôi “chuyên trị”.
Và một buổi sáng mùa hè năm đó, tôi đi chợ sớm. Chợ Quảng Đông người ta bắt đầu họp rất sớm để tránh máy bay. Để dọc mái chèo vào lòng thuyền, hai tay tôi bám vào vách núi lần thuyền đi. Năm giờ sáng, tôi đã mua xong tôm, cá, rau, thịt. Tôi không quên mua một đoạn ruột già, tiết, rau húng cho Đinh Công Xuân quê ở ô Quan Chưởng- Hà Nội (một tay nấu ăn rất xuya, nhà bán phở nên anh em thường gọi Xuân phở) để Đinh Xuân Phở làm xiếc món dồi “nợn”. Đưa thực phẩm về hang rồi, trên thuyền có sẵn tấm bạt kín nước, ống ti-dô, vải ni lông xanh cá nhân, tôi lần thuyền như mọi khi, thấy trời đang sớm, nụ nhanh sang Giếng Tiên lấy nước. Thao tác việc này đơn giản: buộc thuyền vào mấu vách đá. Trải tấm bạt vào giữa khoang thuyền. Kéo ống ti-dô lên đặt vào miệng giếng chảy quanh năm suốt tháng. Thế là xong. Ngồi chờ khi nào thấy nước đầy ô bạt thì cuốn ống, nụ thuyền về. Ngồi chờ nước đầy, tôi thường tranh thủ tắm hoặc giặt giũ vài cái áo quần bẩn mang theo. Về tàu khỏi tắm, giặt, tiết kiệm một suất nước.
Hôm nay nước chưa đầy bạt thì bỗng có một chiếc thuyền ở đâu nụ tới: một em gái nhỏ, trắng trẻo, tóc kẹp đuôi gà, khá xinh. Em nhanh nhẹn nhảy lên buộc thuyền. Đoạn em hai tay xách hai cái thùng tôn (sơn xanh cả trong lẫn ngoài) lên giếng múc nước. Là thuỷ thủ, thấy cảnh tượng như thế này là tôi thương cảm liền. Tôi nói gọn: “Xách như thế mệt chết, để tôi giúp!”. Tôi nói và làm ngay. Để cảnh giác máy bay, tôi sơ tán bớt mục tiêu. Tôi kéo ống ti-dô ra đưa cho em gái. Tôi đẩy chiếc thuyền của tôi gần đầy nước cho rúc vào một hốc vách đá cách chừng hai mươi mét. Thế là chỉ một chiếc thuyền của em với hai cái thùng phuy bốn trăm lít nước thì đầy chóng vánh thôi mà! Nghĩ thế, tôi tới cầm ống nước trên tay em. ôi bé em đẹp quá! Suýt nữa thì tôi thốt lên thành lời. ống nước rót ào ào vào thùng phuy. Tôi bảo em lên giếng mà rửa ráy cho thoả thích, sắp đầy một thùng rồi đây. Nhưng em vẫn đứng tần ngần với chàng thuỷ thủ đẹp trai mà lại tận tình, tôi nghĩ thế, nên có thể là em muốn nói một lời gì đó. Nhưng em vẫn lặng thinh, tay xách cái thùng không chưa chịu đi. Bỗng một tiếng rít xé trời. Tôi hô “Nằm xuống!”. Đùng! Một quả rốc-két phóng xuống bến. Khói trùm kín con thuyền mà tôi đang nằm nghiêng xuống khoang. Ngắt tiếng nổ. Tôi nhìn lên bờ. Em gái nằm bất tỉnh. Tôi nhảy lên bên em. Chiếc quần dài đen rách tả tơi. Nhưng đôi chân ngọc ngà lung linh như đang phát những tia nắng sáng. Dưới mông em đọng một vũng máu. Em đang thở dốc. Em bị thương chắc nặng lắm! Tôi bế xốc em lên giếng. Trên ấy có một vạt đất bằng lá khô rụng đan dày. Có một bụi cây đùng đình toả bóng nguỵ trang thuận tiện. Tiên sư chúng mày, hôm nay thay đổi chiến thuật, đánh sớm thế! Tôi ngầm chửi.
Tôi đặt em nằm ngửa trên thảm lá khô. Miệng em ha há thở. Đôi mắt nhắm nghiền. Quả rốc-két nổ khi tôi hô nằm nhưng em vẫn đang đứng, mảnh tạt lên em. Tôi kéo tuột cái quần dài rách bươm ra. Đồ lót trắng của em đầy máu. Tôi chạy xuống thuyền lấy túi bông băng, thuốc sát trùng. (Lúc này chúng tôi ai cũng có túi thuốc cá nhân, trước đó quân y sĩ trung đoàn 171 Phạm Minh Truyền mở khoá hướng dẫn “cấp cứu thương binh” và bây giờ tôi bắt đầu áp dụng).
Tôi múc nước Giếng Tiên rửa vết thương cho em. Vết thương bị mảnh chém dưới bẹn lớn bằng nửa bàn tay vát sang cả mép mông dưới. Cái đồ lót của em đẫm máu nếu để thì nhì nhằng khó băng mà lại dễ bị nhiễm trùng rất nguy hiểm nên tôi kéo tuột nó ra luôn. Tôi dội nước từ từ. Một tay lấy bông lau máu. Tôi dạng cho hai chân em tách ra. Máu đã đọng vào nơi sâu kín nhất của em. Một tay tôi phanh còn tay kia dùng bông thấm nước mà lau cho bằng sạch. Em vẫn chưa tỉnh. Em non trẻ, tuổi mười bảy như tôi đoán lúc đầu đâu có sai? Bởi em đẹp nên tôi say ngắm em, cái ống ti-dô trong tay tôi cứ chệch nước ra ngoài. Chứ nếu không thế thì chắc cái thùng phuy nước thứ hai đã đầy. Em lên thuyền. Và tôi đã đẩy mạnh cho thuyền em xa bến? Lau sạch vết thương đúng tiêu chuẩn y tế cho em, tôi mới dùng panh gắp bông nhúng vào lọ nước sát trùng và lau lại nhiều lần cho đến khi vết thương cầm máu. Tôi rắc bột sát trùng (rắc rất dày), đặt đến hai miếng gạc rồi dùng băng quấn. Tôi xoay cặp đùi của em để quấn phía dưới. Thấy vướng khó làm, tôi quàng đôi chân em vắt lên đôi vai tôi. Lúc này mới thao tác dễ dàng hơn. Xong đâu đấy, tôi bế em sang tấm ni lông khô ráo vừa trải ra cạnh đấy. Tôi lầm mở cúc quần dài của tôi đang mặc để mặc vào cho em thì tiếng kẻng báo động than Cọc Năm vang lên và hai chiếc F4H đã rít trên đầu. Nghe tiếng nổ lớn biết chúng lại thả bom Cọc Năm. Pháo tự vệ ở đó bắn trả bằng những loạt súng liên thanh, rất dòn. Tôi nằm sấp che lên người em. Nửa thân em trắng quá giờ thêm một vành bông băng trắng rất lớn dễ lộ mục tiêu. Bởi vậy nên tôi duỗi thẳng người lên người em, hai tay chống đất để giữ cho em khỏi tức ngực và ảnh hưởng vết thương mới băng bó còn đôi chân của tôi thì như chồng khít lên đôi chân của em. Hết máy bay (cũng đến mười lăm phút) tôi mới bình thản ngồi lên bên em. Hơi thở của em đã đều hơn. Tôi tin là em đã qua cơn nguy kịch. Và lúc này tôi cởi quần dài ra. Tôi luồn hai ống quần dài thuỷ thủ màu nước biển vào đôi chân ngọc ngà của em. đến chỗ vết thương tôi làm chậm rãi, cẩn thận cho em đỡ đau. Lúc này, tôi mong em biết đau ắt là em đã tỉnh. Tôi lại đặt đôi chân của em lên vai tôi. Tôi rướn người lên để tròng cho lưng quần xuống eo dưới mông em. Chưa xong công đoạn này thì đôi mắt em mở ra. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là em đã tỉnh. Nhưng lo là lo em hiểu nhầm mình làm chyện bậy bạ. Đúng như thế. Em phản xạ theo tự nhiên của người phụ nữ khi chỗ kín đáo bị hở. Miệng em kêu ú ớ. Em vùng. Một tay tôi giữ chặt đôi chân em kẹp vào cổ tôi, tôi thét: -Nằm yên! Em bị thương! Tôi băng vết thương cho em rồi. Tôi mặc lại quần cho em. Tôi không làm gì bậy bạ!
Hình như tiếng thét của tôi làm em tỉnh hẳn. Em hiểu ra tất cả. Vết thương tuy ở phần mềm nhưng khá nặng. Máu ra nhiều. Em đang quá mệt, quá đau. Hiện tượng đôi chân của em đang vắt trên vai tôi là một sự lạ. Nó độc nhất vô nhị trong đời em nên em cứ để yên cho tôi cài kín đến hạt cúc cuối. Đoạn tôi đặt đôi chân em xuống xoãi dài tự nhiên. Đôi mắt em trân trân nhìn tôi. Môi mấp máy. Em nói trong hơi thở: n.ư.ớ.c... Thế là tốt rồi! Nhưng, tôi nhớ lời dặn: người bị thương thường rất khát nước nhưng chưa nên cho uống nhiều vội. Tôi cầm cái thùng đi múc nước. Tôi sửa sạch đôi bàn tay của người vừa làm xong ca “hậu sản”. Tôi nhúng một bàn tay vào thùng nước rồi cho những giọt nước trên hai ngón tay tôi từ từ lăn vào môi em - đôi môi khô khát giờ gặp nước đã run rẩy. Khoé miệng nhúc nhích rất dễ thương. -Ôi em bé! –Em đã sống! Tôi nói nhỏ, một bàn tay vuốt vuốt những sợi tóc mai cho em. Tôi nói: Tôi là thuỷ thủ. Bây giờ tôi phải về tàu gấp. Nhưng em bị thương rất nặng. Em phải nằm. Em chưa ngồi dậy được. Em chưa đi lại được. Bây giờ tôi bế em xuống thuyền. Tôi nụ đưa em sang bến Quảng Đông. Bên ấy chắc có tự vệ hoặc có ai đó đưa em đi bệnh viện. Đang lúc báo yên. Ta tranh thủ đi gấp.
Em gật đầu.
Tôi xuống thuyền dùng gàu tát bớt nước dưới đáy khoang. Tôi kê lại tấm ván sàn rồi cởi luôn áo thuỷ thủ mà lúc này ngành quân nhu đã nhuộm xanh những đường sóng trắng yếm áo để lót chỗ nằm cho em. Tôi chú trọng dàn êm vị trí em bị thương. Còn lại chiếc quần đùi, tôi lên bế em xuống đặt đúng vị trí như tôi lựa chọn. Tôi tháo dây buộc thuyền, rồi bằng một động tác thuỷ thủ lành nghề, tôi chạy lấy đà đẩy thuyền thật mạnh và phóc lên.
Mái chèo lắp vào nụ. Tôi ghì nụ và ngoáy mái chèo thật lực cho thuyền chạy nhanh vượt qua khoảng vịnh trống mênh mông. Chẳng mấy chốc mà thuyền gần tới bờ. Tôi kêu lớn:
-Có người bị thương nặng, cần băng ca, đưa viện gấp!
Và, thật kịp thời, hai tự vệ (tôi đoán thế) xách chiếc băng ca vải chạy xuống bến khi thuyền gối vào. Tôi bế em đặt lên băng ca. Đôi môi em khô héo méo xệch như muốn nói với tôi điều gì đó mà không ra lời.
Tôi nói với hai nam tự vệ: nhiệm vụ của tôi đã xong, giờ tôi bàn giao cô gái cho các anh đấy nhé!
Nói rồi, tôi tới bên băng ca. Tôi nắm lấy tay em. Tôi vuốt mái tóc em. Tôi đắm say nhìn em lần cuối. Đôi mắt em trân trân nhìn tôi. Cái nhìn trân trân như không thể khép lại được nữa. Đôi mắt em xanh biếc thế sao bây giờ như là hoang mạc, xa xăm! Tôi cố ghìm tiếng khóc. Tôi vội quay mặt đi và chạy nhanh xuống mép nước nhảy ùm xuống vịnh. Tôi bơi nhanh về đảo Giếng Tiên.
Em ơi! Em tên gì? Em ở đâu? Kể từ năm 1968 - năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất ấy đến nay là ba mươi sáu năm rồi. Những đến ba mươi sáu năm chứ đâu phải ít? Tại sao cho đến tận bây giờ tôi mới viết chuyện này? Thì xin nói với em và gia đình em rằng, thứ nhất là tôi kém cỏi. Dù được đào tạo lớp này khoá kia nhưng dốt vẫn hoàn dốt mà tôi thú nhận từ đầu. Nhà văn Cẩm Phả mỏ đập bàn làm tôi long óc. Tôi bị chấn động rất mạnh từ lúc đó. Và tôi mấy lần cầm bút lên lại bỏ bút xuống. Nhà văn họ Võ ấy cũng khuất rồi! Hoá ra viết văn cũng đâu có dễ. Có thể vin vào câu ấy làm tôi chây lười chăng? Nhưng còn điều thứ hai nữa chứ! Đó là điều tôi ái ngại. ái ngại nói ra, bung ra cái vết thương “nguy hiểm” sâu kín nhất trên cơ thể em mà tôi là người chứng kiến quá lâu. Dẫu biết rằng giúp nhau trong hoạn nạn là thể hiện tình người nhưng viết văn là phải miêu tả chi tiết mới mong đưa lại hứng thú cho người đọc, và như vậy, chuyện mới gọi là thành công (các thầy văn tài dạy tôi như thế). Mà miêu tả chi tiết đắt nhất ở “vụ” này lại là chỗ sâu kín của cơ thể thiếu nữ nơi em nên tôi ái ngại. Giờ ngồi viết chuyện này tôi cũng chỉ mới cho ở chớn 50% thôi đấy! Điều tôi muốn nói với em rằng, sau khi nước nhà thống nhất đã lâu mà tôi vẫn chưa lập gia đình. Tôi ra Quảng Ninh, đến bến Quảng Đông, thuê thuyền ra đảo Giếng Tiên mấy chuyến nhưng không biết tung tích gì về em. Lúc ấy, lòng tôi đã quyết là nếu gặp lại em, nếu em chưa lấy chồng thì, dù em là Sán Dìu hay mặt mày em có tì vết do bom đạn hay do tai nạn lao động mang lại thì tôi cũng xin lấy em làm vợ. Là bởi em trẻ đẹp nõn nà trinh bạch, mà tôi chắc chắn là người con trai đầu tiên được nhìn thấy thân thể thiếu nữ nơi em.
Em ơi! Bao người đã ra đi. Rồi đến lượt chúng ta cũng không cản lại được thời gian. Nếu còn sống thì em cũng ngoài năm mươi rồi còn gì? Biết đâu em là bà nội bà ngoại rồi? Và như vậy như lời bạn văn Lý Biên Cương của tôi mớm cho tôi ngày nào thì nếu em đọc được truyện này, em cùng chồng em, các con em, các cháu em tổ chức một chuyến thăm Huế để chúng ta gặp lại nhau.. Tôi chờ em! Tôi chờ em!
Làng biển Hiền An 08.2004 V. N (199/09-05) |