Tạp chí Sông Hương - Số 242 (tháng 4)
Vân Khanh - nghệ sĩ ngâm thơ người Huế
17:26 | 19/05/2009
ĐỖ AN TIÊMLần đầu tiên tôi biết Vân Khanh qua tiết mục Tiếng Thơ của Đài T.N.V.N. Chất giọng mượt mà, trữ tình của Vân Khanh đã làm tôi xúc động, mặc dù bài thơ hôm đó anh ngâm tôi đã thuộc và nghe diễn ngâm nhiều lần từ thuở niên thiếu. Tôi ngờ ngợ đây là một tài năng. Song, cái tính xấu cố hữu hay nghi ngờ đã ngăn tôi lại. “Biết đâu đấy. Có khi chỉ là một mảnh sao băng”. Và tôi hình dung Vân Khanh còn trẻ, quá trẻ nữa. Một Vân Khanh rất “nghệ sĩ” theo cái nghĩa nhiều người hiểu chưa đúng về nghệ sĩ.

Lần thứ hai, tôi gặp Vân Khanh trong bữa tiệc sinh nhật một anh bạn thân. Bạn tôi giới thiệu Vân Khanh. Không biết vì sao lúc ấy tôi cứ trố mắt nhìn Vân Khanh làm anh lúng túng và bẽn lẽn như một cô gái. Tôi chợt nhận ra mình bất nhã. Để khỏa lấp, tôi vội nói với Vân Khanh:

- Sự tình cờ may mắn! Từ những năm đầu của thập kỷ 80, tôi đã
...

- Không phải tình cờ đâu anh
... - Vân Khanh rụt rè ngắt lời tôi bằng một giọng Huế rất Huế, rồi rủ rỉ đọc:

Nào đâu phải sự tình cờ
Không duyên bằng hữu bao giờ gặp nhau!

Chúng tôi ôm vai nhau cười xòa. Tiếng cười của Vân Khanh ấm, vô tư, sảng khoái. Mọi nghi thức xã giao vụt tan biến.

Từ sau đêm ấy, Vân Khanh đã đi vào lòng tôi. Thầm lặng, ngọt ngào. Rồi lại có lúc thấu như mình đã
say giọng ngâm mượt mà, ấm áp ấy, say cả con người tài hoa ấy. Phải chăng là tiền định?... Không duyên bằng hữu bao giờ gặp nhau! Tôi thầm nhắc lại câu thơ Vân Khanh đã ứng tác ngay sau cái bắt tay đầu tiên giữa chúng tôi. Đúng rồi. Có duyên mới gặp là tiền định chứ gì nữa.

Vậy là từ đó, chúng tôi gắn bó với nhau khăng khít. Vân Khanh đi đâu, tôi đi đó. Hiếm có buổi ngâm thơ nào của Vân Khanh mà tôi vắng mặt. Cái sự Đi của Vân Khanh nào có ít. Ở bất cứ chỗ nào có thính giả yêu cầu, Vân Khanh cũng hăm hở đến ngay, cả từ khi anh còn phải di chuyển bằng chiếc xe đạp cà là tàng. Và đến là biểu diễn ngay. Cách anh đi, đến, ngâm thơ toát ra sự đam mê, một sự đam mê không cùng. Lần nào cũng thế, ở chỗ nào cũng thế. Không ít lần khán giả yêu cầu ngâm lại, Vân Khanh vui vẻ ngâm lại ngay. Mà lạ, những lần ngâm lại bao giờ cũng hay hơn, xúc động hơn.

- Ngâm lại như vậy, Vân Khanh không mệt sao?
- Mệt lắm. Nhưng rất vui anh ạ. Đó là tình cảm đẹp của thính giả đối với Khanh.

Đối với Vân Khanh đó là phần thưởng cao quý nhất. Anh trân trọng và được trân trọng, cũng là tất nhiên. Ngay từ những điều tưởng tượng như rất nhỏ. Vân Khanh cũng hết sức giữ gìn. Không bao giờ Vân Khanh đến nơi diễn chậm giờ. Không bao giờ Vân Khanh uống bia, rượu trước khi bước lên sàn diễn. Còn cách ăn mặc của anh? Bao giờ cũng nghiêm chỉnh. Có một điều ít người để ý: lúc ngâm diễn, không bao giờ Vân Khanh cầm giấy. Nhà thơ Thu Bồn kể:
Có lần tôi nhờ Vân Khanh ngâm một bài thơ mới viết. Đưa bài cho Vân Khanh giờ trước, giờ sau phải ngâm luôn. Khi thấy Vân Khanh bước đến micro với hai bàn tay không, tôi vội vàng nhắc: Vân Khanh, bài thơ? Hiểu ý tôi, Khanh khẽ nói: - Anh yên tâm. Hôm ấy Vân Khanh ngâm rất đạt, trên mong muốn của tác giả... Tôi chợt nhớ đã có lần Vân Khanh tâm sự với tôi. Ngâm thơ không thuộc thơ, phải cầm giấy là xúc phạm tác giả. Ngâm Kiều phải nhìn vào sách, không phải người Việt Nam. Một quan niệm đúng đắn, nghiêm túc! Những người ngâm thơ ở nước ta có được quan niệm này có lẽ không nhiều!

Nói về một nghệ sĩ ngâm thơ như Vân Khanh, những điều trên chưa phải là tất cả. Song từ đó, ta có cơ sở để lý giải cho mình nhiều câu hỏi TẠI SAO khi nghe Vân Khanh ngâm thơ. Và, cũng từ đó, có thể nhận ra cội nguồn tạo dựng phong cách diễn đạt như có
ma thuật trong giọng ngâm Vân Khanh. Một vài ví dụ:

- Tại sao ta thấy bùi ngùi, chua xót khi nghe Vân Khanh ngâm bài LÁ DIÊU BÔNG?

- Tại sao mắt ta bỗng nhòa lệ cùng với giọng ngâm nghẹn ngào của Vân Khanh ở đoạn:

...Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói Núi vẫn đôi mà anh mất em!

- Tại sao kể cả những khi chưa đặt chân lên đất Bắc hà mà Vân Khanh ngâm BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG tuyệt diệu đến thế?

- Giọng Vân Khanh sang sảng ngâm BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO thoắt xua tan mọi nỗi lo, buồn ta đang mang nặng trong lòng và thổi vào hồn ta khí thế hào hùng và niềm tự hào dân tộc. Tại sao?

- Tại sao khi không, Vân Khanh nhận được hàng ngàn thư, thơ của thính giả trong, ngoài nước gửi tới tỏ lòng mến mộ?

- Tại sao
...? Tại sao....

Vinh quang đã đến với Vân Khanh! Cái cốt lõi của thành đạt là sự hiểu, sự biết và nghị lực thực hiện đến cùng. Vân Khanh có được cái cốt lõi ấy! Cốt lõi này càng bền đẹp khi song hành với tâm hồn thi sĩ và lòng nhân hậu vốn có. Tâm hồn và tấm lòng ấy đã cho Vân Khanh khả năng đồng cảm sâu sắc với mọi cảnh huống cuộc đời. Hiểu sâu sắc từng câu, từng chữ trong thơ, cách thể hiện rất nhuần nhị, có sức truyền cảm mạnh của Vân Khanh đã nói rất rõ điều đó
...

Vân Khanh sinh ra trong một gia đình nghèo bên bờ sông Hương. Từ thiếu thời đã phải xa gia đình, vào Sài Gòn kiếm sống. Người con trai xứ Huế ấy đã tự học để có đủ trình độ đứng trên bục, giảng văn học cho học sinh trung học. Làm giáo viên trung học, sống bằng đồng lương tượng trưng, cuộc sống của Vân Khanh vui vẻ trong bần bách. Mặc dù khá đẹp trai nhưng ngoài 30 tuổi Khanh vẫn chưa lọt được vào mắt xanh của một cô gái Sài Gòn nào. Anh dồn hết tình cảm vào văn học, vào học trò của mình. Vân Khanh thường xuyên chia sẻ những đồng lương khiêm tốn của mình giúp đỡ những học sinh nghèo trong lớp. (Cả sau này
- khi Vân Khanh đã có gia đình - vợ chồng anh vẫn luôn giúp đỡ học sinh về mọi mặt. Việc này đã thành một nếp sống không thể thiếu của gia đình Vân Khanh). Tuy ngày ấy Vân Khanh vẫn phải đến lớp cách xa nơi ở hàng chục cây số bằng chiếc xe đạp rất cũ. Đến nỗi bạn bè phải nói đùa: Vân Khanh yêu đồ cổ. Anh chỉ cười. Với Vân Khanh, câu nói đùa ấy lại đúng: Vân Khanh rất ham sưu tầm đồ cổ. Những trống đồng Đông Sơn, những ấm pha trà Thế Đức, Mạnh Thần... bát đĩa Giang Tây... như có ma lực rất mạnh hút Vân Khanh đến với chúng. Ham thích sưu tầm đồ cổ đã dẫn Vân Khanh đến với Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi... hay ngược lại? Có điều chắc chắn là do hay sưu tầm đồ cổ, Vân Khanh mới gặp được Kim Chi, một cô gái Huế ở Sài Gòn, cũng ham sưu tầm đồ cổ. Bây giờ họ đã là vợ chồng cùng bốn con, Khanh - Chi đã tạo lập được một gia đình hạnh phúc, êm ấm. Có thể nói thành đạt của Vân Khanh hôm nay có Kim Chi đóng góp, mà theo cách nói của Vân Khanh là: gần như tất cả. Với một người vợ như Kim Chi, tài năng Vân Khanh ngày càng chín. Bên cạnh những thành quả rực rỡ Vân Khanh đã đạt được, anh còn có biệt tài ứng tác - xuất khẩu thành thi - Vân Khanh ứng tác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, rất nhanh và hay nữa. Đã có những buổi ngâm thơ, Vân Khanh ứng tác lời giới thiệu suốt buổi bằng thơ. Hay đến nỗi nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã phải vỗ đùi ngâm tặng Vân Khanh 2 câu thơ (cũng là ứng tác):

Ngâm thơ giới thiệu bằng thơ
Vân Khanh hay đến bất ngờ Vân Khanh!

Vân Khanh là thế! Nhưng để cho đầy đủ hơn về Vân Khanh, tôi mạn phép anh trích ra đây 2 câu thơ trong bài thơ
Tự nhủ của anh:

...Sống sao cho vẹn chữ tình
Thế gian ai dễ sánh mình với ai.

Một suy nghĩ đáng yêu! Phải chăng đó cũng là điều Vân Khanh hằng tâm niệm.

Đ.A.T
(242/04-09)

Các bài mới
Zombie (*) (22/05/2009)
Các bài đã đăng
Về Huế (13/05/2009)
Xuân sơn kỳ bí (12/05/2009)
Chiều Tam Giang (04/05/2009)
Ký ức phù sa (29/04/2009)