Giếng Hàm Long chính là chiếc giếng nằm dưới chân chùa Báo Quốc, một trong những cổ tự lừng danh của đất Thần Kinh. Tương truyền nước giếng Hàm Long chỉ dùng để tiến vua pha trà hay nấu chè sen. Giếng nay vẫn còn và đã là của chung dân gian.
Huyền thoại là như vậy nhưng chúng tôi không tin rằng, các vua Nguyễn ngày xưa phải dùng nước giếng Hàm Long cách Kinh Thành đến vài cây số để hàng ngày pha trà, nấu chè sen. Bởi ngay trong chốn Hoàng cung cũng có không ít chiếc giếng đã được đào ngay từ đầu thời Nguyễn để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của vua chúa. Người Việt vốn đã biết đào giếng và sử dụng nước giếng từ rất sớm, đến khi vào Đàng Trong lại được kế thừa thêm kỹ thuật đào giếng tuyệt vời của người Chăm nên ở đâu cũng thấy có giếng đào, giếng khơi. Kỹ thuật đào giếng của người Việt đến thời Nguyễn rõ ràng là đã được kế thừa từ cả ngàn năm truyền thống của dân tộc nên mang những đặc trưng rất độc đáo.
Hệ thống giếng thuộc khu vực kiến trúc cung đình của triều Nguyễn tập trung chủ yếu tại khu vực Hoàng Thành- Tử Cấm Thành. Ngoài ra còn phải kể đến các khu lăng tẩm vua chúa, các đền miếu, hành cung do triều Nguyễn xây dựng dọc hai bờ sông Hương ở phía Tây và Tây nam Kinh Thành Huế. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu hệ thống giếng cổ ở khu vực Hoàng Thành-Tử Cấm Thành với những đặc điểm về loại hình cùng cách phân bố.
(Giếng cổ ở Hưng Miếu) (Giếng cổ ở cung Diên Thọ) (Giếng cổ ở lăng Minh Mạng) (Giếng cổ ở lăng Tự Đức) (nguồn: www.nhohue.net/html/ditich/gieng_co.htm)
Hoàng Thành- Tử Cấm Thành thời Nguyễn vốn được quy hoạch theo mô thức cung điện truyền thống phương Đông với những khu vực khác nhau có chức năng riêng biệt. Xét về tổng thể, toàn bộ khu đất khoảng 36 ha này được chia thành các khu vực chính:
- Khu Tiền Triều: nằm trên trục trung tâm phía Nam của Hoàng Thành, từ Ngọ Môn đến điện Thái Hoà. Đây là nơi cử hành các nghi lễ của triều đình - Khu Nội Đình: Tức khu vực Tử Cấm Thành, nằm trên trục trung tâm, phía Bắc của khu Tiền Triều. - Khu vực các miếu thờ tổ tiên: gồm 4 miếu chính (Triệu- Thái Miếu, Hưng-Thế Miếu), bố trí ở hai bên khu Tiền Triều và một biệt miếu (Miếu Phụng Tiên) được bố trí hơi lùi về phía sau khu Hưng- Thế Miếu. - Khu vực các cung điện dành cho Thái hậu và Thái hoàng Thái hậu (cung Diên Thọ, cung Trường Sanh), bố trí ở phía Tây khu Tử Cấm Thành. - Khu vực kho tàng của hoàng gia (Phủ Nội Vụ), bố trí ở phía Đông Tử Cấm Thành. - Khu vực vườn ngự (vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ) bố trí ở phía Đông bắc và phía Bắc Tử Cấm Thành. Trong 6 khu vực trên, ngoài hai khu Tiền Triều và khu vực vườn ngự không phát hiện thấy giếng đào, các khu vực còn lại đều có những chiếc giếng cổ.
1. Khu vực Tử Cấm Thành (khu Nội Đình): hiện còn 4 chiếc giếng cổ,
- Giếng vuông ở phía Bắc Duyệt Thị Đường, gần vườn Thiệu Phương. Giếng gần như vuông, lòng giếng kích thước 153cm x 154 cm, nếu kể cả thành giếng là 223 cm x 225 cm. Thành xây bằng đá thanh, có vữa gắn kết, cao 43 cm. Lòng giếng được kè xếp bằng gạch vồ loại nhỏ, không dùng vữa. Hiện tại giếng không còn được sử dụng, lòng giếng bị lấp đầy cây cỏ.
- Giếng tròn ở phía Tây nam Duyệt Thị Đường. Đây là chiếc giếng rất đẹp, lòng giếng hình tròn, đường kính 219cm, nếu kể cả thành giếng thì đường kính là 276cm. Thành xây gạch, cao 23cm, bên ngoài kể từ thành ra 110cm lại có một bậc cấp cao 30cm. Nghĩa là thành giếng cao hơn mặt đất 53 cm. Lòng giếng, từ bờ thành sâu xuống 2m được kè bằng gạch vồ, phía dưới kè bằng đá núi. Toàn bộ giếng sâu khoảng hơn 4m, nước giếng trong dù khá lâu không sử dụng.
- Giếng tròn ở phía Đông Tả Vu (điện Cần Chánh) hiện vẫn còn được sử dụng, nằm ngay phía sau nhà Tả Vu của điện Cần Chánh. Thành giếng xây gạch, cao 62cm, dày 30cm; đường kính lòng 120cm, kể cả thành là 180cm. Toàn bộ lòng giếng từ trên xuống đều được xếp kè bằng gạch vồ, không dùng vữa. Giếng sâu khoảng 5m, nước rất trong.
- Giếng vuông ở khu Lục Viện, nằm khá gần trục trung tâm của Hoàng Thành-Tử Cấm Thành, nhưng hơi chếch về phía Tây, trong phạm vi của khu Lục Viện xưa. Giếng có hình gần như vuông, lòng giếng kích thước 160cm x 165cm, kể cả thành ngoài là 223cm x 217cm. Thành xây gạch vồ trát vữa, cao 27cm, phía dưới lớp thành ở mặt trong có kè 2 viên đá thanh, mỗi viên rộng khoảng 25cm, dưới nữa lại kè bằng gạch vồ cho đến đáy. Toàn bộ giếng sâu 4,9m, nước sâu khoảng 50cm.
2. Khu vực các miếu thờ tổ tiên: gồm có 5 giếng hình vuông với kích thước khá giống nhau: Triệu Miếu: có 2 giếng:
- Giếng ở phía Tây, nằm ở đầu hồi phía Nam nhà Thần Trù (tức nhà bếp) của Triệu Miếu. Giếng vuông, thành xây gạch vồ, cao 80cm, dày 28cm. Lòng giếng rộng 148cm, toàn bộ lòng giếng được xếp kè bằng đá núi. Hiện giếng không còn sử dụng nhưng nước rất trong, sâu gần 60cm, toàn bộ chiều sâu của giếng là 4,2m.
- Giếng ở phía Đông, có lẽ cũng tại đầu hồi nhà Thần Khố (tức nhà kho) của Triệu Miếu, thành xây gạch vồ rất dày, đến 47cm, cao 43cm (có lẽ đã bị đập bỏ bớt). Lòng giếng vuông, rộng 150cm, kè gạch phần trên (khoảng 1m, kể cả thành giếng), bên dưới xếp đá núi. Hiện nay giếng đã bị lấp cạn rất nhiều, chỉ còn sâu 2,6m và không có nước.
Hưng Miếu: chỉ có một giếng nằm ở đầu hồi phía Nam nhà Thần Trù. Hiện giếng vẫn còn được sử dụng nên nước rất trong. Thành xây gạch nhưng có kè thêm đá, cao 61cm, dày 30cm. Lòng giếng rộng 206cm, kè bằng đá núi từ trên xuống. Toàn bộ chiều sâu của giếng là 5,1m, trong đó nước sâu 1,55m.
Miếu Phụng Tiên: có 2 giếng: - Giếng nằm ở phía Tây, phía sau nhà Hữu Vu của toà miếu chính. Thành giếng xây gạch, phần thành trên đã bị đập bớt, cao 33cm, dày 30cm. Lòng giếng vuông, rộng 138cm, kè hoàn toàn bằng đá núi. Toàn bộ chiều sâu của giếng là 3,8m, trong đó nước sâu khoảng 30cm.
- Giếng ở phía Đông, phía sau nhà Tả Vu của miếu chính, thành giếng xây gạch, cao 58cm nhưng chỉ dày 15cm. Lòng giếng hình vuông, rộng 143cm, kè gạch vồ từ trên xuống khoảng 3m, dưới nữa kè bằng đá núi. Giếng sâu 5,1m, trong đó nước sâu 1,1m.
3. Khu vực các cung điện dành cho Thái hậu và Thái hoàng Thái hậu: gồm có 5 chiếc giếng, trong đó cung Diên Thọ có 4 chiếc, còn cung Trường Sanh chỉ có 1 chiếc.
- Giếng vuông phía Đông nam cung Diên Thọ: Giếng gần như hình vuông, thành xây gạch vồ có vữa, kích thước lòng giếng là 184cm x 194cm, kể cả thành là 244cm x 250cm. Lòng giếng được kè xếp gạch từ dưới lên trên. Toàn bộ giếng sâu khoảng 4m, nước trong.
- Giếng vuông phía Tây bắc cung Diên Thọ nằm gần Khương Ninh Các, ngôi chùa dành cho các Thái hậu trong cung Diên Thọ. Giếng hình vuông, lòng rộng 177cm x 177cm. Thành giếng xây gạch, cao 64cm, dày 30cm. Lòng giếng được kè xếp gạch vồ từ trên xuống dưới. Nước giếng trong và sâu.
- Giếng vuông ở góc Đông bắc điện Thọ Ninh có thành rất cao, đến 124cm, xây gạch vồ, dày 30cm. Giếng hình vuông, lòng giếng kích thước 170cm x 170cm, xếp kè bằng gạch vồ. Hiện giếng không còn sử dụng, lòng giếng lấp đầy cỏ rác.
- Giếng tròn ở góc Đông bắc cung Diên Thọ, rất đẹp và vẫn còn được sử dụng để tưới cây. Đây là một giếng tròn lớn, đường kính 274cm. Thành giếng xây gạch, cao 87cm, dày 30cm. Giếng sâu khoảng 5m, toàn bộ lòng giếng được kè gạch vồ.
Cung Trường Sanh: chỉ có một giếng tròn nằm phía Đông nam toà nhà chính Ngũ Đại Đồng Đường, sát bên hiên nhà Tả Vu, thành xây gạch, cao 101cm, dày 15cm. Giếng sâu hơn 4m, từ bờ thành xuống 226cm kè bằng gạch vồ, phía dưới kè bằng đá núi. Nước giếng khá trong và hiện vẫn đang được sử dụng.
4. Khu vực kho tàng của hoàng gia (Phủ Nội Vụ)
Phủ Nội Vụ hiện nay là trụ sở của Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Theo những nhân chứng từng ra vào khu vực này trước năm 1975, tại khu vực này có đến 4 chiếc giếng cổ, đều là giếng vuông, bố trí khá đăng đối với nhau. Nhưng hiện nay, do sự phát triển của Trường Đại học Nghệ thuật Huế, 3 chiếc giếng đã bị lấp. Chiếc giếng hình vuông còn lại, nằm ở phía Đông nam khu đất, sát Đông Khuyết Đài của Hoàng Thành, hiện vẫn còn được sử dụng. Thành giếng xây gạch vồ, bên ngoài được tô mới bằng xi măng. Thành giếng cao 71cm, dày 20cm. Lòng giếng rộng 137cm, kè hoàn toàn bằng gạch vồ. Giếng sâu 5m, trong đó nước sâu đến 1,7m; nước khá trong và hiện vẫn còn được sử dụng để phục vụ xưởng vẽ của trường.
Như vậy, riêng trong khu vực Hoàng Thành-Tử Cấm Thành, ít nhất cũng từng có đến 18 chiếc giếng được đào và sử dụng trong thời Nguyễn. Điều đặc biệt là các giếng cổ này không hề được đề cập trong các sử liệu chính thống của triều Nguyễn nên không thể xác định chính xác thời điểm ra đời của chúng. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm kỹ thuật xây dựng những chiếc giếng này, so sánh với các giếng cổ tại hệ thống lăng vua Nguyễn- những chiếc giếng có thể xác định khá chính xác thời điểm xây dựng, thì chúng ta có thể khẳng định, hệ thống giếng cổ trong khu vực Hoàng Thành- Tử Cấm Thành đều được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, ít ra là từ thời Tự Đức (1848-1883) trở về trước.
Vài suy nghĩ về loại hình và sự phân bố của hệ thống giếng cổ trong kiến trúc cung đình Huế
Về loại hình: giếng thời Nguyễn có cả kiểu giếng vuông và giếng tròn nhưng giếng vuông chiếm đa số (14/18). Sự áp đảo của loại hình giếng vuông so với giếng tròn thể hiện rõ ảnh hưởng của phong cách giếng Chăm đối với kỹ thuật đào giếng thời Nguyễn tại khu vực Huế. Qua đợt khai quật khảo cổ học tại kinh thành Thăng Long- Hà Nội, những chiếc giếng cổ được phát hiện đều là những chiếc giếng tròn. Điều đó chứng tỏ qua suốt cả ngàn năm lịch sử, phong cách chủ đạo của giếng Việt là giếng tròn, hoàn toàn khác so với giếng Chăm từ Đàng Trong vốn quen với phong cách giếng vuông. Tại Kinh đô Huế trong thời Nguyễn, vừa kế thừa truyền thống dân tộc trong kỹ thuật đào giếng, vừa tiếp thu những nét ưu việt của kỹ thuật giếng Chăm đã tạo nên cả một hệ thống giếng phong phú, gồm cả loại giếng tròn và giếng vuông.
Về sự phân bố các giếng cổ tại khu vực Hoàng Thành - Tử Cấm Thành, có thể nêu lên một số đặc điểm nổi bật:
Tại khu vực Tiền Triều, phục vụ cho các lễ nghi tuyệt đối không có giếng nước. Điều này có thể là do quan niệm của người xưa về địa lý phong thuỷ: tránh mọi sự đụng chạm vào lòng đất tại khu vực “rốn rồng” để bảo đảm sự yên ổn, vững bền của triều đại. Vì vậy, không chỉ khu vực Tiền Triều mà toàn bộ khu vực suốt dọc trục trung tâm của Hoàng Thành-Tử Cấm Thành đều không thấy có giếng đào.
Tại khu vực vườn Ngự ở phía Đông bắc cũng không thấy có giếng đào. Chúng tôi cho rằng có thể tại đây cũng từng có giếng nhưng không nhiều và đã bị lấp (1). Vả lại, tại khu vực này có rất nhiều hồ ao nên không nhất thiết phải có nhiều giếng.
Tại khu vực các miếu thờ, số lượng giếng đào khá hạn chế. Mỗi khu vực (dù diện tích rất lớn) cũng chỉ có 1-2 chiếc. Giếng đều bố trí ở đầu hồi phía Tây nam của nhà bếp hay nhà kho để tiện cho việc dùng nước nấu nướng.
Trong khu vực Tử Cấm Thành, các giếng đào tập trung nhiều ở phía Đông; ở phía Tây chỉ có 1 chiếc tại khu Lục Viện. Với số lượng 4 chiếc giếng trên một khu vực rộng lớn, lại tập trung rất nhiều công trình kiến trúc phục vụ nhà vua và gia đình sinh hoạt khiến chúng ta có quyền nghĩ rằng, triều Nguyễn rất hạn chế việc đào giếng bên trong khu Nội Đình.
Khu vực các cung điện dành cho Thái hậu ở phía Tây dường như không bị hạn chế việc đào giếng, đặc biệt là tại cung Diên Thọ có đến 4 chiếc. Điều này thể hiện sự ưu ái đặc biệt của các vua Nguyễn dành cho Thân mẫu của họ.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, tại tất cả các khu vực có giếng đào trong thời Nguyễn (kể cả trong khu vực các di tích), các giếng đều được phân bố ở hai bên trục kiến trúc công trình hoặc tại các góc khuất, tuyệt đối không có hiện tượng đào giếng trên trục trung tâm của kiến trúc. Điều này cho thấy, việc đào giếng dưới thời Nguyễn đã tuân thủ rất nghiêm ngặt những nguyên tắc quy định về phong thuíy và kiến trúc. Ngoài ra, một đặc điểm cần lưu ý nữa là ngày xưa sau khi đã đào giếng, người ta rất kiêng chuyện lấp bỏ. Cổ nhân có câu: “cải ấp bất cải tỉnh” (thà thay đổi chỗ ở chứ không thay giếng đào), nguyên do là việc đào giếng, xây giếng không phải dễ dàng, lại đụng chạm rất nhiều đến các quan niệm về đất đai phong thuỷ. Bởi vậy, theo chúng tôi, dù qua thời gian các cung điện có thể có sự dịch chuyển, thay đổi vị trí nhưng các giếng cổ thì vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta có thể dựa vào đặc điểm này để xác định quy hoạch cung điện nguyên thuỷ cũng như sự thay đổi của quy hoạch trên qua thời gian.
Sau khi triều Nguyễn chấm dứt, những người quản lý mới của hệ thống kiến trúc cung đình dường như không để ý đến các giếng đào quý giá xưa. Hầu như chỉ có nơi nào có người ở để trực tiếp quản lý di tích, giếng ở nơi ấy mới tồn tại để tiếp tục được sử dụng, còn lại đều bị bỏ hoang rồi dần dần bị lấp bỏ. Dầu vậy, trong khu vực kiến trúc cung đình Huế vẫn còn đến hàng chục chiếc giếng, tất cả đều rất đẹp và được xây dựng công phu. Những chiếc giếng này nếu được bảo tồn, tu bổ để phát huy tác dụng như phục vụ các hoạt động văn hoá, du lịch thì chắc chắn sẽ đưa lại nhiều hiệu quả tốt đẹp. Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều du khách đứng băn khoăn, thẫn thờ bên cạnh chiếc giếng vuông sau cửa Vụ Khiêm (lăng Tự Đức) hay chiếc giếng tròn sau nhà Tả Vu (điện Cần Chánh). Đáng tiếc là chúng ta chưa biết phát huy những gì mình đang có! Hãy tưởng tượng, giữa mùa hè oi ả, khi bạn vào thăm cung Diên Thọ, nơi các bà Thái Hậu triều Nguyễn từng sinh sống, được tự tay múc một gàu nước trong veo, mát lạnh từ một chiếc giếng cổ để rửa mặt thì tuyệt vời làm sao. Rồi trong lúc ngồi nghỉ, bạn lại được mời uống một chén trà thơm pha bằng thứ nước ấy, được người bán trà (hoặc hướng dẫn viên du lịch) kể về những huyền thoại xung quanh chiếc giếng cổ, về cách chế biến trà, pha trà cầu kỳ, công phu của các ông hoàng bà chúa xưa...
Chúng tôi rất mong sẽ có một ngày những chiếc giếng cổ ấy lại hồi sinh, để những du khách, đặc biệt là những đôi lứa khi vào thăm chốn cung điện Huế sẽ cùng nhau thả gàu múc nước hay cùng nhau soi bóng xuống đáy giếng. Có như vậy những câu hát xưa mới trở về:
Nước giếng Thần Kinh đã trong lại ngọt, Anh thương em rày...
P.T.H (202/12-05)
---------------------------------- (1) Tại phía Đông vườn Cơ Hạ vẫn còn dấu tích một vật xây gạch hình vuông tương tự dấu tích một giếng cổ nhưng chúng tôi chưa thẩm định được đây có phải là một chiếc giếng đào trong thời Nguyễn hay không, do chưa có điều kiện đào thám sát. |