Tạp chí Sông Hương - Số 170 (tháng 4)
Bát cháo hành
15:54 | 07/05/2009
PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"
Bát cháo hành
Minh họa: Ngô Lan Hương

Gã cảm ơn cô gái, đón ly nước ngồi xuống ghế và nhấp một ngụm. Giờ mới biết cổ họng mình đã khô se đi từ lúc nào. Lạ thế! Chờ nhận giải mà cứ lo ngay ngáy, lo đến toát mồ hôi. Nhưng có lẽ bất cứ ai lần đầu được nhận một giải thưởng lớn như vậy cũng đều hồi hộp. Huống hồ gã, kẻ xưa nay vô danh trên văn đàn mới viết cái truyện ngắn đầu tiên lại trúng giải A, mà lại là giải A duy nhất của cuộc thi, mới ghê chứ! Trong hoàn cảnh này ngay cả tượng đá cũng phải xúc động, nói chi con người. Gã lại đứng lên, ghé mắt nhìn qua mép cánh gà. Buổi lễ đã xong phần thủ tục, giờ đến lúc giao lưu và phát thưởng. Người dẫn chương trình là một nhà thơ nổi tiếng từ thời chống Mỹ với những bài thơ vừa lãng mạn vừa hừng hực khí thế mà gã từng say mê đọc từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Ông đang sang sảng cất giọng: "Giải C! Có ba giải C! Được trao cho tác phẩm... của tác giả...và tác phẩm... của... Xin mời... "Gã chăm chắm nhìn nhà thơ thần tượng của mình. Nét mặt ông vẫn thế! Vẫn đôi mắt nheo nheo với ánh mắt hiền lành luôn tươi cười và chiếc mũi khoằm dài nhọn như người ta đồn rằng mỗi lúc ông dí đầu mũi xuống trang viết thì những dòng thơ của ông bỗng trở nên có sức truyền cảm lạ lùng.

Chợt tiếng vỗ tay rào rào vang lên như có đợt mưa rơi, khiến gã rời mắt khỏi nhà thơ, nhìn xuống hội trường. Trong giảng đường C của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn hôm nay gần như chật cứng người. Gã nhận ra ở hàng ghế đầu là ban chung khảo và các nhà văn có tên tuổi từng nhiều lần xuất hiện trên ti vi và trên các trang sách. Còn ở dãy ghế sau là lớp lớp những gương mặt sinh viên khoa Ngữ văn, đối tượng chính của buổi giao lưu hôm nay. Những ánh mắt háo hức pha chút tò mò, những nụ cười tươi trẻ hồn nhiên, những nét mặt trẻ trung hớn hở và nghịch ngợm... Gã bỗng như thấy mình ở trong số đông đó... Ừ, gã đã từng có thời như họ...

... Năm 1976 gã thi đỗ đại học, trở thành chàng sinh viên khoa ngữ văn. Lần đầu tiên ôm vở bước vào giảng đường, lòng gã vui phơi phới, những tưởng từ đây có thể dốc lòng theo đuổi mộng văn chương đã từng ấp ủ từ những ngày còn học phổ thông. Nhưng rồi đất nước lại một lần nữa nổi cơn gió bụi, lần này từ phía tây nam. Các trường đại học sôi sục tuyển quân. Sinh viên bách khoa vào ra-đa tên lửa pháo binh, sinh viên trường y vào quân y, kinh tế thương mại vào hậu cần, giao thông cầu đường vào công binh... Nhưng thời buổi nào, cuộc chiến nào cũng cần nhiều nhất những người lính bộ binh, và cánh sinh viên ngữ văn thì chỉ có vào bộ binh là hợp. Thằng bạn nằm giường trên gã vừa thu xếp sách vở áo quần vừa hát ông ổng: "Nào xếp bút nghiên lên đường sang Miên..." Đến chiều hắn ta bị gọi lên Ban giám hiệu và bị "đình chỉ" nhập ngũ. Những người ra đi ngậm ngùi tiếc cho thằng bạn rủi ro, phen này bị đuổi học là cái chắc!

Khi đoàn tàu chở những người ra trận chuyển bánh, cô người yêu gã nước mắt ròng ròng cứ đứng vẫy mãi chiếc khăn tay màu đỏ chẳng hiểu kiếm được ở đâu. Sinh viên khoa văn vốn mộng mơ, chắc nàng muốn tái tạo lại một "cuộc chia ly màu đỏ". Cô ấy là người cùng làng, con ông phó cối ở xóm trên, bạn chăn trâu cắt cỏ với gã từ thuở còn thơ. Quả thực trong những ngày tháng gian nan trên đất nước bạn xa lạ, khuôn mặt đầm đìa nước mắt của người yêu cùng chiếc khăn tay đỏ chói chang cứ hiện lên trước mắt gã, chập chờn trên những cánh đồng hoang xác xơ cỏ cháy lác đác vũng trâu đằm trắng rợn xương người, hay thấp thoáng sau những bóng thốt nốt xa mờ như ảo ảnh ở phía đường chân trời...

Nhưng chỉ vài tháng sau, thư nàng gửi cho gã ngày càng thưa dần, rồi dứt hẳn. Dường như những cánh thư đã mỏi mệt, không còn đủ sức theo kịp gã trên chặng đường hành quân dằng dặc. Mãi về sau này gã mới hiểu rằng cái màu đỏ chói chang ngày ấy chỉ là một chút biểu hiện lãng mạn, nó không phải ngọn lửa trong trái tim để có thể giúp nàng giữ ấm mãi những tình cảm trắng trong của mối tình đầu.

Chiến tranh kết thúc. Những sinh viên còn sống từ mặt trận 479 về, hãnh diện trở lại trường với bộ quân phục bạc phếch bụi trường chinh. Hầu hết mọi người đều tìm lại được chỗ ngồi của mình trên ghế giảng đường, chỉ riêng gã là không. Mấy lần hỏi, đều được trả lời: "Hồ sơ của anh bị thất lạc, phải chờ..." Thật lạ lùng! Tuy bạn học cùng khoá đã ra trường hết, nhưng trường xưa vẫn đó, thầy cũ còn đây. Ngay cả ông trưởng phòng đào tạo có hai cái răng cửa bọc vàng (mà đám sinh viên nghịch ngợm vẫn gọi trộm là ông Răng vàng), mới nhác thấy từ xa gã cũng nhận ra ngay, vậy mà... Có mấy ông thầy cũ gặp gã niềm nở tiếp chuyện hỏi han, nhưng khi gã trình bày trường hợp của mình thì ai cũng lảng tránh: "Việc ấy thuộc bên đào tạo, thầy cũng không rõ...". Ăn nhờ ở đậu trong ký túc xá với mấy cậu sinh viên trẻ người cùng quê, gã chờ đợi hết ngày này qua ngày khác. Đến ngày thứ mười lăm, gã đánh bạo mang giấy tờ lên đích thân gặp ông Răng vàng, nay đã là phó hiệu trưởng. Ông ta lạnh lùng trả lời: "Anh không có tên trong hồ sơ lưu. Chịu khó về ôn thi, nếu đỗ chúng tôi sẽ nhận"

Mấy ngày kế đó, gã đi lại vật vờ trong kí túc xá như kẻ mộng du, không tin chuyện đối với mình là sự thật. Một hôm đang đứng bơ vơ trước cổng trường, gã tình cờ gặp lại người bạn cũ cùng khoá, chính thằng bạn nằm giường trên gã bị "đình chỉ" nhập ngũ về tội hát lếu láo. Thì ra dạo ấy nhờ thành khẩn kiểm điểm nên cậu ta không bị đuổi học, lại khỏi đi bộ đội vì đã qua đợt tuyển quân. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, bạn kéo gã vào quán bia hơi, hàn huyên mãi không thôi. Khi nghe gã kể chuyện mình, cậu bạn trợn tròn mắt:

- Vậy ra mày không biết gì sao?
- Biết gì? Gã ngạc nhiên hỏi lại.
- À, mày không biết cũng phải! Bạn gã chợt trầm ngâm, lát sau mới kể. Sau khi mày nhập ngũ được vài tháng, trong lớp xuất hiện một sinh viên mới cùng họ tên cùng năm sinh như mày, nghe nói từ trường khác chuyển sang. Chuyện ấy cũng bình thường nên không mấy ai để ý. Nhưng đứa nào cũng tức khi thấy ít lâu sau cô nàng người yêu mày trở thành người yêu của hắn. Mãi đến ngày ra trường bọn tao mới biết là hắn nhờ được người làm hồ sơ giả thế chân mày ngồi tiếp mấy năm đại học. Mày còn nhớ ông Răng vàng không? Hắn khoe chính ông ta đánh tráo hồ sơ để giúp hắn...

Gã chồm bật dậy:
- Mày bịa đấy à? Chứng cứ đâu?
- Tao bịa làm gì? Còn chứng cứ thì... Lúc đó đứa nào cũng lo học, lại còn lo ăn, sinh viên thời ấy cực như ma đói, nói thật chả mấy đứa nhớ tới mày. Mãi khi ra trường hôm liên hoan chia tay, thằng đó nốc bia say mèm mới bô bô kể ra mọi chuyện...

Ánh mắt gã tối sầm:
- Bây giờ nó ở đâu?
- Mày hỏi làm gì! Có biết cũng không thể gặp hắn được. Tếch sang Tây rồi. Đi nghiên cứu sinh, cắp cả cô nàng vẫy khăn đỏ của mày theo. Bố hắn là Vụ trưởng trên Bộ. Chả thế mà sau khi hắn nhập trường có vài tháng, ông Răng vàng lên ngay chức hiệu phó.

Gã lặng thinh nhặt liên tiếp những hạt lạc rang ném vào mồm nhai nhóc nhách, mặt tím ngắt, quai hàm bạnh ra. Cậu bạn lo lắng nhìn gã, ái ngại nói:
- Thôi mày ạ! Coi như số mày nó vậy! Cũng đừng trách "nàng" làm gì. Mày ra trận, chiến tranh mấy người trở lại. Mà thằng cha đó tuy vừa lùn vừa xấu trai nhưng nhà nó giàu, bố làm to, nàng vừa quen là bập vào ngay. Ngữ con gái ấy, tiếc làm gì...

Sáng hôm sau, gã cảm ơn và chào từ biệt mấy cậu sinh viên trẻ, khoác ba lô lên thẳng phòng ông phó hiệu trưởng. Gã mở cửa phòng rồi bước vào, vòng tay lễ phép: "Chào thầy ạ!" Ông phó hiệu trưởng giương đôi mục kỉnh nhìn gã, vẻ bực tức vì bị làm phiền. Không thèm để ý, gã đặt ba lô xuống ghế salon bóng lộn, cẩn thận úp chiếc mũ cối đội lên đó, rồi bước tới trước mặt ông Răng vàng. Và nhanh như chớp, gã tung cú đấm thẳng tay phải, lại tiếp một cú tay trái, ngay lập tức cảm nhận được tiếng răng gãy cùng lúc với cảm giác đau nhói đầu khớp xương bàn tay. Hai chiếc răng vàng rụng đánh "keng" xuống nền nhà. Không nói thêm một lời nào, gã quay lại chỗ đặt ba lô, cầm chiếc mũ cối đội lên đầu, cài quai cẩn thận, rồi từ tốn khoác ba lô lên vai bước ra khỏi phòng, không quên với tay khép nhẹ cánh cửa. Gã thong thả đi qua sân trường ra cổng, tin chắc lão Răng vàng không dám hô hoán người đuổi theo, không phải vì răng đau không kêu được mà vì nếu chuyện vỡ lở, lão sẽ là người chết trước.

Về đến nhà, gã kể hết mọi sự cho bố nghe, giọng dửng dưng như không hề có chuyện gì quan trọng xảy ra. Bố gã ngậm ngùi: "Thôi con ạ! Các cụ đã dạy nhất sĩ nhì nông...". Gã quay mặt đi, cố nuốt những giọt nước mắt vào lòng. Gã biết bố nói vậy cho con đỡ tủi, chứ ông buồn lắm. Bố mẹ gã chỉ sinh được mỗi mình gã. Lúc ông từ chiến trường trở về thì mẹ gã lâm bệnh nặng, thuốc thang mãi không khỏi. Trước lúc nhắm mắt, bà cầm tay ông trăng trối: "Mình cố nuôi con ăn học..." Bao nhiêu năm ông miệt mài đồng áng, cố quên đi những vết thương trên người cùng những cơn đau nhức nhói mỗi khi trái gió trở trời, quyết chí cho con theo nghiệp đèn sách...

Sáng hôm sau, gã giằng lấy chiếc cày từ tay bố dong trâu ra đồng, tự hứa với mình là từ nay không để bố phải vất vả nữa. Tháng ngày lẫm lũi với cái cày con trâu đồng sâu đồng cạn, gã trở nên lầm lì ít nói.

Con gái ông phó cối đi Tây về, dắt anh chồng sắp cưới về trình diện bố mẹ. Mấy ngày ở quê, nàng cặp tay chàng đi thăm thú khắp làng. Nhìn những bộ váy liền áo đủ màu đủ kiểu mà nàng thay mỗi ngày ba bốn bận, cùng vẻ mặt vênh vênh loè loẹt phấn son xanh trắng đỏ với đôi giày cao gót bước khập khiễng trên con đường làng lỗ chỗ dấu chân trâu, hẳn ai cũng nghĩ đấy là một cô Natasa hay Cachia nào đó từ xa xứ tới. Chỉ nhờ cái mũi tẹt với cách phát âm ngọng líu lẫn lộn giữa n với l, người làng mới nhận ra đấy là con gái ông phó cối.

Nhân cái dịp vui trọng đại này, ông phó cối mổ lợn khao họ mạc láng giềng. Cũng may gã ở khác xóm, và tất nhiên là không có bà con gì, nên không bị mời. Tuy vậy nàng cũng dẫn anh chồng sắp cưới đến nhà thăm gã, và giới thiệu tự nhiên như không: "Anh ấy cùng tên với anh..." Nàng đuễnh đoãng nông cạn, chứ không vô tư. Nhưng anh chồng thì tái mặt khi gã nhếch mép cười: "Chuyện đó tôi biết..." Hắn ta bấm tay nàng kiếm cớ chuồn gấp, chắc đã nghe vụ ông Răng vàng bị đấm rụng răng. Hắn quá lo xa! Gã không giận, cũng không thù oán gì, tất cả đã mờ nhạt trong tâm trí từ lâu rồi. Tối đó gã nguệch ngoạc mấy câu lên mặt trái tờ lịch vừa xé:

"... Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình... như nhau!
Hoa cau nở giữa vườn cau
Thầy u thuở ấy cũng nghèo đấy thôi
Giá đừng nghèo rớt mồng tơi..."
Gã chỉ viết tếu táo để tự cười mỉa mai cái sự đời trớ trêu, chứ đến sáng hôm sau là đã quên khuấy mọi chuyện.

Mấy ngày sau, gã chợt ngạc nhiên khi thấy cô gái nhà bên cứ mỗi lần gặp gã lại che miệng cười khúc khích. Thì ra thằng cháu họ tinh quái tới chơi nhà vớ được mấy câu thơ "hậu Chân quê" kia, đã nhanh chóng lan truyền khắp làng. Đến lúc đó, gã mới nhận ra cô gái hàng xóm ngày gã đã vào đại học hãy còn bé con tung tăng nhảy chân sáo theo mẹ ra bãi dâu, giờ đã nhớn bổng lên, trở thành một cô thôn nữ duyên dáng. Nhà bốn chị em gái, cô là út. Lúc cô học xong cấp hai thì đến lượt người chị cuối cùng đi lấy chồng xa. "Cậy em em ở lại nhà..." Từ đó cô nghỉ học để làm em gái trong khung cửi. Có lẽ vì thế mà cô mê thơ Nguyễn Bính. Bác Nguyễn Bính dạo trước làm thơ không rõ vô tình hay hữu ý, đã để vương lại trong không gian và thời gian vô số những sợi tơ hồng. Bởi vậy, dẫu giữa hai nhà không có giậu mồng tơi, đến năm sau gã cùng cô hàng xóm cũng nên vợ nên chồng cho trọn vẹn câu ca dao xưa: "Trên đồng cạn dưới đồng sâu.." Đôi vợ chồng trẻ khởi đầu cuộc sống mới đầy cơ cực khốn khó. Bên cha già bên mẹ yếu, vợ gã ba năm sinh liền hai con, lại nghề canh cửi trong làng đang lụi dần... Kết cục hầu như chỉ mình gã nai lưng trên mấy sào ruộng, lam lũ quần quật quanh năm suốt tháng mà gia cảnh ngày ngày vẫn bữa đói bữa no.

Cũng may mấy năm sau thì nông thôn đổi mới. Gã mạnh dạn đứng ra thầu cái Đầm Rô hơn ba héc ta cùng quả đồi hoang cạnh đầm, vay vốn thả cá và cải tạo đất trồng cây ăn quả. Dưới ao trên vườn, vợ chồng gã làm lụng chăm chỉ suốt ngày đêm. Là người biết suy nghĩ, gã chịu khó học hỏi kinh nghiệm, lại đi tìm sách về nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật vào việc nuôi trồng. Trời không phụ người có chí, gã trúng liền mấy vụ cá, trả hết công nợ còn xây được ba gian nhà ngói. Đến lúc nhãn, vải trồng trên đồi bắt đầu cho thu hoạch thì cuộc sống gia đình trở nên thong thả hơn. Giờ gã đã có thời gian rảnh rỗi để đọc sách, trở lại cái thú đam mê từ thuở thiếu thời. Và những trang sách đã làm sống lại mộng văn chương tưởng tàn lụi trong tâm hồn gã từ lâu rồi. Không có điều kiện viết văn thì gã làm thơ. Các cụ xưa quanh năm đầu tắt mặt tối, tháng ngày vất vả một nắng hai sương mà cũng làm được vô số những câu ca dao, những bài thơ hay để đời đấy thôi! Cứ gì phải vui thú nơi lầu son gác tía hay rong chơi chốn nước biếc non xanh thưởng nguyệt xem hoa chén rượu cuộc trà, mới có thi hứng...

Trong hội trường chợt vang lên tiếng vỗ tay rào rào như lại có một cơn mưa nặng hạt bất ngờ trút xuống mái nhà. Gã sực tỉnh, vội ghé mắt nhìn. Giờ mới tới lúc trao thưởng cho các vị đoạt giải C. "Còn lâu mới đến lượt mình..." Giá trao giải A ngay từ đầu, có phải lúc này đã xong việc rồi không! Hình như lệ trao giải là phải vậy, y hệt việc đếm lùi ấn nút phóng tên lửa hay điểm hoả chất nổ: "10... 9... 8... 7..." Ngoài sân khấu, nhà thơ đang tiếp tục công việc của mình: "Giải B! Có hai giải B..." Gã cảm thấy ngờ ngợ. Nhà thơ lâu nay vốn nổi tiếng với cách nói duyên dáng vừa sâu sắc vừa hóm hỉnh, sao hôm nay nghe cứ như đang dẫn chương trình "chiếc nón kì diệu" Tuy vậy điều đó không làm giảm bớt sự ngưỡng mộ của gã đối với ông. Nhiều bài thơ ông viết từ thời chiến tranh đến nay vẫn làm say mê lòng người. Thơ thế mới gọi là thơ, chứ đâu như thơ gã...

Gã không còn nhớ bài thơ đầu tiên mình viết từ khi nào, nhưng tới giờ "vốn liếng" thơ của gã đã có đến mấy trăm bài, nếu đem in hẳn được cả một tập dày. Nhưng thơ viết ra mà chỉ để mình đọc mình nghe thì viết làm gì! Gã gửi thơ đăng báo, đã có gần hai chục bài được đăng rải rác trên các báo địa phương. Gã tham gia câu lạc bộ thơ Hội Cựu chiến binh của xã, sau đó mấy tháng lại xin gia nhập "Hội thơ những người cao tuổi" của huyện, trở thành thành viên trẻ nhất hội. Nhưng kỷ lục ấy không bền, bởi ngày càng có nhiều những kẻ tuổi mới ngoài bốn mươi dắt túi dăm bảy bài thơ đầu tay đến xin vào hội. Không sao, càng đông càng vui! Cho đến lúc chùm thơ bốn bài của gã được đăng trên tạp chí văn nghệ tỉnh nhà, thì gã trở nên nổi tiếng. Bạn thơ tới thăm chơi ngày càng đông, không chỉ người trong xã mà cả các xã bên hay trên phố huyện. Lại có mấy "cây bút trẻ" từ các huyện khác nghe tiếng gã cũng tìm tới. Tiếng là "cây bút trẻ" nhưng đều những người nhàng nhàng tuổi gã ôm mộng nổi danh trên thi đàn chứ không muốn suốt đời gắn bó với "V.A.C.", hoặc các vị râu tóc đã nhuốm bạc lâu nay mải mốt công danh sự nghiệp, nay về hưu mới rảnh rỗi bắt tay vào nghiệp thi ca.

Dân trong làng đã quen với cảnh thỉnh thoảng lại gặp một vài vị khách lạ lọc cọc đạp xe tới tìm gã, nhưng không vào nhà mà hỏi đường ra thẳng đầm Rô. Gian lều cỏ gã dựng dưới chân đồi để tiện canh giữ chăm nom vườn cây ao cá, nay trở thành lều thơ. Vốn trọng tình người, đối với gã khách nào cũng quý, huống hồ khách thơ! Bởi vậy ai đến cũng đều được chủ nhân đón tiếp niềm nở nhiệt tình:

"...Chả mấy khi bác đến chơi nhà
Rượu tôi nấu lấy khỏi phải mua
Ao sâu thả cá tha hồ giật
Bác cứ ở chơi, ta với ta...
"

Nhưng rồi chính cái sự dễ dãi "ta với ta" ấy đã gây ra lắm điều phiền toái. Có vị khách sáng đến chiều đi, nhưng cũng không ít vị say mê phong cảnh hữu tình lại mến tính xởi lởi hiếu khách của chủ nhà nên ở lại đến bốn năm hôm, dùng dằng không muốn ra về. Ở đây cây xanh nước biếc, trên đồi nhãn vải xòe tán đơm hoa bóng râm che mát rượi chim chóc hót rộn ong bướm dập dìu, dưới đầm làn nước trong xanh tung tăng từng đàn cá lội, lại gió nội hương đồng không khí trong lành yên tĩnh..., thử hỏi còn đâu hơn chốn này để tìm thi hứng, để đàm đạo thi phú văn chương? Nhiều lúc vào thời vụ công việc ngập đầu, gã phải thuê người làm để có thì giờ thù tạc với bạn thơ. Vợ gã lại càng bận rộn hơn. Trước chỉ mình chồng, cơm nước thế nào cũng xong. Nay có khách khứa thị phải tất bật chợ búa, mang soong nồi bát đĩa ra đồi làm cơm đãi bạn chồng, và vị nào cũng thích ở ngoài lều chứ không muốn trú ngụ trong làng. Mặc dù vị khách nào cũng bảo: "Ấy, chị cứ để mặc anh em chúng tôi, bày vẽ làm gì cho nó tốn...", nhưng chả nhẽ để khách nhịn đói uống rượu suông mà bình thơ? Ngay cả rượu trước nhà nấu cốt lấy bã nuôi lợn chứ thường ngày bán không hết, nay nhiều hôm phải xách can đi mua rượu hàng xóm. Mà hình như vị khách nào cũng thích câu cá: "Cá mình câu được, nhắm rượu mới thú..." Cá trôi cá chép cá mè ranh mới lớn con chỉ dăm ba lạng chả có mấy tí thịt, phải rán giòn xương ăn mới ngon, tốn mỡ vô kể. Thị xót lắm, nhưng vốn tính nhu thuần nên cố nhịn. Nói cho đúng ra, ông khách nào đến cũng giúi cho con thị phong bánh quy hay gói kẹo Bim Bim, có vị lúc ra về còn rẽ vào nhà cho mỗi đứa chục bạc, gọi là "để các cháu mua sách vở..." Và chừng để bù lại những tốn kém vật chất cho gia chủ, các vị khách không tiếc lời khen khi bình những bài thơ của gã. Họ bắt gã phải đọc ra những bài thơ đã được đăng báo lẫn những bài chưa được đăng, và tìm thấy trong đó vô số những lời hay ý đẹp, những nét "mới", những ý tưởng cao siêu mà ngay cả gã khi viết cũng chưa hề nghĩ tới. Nghe khen quá gã cũng ngượng: "Thơ tôi nào có ra gì! Chẳng qua chỉ được dăm bài đăng báo, chứ mấy lần gửi dự thi đều bị loại cả..." "Bác khiêm tốn quá! Với lại trên thế giới nhiều đại thi hào suốt đời đam mê nghiệp thơ mà người đương thời chả mấy ai biết đến, chỉ sau này (nghĩa là sau khi nhà thơ đã khuất núi) người đời mới hiểu được thơ họ, họ mới trở nên nổi tiếng...". Ai cũng khẩn khoản bảo gã nên bỏ tiền ra in riêng một tập thơ để lưu danh mai hậu, "chứ sau này thơ bác thất lạc, tài năng của bác liệu còn mấy ai biết? Mà bác in thơ là để vinh dự cho cả hội chứ có phải vì mình bác đâu...".

Nghe mãi cũng xuôi tai, gã bắt đầu tính chuyện in thơ. Lo nhất là không biết tiền nong tốn kém thế nào, thu tục ra sao. Chưa vội bàn với vợ, gã ngấm ngầm tìm hiểu mọi chuyện. Một hôm hay tin ông bạn già trên phố huyện mới in xong tập thơ đầu tay, gã nhân chuyến đi mua cá giống ghé nhà ông để dò hỏi. Ông này là cán bộ nghỉ hưu, cùng sinh hoạt trong hội thơ. Phương pháp sáng tác của ông cũng độc đáo. Mỗi buổi sáng, nếu trời không mưa gió, ông chạy thể dục một vòng quanh phố huyện, vừa chạy vừa làm thơ. Cứ nhẩn nha như vậy mà chỉ sau mấy năm ông đã làm được vô khối thơ. Với kinh nghiệm của người đi trước, ông tận tình chỉ bảo cho gã mọi đường đi nước bước, từ cách xin giấy phép xuất bản tới việc lo thủ tục in ấn, lại còn hào phóng tặng gã tập thơ mới ra lò còn thơm nức mùi mực in, và mặc dù gã nằm nì xin được trả tiền nhưng ông kiên quyết chối từ: "Chỗ bạn thơ với nhau, ai lại nói chuyện tiền nong! Cứ cầm về thưởng thức, để hôm nào tôi xuống lều thơ chơi với chú mấy ngày, ta cùng đàm đạo" Tập thơ của ông in khá đẹp, bìa trình bày màu sắc bắt mắt, chỉ tội hơi mỏng, chừng năm chục trang. Nhưng thơ hay đâu kể mỏng dày. Đến khi đọc những bài thơ in trong đó, gã chợt thất vọng:

            Sáng nay tôi chạy bộ
            Mặt trời còn chưa tỏ
            Sương ướt lạnh đường làng
            Thấp thoáng tia nắng vàng

Ôi!Chả lẽ là thơ đấy ư! Viết như thế sao gọi là thơ? Lại câu Có cô thôn nữ áo hồng/Gót chân son bước bềnh bồng sương mai. Chết thật! Một ông già tuổi ngoài thất thập chạy dưỡng sinh buổi sáng mà tìm thi hứng kiểu ấy thì thật nguy hiểm, tai nạn như chơi...

Mấy ngày sau đó gã làm lụng công việc hàng ngày như cái máy, đầu óc nghĩ ngợi miên man. Gã nhớ tới những bài thơ của mình, so sánh thơ mình với những bài trong tập thơ "chạy bộ". Hình như thơ gã cũng thế thôi, có nét gì na ná như nhau. Rồi gã lục lọi chồng bản thảo tích trữ mấy năm nay đọc lại từng bài. Những suy tư cứ rõ nét dần. Cho đến một hôm, gã bỗng "ngộ" ra rằng thơ gã cũng không phải là thơ. Những gì gã viết ra chỉ là sự nhặt nhạnh chắp nối câu chữ thành vần. Ngay cả những câu thơ mà chính gã cùng bạn bè coi là những tứ thơ mới, ý tưởng cao siêu, nay đọc lại gã cũng không hiểu mình viết gì:

... Anh tìm em như tìm một vì sao
Em náu nơi nao trong vũ trụ
Để mình anh lang thang giữa những tinh hà...


Rồi còn câu thơ lâu nay gã vẫn tâm đắc: Ai xuôi cửa biển chiều sương ấy/ Có nhớ dòng sông một bến đò... cũng là câu trong bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ nổi tiếng: Ai xuôi Châu Mộc chiều sương ấy... (*), gã chỉ thay mấy từ mà ngỡ đó là thơ mình. Thì ra gã là một kẻ bất tài, cố lắm cũng chỉ viết ra những dòng thơ hoa mỹ hào nhoáng nhưng rỗng tuếch, chẳng bao giờ thổi được hồn vào ngôn từ để chúng trở nên lung linh huyền diệu đủ sức làm rung động lòng người. Giấc mộng thi ca sụp đổ. Gã trở nên đăm chiêu, suốt ngày làm lụng ngoài đồi, tránh mặt tất cả các bạn thơ.

Thấy chồng đổi khác, vợ gã lo lắm. Nhưng thị không dám hỏi, chỉ chờ đợi. Quả nhiên một đêm nọ, sau nhiều giờ trằn trọc, gã bỗng buột mồm kể hết mọi chuyện. Thị nói ngay: "Em cũng cảm thấy như thế. Bố nó không làm thơ được đâu..." Gã bật dậy sửng sốt nhìn vợ. Thị vẫn hồn nhiên: "Thơ bố nó viết cứ gường gượng thế nào ấy, đọc chẳng thấy xúc động tí nào cả" Gã chán nản nằm vật xuống giường đan hai tay gối đầu chong mắt nhìn nóc nhà. Những tưởng người bạn đời chung thuỷ từng gắn bó chia sẻ với gã bao nhọc nhằn vất vả cùng mọi nỗi vui buồn, sẽ tìm mọi cách để an ủi động viên chồng đừng thối chí, nào ngờ... Biết gã buồn, vợ gã vụng về vuốt ve chồng bằng đôi bàn tay chai sạn, hồi lâu sau mới nói: "Sao bố nó không thử viết truyện? Mỗi lần bố nó kể chuyện, trẻ con chả mê tít lên đấy thôi? Mà bố nó thiếu gì chuyện để viết?...". "Ừ nhỉ! Sao lại không, nhỉ?", gã bỗng thấy phấn chấn.

Gã viết cái truyện ngắn mất một tháng, xong đem lên phố huyện thuê đánh máy vi tính, rồi gửi cho báo Văn nghệ. Từ đó ngày ngày gã thấp thỏm trông đợi. Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng, vẫn chẳng thấy tăm hơi gì. Gã bắt đầu chán nản, và cảm thấy mình thật liều lĩnh. Báo Văn nghệ là thánh địa của các nhà văn nhà thơ...

Một hôm gã đang cho cá ăn ngoài đầm, bỗng thấy thằng con trai nhớn hớt ha hớt hải chạy từ trong làng ra, tay huơ huơ trên đầu một cuốn giấy tròn. Gã vội chèo thuyền vào bờ. Thằng con ập tới, nói không ra hơi: "Bố ơi... báo..." Gã run run mở tờ báo Văn nghệ số mới, và ngay lập tức nhìn thấy cái truyện ngắn của gã đăng ngay trang đầu, phía trên tên truyện là dòng chữ được in ngay ngắn trong khung kẻ: "Truyện ngắn dự thi" Suốt hôm ấy và cả những ngày kế đó, người gã cứ lâng lâng như đang bay trên mây. Gã đọc đi đọc lại không chán cái truyện ngắn của mình, và cảm thấy khi được đăng trên tờ báo danh giá ấy, truyện của gã trở nên hay hơn rất nhiều. Từ đó gã đặt mua báo Văn nghệ đều đặn, chăm chú theo dõi tin tức về cuộc thi. Thì ra cuộc thi được tổ chức hai năm một lần, và bây giờ đã vào giai đoạn cuối. Gã đọc kỹ những truyện ngắn dự thi đăng trên báo, cảm thấy truyện của mình cũng không đến nỗi nào. "Biết đâu sẽ có giải!", gã phấp phỏng, chỉ nghĩ trong đầu chứ không dám thổ lộ cùng ai. Dù sao trong cuộc sống có điều gì đó để hy vọng, để trông đợi, còn hơn là không.

Sáng hôm ấy, sau một đợt mưa lạnh kéo dài, trời bỗng hửng nắng. Một con chim khách không hiểu từ đâu bay tới đậu trên khóm tre trước nhà kêu quèn quẹt suốt buổi. Cả nhà đều thấy lạ, ở làng này lâu rồi không thấy giống chim ấy. Quá trưa thì ông bưu tá xã tới gọi cổng, như thường lệ trao cho gã tờ báo đặt mua hàng tuần. Và điềm may con chim khách báo đã ứng: trong báo có đăng kết quả cuộc thi, gã gần như nghẹt thở khi thấy trong danh sách các tác giả đoạt giải, tên gã được đăng đầu tiên. Giải A! Giải thưởng mười lăm triệu! Gã đọc đi đọc lại quyết định tặng thưởng, cứ ngỡ mình nằm mơ.

Những ngày sau đó, cả nhà vui như tết. Khách thơ khách văn lại kéo tới nườm nượp. Cá dưới đầm được đánh lên, chỉ chọn những con to nhất. Đàn gà nhà nuôi vơi đi nhanh chóng. Các con gã lại thay phiên nhau xách can đi mua rượu, vợ gã lại tất bật chợ búa. Nhưng thị vui lắm, mặt cứ tươi hơn hớn trông trẻ lại đến mấy tuổi. Đêm đến, hai vợ chồng trằn trọc mãi không ngủ được. Vợ gã rủ rỉ: "Bố nó viết cái truyện có nhỏn một tháng mà được dững mười lăm triệu, khoẻ hơn thả cá, nhỉ! Gã ậm ừ không đáp. Thị nói tiếp. Em tính vầy! Từ nay việc nhà để em lo. Các con cũng nhớn rồi, đỡ đần được khối việc. Bố nó cứ chuyên tâm mà viết…" Gã gắt khẽ: "Cứ tưởng dễ lắm đấy! Phải vắt óc ra chứ bỡn à!" "Thì em có nói dễ đâu! Dưng mỗi năm chỉ cần bố nó viết lấy hai cái, có hẳn ba chục triệu..."Gã phì cười: "Mẹ nó làm như thả lợn, mỗi năm hai lứa..." Gã định giải thích cho vợ tường tận những nhọc nhằn vất vả của nghề viết nhưng thấy chị đang vui nên lại thôi. Ngồi dậy vớ chiếc điếu cày, gã nhồi thuốc vào nõ xoè đóm châm lửa rít một hơi dài.

Ngày gã ra tàu lên Hà Nội, hầu như cả Chi hội văn nghệ huyện nhà đều ra tiễn. Người này "thượng lộ bình an", kẻ khác "mã đáo thành công" xôn xao náo nhiệt. Vợ gã đứng ôm mặt khóc thút thít, làm như chồng thị sắp lên tàu ra trận. Mà nào xa xôi lâu lắc gì cho cam! Chỉ hơn trăm cây số, lên ẵm giải xong là về, cùng lắm ba, bốn ngày...

Đến lúc này gã mới thấm thía. Chờ nhận giải mà còn run hơn cái đận chiến tranh nằm đợi nổ phát súng đầu tiên trong trận đánh đầu đời. Sợ nhất là khoản giao lưu, mà lại giao lưu với sinh viên nữa chứ! Hôm trước gặp ông trưởng ban tổ chức gã đã cố né: "Hay là miễn cho em cái khoản giao lưu..". Ông ấy trợn mắt: "Miễn là miễn thế nào? Cậu được giải A, phải là cái đinh trong buổi lễ. Mất bao nhiêu công sức lo lắng chạy vạy mới tổ chức được cuộc này. Cậu thấy đấy! Cùng làng văn học nghệ thuật với nhau mà cánh nhiếp ảnh, hội hoạ, điêu khắc, rồi ca nhạc, phim ảnh... lên ti vi rầm rầm, "giao lưu", "ra mắt", "triển lãm", quảng cáo lăng xê ầm ĩ. Còn cái anh văn xuôi, một trong những cánh chủ lực thì cứ khép nép, lâu nay gần như im hơi lặng tiếng...,"ông ấy thuyết một hồi rồi giao gã cho một vị trong ban tổ chức kèm cặp phụ đạo. "Ứng đáp trong giao lưu là một nghệ thuật, phải hết sức tinh tế, biến nhạy. Muốn vậy trong lúc ứng đáp phải... Điều cốt yếu là thể hiện cho được tính định hướng trong sáng tác... ý tưởng... phương pháp tư duy... Bài giảng của ông này gần trọn buổi, gã càng nghe càng rối bời, cuối cùng chỉ hiểu được thế nào là áp lực tâm lý...

Trong hội trường lại rào rào tiếng vỗ tay rộ lên cùng tiếng cười. Nãy giờ mãi lo nghĩ, gã không nghe được ngoài kia người ta đang hỏi gì nói gì. Hình như nhà văn đoạt giải B vừa trả lời một câu gì đó rất hóm hỉnh nên không khí mới sôi nổi lên như vậy. Khiếp, vỗ tay gì mà ghê thế! Cứ như một đợt mưa dài. Sinh viên bây giờ hơn đứt lứa gã hồi trước. Gã còn nhớ dạo đang học năm thứ hai có một hôm nhà thơ Xuân Diệu tới trường nói chuyện và bình thơ. Hội trường chật ních người. Đám sinh viên hầu như nín thở há hốc mồm để nghe như muốn nuốt lấy từng lời, say mê tới mức mỗi đoạn dừng nhà thơ lại phải gắt lên trong micro: "Kìa, vỗ tay"...

"Giải A! Có một giải A! Xin mời...", cuối cùng rồi cũng đến lượt. Gã hồi hộp bước ra sân khấu, mắt nhấp nháy bởi ánh đèn chói chang. Loáng thoáng nghe tiếng nhà thơ mời ngồi xuống ghế. May mà ghế ngồi, chứ đứng không khéo rủn chân mất. Nhà thơ vươn người tới trao gã chiếc micro và nhoẻn cười. Nụ cười cùng ánh mắt vui vẻ của ông làm gã thấy vững tâm. Quay về phía khán giả, nhà thơ giới thiệu "thân thế và sự nghiệp văn chương" của gã, rất ngắn gọn (vì chẳng có gì nhiều để nói). Nhưng ông chợt cao giọng: "Có thể nói lần đầu tiên giải A của cuộc thi được trao cho một tác giả chưa từng có tên trên văn đàn, bởi đây là tác phẩm đầu tay của anh!" Cả hội trường vỗ tay rần rần, ánh đèn máy ảnh chớp nháy loe loé. Hàng trăm ánh mắt dồn vào gã khiến người gã nóng rực lên như sốt. "Xin anh cho biết cảm tưởng của mình lúc này?" Đây là một câu hỏi chuẩn bị sẵn trong kịch bản, gã lúng túng mất vài giây nhưng rồi cũng nói được suôn sẻ. Mấy câu tiếp theo cũng là những câu đã được báo trước, gã trả lời khá trơn tru. Mắt quen dần với ánh đèn sân khấu, gã nhìn rõ những gương mặt sinh viên chăm chú, các vị ngồi hàng ghế đầu gật gù tỏ vẻ đồng tình. Gã thấy bình tâm trở lại. Và không hiểu từ đâu một cảm giác khoái hoạt từ từ lan truyền khắp người khiến gã phấn chấn và hoạt bát hẳn lên. Theo lời người dẫn chương trình, một chiếc micro được đưa xuống khán giả. "Giờ mới đến lúc gay go..."

Người hỏi câu đầu tiên là một cô bé sinh viên đeo cặp kính cận dày cộp:
- Thưa chú, nghe nói trước đây chú có làm thơ. Vậy làm thơ dễ hay viết truyện dễ hơn ạ?
Câu hỏi này người ta vẫn thường hỏi trong những trường hợp tương tự. Gã trả lời theo đúng "bài":
- Đối với tôi thì cả hai đều khó. Khó nhất là viết thế nào cho hay.

Một cô sinh viên có mái tóc cắt ngắn, vẻ mặt nghịch ngợm đứng lên giằng lấy chiếc micro từ tay bạn:
- Chú mới viết truyện ngắn đầu tiên đã được giải, vậy chú có bí quyết gì không ạ?
Gã cười:
- Đã là bí quyết thì chẳng ai dại gì nói ra giữa đám đông đúc người thế này. Nhưng quả thực tôi không có bí quyết nào cả.
- Thế chú có nghĩ giải thưởng trao cho chú là có một sự ưu đãi nào đó không ạ? Cô bé hỏi tiếp, vẻ mặt tinh quái.
- Ưu đãi? Gã buột kêu. Sao tôi lại được ưu đãi? Với lại tôi nghĩ mọi sáng tác khi đã ra giữa cuộc sống thì đều bình đẳng như nhau, và phán quyết cuối cùng là ở người đọc.

Tiếng vỗ tay lại vang lên. Và cứ thế, chiếc micro được sinh viên chuyền tay nhau. Gã toát mồ hôi trả lời hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, cảm thấy người dập dềnh như đang ngồi trên con thuyền nhỏ chao đảo giữa những cơn sóng. Nhà thơ dẫn chương trình chủ động nói sang một vấn đề khác để gã được nghỉ một lúc. Nhưng hình như đám sinh viên vẫn chưa thôi "tấn công". Cô gái áo dài đỏ đem ra tập giấy nhỏ ghi những câu hỏi đưa cho nhà thơ. Ông ta lật xấp giấy như người làm ảo thuật, rút ra một tờ:
- Có một sinh viên hỏi: Có người nói văn học cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vừa qua là dòng văn học một chiều, chỉ có giá trị tuyên truyền phục vụ chính trị, chứ không có giá trị nghệ thuật. Là người đã sống trong thời kì ấy, chú nghĩ sao về vấn đề này?

Đọc xong câu hỏi, ông trao mảnh giấy cho gã, ánh mắt cười cười động viên. Gã nhìn lướt mảnh giấy. Câu hỏi thật hóc búa. Mồ hôi ướt nhem nhép sau lưng áo, lúc này không thể thoái thác được. Gã nói, lúc đầu hơi ngập ngừng:
- Về một vấn đề lớn như vậy... e rằng khả năng của tôi... Tôi chỉ xin nói lên một vài suy nghĩ của mình. Theo tôi một nền văn học hình thành trong chiến tranh, tất nhiên phải có những hạn chế nhất định. Nhưng thực tế đã khẳng định trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, văn học cách mạng có rất nhiều tác phẩm xuất sắc. Nhiều bài thơ, nhiều cuốn tiểu thuyết trở thành hành trang của người lính ra chiến trường, đã làm rung động con tim của bao lớp người, góp phần cổ vũ thôi thúc họ kế tiếp nhau "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", đó chính là giá trị đích thực của nghệ thuật. Trong chiến tranh, văn học hoà quyện vào dòng chảy cuồn cuộn của cả dân tộc, tất cả đều dốc lòng dốc sức cho cuộc chiến đấu giành độc lập tự do, giải phóng đất nước. Mọi lối rẽ hay hướng chảy ngược chiều đều vô nghĩa và không thể chấp nhận được. Quả thực trong thời kỳ đó không ít tác phẩm đã phần nào tô hồng cuộc sống, lý tưởng hoá các nhân vật chính diện, tránh né phản ảnh những hy sinh mất mát cùng những bài học xương máu. Nhưng điều không thể phủ nhận là trong bom rơi đạn nổ, giữa lúc sự sống và cái chết cận kề liền nhau thì tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng chính là tư tưởng nhân văn sâu sắc trong mỗi tác phẩm văn học.

Gã đặt micro xuống, thấy lạ đến ngỡ ngàng. Trước tới nay đã bao giờ gã nói hùng hồn như vậy đâu? Dường như không phải chính gã nói mà có ai đó đã hoá thân nhập hồn vào gã... Tiếng vỗ tay chưa ngớt, người dẫn chương trình lại đọc một câu hỏi khác:
- Tại sao hiện nay trong sáng tác văn học, nhất là lĩnh vực văn xuôi, lại không có những tác phẩm hay?

Gã ngẩn người. Hỏi gì mà như đánh đố! Hình như mọi người đang xúm lại "sát hạch" gã để xem gã có xứng đáng được nhận giải hay không? Ngay cả nhà thơ dẫn chương trình cũng đang nhìn gã tủm tỉm cười. Máu dồn nóng bừng trên đầu, gã lén hít một hơi thở thật sâu, từ tốn đáp:
- Tôi nghĩ không phải không có tác phẩm hay. Có thể còn ít, hoặc chưa thật xuất sắc, nhưng không phải không có. Hơn nữa những cuốn sách ấy bị lẫn lộn trong quá nhiều sách dở. Người đọc bây giờ ít thời gian, không có điều kiện chọn lựa. Giá sách lại đắt, chả lẽ bỏ tiền ra mua vài chục cuốn sách để tìm xem trong đó có cuốn nào hay hay không?
- Theo anh, vì sao lại có nhiều sách dở? Lần nầy chính người dẫn chương trình đặt câu hỏi.

"Tại sao lại hỏi mình?", gã ấm ức nghĩ thầm, cố giấu vẻ bực bội để trả lời:
Bây giờ in sách dễ, hầu như có tiền là in được sách. Bởi vậy nhiều người viết văn làm thơ rồi bỏ tiền ra in thành sách để mong nổi danh. Và khi viết, ai cũng nghĩ mình là con tằm đang nhả tơ cho đời. Thực ra nhiều loài sâu cũng nhả tơ làm kén, nhưng tơ đó chẳng dùng gì được. Ngay cả nhện cũng nhả tơ đấy thôi...
- Vâng, như vậy... Người dẫn chương trình vội tiếp lời gã... nếu không phải tằm thì có nhả ra tơ cũng chẳng ích lợi gì. Nhưng... Ông liếc nhìn đồng hồ, lật lật xấp giấy trên bàn... có một ý chung trong nhiều câu hỏi gửi lên: hiện tại chúng ta có cả một đội ngũ đông đảo sáng tác nhưng tác phẩm xuất sắc vẫn hiếm hoi?

Đầu óc căng như dây đàn, mắt gã nhoè đi. Từ trong màn sương đục trước mặt, một cặp mắt cua từ từ lồi ra nhìn gã chăm chăm. Gã chớp chớp mắt, bỗng nhận ra đấy là hai ống kính camera đặt cố định dưới hội trường đang hướng vào gã. Như được kích thích, gã nói liền một mạch...

Không gian bỗng dưng lặng phắc. Lát sau có vài tiếng vỗ tay lộp bộp, rồi tiếng xì xào loang khắp hội trường. Gã thấy lạnh xương sống. "Đã nói thì nói cho hết, mình chẳng có gì để mất...", gã tiếp:

-... Theo tôi dù ở thời kỳ nào, giai đoạn nào, các tác phẩm văn học cũng phải có tính nhân văn sâu sắc, giúp người đọc nhận biết lẽ sống đúng đắn, coi trọng những giá trị đạo đức, khát khao vươn tới những điều tốt đẹp. Trong truyện ngắn của Nam Cao, mối tình giữa Chí Phèo và Thị Nở sẽ chỉ là quan hệ tình dục bản năng giữa giống đực và giống cái, nếu không có bát cháo hành. Vâng, chính bát cháo hành đã đem lại giá trị nhân văn cho tác phẩm. Phải chăng mỗi người viết bây giờ cũng nên giữ trong tâm mình một bát cháo hành luôn nghi ngút khói...

Tiếng vỗ tay dội lên trong hội trường như tiếng mưa trút sầm sập lẫn với tiếng sấm rền. Nhà thơ dẫn chương trình cất cao giọng: "Trân trọng kính mời phó giáo sư tiến sĩ ngữ văn... viện trưởng Viện... lên trao thưởng cho tác giả đoạt giải A" Từ dãy ghế đầu phía bên trái, một người đứng dậy bệ vệ bước lên sân khấu. Gã chợt trân người khi nhận ra đó chính là ông Răng vàng. Không thể nhầm được! Vẫn vóc dáng ấy, vẫn khuôn mặt ấy, và hình như ông ta không già đi chút nào, chỉ mái tóc húi cua hồi trước nay được thay bằng một mái tóc dài điểm tiêu muối chải lật ra sau gáy phủ bồng bềnh trên hộp sọ đầy vẻ uyên thâm uyên bác. Nhưng khi ông ta nhếch mép cười, ánh vàng loé ra từ hàm răng khiến gã toát mồ hôi: có đến bốn chiếc răng vàng. Gã nhớ tới cú đấm ngày nào...

Ông viện trưởng bước tới chìa tay nắm lấy bàn tay nhơm nhớp mồ hôi của gã, rồi dang hai cánh tay quàng lên vai kề đầu sát bên tai gã như ôm hôn. Trong tiếng vỗ tay rào rào, chỉ mình gã nghe rõ tiếng ông ta rít qua kẽ răng sắc rợn như tiếng dao cạo cật nứa: "Còn nhớ ta không?" Gã cứng miệng không thốt nổi lời nào. Không cần nghe đáp, ông Răng vàng quay lại cần tấm bằng lồng trong khung kính cùng bó hoa nhỏ trên chiếc khay cô gái áo dài đỏ bưng đợi sẵn, trịnh trọng trao cho gã. Gã đưa hai cánh tay cứng đơ ra đỡ, luống cuống làm rơi bó hoa xuống đất. Ông ta cúi nhặt bó hoa ấn vào tay gã, mấy chiếc gai trên nhánh hồng đâm ngón tay gã đau nhói. Lại một cô gái khác bưng khay bước ra, chắc trên khay có món tiền thưởng như đã trao cho các vị đoạt giải trước đó. Tất nhiên số tiền phải lớn hơn: Giải A mười lăm triệu, giải B mười triệu..., trong quyết định ghi rõ như vậy. Qua khoé mắt, gã thấy trên khay có vật gì tròn tròn, hình như chiếc cúp? Chẳng lẽ người ta tặng cúp như trong thể thao? Không nén nổi, gã nghiêng mặt nhìn. Một tô cháo! Một tô cháo hành! Qua làn hơi bốc nghi ngút, gã nhìn thấy những đốt hành hoa xanh xanh cùng những hạt gạo nấu kỹ nở xoè trong màu nước trắng nhờ. Gã lắc đầu cố rũ bỏ ảo ảnh. "Tại mình hoa mắt..." Nhưng mắt có thể hoa, chứ mũi thì hoa sao được? Gã thở hổn hển, mùi cháo hành thơm nức xộc vào mũi. Ông Răng vàng trịnh trọng nâng tô cháo hành lên cao cho cả ba phía hội trường cùng nhìn thấy, rồi quay lại đặt vào tay gã. Cái tô nóng bỏng, gã cảm thấy tay mình như chạm lửa. Người gã nóng nực, lắc lư chao đảo như sắp đổ sập xuống...

..."Dậy, dậy! Bố nó tỉnh lại đi...", có ai đang lay gọi gã, giọng gấp gáp. Gã chậm chạp mở mắt, lờ đờ nhìn. Ngay sát mặt gã là đôi mắt mở to đầy lo lắng của người vợ, và từ đôi mắt ấy mấy giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống mặt gã làm gã tỉnh hẳn. Rồi một bàn tay chai sạn mát lạnh ấp vào trán gã: "Trời ôi! Sốt hầm hập thế này, không khéo cảm hàn thì khốn! Đã bảo đừng có tham công tiếc việc!" Câu nói của vợ làm gã sực nhớ lại mọi chuyện. Sáng nay trời mưa to, sợ nước tràn bờ làm trôi mất lứa cá vừa thả, gã đội mưa ra đầm đào đất be cao mấy chỗ bờ trũng, và thế là bị cảm. Câu chuyện nãy giờ chỉ là một giấc mơ, một cơn ác mộng. Thì ra lâu nay mộng văn chương với một chút ao ước cùng sự háo danh vẫn ám ảnh trong tâm trí gã, chứ cái truyện ngắn kia gã chưa từng viết. Ngay cả tiếng rào rào mà trong mơ gã ngỡ tiếng vỗ tay, cũng chỉ là tiếng mưa đang quất ràn rạt xuống mái ngói. Mơ thường là vậy, bao giờ cũng lẫn lộn giữa thực tại với ký ức, những gì lọt vào bộ não qua các giác quan với những điều đang ẩn trong tiềm thức. Gã nhớ lại những câu mình nói trong mơ và thấy nhẹ bỗng cả người. Cũng may chỉ là ác mộng, chứ nói năng kiểu dạy đời như thế, người ta vả vào mặt cho ấy chứ!

Vợ gã bưng bát cháo để sẵn trên đầu giường trao cho gã: "Bố nó gắng húp bát cháo hành cho nó ra mồ hôi!" Gã ngồi dậy, đón bát cháo hành từ tay vợ. Ngoài trời mưa vẫn trút sầm sập, những ánh chớp lúc lúc lại loé sáng cùng với tiếng sấm rền. Mưa kiểu này, chắc nước đã tràn bờ đầm từ chiều. Vậy là mất toi mấy ngàn cá giống vừa thả...

P.V.L
(170/04-03)

Các bài mới