Tạp chí Sông Hương - Số 241 (tháng 3)
Ai mang hơi xuân!
15:36 | 30/03/2009
NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHGió lạ“Huế vào đêm cuối năm mưa lùn phùn và những cơn lạnh ù ù miết vào da thịt tôi. Gió mỗi lúc một lớn. Tôi không nghĩ đêm 30 vẫn còn những cơn gió lạ lùng như thế. Mẹ tôi lúc còn sống bà thường nói rằng ông trời dung dưỡng tất cả con người sống trên mặt đất này.

Đôi lúc tôi không biết ông trời có như thế đối với tôi không. Nhưng từ lúc nào đó, tôi đã quen với những cơn gió lạ lùng. Tôi học cách thích nghi, chứ không chờ đợi sự dung dưỡng xa xỉ nào đó. Gần cuối năm ngày một lạnh. Và đêm 30 như hôm nay, trong những cuốc xe cuối cùng, tôi lại thấy những cơn gió luồn bàn tay ve vuốt dọc sống lưng, kéo lên gáy, rồi xoáy hẳn vào đâu đó trong lòng. Chúng làm tôi thấy đêm cuối năm lòe nhòe trong thứ nước rỉ ra từ khóe mắt.

Sáng thức dậy tôi xếp chăn rồi cho luôn vào khe sắt phía sau ghế ngồi chiếc xích lô. Tôi đạp xe liên tục trên những con đường để chống rét. Những đoạn quá nhiều gió, bao giờ môi tôi tím tái và tay chân lập cập không hoạt động được nữa, tôi cho xe vào gốc cây rồi quấn chăn nằm trên ghế một lúc. Một lúc thôi. Quấn chăn và nằm trên xe có thể làm khách tưởng tôi đang ngủ. Mà tôi thì cần họ ngồi trên xe đi đến nơi nào đó trong thành phố này để tôi có thể mang tiền về nhà hơn là quấn mình trong chăn ấm.

Tôi không có áo ấm. Nói đúng hơn là tôi có những chiếc áo ấm, nhưng mùa đông này con trai tôi cũng cần áo ấm. Tôi không có đủ tiền để mua những chiếc áo mới cho con mình. Tôi đóng gói tất cả những chiếc áo của mình. Gởi về cho con trai. Thường thì tôi mặc tất cả chúng cùng một lúc mới thấy đỡ lạnh. Vậy nên tôi gởi tất cả chúng về quê để con tôi có thể thấy ấm hơn nhờ mặc 3 cái áo cùng một lúc.

Tôi thích chở khách vào những ngày đầu năm. Họ đẹp và rộng rãi vào những ngày ấy. Có năm tôi chở một cô gái đi chùa. Cô gái mặc chiếc áo dài lụa màu tím, tay cô đeo chiếc xắc. Chiếc khánh bằng bạc nằm trên cổ làm cô trông có vẻ già dặn và đài các. Từ trên chiếc ghế đạp phía sau, tôi nhìn cách cô ngồi chéo chân và cho chiếc xắc nhỏ xếch về tay phải. Xe tôi chầm chậm trên đường. Có cảm giác tôi và cô đi từ bức tranh sơn dầu nào đó của Huế vào những thập niên cũ. Tôi yêu ngày tết ở Huế vào những giây như thế. Thay vì suốt những ngày tết tôi nhớ con trai mình đang ở quê, tôi ở đây với ảo tưởng về những chiếc vé tàu xa xỉ.

Tôi không thích những cuốc xe đêm cuối năm. Những người khách vội vã. Có khi lại không có ai. Chỉ mình tôi với những cơn gió lạ lùng. Những cơn gió lạnh chạy theo bánh xe tôi. Nhưng chúng sẽ lạnh hơn rất nhiều ở căn phòng tôi trọ một mình nơi khu phố xập xệ bé nhỏ. Nên tôi chọn cách đạp xe đến khi trên phố không còn ai. Chỉ còn tôi và những cơn gió cuối cùng. Cuối cùng của một năm.” 

Ngược sáng.

“Về đến thành phố thì xe tôi nổ lốp. Tôi đã cố gắng rời công việc sớm hơn để về nhà cho kịp giao thừa. Tôi chọn mua một cành mai trên đường về. Vợ và con gái chắc hẳn đang rất mong tôi về kịp đón năm mới. Hai mẹ con cô ấy chắc hẳn rất lo khi không liên lạc được với tôi. Điện thoại hết pin. Và bây giờ thì xe hơi tôi nổ lốp vào 11h của đêm 30.

 Tôi có thể gởi xe ở một gara quen gần đây. Nhưng không thể đi bộ về nhà trong 1 tiếng đồng hồ cho kịp giao thừa. Tôi bỏ hết hành lý lại trong xe. Và chỉ cầm cành mai để về nhà.

Ai đó ra phố giờ này chắc hẳn sẽ buồn cười khi nhìn thấy tôi – người đàn ông mặc vest, tay cầm cành mai, chạy thục mạng về phía cầu Trường Tiền cho kịp hết năm. Tôi giống như vận động viên chạy đua từ năm cũ đến năm mới. Có điều tôi cầm đến đích trước khi làm một người của năm mới. Tôi cười vì cái suy nghĩ lạ lùng của mình và tăng tốc.

Tôi nhìn thấy một người đàn ông đạp xích lô trên cầu Trường Tiền. Anh ta mang chiếc sơ mi cũ. Tôi không nghĩ người ta còn làm việc vào giờ này. Nhưng dù sao anh ta đã trở thành vị cứu tinh. Tôi không thể chạy bền một đoạn đường quá dài. Và tôi sợ thời gian nhanh hơn tôi.

Anh ta đồng ý chở tôi với nụ cười khá lạ và trông rất buồn. Ngồi trên xe một lúc thì chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Anh ta bằng tuổi tôi nhưng trông rất già với đám râu lỉa chỉa quanh cằm, chiếc sơ mi ngả màu. Đến đoạn anh kể cho tôi nghe chuyện ba chiếc áo ấm đóng gói. Tôi không nghĩ giữa chúng tôi lại có những câu chuyện như thế này trên con đường. Tôi không nghĩ sẽ có lúc có người kể những câu chuyện như những chiếc móc câu với người không quen biết như tôi. Những chiếc móc câu móc vào đâu đó trong tôi. Làm tôi có thể thấy trong một giây mà vài ba năm tuổi của anh ta chạy xẹt qua trước mắt, ngay vào lúc này. Ngay vào lúc tôi nhìn thẳng con đường phía trước, cành mai trong tay, nghe giọng anh ta đều đều như đêm.

Tôi im lặng. Thực ra khi người ta có những chiếc móc câu trong lòng, người ta chọn cách không động cựa cho đến khi tìm được cách rút chúng ra một cách nhẹ nhàng nhất. Anh ta cũng đã ngừng nói sau câu chuyện những chiếc áo ấm. Tôi nhìn ra phía bờ sông. Đâu đó những chiếc đèn giấy ai thả trôi cứ lấp lánh trên sông đêm. Đèn sáng và đêm đen. Sông Hương cuối năm êm đềm nhưng thích thốc những đợt gió vào mặt người đi đường. Chúng tôi trôi trong những cơn gió. Đột nhiên tôi thích đêm 30 dừng lại vào lúc này, xe cứ trôi tĩnh lặng như đêm. Cho đến lúc nào đó những chiếc móc câu tan vào những cơn gió cuối năm. Lúc ấy, tôi lại bình thản xuống xe, về đến nhà mình, bỏ lại những cơn gió ở bên ngoài cánh cửa, và bên ngoài lòng mình” 

Ai mang hơi xuân!

“Tôi không biết vì sao tôi lại có thể kể nhiều chuyện như thế cho một người không quen biết. Có thể vì anh ta mặc vest, tôi sơ mi cũ kỹ. Anh ta ngồi trên xe, tôi đạp ở phía sau. Anh ta có cành mai, tôi không có tết. Mọi thứ làm tôi có cảm giác anh ta nghe tôi suốt con đường cuối năm, nhưng đến lúc anh ta bước xuống, câu chuyện của tôi sẽ để lại trên xe, nơi chỗ anh ta ngồi lúc nãy. Chỉ cần thế, tôi chẳng mong ai mang những câu chuyện của mình theo về.

Hoặc giả anh ta không nghe tôi nói gì. Thì ít nhất tôi nghe tôi nói. Điều đó thật buồn cười. Nhưng còn đỡ hơn tôi đạp xe trong những cơn gió đêm và nói một mình. Cứ nghĩ như tôi nói với anh ta cũng được. Bao lâu rồi tôi không nói. Tôi sợ nói trong căn phòng trọ một mình. Nói một mình làm tôi thấy căn phòng quá rộng. Rộng đến độ tôi không có cách gì đuổi hết những cơn gió ban đêm ra ngoài. Đêm nay thật may vì có anh ta chịu ngồi trên xe tôi.

Anh ta vội về nhà để kịp đón giao thừa. Vậy mà tôi giam lỏng anh ta trong những câu chuyện nhạt nhẽo. Tôi ngừng câu chuyện của mình và cố gắng đạp vội. Chúng tôi chạy cho kịp năm. Thật lạ khi lâu lắm tôi mới có cảm giác làm gì đó thật vội vào cuối năm. Nhiều giao thừa đi qua tôi như bao đêm khác. Tôi bình thản mặc kệ khoảnh khắc cuối năm. Tôi chẳng có gì chờ đợi, nên chẳng việc gì phải vội. Hết những cuốc xe cuối năm, tôi sẽ trở về nằm trên giường, nhìn trần nhà cho đến lúc mệt mà thiếp đi. Lúc mở mắt ra đã là những cuốc xe của một năm khác rồi.

Vậy mà lúc này tôi lại vội vàng cho kịp giao thừa. Xém một chút nữa thì tôi bật khóc. Nhưng sự thật là đêm nay tôi thấy giao thừa. Tôi chờ đợi giao thừa từ người lạ. Tôi nhặt cái cảm giác cuối năm từ một người khác. Từ một người có cành mai trong tay, có những con người nào đó ngồi sau cánh cửa mong ngóng anh ta về.

Xe tôi đỗ lại ở một căn nhà lớn ở con đường dọc sông Hương. Vợ và con gái anh ta vội vàng mở cổng. Tôi quay xe và tránh nhìn họ. Đột nhiên tôi nhận ra anh ta nhìn tôi trong khi ôm lấy cô con gái. Anh ta biết tôi sẽ trở về căn phòng một mình nên sẽ mời tôi vào nhà cùng đón giao thừa chăng? Sẽ phải như thế nào nhỉ? Tôi sợ mình bị lôi kéo bởi cái cảm giác ấm áp nằm sau cánh cửa nhà họ. Nhưng sợ nhất là lúc tôi ra về, ở nhà anh ta ấm áp bao nhiêu, thì căn phòng của tôi sẽ nhiều gió lạ bấy nhiêu…

Tôi vội vã lên xe và toan đạp đi sau khi nhận tiền. Nếu chậm giây nào đó, biết đâu điều lo sợ sẽ thành sự thực. Nhưng bàn tay của người đàn ông kịp níu cánh tay tôi. Anh ta bảo tôi đợi một chút. Đột nhiên anh cởi chiếc áo vest và đưa cho tôi.

Làm sao một người đạp xích lô lại có thể mặc vest được kia chứ. Làm sao một người có làn da tím tái với chiếc quần tây thủng lỗ chỗ và đôi dép tổ ong mòn vẹt lại có thể mặc vest thẳng tắp từng ly, vai áo đứng một cách sang trọng.

“Nhưng nó đỡ bớt những cơn gió đêm cho anh, thay cho ba chiếc áo đóng gói” - Anh ta nói
…”

Trời trong vắt vào ngày đầu năm. Mọi thứ sáng và thơm tho mùi tết. Mọi người rộn ràng đi lại cười đùa. Khác hẳn với con đường ở một đêm cuối năm. Huế vào xuân cũng đủ vị nhộn nhịp như mọi nơi khác.

Trên cầu Trường Tiền có người đàn ông đạp xích lô mặc vest rất sang. Có người đi qua mỉm cười “anh xích lô cũng phải mặc đẹp như thế mới thấy xuân chứ”. Họ cười xòa.

Huế vào xuân…

… Những cô gái áo tím với chiếc khánh bạc đài các, bước đi trên những bậc tam cấp như những tấm tranh sơn dầu.

N.L.V.K
241/03-09

Các bài mới
Các bài đã đăng