Tạp chí Sông Hương - Số 200 (tháng 10)
Thế giới truyện ngắn của Đà Linh
09:10 | 13/04/2009
HỒ THẾ HÀĐà Linh - Cây bút truyện ngắn quen thuộc của bạn đọc cả nước, đặc biệt, của Đà Nẵng với các tác phẩm Giấc mơ của dòng sông (1998), Nàng Kim Chi sáu ngón (1992),Truyện của Người (1992) và gần đây nhất là Vĩnh biệt cây Vông Đồng (1997). Bên cạnh ấy, Đà Linh còn viết biên khảo văn hoá, địa chí và biên dịch.
Thế giới truyện ngắn của Đà Linh

Bốn tập truyện với trên mười năm cầm bút, quả là không nhiều, nhưng cái “quí hồ tinh” của nó lại được khẳng định vững chắc bởi một thi pháp già dặn, một tư duy hình tượng linh hoạt, tạo được giọng điệu riêng trong từng phức cảm, phức hợp nghệ thuật mới mẻ.

Có thể nhận xét một cách khái quát nét riêng trong cá tính sáng tạo của Đà Linh. Đó là sự tìm kiếm, bứt phá trong câu chữ và tìm kiếm tứ truyện; kết hợp giữa hiện thực và tưởng tượng, giữa ảo và thực, giữa cái đã, đang có và cái cần có để tạo nên những hình tượng giàu ý nghĩa xã hội - nhân sinh. Tất cả được chứa đựng trong một kiểu ngôn từ giản dị, trong sáng và tiết kiệm, giàu phẩm chất nghệ thuật.

Cũng cần khẳng định một điểm mạnh của anh, đó là vốn sống và tâm hồn luôn dạt dào cảm xúc tạo thành thao tác và động thái nhất quán mà anh đã lựa chọn: Xuất phát từ những gì mình ấp ủ, chiêm nghiệm và sống qua (expérience vécue) để phản ánh, đề xuất và lý giải các trạng thái nhân thế. Anh thêm vào những chi tiết nghệ thuật cần thiết để làm cho câu chuyện mạch lạc, hấp dẫn và hàm súc.

Từ Giấc mơ của dòng sông đến Vĩnh biệt cây Vông Đồng, anh đều tuân thủ bút pháp riêng ấy của mình, trên cơ sở có biến đổi, bổ sung ít nhiều về chất liệu và phương thức biểu hiện để tránh lặp lại. Vì vậy, Đà Linh đã tăng cường những yếu tố ngụ ngôn, giai thoại, huyền thoại, giấc mơ, những phi lí, lắp ghép, hình thức nhại, những lá thư kiểu văn học tư liệu, những đồng hiện, một ít sexual và những mặc cảm (mặc cảm tính dục ấu thơ, mặc cảm tàn phế...). Đó chính là những yếu tố hiện đại mà Đà Linh đưa vào truyện của mình để làm giàu suy tưởng, ý nghĩa như là một bịên pháp nghệ thuật cần thiết, chứ không phải chạy theo mode như một số người.

Đọc Nàng Kim Chi sáu ngón Truyện của Người trước đấy, đã thấy rõ một Đà Linh chân thành, giàu vốn sống thật; “cái tôi” hiện diện trên từng trang sách, từng nhân vật - chủ yếu là phiên bản của tác giả. Vì vậy, nhân vật người kể chuyện nhân vật truyện đều tự tin, khách quan, cụ thể trong từng đối thoại, độc thoại, từng cách đặt và dẫn dắt vấn đề. Đấy chính là sức mạnh tổng thể trong thi pháp biểu hiện của Đà Linh ở các tác phẩm giai đoạn trước.

Đến Vĩnh biệt cây Vông Đồng, những đặc trưng thi pháp ấy càng được tỏ lộ và khẳng định. Thế mạnh của Đà Linh là ở nghệ thuật xây dựng nhân vật và xây dựng kết cấu truyện (cả những truyện không có cốt truyện cũng là một kiểu kết cấu). Nhân vật thường đứng ở vị trí hiện tại, quay lại chiều quá khứ để liên hệ, làm điểm xuất phát và diễn biến truyện, sau đó, quay về hiện tại. Và tại đây, truyện kết thúc. Kiểu cấu trúc này, có ưu thế là hấp dẫn người đọc, bởi nền câu truyện của Đà Linh đều thuộc về quá khứ đẹp, nên thơ, giàu kỷ niệm. Nó có khả năng đánh thức lòng tốt và khả năng hướng thiện của con người. Do đó, Đà Linh ít quan tâm đến những chi tiết rườm rà trong hiện tại. Pằng pằng, Trò chơi tiếp tục, Chị Ngọ, Món quà từ Đà Nẵng, Người gõ kẻng, Một lần nằm viện, Viên đạn lạc... đều có kiểu kết cầu này. Vì vậy, ở đây, vai trò người trần thuật ở ngôi thứ nhất - có khi là nhân vật chính của truyện-rất quan trọng. Nó giúp nối liền hiện tại - quá khứ - hiện tại. Pằng pằng làm sống dậy cả một không gian - thời gian quá vãng với hình ảnh chị Lan, anh Đường và bọn trẻ, thiếu niên ở trại sơ tán của con em quân đội đi B. Mối quan hệ giữa anh Đường và chị Lan có gì đó khó hiểu trong cách nhìn của bọn trẻ. Nó vừa gần vừa xa, vừa ẩn vừa hịên. Vì vậy, anh Đường, chị Lan “đã cho anh một kiếp sống khác. Chị là phần khao khát mà suốt đời anh không thực hiện được”. Và với mọi người trong những năm ác liệt nhất, “anh Đường và chị Lan cần thiết cho chúng tôi như mặt trời và mặt trăng vậy”.

Nhân vật truyện của Đà Linh luôn chìm ngập trong ký ức quá vãng. Những ký ức đẹp ấy bao giờ cũng giúp chúng ta sáng suốt đạo đức để lựa chọn và ứng xử đúng trong hiện tại để sống tốt hơn với chính kỷ niệm và trách nhiệm hơn với chính mình cùng tha nhân như: Linh, Tùng, Bách, Mạnh và Đình trong Trò chơi tiếp tục; Tú và Thu trong Viên đạn lạc,... Nhân vật “tôi” và chị Ngọ trong Chị Ngọ có những kỷ niệm đẹp, phập phồng trong ao ước muốn giúp đỡ, sẻ chia cho nhau niềm vui, nỗi buồn lẫn hạnh phúc ngọt ngào. Nhưng rồi, cái thiệp hồng báo tin chị Ngọ lấy chồng làm cho Linh sống lại với bao kỷ niệm đẹp lẫn sự buâng khuâng, xúc động không thể cắt nghĩa vì sao. Còn nhân vật Đỗ, sự đồng cảm đến ngỡ ngàng lẫn ngờ vực cũng tan biến trong hai người để mãi mãi trong đời, họ có nhau từ một ký ức đẹp trước hoàn cảnh thương tâm của một cô sinh viên năm thứ hai ấy (Món quà từ Đà Nẵng).

Trong Một lần nằm viện, lòng tốt và sự trân trọng vật kỷ niệm đến cao cả đã khiến cho bà Xuyến, dù đau sắp qua đời vẫn không cởi bỏ chiếc nhẫn cưới duy nhất của ông Cuộc - chồng bà khỏi ngón tay phù nề, dù đấy là chiếc nhẫn giả, mạ vàng. Đà Linh có duyên trong việc tạo tình huống và kể chuyện, dù cốt chuyện rất đơn giản, nhưng chi tiết bao giờ cũng xúc động, tính gián tiếp đã thành trực tiếp chuyển nhanh sang người đọc để cho họ trở thành người đồng cảm xúc, đồng suy nghĩ và hành động.

Bên cạnh kiểu xây dựng nhân vật và cốt truyện như trên, Đà Linh còn quan tâm xây dựng nhân vật và cốt truyện mang tính hiện đại, bất ngờ. Lời tỏ tình qua số 01.54.X, Linh miêu, Truyện của Người, Chứng cứ cụ thể, Ngôi nhà sáng tạo, Nàng Kim Chi sáu ngón... là những truyện hay có kết kết lạ, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Ở đó, các hình thức bức thư, thay đổi không gian, lắp ghép kiểu điện ảnh, nghệ thuật gián cách, giấc mơ, yếu tố huyền ảo, đối thoại qua trung gian chiếc điện thoại... được vận dụng làm cho cốt truyện linh hoạt, tính cách và tâm lý nhân vật diễn biến tự nhiên, rút ngắn khoảng cách giữa độc giả và người trần thuật, làm cho ý nghĩa, tư tưởng của câu chuyện hiện lên trực tiếp, người đọc hiểu được những luận đề (thèses) mà tác giả cần gửi gắm.

Lời tỏ tình qua số 01.54.X, với kiểu dựng truyện để cho Thao - nhân viên trạm bưu điện luôn phải đối thoại qua điện thoại với một cô gái bên kia đầu máy di động đủ thứ chuyện “tạp bí lù” về các nhân vật nhiều vô kể - trẻ có, già có - cứ gọi cho cô qua số 01.54.X, khiến cho những lá phiếu đăng ký ngày càng dày lên. Truyện hiện lên những vô nghĩa, nghịch lý, những buồn cười liên tục. Đến khi cô gái bị tai nạn, nằm viện, thì xuất hiện ba con người cầu hôn với cô cũng bất ngờ, cứ như ở cô gái có sức quyến rũ ma ám vậy. Và chị vẫn gọi đến Thao để biết và trao đổi những thông tin chi tiết. Người thứ nhất là một sinh viên học trên cô một lớp, muốn cưới cô ta “lúc nào cũng nhớ cô - đặc biệt là khi đi ngủ”. Rồi một người đứng tuổi - chính là ông tài xế, người đã gây ra tai nạn cho cô, muốn lấy cô làm vợ kế, để lo cho cô và cô giúp con ông đỡ lẻ loi vì mẹ chúng đã chết. Rồi một người nữa cao lớn, ở đội thể thao quân khu. Anh này, lúc xảy ra tai nạn, đã cho ông tài xế một quả trời giáng và bốc cô lên xe đi bệnh viện. “Anh ta nói với tôi là anh ta không hề ôm một cô gái nào trước khi khẳng định tên tuổi của mình. Vậy là tôi và anh ta có duyên nợ với nhau, anh ta dọa là sẽ tự tử nếu tôi từ chối”.

Kết truyện, Thao cũng muốn yêu chị nên đã ngập ngừng nói qua máy: “Chị - nếu được, tôi xin thay thế chiếc nạng của chị”. - “Thật tuyệt vời - Đã đến lúc tôi phải li dị với nó rồi”. Có thể nói, câu chuyện gây buồn cười, nhưng hấp dẫn như kiểu nhân vật của văn học phi lý, kiểu giả Kafka...

Linh miêu cũng mang sắc thái lạ với chi tiết hai bộ xương mèo cái - một trắng, một đen ở dưới chiếc giường của vợ chồng đã làm cho người vợ thất thường, đau ốm, biến sắc, lại ứng vào việc đứa con luôn luôn đam mê vẽ mèo. Câu chuyện pha màu huyền hoặc và ám ảnh, ám thị khi chị mơ thấy chồng mình “quấn quít với hai cô gái, một trắng bóc, một đen thui. Những gương mặt ấy thật khó xác định và tôi chưa gặp bao giờ. Có người đã đuổi tôi, muốn giết tôi”. Qua đó, làm ta nghĩ đến sự kỳ lạ, rùng rợn rằng hồn của những con vật chết rồi vẫn có thể theo đuổi con người dương thế.

Ngôi nhà sáng tạo Nàng Kim Chi sáu ngón cũng thế. Truyện Ngôi nhà sáng tạo, có chất châm biến, hài hước bởi nhân vật Đại học giả với câu chuyện ngôi nhà bị ma ám, không ai ở được và ai mua đều bị nạn. Nhưng có một người đến mua thì ở được và làm ăn khá giả. Chẳng bao lâu sau, hồn ma hiện về báo "đây là ngôi nhà của tôi, tên nó là Ngôi nhà sáng tạo nhưng ai sáng tạo thì sẽ không ở nổi hoặc phải chết ". Rồi hồn ma lại hiện về báo mộng ngôi nhà sẽ sập và sập thật. Rồi lại hồn ma báo mộng bảo ông xây ngôi nhà hai tầng sẽ có người hỏi mua, lấy lại vốn.Vợ chồng chủ phải xây và có người hỏi mua liền. Đó là Đại học giả. Ông đặt tên cho nó là Ngôi nhà sáng tạo. Cuối cùng, người ta biết đó chính là tên lừa đảo giả hồn ma để trong chốc lát, ông bán ngôi nhà đó cho cơ quan nước ngoài với giá 30.000 đô la. Vậy mà, chủ cũ vẫn thầm cám ơn nhà Đại học giả, nhờ vậy, ông đã "cung cấp cho xã hội một Ngôi nhà sáng tạo... Còn đứng về phía lương tâm nghề nghiệp mà nói, đến phút này, tôi hoàn toàn tin tưởng Đại học giả của chúng ta sẽ trị được cái ám khí ở đây". Ngoài đời, hiện nay, hiện tượng trên còn nhiều hơn nữa với những đòn tinh vi hơn nữa. Đó là ý nghĩa xã hội thâm thúy của truyện.

Nàng Kim Chi sáu ngón cũng là câu chuyện có kết cấu lạ, kể về mối quan hệ giữa nhân vật "tôi" và Kim Chi trên một chuyến tàu lửa. Anh phát hiện được nàng có ngón tay thứ sáu không đẹp, nhưng lại gặp may mắn, là dấu ấn của Đấng cao quí. Có người bảo thế nên cô không cắt đi.

Kim Chi xinh đẹp và cái ngón tay thứ sáu hành hạ cô, nhưng cô cũng quen dần và tự an ủi bằng phép thắng lợi tinh thần: "ai sinh ra trên đời cũng đều có cố tật, nếu không lộ ra ở tay, chân, thân thể thì sẽ lộ ra ở phần khác. Chính có cố tật mới là con người" và chính ngón thứ sáu của cô đã là đề tài tận đêm khuya của các chàng sinh viên. Nhưng riêng Nhật thì chàng yêu Kim Chi thực sự do chạm được cảm giác của ngón thứ sáu trong một lần tình cờ nàng mang nước ra sông. Rồi họ gặp nhau "Họ nhìn thấy rõ nhau nhờ ánh trăng. Ánh trăng tối nay sáng trong, huyền bí, bầu trời thăm thẳm giấu kín mọi ý định của ngày mai", "Đôi mắt của cô chứa trọn cả vầng trăng quyến rũ tối nay. Nhật muốn lao đến xiết chặt lấy cô, hôn lên mắt, môi cô. Họ nhìn nhau, chẳng nói lời nào, ánh trăng đang tan trong đôi mắt họ, không thấy gì nữa, ngoài hai tấm thân đang run rẩy".

Một cú sét ái tình của hai tâm hồn cô độc, để rồi "Họ đã thấy nhau trong mơ. Họ đã ở bên nhau, cầm lấy tay nhau bay lơ lửng trong khoảng trống bao la trên nền trời tối cùng các vì sao bé nhỏ. Hai thân thể cùng trắng xóa như các vì sao, đùa giỡn vẫy vùng làm các vì sao xúc động".

Nhưng sau đó, Nhật đã chết vì nhảy tàu về quê thăm mẹ hấp hối. Từ đó, Kim Chi cũng đã không còn ngón thứ sáu trên bàn tay mình;”ngón thứ sáu co giật và teo lại. Nhật là người đầu tiên và duy nhất đã âu yếm nó và hình như cả thèm khát nó. Em đã chôn ngón tay đó vào mộ Nhật trong một đêm xuống ga Thạch Lỗi". Và nàng bỏ học luôn, vào Cam Ranh nơi mẹ của Nhật ở đến khi bà qua đời. Đấy là lời kể khi Kim Chi gặp lại Linh trong một hoàn cảnh éo le khác.

Truyện có kết cấu bất ngờ, tính nhân văn đậm, làm cho người ta thấy được cái đẹp thánh thiện trong cái khuyết lõm bẩm sinh. Đó là triết lý mà Đà Linh muốn thông điệp đến chúng ta.

Mảng truyện viết về thói tiêu cực, thờ ơ vô trách nhiệm và sự lạnh nhạt với đồng loại của một số người hiện nay được Đà Linh đặt và giải quyết tốt. Ở đó, ta bắt gặp cảnh trái tai, gai mắt, sự nghịch lý đáng thương và đáng ghét. Và trong ta hiện lên những câu hỏi cần có lời giải đáp, là tại sao trong xã hội hiện đại, văn minh mà cái ác và cái vô đạo đức cứ ngang nhiên tồn tại, con người không trừ diệt chúng tận gốc. Người gõ Kẻng, Chứng cứ cụ thể, Truyện của Người, Vĩnh biệt cây Vông Đồng... chính là lời cảnh báo đối với đời sống xã hội đang xuống cấp và có khả năng băng hoại, tha hóa, đặc biệt, ở những người có chức, có quyền, coi thường nhân tính.

Chứng cứ cụ thể là câu chuyện thương tâm nhưng bị bưng bít của những người có chức, có quyền về cái chết của cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Hiền rơi từ gác tư xuống những tấm panen chết cùng con chó nhỏ. Nhân vật nhà báo đã ám ảnh trước hiện tượng này và quyết đưa ra ánh sáng nhưng vô ích. Cái chết của cô ta có liên quan đến bài báo do cô viết với nhan đề "Mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài". Cơ quan cũ bị cô lên án trong các bài báo, cô đấu tranh thẳng thắn, có chính kiến, và liền sau đó, là cái chết mờ ám, u uất của cô. Nhưng cái chết ấy - qua cái nhìn của các cơ quan lãnh đạo liên đới thì như thế nào? Tại văn phòng tỉnh, tại Cơ quan Thanh tra, tại Cơ quan Đoàn đều được trả lời một cách lơ là, thiếu trách nhiệm, lờ mờ và quan liêu, vô cảm. Nhất là tại cơ quan của cô, người ta đặt ra hiện trường giả để phi tang tai nạn của cô. Nhưng thật ra, cái lá thư cuối truyện là sự thật của vấn đề, một sự thật rõ như ban ngày mà công lý đã vội quên. Đó là vì cô đấu tranh cho công lý cùng anh trưởng phòng kế hoạch nên cả hai cũng rơi vào bi kịch. Giờ đây, lãnh đạo công ty đang cần "chứng cứ cụ thể". Mà cái đó thì Hiền đã có trong tay, hỏi làm sao Hiền tồn tại được? Đấy là câu chuyện có tính giáo dục xã hội tốt, và câu trả lời trong bạn đọc đã rõ.

Truyện Vĩnh biệt cây Vông Đồng nói về sự thờ ơ, tàn bạo của những con người cá nhân, ích kỷ đã hủy hoại màu xanh - môi trường sống của bao người. Giết cây xanh là đã giết hồn người và hồn cây, cả đứa trẻ cũng không hiểu sự vô nghĩa lý ấy của người lớn, sự mê muội của người có quyền thế. Truyện của Người cũng nói về thói thờ ơ, quan liêu của các cơ quan có thẩm quyền và sự vô cảm, bản năng của một người phụ nữ khi đồng tiền và sự vô liêm sĩ đối với họ chỉ là chuyện nhỏ, "vô tư đi". Truyện Người gõ kẻng nói về cái vô lý đối với ông Sang - người gõ kẻng và bảo vệ của trường hai mươi lăm năm, không vợ, không con, không ước mơ gì to lớn đến nỗi cơ quan không tăng lương, ông cũng không có ý kiến gì. Vậy mà bây giờ, người ta còn bàn bạc nên cho ông tiếp tục hay thôi việc. Ông nghỉ ốm mới có mấy hôm mà mọi việc rối cả lên. Sự tồn tại một con người như ông Sang là hữu ích như thế nào đối với cơ quan. Thế nhưng cuối cùng, người ta sẵn sàng ký cho ông nghỉ hưu sớm theo chế độ khiến ông tổ trưởng "cầm tờ quyết định đưa cho ông Sang, mắt rơm rớm".

Mẹ và con cũng là một ứng xử lạnh lùng của cõi người thiêng liêng được gọi là tình mẫu tử. Người mẹ đã độc ác, xa lạ để một người con tài hoa, có tâm hồn nghệ sĩ lại phải từ giã cõi đời trong sự nghèo khó và luyến tiếc của chung quanh. Bức tranh ông vẽ tặng bà hàng xóm để trừ nợ, để tưởng nhớ bà là tình cảm xúc động và lương tri của một con người giàu yêu thương mà không được hồng phúc như ý nguyện, đành phải sống và ra đi trong cô đơn và tiếc nuối.

Tôi muốn lưu ý trong nghệ thuật truyện của Đà Linh mà tôi cho là rất cần. Đó là, anh thường để cho cảm xúc dâng tràn. Những đoạn văn trữ tình ta bắt gặp trong những hoài niệm đẹp như cổ tích làm tăng sức hấp dẫn của truyện: "Họ lại gặp nhau ngay trước cửa phòng dưới ánh trăng huyền bí, nói chuyện tự nhiên, xoắn xuýt như hai người bạn cũ (...) Cả bầu trời náo nức, mặt trăng núp sau những đám mây tươi cười hí hả. Họ từ từ rời các vì sao trở về trái đất thật nhẹ nhàng". Lại có chỗ pha chút sexual nhẹ nhàng, nên thơ từ phân tâm học của S. Freud đọc lên gợi cảm giác một cách trong sáng, tự nhiên: "Sáng trăng, đôi bắp chân to tròn và trắng của chị như ngọn hải đăng, chị xắn quần quá đầu gối, bảo rằng sợ cỏ may làm ngứa. Đến kho, chị kéo tôi vào đống rạ, ngồi trên một cái chiếu có sẵn từ trước, hơi ẩm sương", "thế là phần trên của chị trắng xóa, hai bầu vú hiện ra lồ lộ... Chưa bao giờ tôi thấy cặp vú rõ ràng đến vậy. Bất ngờ, chị nắm chặt đầu tôi ấn xuống", "Cách ăn mặc phong phanh của chị khiến tôi ngạc nhiên. Vai, cổ, ngực, nách lồ lộ... Hai cánh tay trần tròn lẳng, khỏe khoắn vươn thẳng, mắt nhìn thẳng, cứ như vậy, chị len qua các phố vắng, qua các vườn hoa, công viên rồi vòng về ngõ... Gương mặt chị lim dim, sảng khoái, chiếc áo mỏng dính và hở hang dán chặt vào da thịt, chị ưỡn người căng hơn, hai cánh tay dang thẳng hơn như để đón gió"...

Tôi nghĩ, Đà Linh là cây bút biết mình, biết ngoài mình. Anh không để cho từ trường văn học hiện đại lôi mình một cách vô bổ, khiến cho cái thật, cái tạng riêng bị khúc xạ một cách làm dáng. Anh trung thành với cá tính mà anh đã có từ lúc bắt đầu nghiệp bút. Vốn sống cá nhân, tâm hồn và nghệ thuật cá nhân đã làm nên một Đà Linh chân thật, sáng trong và nhân hậu, trước hết, với mình, sau đó, vươn đến cuộc sống và tha nhân, nghệ thuật.

Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Đà Linh, như tôi đã đề cập ban đầu, là kết hợp được những nhân tố rất cần thiết mà bất kỳ người cầm bút nào cũng quan tâm. Nhưng để đi xa hơn nữa, để khỏi lặp lại mình, thiết nghĩ Đà Linh đã có những chân trời mở trong tâm thế và tâm lý học sáng tạo với ý hướng tính văn chương mới. Mong rằng, trong tương lai, ta sẽ có trong tay những tác phẩm của anh bằng những phức hợp, phức cảm mới với một thi pháp ngôn ngữ mới - nghĩa là có pháthay trên cái nền mà anh đã lựa chọn cho cả hành trình văn chương của mình từ trước đến nay.

05/2005
H.T.H     
(200/10-05)

Các bài mới
Hương Bát Nhã (13/04/2009)
Phố cổ Bao Vinh (13/04/2009)
Các bài đã đăng