Cũng như hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky, hay những trang nhật ký giữa thời chiến, tác giả Viết bên Hộ Thành hào một với tâm trạng trắng bệch giấc mơ câm và cũng là viết về một quá khứ của những con ngựa đua hết thời, uể oải bước qua ngày thật chậm, để rồi bỗng dưng buồn nôn tiếng hí. Tác phẩm giúp người đọc liên tưởng đến những thân phận dạt trôi lên bãi bờ ẩm mục/ chồng chất bầy ốc mượn hồn. Bằng nhịp điệu của con ngựa đua lạc bầy, nhìn thảo nguyên phố thị với ánh mắt hoang dã, con ngựa đó đã thả những bước chậm buồn của những chiếc móng sắt. Những hình ảnh phố hội ngày càng trở nên lạnh lùng, xa lạ. Trong khi đó con ngựa lạc loài luôn hoài niệm và khao khát trở về những thảo nguyên bạt ngàn nắng gió với những chiếc vó tung tự do giữa những đồng cỏ xanh bất tận.
Không biết đã bao nhiêu triệu lần tác giả đã ngang qua Hộ Thành hào, mỗi lần đi qua những vòng cung lớn nhỏ, con tim đều rung lên những cung bậc của cảm xúc và đôi khi đó là những cung bậc vô cảm. những gương mặt thất thần mù tuổi - mù tên - mù những điều không thật. Cả hai trạng thái kia đều diễn đạt sự thật của một tâm hồn, thật đáng trân quý. Chỉ e rằng, trong thời đại này những điều không thật lại được quá nhiều người nhào nặn qua lớp ngôn từ nguỵ trá để đánh lừa ngay chính mình và cả người đọc.
Ở đây, Nguyên Quân đã từng sống trong chuỗi ngày trôi thật chậm qua cơn đau của những chiếc móng sắt… khi mà trên lưng những chàng kỵ mã đã hằn sâu nhiều vết roi bội bạc đặc quánh lời tung hô ma mị.
Vậy đó, phải sống với những lời tung hô ma mị để mỗi khi chiều xuống, ánh nắng nghiêng như vết gươm của vị anh hùng áo vải ngày xưa chém xuống Hộ Thành hào, như muốn: sắp xếp lại trật tự âm thanh của ngày trong từng cơn mưa mẩy mình qua mặt. Và khi nghiêng chén ngang bầu trời xám đục, bất chợt tác giả nhớ thằng bạn: vừa mọc cánh bay theo chiều thẳng đứng không gian chui lọt qua lỗ kim lên thiên đường còm cõi và trong cái cay xé mắt lên khuôn mặt đầy vết chai sần bôi nhoè u mê hồn nhiên mê tín từ những cuộc chơi sặc mùi ảo tưởng
Để rồi chiều cuối năm chợt thấy lòng trống rỗng trong chén rượu cỏ cú màu hổ phách. Và trong trạng thái trống rỗng đó, bất chợt tác giả nhận ra: Cái thằng bí hiểm vô lương vuốt nhẹ lên vòm ngực bật khóc hỡi những ngọn đèn mù của những gã tiên tri điên loạn thời băng hoại rao giảng tình yêu
Sự cô độc của tác giả giúp người đọc liên tưởng đến chiều ba mươi tết của những thập niên trước, khi nền văn hoá chưa bị sự mê đắm vật chất và thói hư danh bao phủ. Thuở đó, vào ngày cuối năm, trên những con đường xứ Huế, từng bước chân người thưa dần, chỉ còn gió và những cọng cỏ, một vài mảnh giấy bay giữa lòng đường, thật lâu mới hiện ra một mặt người nửa cười nửa khóc… Buổi chiều ba mươi tàn tạ theo màu trời: Chiều ba mươi về lang thang với Huế lòng như cổ thành loang lổ thời gian … Đôi nghê đá Không dưng mà rười rượi đứng lặng bên đường mắt ngó mông lung … chiều ba mươi Huế cuộn mình trong gió chạm khẽ vào nhau cái rét muộn màng
Và rồi, giữa những ngày mưa mịt mù, tác giả đã tâm sự cùng con búp bê đời rẻ rúng đã bị những thằng người bệnh hoạn, chơi ngông ném trong từng góc tối, ôi những thằng người nguỵ tín, xa rời với tổ tiên: ơi con búp bê đời rẻ rúng ném trong từng góc tối ngủ qua đêm ác mộng vòng xoáy tâm thần trần truồng vòng tay lạ lẫm cổ thành dày cơn mưa phủ rêu con đường lát đá tháng chạp hãy giặt sạch từng mùa gió chướng gột rửa bệnh hoạn của những thằng người chơi ngông như đốm pháo hoa bắn thẳng lên trời chớp sáng những quyền năng hư ảo
Khi đã nhận ra những quyền năng hư ảo, tác giả đã đặt bàn tay bỏng rát lên bệ thờ âm vật và cảm nhận quá khứ phất phơ trên từng bông phượng cúng ta ôm chiếc bình ngũ sắc bơi qua dòng nại hà hoá vàng tuổi đời cho từng bia mộ
Cuối cùng tác giả như nhận ra rằng, trong tất cả những thứ ảo tưởng thì ảo tưởng thi ca là sang trọng nhất ở trần gian này, cho dù: Trên đỉnh núi rỗng không Trên xác thân rách nát của bạn bè Mà không một lời vọng… A…
Huế, 6/02/2009 L.H.L 241/03-09 |