Tạp chí Sông Hương - Số 202 (tháng 12)
Người trong cổ tích
10:09 | 23/04/2009
HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

Từ nửa đầu 1953 giặc Pháp tăng cường đánh phá suốt ngày đêm. Ngôi nhà của gia đình Hoàng Lập Xuân bị bom đạn giặc phá huỷ hoàn toàn. Cha mẹ Hoàng Lập Xuân cố nhặt nhạnh trên đống vôi vữa đổ nát ấy dựng lại một ngôi nhà nhỏ để cả gia đình có chỗ ở, số vật liệu còn lại dùng để xây một căn hầm rộng và kiên cố để tránh bom đạn. Bà con trong thôn xóm thường đến núp nhờ ban ngày cũng như ban đêm. Trong số những người thường tới ngủ nhờ ban đêm có o Sàng và bác Thẻ, cả hai người này đều không có chồng con. O Sàng ở với gia đình hai cậu em, còn bác Thẻ ở một mình. Buổi tối cha mẹ Hoàng Lập Xuân thường lùa các con xuống hầm ngủ, nhưng các anh chị lớn trốn dần hết, chỉ còn lại bé Hoàng Lập Xuân bảy tuổi luôn bị cả nhà đe nẹt bắt buộc phải ngủ hầm. Thành ra cái hầm rộng thênh thang nhiều khi chỉ có o Sàng bác Thẻ với Hoàng Lập Xuân. Ban đầu bé Hoàng Lập Xuân cảm thấy rất khổ sở vì việc này, nhưng về sau những chuyện cổ tích của bác Thẻ đã làm Hoàng Lập Xuân say mê rồi đi dần vào giấc ngủ.

Nửa đêm, khi có tiếng đại bác nổ gần, những người lớn nháo nhào chạy xuống hầm, có khi dẫm đạp lên những người đang ngủ. Những lúc ấy o Sàng và bác Thẻ ngồi dậy, tìm một góc an toàn rồi bế Hoàng Lập Xuân đặt vào đó, vừa quạt mát và vuốt ve cho cô bé ngủ. Khi loạt đại bác nổ xa dần mọi người tuôn ra khỏi hầm, trả lại không gian cho o Sàng bác Thẻ và Hoàng Lập Xuân. Buổi sáng Hoàng Lập Xuân chui ra khỏi hầm thấy o Sàng đang quét sân vườn, có khi tiện tay o còn nhổ cỏ trong các bồn hoa, hoặc tưới tắm chăm bón cho vạt cải, luống ngò. Xong rồi o Sàng lẳng lặng ra về, không phải chào hỏi ai, hôm nào cũng thế. Bác Thẻ thường đến sớm và về sớm. O Sàng phải làm giúp việc cho hai cậu em xong mới đến ngủ nhờ khi trời tối hẳn. Còn bác Thẻ đến từ buổi chiều. Khi cả gia đình Hoàng Lập Xuân đang ăn cơm đã thấy bác Thẻ ôm một bó áo xống tư trang đến gật chào mọi người rồi lặng lẽ chui vào hầm. Sáng dậy lặng lẽ đi. Chưa bao giờ bác Thẻ quét dọn sân vườn nhà cửa giúp gia đình Hoàng Lập Xuân, như thể đó là việc của o Sàng vậy.

Gia đình Hoàng Lập Xuân chẳng ai lấy thế làm phiền lòng hay quở trách gì bác Thẻ, cũng chẳng ai nói một lời cám ơn o Sàng về sự o hay làm giúp. Như kiểu nhà “chùa” vậy, ai muốn đến thì đến, ai đi thì đi. Ai thấy việc muốn làm thì làm, không làm cũng chẳng sao! Nhưng với riêng Hoàng Lập Xuân thì ngày càng thích bác Thẻ hơn, bởi kho tàng cổ tích vô tận của bác. Và Hoàng Lập Xuân “ghét” o Sàng bởi có một buổi trưa Hoàng Lập Xuân đi học về thấy o Sàng ngồi câu cá mại trên bờ sông nhỏ, o câu một lúc hai cần, giật cần này lên móc mồi xong thả xuống lại giật cần khác, hai tay o lia lịa, tóc o bạc trắng, o thường mặc áo cánh trắng quần đen, miệng phì phèo điếu thuốc lá vấn lá to bằng ngón tay cái. Hình o in trên mặt nước run rẩy chao đảo bởi những con sóng nhẹ do cá mớm mồi. Hoàng Lập Xuân rón rén đến bên, liền bị o quở trách đe nẹt. Những lúc ấy mắt o Sàng trông rất dữ, lời của o Sàng gắt gỏng lắm, hoàn toàn khác với o Sàng thường nằm ngủ cạnh Hoàng Lập Xuân phe phẩy chiếc quạt nan, hoặc o Sàng quét dọn sân vườn.

Một lần cha của Hoàng Lập Xuân có việc phải đi Huế sớm, không kịp gặp tạm biệt Hoàng Lập Xuân, không kịp rửa mặt chải tóc cho cô con gái cưng như mọi ngày. Hoàng Lập Xuân thức dậy không thấy cha, liền ra đứng giữa sân nhìn về phía hai chiếc cột trụ cổng buồn nung nấu. O Sàng ngừng tay quét, dựng chổi đến bên Hoàng Lập Xuân móc túi áo lấy ra một gói giấy dúi vào tay Hoàng Lập Xuân. Hoàng Lập Xuân mở ra thấy hai chiếc bánh thuẫn. Đây là loại bánh mẹ làm bằng bột huỳnh tinh đường cát trắng và trứng gà để cho cha ăn tráng miệng hoặc uống nước trà buổi sáng. Cha thường lén cho riêng Hoàng Lập Xuân. Lần này cũng vậy, mẹ và các anh chị không có ai đủ tin cậy để cha gởi bánh nên cha phải gởi qua o Sàng. Từ đó Hoàng Lập Xuân thôi không “ghét” o Sàng nữa. Nhưng o Sàng chưa bao giờ kể chuyện cổ tích cho Hoàng Lập Xuân nghe, mà còn nghe “nhờ” mỗi khi bác Thẻ kể. Nhiều lúc khuya quá rồi, bác Thẻ đã buồn ngủ, giọng bác bắt đầu trở nên rời rạc. Hoàng Lập Xuân đưa bàn tay nhỏ xíu sờ lên mắt bác, thấy mắt nhắm nghiền mà miệng vẫn tiếp tục kể cho đến lúc Hoàng Lập Xuân đi vào giấc ngủ. Đôi khi Hoàng Lập Xuân không đợi được tới đêm, mà ban ngày những lúc rỗi cô bé tìm đến nhà bác Thẻ để chờ mong bác kể tiếp chuyện cổ tích.

Từ đường cái thôn rẽ vào nhà bác phải đi hết một con kiệt dài sâu hút đầy bóng tre. Lá tre khô rụng trên vô vàn dấu chân trâu gập ghềnh trong cỏ chỉ. Bác Thẻ ở một mình trong túp lều tranh, cột kèo cửa nẻo phên liếp toàn bằng tre. Đất vườn những nhà chung quanh đều màu gan gà, riêng đất vườn bác Thẻ trắng phau. Vườn trắng, sân trắng, nền nhà càng trắng hơn và cứng như sành. Góc nhà có cái giường tre trải chiếu lát. Ở bếp có om nước chè xanh đặt trên bộ táo kiềng, bên cạnh là nồi cơm. Một niêu dùng để kho cá tép...được treo lên cao bằng một chiếc dóng nhỏ xinh xắn. Tất cả dụng cụ nấu ăn đều bằng đất nung. Củi đun là những nhánh nè được bác chặt tỉa gọn gàng chừng nửa mét bó thành bó nhỏ đặt cạnh bếp. Ở quê Hoàng Lập Xuân có câu: “Trong nhà huơ nhánh nè không bén!” Nè là nhánh tùm lum của cây tre thải ra, đụng vào đâu là vướng víu lung tung, vậy mà có nhà huơ nhánh nè không bén, có nghĩa là nhà không có chút đồ dùng của cải gì cả. Nhà bác Thẻ là như vậy. Nhưng nhà bác rất sạch, không hạt bụi, không một cọng rác, không có một con muỗi. Bác đi khỏi nhà không cần đóng cửa. Buổi tối bác đến ngủ Hoàng Lập Xuân hỏi hôm nay bác đi đâu, bác trả lời:

-Đi rú.

Tức là đi vào rừng. Hôm sau Hoàng Lập Xuân đến gặp bác đang ngồi róc chọi. Chọi là thứ cây mọc ở rừng thưa ngập trong sình lầy. Thân chọi nhỏ bằng ngón tay vươn dài bò miên man chằng chịt trong sình lầy cây cỏ. Người ta nhặt chọi về róc sạch chân rễ, phơi khô rồi đem bán cho người vạn chài dùng để bện nò sáo, buộc thuyền, buộc những đường chằng của các thuyền đi đánh cá. Vì cây chọi khi được phơi khô trở nên mềm mại, bền chặt, giỏi chịu nắng, giỏi chịu nước mặn cũng như nước ngọt. Hoàng Lập Xuân ngồi bên xem bác làm, học theo bác dùng dao trau mấy sợi chọi nhưng bị lạc dao đứt mất sợi chọi. Thấy bác suýt soa tiếc rẻ nên Hoàng Lập Xuân không làm nữa. Bác Thẻ nói không phải lần nào đi rú cũng kiếm được chọi. Nếu không gặp chọi thì bẻ cây chổi rành bó chặt lại thành từng bó to như bó lúa, gánh về nhà đợi ba hôm sau lá rành rụng hết, người ta xổ rành ra, dũ đập cho sạch, còn lại bộ xương rành bó lại thành những cái chổi đem đi bán. Bác Thẻ nói bác đã già yếu không bươn chải được như người ta, nên số chổi và chọi bác kiếm được không nhiều, có khi tiền bán được không thể mua gạo, cá... mà chỉ mua được những mớ tấm, những lon gạo vỡ và mắm muối. Vườn đất sét trắng trồng cây cải, cây khoai lang không xanh tốt được, nhưng cũng tạm đủ rau cho bác dùng.

Hình như lúc ấy bác độ tuổi bốn lăm-năm mươi. Khuôn mặt bác tròn, nước da trắng, đôi mắt nhỏ hiền lành, cái miệng nhỏ xinh hay cười rất tươi, tóc điểm bạc lơ thơ vấn trần, thân hình cân đối đầy đặn. Đôi bàn tay nhỏ múp của bác bị gai cào xước dọc ngang do những lần đi bẻ chổi, bứt chọi. Đôi tai bác dày và dài đeo đôi hoa tai bằng đồng pha vàng gọi là bông thoà. Về sau không thấy bác đeo nữa mà thay vào đó là hai hạt đậu đỏ tròn lẳn, căng chật, trông bác thật hiền. Bác rất ít nói. Nếu không kể chuyện cổ tích cho Hoàng Lập Xuân nghe, có lẽ không ai nghe thấy tiếng bác bao giờ. Đôi lúc Hoàng Lập Xuân nghĩ bác Thẻ là người trong chuyện cổ tích bước ra. Vì bác có nhiều điểm rất giống các nhân vật mà bác đang kể. Những lúc trời mưa không đi bẻ chổi bứt chọi được bác Thẻ thường may vá. Nếu mưa nhỏ o Sàng sẽ mang tơi lá ngồi như bất động trên bờ sông câu cá hút thuốc. Nếu trời mưa to, o Sàng cũng nghỉ câu và cùng ngồi may vá với bác Thẻ tại nhà Hoàng Lập Xuân. O và bác may vá cho chính mình thì ít mà may giúp cho nhiều người khác. Ai cũng khen miếng vá của bác của o thật là tuyệt. Khi nhận được những chiếc áo dài vá quàng, vá nối, những chiếc áo bà ba vá vai, vá nách...bà con cô bác thường thốt lên:

-Quả là áo rách khéo vá hơn là vụng may!

Nhiều đôi vợ chồng trẻ thường tranh nhau nhờ o Sàng và bác Thẻ may áo cho trẻ sơ sinh. Nếu may vá cho người lớn cả o Sàng và bác Thẻ đều khôn khéo giấu đường chỉ may nhỏ xíu lặn chìm dưới làn vải, thì may áo cho trẻ con o và bác sải những đường kim dài chừng nửa phân. Hoàng Lập Xuân rất đỗi ngạc nhiên mở to mắt tròn xoe hỏi, liền được o Sàng giải thích:

-Phải may như rứa cho trẻ em mau lớn, dễ nuôi!

Vải may áo cho trẻ sơ sinh nhất thiết phải là vải cũ cắt ra từ áo của ông bà nội ngoại, hoặc kỹ hơn, những đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng với bao ước mơ kỳ vọng thường tìm tới những bậc cao niên có sức khoẻ tốt, đức hạnh mẫu mực và thành đạt trong cuộc đời xin mua lại một chiếc áo cũ để về may áo cho con mình. Đứng trước những chiếc áo cũ này, o Sàng và bác Thẻ thường tính toán cắt may làm sao cho được nhiều áo sơ sinh. Có lần Hoàng Lập Xuân thấy những tấm lụa đã sờn rách được o Sàng và bác Thẻ cầm lên may hết sức nâng niu gượng nhẹ. Hoàng Lập Xuân tò mò hỏi:

-Vì sao không may áo cho em bé bằng vải mới sạch, đẹp hơn, dễ may hơn?
O Sàng ngước nhìn cô bé một thoáng rồi cúi xuống với cây kim và tấm áo trẻ thơ đang hình thành trên tay mình:
-Chỉ có trẻ em không nuôi được người ta mới phải may vải mới để mà liệm!
Khi o Sàng và bác Thẻ may xong, Hoàng Lập Xuân liền cài hết các khuy áo lại và xếp vuốt phẳng phiu liền bị o Sàng giật lấy xổ tung ra, tháo hết các khuy nút, o nói như quát:
-Đừng có gài khuy khi xếp áo! Không nên!...

Về sau Hoàng Lập Xuân mới biết phong tục không cho gài khuy khi xếp áo dù là áo trẻ con hay người lớn.
Những lúc ngồi bên coi bác và o may vá Hoàng Lập Xuân cũng van nài bác Thẻ kể chuyện cổ tích cho bé nghe. Và o Sàng lại được dịp nghe “nhờ” vào! Trong những câu chuyện bác Thẻ kể Hoàng Lập Xuân thích nhất chuyện Người đàn ông hư ăn và câu chuyện Hạt muối. Có một vị Hoàng đế nọ sinh được ba nàng công chúa xinh đẹp rất được cưng chiều. Một hôm đi dạo chơi với các con trong vườn thượng uyển, Hoàng đế hỏi các con thương yêu ta như thế nào?

Công chúa cả nhanh nhẩu trả lời:
-Con thương yêu Phụ Hoàng như cái áo mới may.
-Giỏi! Giỏi!
Nhà vua khen tặng công chúa cả. Còn cô thứ hai nói:
-Con thương cha như viên ngọc quý!
Vua cha lại hết lời khen tặng cô công chúa thứ hai.
Đến lượt cô thứ ba thì nói:
-Con thương yêu cha như hạt muối.
-Trời đất! Muối là một vật tầm thường nhất trong thế gian vậy mà con dám đem để ví với ta?! Thật là bất hiếu đại nghịch!

Nhà vua nổi trận lôi đình đòi đuổi công chúa ra khỏi Hoàng Cung. Gặp lúc người bán than đi ngang qua, nhà vua gọi vào ban gả công chúa cho anh ta. Cả triều đình ai cũng thương cho thân phận nghiệt ngã của nàng công chúa út, nhưng ai cũng run sợ không dám dâng lời can ngăn nhà vua. Hoàng hậu thì gạt nước mắt lo gói ghém hành lý cho con gái và lén bỏ vào tư trang công chúa mấy thoi vàng. Công chúa vâng lệnh vua cha đi theo người bán than về làm vợ chàng trong một túp lều tranh giữa rừng vắng. Hằng ngày chàng đi vào rừng sâu đẵn cây khô đốt cháy xong, gom than về kinh thành bán, rồi mua gạo, muối và những vật dụng cần thiết về rừng sống với vợ. Công chúa sớm thích nghi với hoàn cảnh mới, hằng ngày công chúa dậy sớm nấu cơm cho chồng ăn để đi làm than, công chúa ở nhà lo quét dọn nhà cửa, giặt giũ cho chồng, nuôi gà, trồng rau... Một hôm hai vợ chồng đang ngồi ăn cơm thấy đàn gà bươi phá trước hiên nhà, người chồng tiện tay cầm lấy mấy thoi vàng ném tạt đàn gà chạy ra xa. Công chúa hoảng hốt nói:

-Xin chàng đừng làm vậy! Đó là những món hồi môn ít ỏi mà mẫu hậu đã lén ban cho em, khi em về làm vợ chàng.
-Sá gì những thứ ấy? -
Chàng bán than nói -Ta sẽ kiếm trả lại cho nàng nhiều hơn thế!
Nói rồi chàng bán than đi vào rừng chặt cành khô đốt lấy than như mọi khi. Buổi tối chàng quẩy gánh trở về nặng lặc lè. Lần này ngoài than ra còn có những túi nhỏ đầy những quặng vàng. Công chúa kinh ngạc hỏi chàng lấy đâu ra lắm vàng như thế? Chàng thản nhiên trả lời.
-Có rất nhiều trong núi. Nếu nàng muốn, ngày mai ta sẽ đem về cho nàng nhiều hơn.
Công chúa nói:
-Ngày mai chàng hãy nghỉ việc làm than, mà nên đem về nhà những quặng vàng này.

Chàng bán than chiều ý vợ, ngày hôm sau, hôm sau nữa... liên tiếp đem về cho vợ những gánh quặng vàng. Khi quặng vàng để chật cả túp lều, công chúa bảo chồng hãy dừng lại, và mỗi ngày gánh xuống kinh thành một ít bán cho các nhà buôn, hoặc đổi quặng lấy vàng ròng gánh về nhà. Một thời gian sau vợ chồng người bán than trở nên giàu có nhất vương quốc, nhưng vua cha không hề hay biết. Tệ hại hơn từ ngày đuổi công chúa đi vị hoàng đế này ra lệnh bỏ muối ra khỏi thức ăn của mình. Sức khoẻ của Hoàng đế ngày càng sút giảm, đến một ngày hoàng đế yếu lắm, không thể đứng lên được nữa. Một lương y đánh bạo tâu rằng Hoàng thượng bị lâm vào tình trạng này là vì cơ thể thiếu muối. Muốn khỏi bệnh chỉ cần đưa muối từ từ vào thức ăn. Nhà vua làm theo lời của Thái y, sức khoẻ hồi phục dần. Nhà vua hiểu ra vấn đề liền cho người đi tìm công chúa út hồi cung. Ban đầu công cuộc tìm kiếm rất khó, tưởng như phải bỏ cuộc, bởi không ai nghĩ rằng công chúa và chồng đang sống trong một lâu đài nguy nga tráng lệ giữa rừng xanh. Vua cha đã xin lỗi con gái - nàng công chúa thông minh xinh đẹp hiếu thuận và giàu nghị lực. Công chúa và chồng đã đem về cho công quỹ quốc gia một số lượng vàng rất lớn.

Chuyện thứ hai: Đôi vợ chồng nông dân với đàn con nheo nhóc sống dưới mái tranh vách nứa, cơm không bao giờ đủ no, áo không bao giờ đủ ấm. Người chồng luôn oán trách vợ sinh nhiều con quá, chúng thường dành hết thức ăn của mình. Một hôm đi làm ruộng người đàn ông bắt được một con rùa lớn. Nghĩ đến món thịt rùa thơm ngon sẽ bị đàn con tranh giành nhau ăn hết ông rất tiếc, nên buổi trưa vừa về đến nhà ông kiếm cớ gây gổ với vợ, rồi đòi ngăn đôi nhà để ở riêng. Ông nói rồi thực hiện ngay. Khi dựng xong tấm phên nứa ngăn nhà, ông liền đặt con rùa vào nồi đổ ngụp nước nổi lửa nấu chín để ăn thịt. Vì không quen chuyện bếp núc nên ông khá vất vả khi nhóm bếp, chẻ củi. Vừa chạy ra sân nhặt cành lá khô, vừa chạy vào thổi lửa. Khói mù mịt làm cay mắt nhưng ông vẫn cảm thấy vui vì sắp được một mình ăn trọn vẹn con rùa. Khi lửa tàn ông mở nồi ra múc ăn chỉ thấy toàn nước. Thì ra rùa nấu chín tan ra nước hết. Thôi thì múc nước uống cũng béo bổ. Đầu giờ chiều ông lại đi làm đồng, ông nghĩ chiều nay phải cố gắng kiếm con rùa khác, hoặc con cá con cua gì cũng được, và để khỏi bị tan ra nước hết, ông sẽ không nấu nữa, mà ông sẽ nướng. Rất may, chiều hôm đó ông bắt được mấy con cá trê. Ông mừng khấp khởi. Buổi tối về ông nhóm bếp nấu cơm rồi cời than nướng cá. Bọn trẻ đang ở bên này ngửi thấy mùi cá nướng thơm phức của cha liền chạy ùa sang chỗ của cha. Chúng thi nhau hít hà mùi thơm, và cậu con trai lớn trên mười tuổi nói:

-Cá thơm quá cha hí?
-Thơm...thơm chi? Thơm cho bằng mít chín à?
Cô con gái lên bốn tuổi lẫm đẫm bước tới nói:
-Cá vàng ghê cha hí?
-Vàng?...vàng chi? Vàng cho bằng nghệ à?
Người cha trả lời các con rồi thản nhiên dằm cá gắp ăn với cơm một cách ngon lành.Cậu con trai lên chín tuổi đứng nhìn cha ăn xong con cá mới nói:
-Nhưng chắc chắn là cá rất béo, phải không cha?
-Béo...béo chi? Béo cho bằng thịt heo à? Tổ cha bây! Xéo hết đi cho tau nhờ! Vàng thơm béo bổ chi mặc tau! Tụi bay về bên mẹ bay mà ở để cho tau yên!...

Người đàn ông xua đuổi đàn con, đàn con dắt nhau chạy về với mẹ, cũng vừa lúc nấu xong cháo người mẹ bảo các con hãy ngồi vào chiếu ăn, hôm nay mẹ có món ngon cho các con...

Lại nói về người vợ. Khi thấy chồng ngăn nhà để ở riêng bà rất đau lòng nhưng đành cam chịu, nuốt nước mắt ngồi đưa nôi ru đứa con vừa đầy tháng đang ngủ, vừa mở mủng may ra để vá áo cho các con. Bất ngờ bà thấy một con rùa to bò lổm ngổm từ dưới tấm vách nứa ngăn nhà tới nằm kề bên mủng may, bà lấy nắp mủng may đậy con rùa lại, rồi tiếp tục công việc may vá. Bà nghĩ chắc con rùa khi bị đun nóng đã đội nắp nồi bò ra mà chồng bà không hay biết. Để xem ông có ý kiến gì không. Đợi hơn nửa ngày không nghe nói gì nên buổi tối bà mới mạnh dạn làm thịt con rùa nấu cháo cho các con ăn. Bà múc một bát cháo để dành, đợi các con ăn xong, bà bảo chúng bưng bát cháo ấy sang mời cha. Người cha đã ăn cơm với cá trê nướng xong đang nằm thiu thiu ngủ, chợt nghe tiếng đứa con gọi cửa nói rằng mẹ biểu bưng đồ ăn sang cho cha thì bật dậy ngay, đón lấy bát cháo, ăn một cách ngon lành. Ông nghĩ không biết bà ấy lấy đâu ra thịt gà nấu cháo ngon như thế này? (Bởi vì rùa là giống chân vịt thịt gà da trâu đầu rắn mà!) Nhưng khi đụng phải chiếc đầu rùa người đàn ông bắt đầu nghĩ ngợi và hiểu dần ra tất cả. Ông liền đứng lên, mở tấm liếp ngăn, trở về sống cùng vợ con.

Trên đường đời giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân bao lần phải đối mặt với những thủ đoạn dối lừa gian xảo phỉnh nịnh quỷ quyệt... Hoàng Lập Xuân thường ẩn mình vào cổ tích của bác Thẻ để còn neo giữ chút niềm tin, để hy vọng, và... một chút mộng mơ. Bà đã từng bị đối xử như vua cha đối với nàng công chúa út chỉ vì biểu hiện lòng thương yêu cha như hạt muối. Hoàng Lập Xuân đã đem về cho cha những gánh vàng ròng, nhưng cha của bà lại nổi trận lôi đình những lúc bà tiếp tục chân thành bày tỏ tình cảm của mình dưới dạng những hạt muối.... Và người đàn ông trong cổ tích chỉ một lần ngăn nhà ra ở riêng khi bắt được món béo bở, nhưng sau đó ông đã kịp nhận ra sự dịu dàng của vợ, sự chông chênh cô độc của mình khi thiếu vợ con, còn người đàn ông của Hoàng Lập Xuân luôn dành sẵn những tấm liếp để ngăn nhà-
mỗi khi kiếm được con rùa con trê...

H.K.L
(202/12-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mặt Nạ (22/04/2009)