Tạp chí Sông Hương - Số 170 (tháng 4)
Từ những món hàng ăn trong ngôi chợ cổ tích
08:39 | 08/05/2009
NGUYỄN HỮU THÔNG                             Bút ký"Buổi mai ăn một bụng cơm cho noChạy ra bến đòMua chín cái tráchBắc quách lên lò
Từ những món hàng ăn trong ngôi chợ cổ tích
Minh họa: Phan Hoài Niệm

Một cái kho ngò
Hai cái kho cải
Ba cái kho nải chuối xanh
Bốn cái nấu canh rau má
Năm cái kho cá chìm chim
Sáu cái thì rim thịt vịt
Bảy cái làm thịt con gà
Tám cái kho cà, thù đủ
Chín cái nấu củ môn tây
Em đưa anh cho tới trạng này
Tiếc công lao nhọc, không được hai chữ sum vầy thì thôi
".

Vì là con trai độc nhất trong gia đình, nên thuở nhỏ, thỉnh thoảng tôi cũng phải bấm bụng lao vào những kiểu giải trí khập khiễng với giới tính của mình. Các bạn gái của chị tôi mỗi ngày nghỉ cuối tuần thường say sưa với món bày biện "đồ hàng" - "buôn bán", và, công đoạn thú vị nhất của hoạt động bất kể thời gian ấy là chơi trò nấu nướng. Trong "phiên chợ" âm vang khúc đồng dao "chín cái trách" cạnh lũ con gái, tôi là đứa đực rựa duy nhất không phù hợp với kiểu chào mời đon đả của những cô chủ hàng, nên luôn luôn được đóng vai thực khách.

Trên những tấm lá chuối vanh tròn như chiếc mẹt tre được bày biện ngăn nắp, màu sắc hấp dẫn, thực đơn phong phú, gồm toàn những món ăn "giả đò"; loại thực khách hiếm hoi và "sành điệu" như tôi phải liên tục chặc lưỡi, tấm tắc khen ngon; cũng không quên làm đày, ngúng ngoảy chê mắc, trả giá luôn mồm, mặc dù, tiền chỉ là những ngọn lá cẩn, lá mít vô tội, bị ngứt sạch cành đang bày cả xương xẩu ngay đằng sau lưng.

Trò nhấm nháp, thưởng thức tài nấu nướng chỉ thực hành bằng lời và bằng mắt, nếu cứ tiếp tục kéo dài, các chị rất sợ tôi chán, nên, lâu lâu cũng xìa ra vài món ăn thật. Và chính trong ngôi chợ cổ tích ấy, có những thứ hàng quà đã xông nồng vị giác của tôi suốt cả đời, mỗi khi nhớ về nó...

Bên cạnh hàng dãy những thức cao lương mỹ vị tưởng tượng, được chế biến từ hoa, lá, dây, trái... trong vườn, với tơ hồng leo rào làm bún, lá rau tiêu để chầy bánh bèo, củ lan đất làm hành, bột gạch làm ớt, hạt bông rào chè tàu để nấu chè kê, bông bắp chuối làm cá, làm tôm..., còn có những món được ăn thật, chẳng hạn như thịt quay từ củ khoai lang nướng cắt ra thành thỏi, dưa khế, hạt ươi rang, nem lụi với những trái bần quân được xâu qua que tre; con bột với đủ thứ món, nhiều màu sắc, dùng để trang trí cho bắt mắt, cũng phải nướng dần làm mồi níu chân khách... Nhưng, ấn tượng và đắt hàng nhất của những phiên chợ hè vẫn là những chú "vè ve" nướng và chén mít cám bụ thơm dầm nước mắm.

Hai món thực đơn sau cùng vừa kể thường là hàng mẫu, bán rất hạn chế, dành để cả chợ liên hoan sau khi vãn phiên. Tuy vậy, chúng vẫn được xem là món bình dân, bên cạnh nhiều thực đơn cao sang, lẽ ra chỉ để chiêm ngưỡng, nhưng khách vẫn giả vờ vồ vập gọi gấp, đưa vào mồm như thật và nhai gió rổn rảng, xuýt xoa, tấm tắc khen ngon; tay thì nắm lấy món ăn ước lệ vinh hoa này quặt lẹ ra sau lưng, vung vãi xuống đất, trong lúc người bán lẫn thực khách đều tỉnh queo, xem như không có chuyện chi xảy ra.

Chú ve cái nướng có cái bụng đặc nên được giữ nguyên sau khi "nhà bếp" đã ngắt cánh và chân; ve đực rỗng bụng, ăn vô duyên cảy, nên phải dùng que, độn vào vòm trống ấy đầy cánh bông thọ làm nhân "bát bửu". Điều đặc biệt, nếu món ăn đó được đẩy lên hàng "quý tộc", bán giá cao hoặc để mời khách quý (theo quy ước của trò chơi, thường là những người bạn cùng lớp ở xa đến tham dự từ lời hẹn đầu tuần), thì bếp trưởng và cộng sự phải có kế hoạch cầm đèn bỏng, rình rập bắt ve từ khuya hôm trước; đó là những chú ve non mới rời khỏi vỏ, mình nung núc thịt, đang chập chững bò từ mặt đất lên cây. Thịt ve non không chỉ dày dặn mà còn có thớ như lườn gà, béo ngậy, và thơm nồng hương đất. Trong lúc thực đơn bình dân thì chỉ là những chú ve nướng, vốn được chọc bằng sào, đầu gắn chiếc que quấn mủ mít; có được món ăn này, chủ hàng chỉ cần đủng đỉnh tìm đến những cây nhãn, cây keo, cây đào... nơi mà quanh gốc, đất ướt đẫm bởi những cơn mưa do ve "" xuống; chúng sắp hàng, dông ca réo rắt và chỉ việc chấm dính chiếc que quấn mủ mít vào cánh là xong. Để làm tiệc thì chúng tôi phải đợi lúc trời chạng vạng tối, gom rác lá khô đốt lên, bắt một con ve đực làm mồi kêu ran, thế là đồng loại đua nhau lao vào khoảng sáng từ đống lá đốt, càng nhanh tay bắt được càng nhiều.

Bụ thơm và mít cám sẵn có ngoài vườn, chúng là hai loại nguyên liệu chính được gọt và xắt mỏng, bóp trộn với nước mắm - ớt - chanh - đường ăn cắp trong "cụi" của mạ để hình thành món ăn, tuy công phu nhưng thực đơn này chỉ được xếp vào hàng thường phẩm trong tiệc mời. Nếu dọn khách thuộc hàng "thượng lưu", hay có thể cứa giá đắt hơn thì phải chọn cho ra bụ thơm cánh lá chưa mở hoặc đang mọc quanh cuốn trái, ruột mới ngọt. Mít cám cũng không quá non hay già úa cọng, phấn hãy còn dày...

Tôi đã bị tiêm nhiễm quan niệm về món ăn không chỉ trong những trò chơi ẩm thực bên góc vườn từ đám bạn của bà chị từ thuở ấu thơ, mà còn cả trong cảnh sống hàng ngày của gia đình thuở ấy.

Ba tôi thường có thói quen ăn riêng một mâm trên căn chái Đông, tới bữa, chị em tôi phải bưng cơm nước lên từ phía chái Tây theo lối hè sau (lối trước đi ngang qua bàn thờ Phật và gia tiên là điều không nên).

Ông cụ ăn trường trai hơi chút khổ hạnh, nhưng, không hiểu tại sao từ tấm bé tôi đã thấy ở mâm cơm ông "thời", có một cái gì đó phảng phất hơi hướm cao quý, sang trọng. Nó phát ra từ đâu chất "thượng lưu" trong ấy: bát chén? mâm đũa? món ăn? hương vị? phong thái người ăn? không gian nội thất? cảnh trí bên ngoài?... Có lẽ, bây giờ tôi mới nhận ra là không ở đâu cả, nhưng lại ở trong tất cả.

Bát đĩa ba tôi dùng toàn là đồ "ngoạn ngọc", nên thường tự tay ông rửa, nhà bếp không đụng vào. Đũa dùng tuy bằng tre, nhưng tự tay ông vót; những lóng tre già thẳng, ruột đặc mà ông đã tăn măn chọn từ những luỹ dày trồng ở vườn sau. Hàng trăm đôi đũa chuốt vót công phu được xếp vào những chiếc bị lác, hong khói trên giàn bếp có màu nâu đen bóng lưỡng, ông thường cất để dùng dần.

Ngồi gác chân chữ ngũ trên sập gụ, trước mặt là chiếc hộc tộ chạm, vuông vắn vừa đủ để bày vài đĩa thức ăn, trước mắt ông là khung cửa nhìn ra hàng dãy địa lan, nấp mình dưới chiếc giàn tre xinh xắn được lợp bằng lá dương xỉ; xa hơn là chiếc bể cạn với hòn non bộ mà ông đã cất công tự làm bằng đá bọt, thấp thoáng hình ảnh "bát tiên quá hải", có vị râu tóc đang phất phới bay, nét mặt hoan hỷ.

Ông giải thích:

- Khi ăn, khung cảnh xung quanh nhìn ở đâu cũng phải cho ta cảm giác ôn hoà, nhộn nhịp hay trầm lắng thái quá cũng không lợi cho tiêu hoá. Muốn được như vậy, trên bàn ăn nên có bình hoa, nhỏ thôi, màu sắc tươi vui nhưng không chói chang. Tranh treo trước mắt trên tường nếu có cũng không tách khỏi quan niệm này.

Cơm nấu trên nồi đất với gạo trắng thơm - mỗi bữa ông chỉ dùng một chén, do vậy, gạo cho vào nồi không quá một nắm lớn - người nấu phải rất công phu, chăm chút để có được bát cơm duy nhất không nhão, không khô (thật tình, do gia đình đông người nên cũng không thể nấu trong chiếc nồi lớn loại gạo thơm đắt tiền một cách thường xuyên được - điều ấy khiến chúng tôi càng thích được nhâm nhi chút cơm cháy "bạng nhạng" quý giá còn sót lại dưới đáy nồi sau mỗi bữa ăn của ba)

Nhưng dù sao, điều làm tôi nhớ nhất vẫn là bát canh rau tập tàng nấu với nấm mối vào tiết đầu đông.

Dậy từ sáng sớm trong sương lạnh, ngoài việc chăm sóc những cây kiểng và những khóm đông lan, mặc lan, song thọ đào, bạch mai, hoàng mai, tiểu mai... đang trức mầm hoa đón Tết, ba tôi có thói quen hay cầm chiếc bay làm đất đi dạo một vòng quan sát đám tre - lồ ô mọc quanh vườn phía sau nhà, ở đó, thỉnh thoảng trên lớp lá mục dọc các gốc tre già, xuất hiện những ổ nấm mối, lẫn mình trong lá khô, tai nấm có màu nâu đen nên rất khó nhận diện. Hái nấm mối là một cái thú vô kể đối với cả nhà, cho nên, khi phát hiện được chúng, ba chỉ nhặt một tai lấy "hên" rồi trở về trao cho chúng tôi, thế là mọi người tủa ra vườn sau, nhốn nháo tìm nấm như tìm mật thư trong trò chơi lớn của gia đình vậy.

Lúc tất cả đang tranh nhau món của quý thì ông lặng lẽ dạo quanh vườn, thủng tha thủng thẳng chọn những đọt rau dại đang chen chúc với giậu rào. Nằm trong vùng gò đồi, cho nên, rất nhiều giống cây tạo nên lùm bụi ở chốn bán sơn địa, có mặt trong khuôn vườn nhà tôi. Nào là những dây bát bát đang nghịch ngợm trèo lên tận những đọt cây quế hoang; những chiếc măng vòi trong đám tre giang, và cả những mụt măng tre vàng chống đau lưng cũng có mặt cạnh đó (măng mùa đông thường được người Huế khuyến khích chặt để dùng, vì chúng thường không toàn hảo sau mùa gió bão); chen chúc với giậu hóp và chè tàu còn có những đọt cây sân màu nâu sẫm mập mạp...

Trong vườn nhà tôi, rau khoai lang tuy không được trồng thành vồng, nhưng nơi nào cũng có, được mọi người trong gia đình mặc nhiên xem như giống rau dại không hơn không kém, vì chúng không hề được chăm sóc, cũng như chưa bao giờ đào củ để ăn, tuy nhiên, không vì thế mà đây đó thiếu vắng những đọt rau lang xanh tươi tắn cho người muốn hái.

Đám rau dại thực sự ở đây cũng không thể gọi là rau hoang, bởi lẽ, đã từ lâu đời, mọi người trong nhà đều thừa nhận chúng một cách bán chính thức là thành viên trong gia đình thực vật của vườn: rau má, rau sam, rau dền dại, mã đề, rau rìu, rau éo, me đất..., cho nên, khi làm cỏ vườn, không ai nỡ đào chúng vất đi như đám cỏ hôi, cỏ úa, ba lá... thậm chí, chúng còn được người làm vườn un quén bằng những động tác chăm sóc một cách vô thức. Tuy có cả một vườn rau thiên nhiên ban tặng, nhưng động tác hái nhặt đều nằm trong tầm chọn lựa rất khắt khe của chủ nhân. Ba tôi tự tay ngứt vào chiếc cảu nhỏ chỉ những đọt rau tươi, xanh tốt và khoẻ mạnh đang còn ngậm sương sớm để gửi cho nhà bếp. Chẳng cần phải nói lời nào thì trong mâm cơm trưa nay của ông cũng có một đọi canh rau tập tàng nấm mối. Loại canh này thường được nấu với tôm tươi, nhưng vì ăn chay, cho nên, ông tận hưởng sự thú vị của chất ngọt bằng những tai nấm mối. Nếu lượng nấm hái phong phú, ba tôi còn được dịp thưởng thức món nấm nướng trong bẹ chuối, béo ngậy và thơm ngát.

Có rổ nấm mối trong tay, cả nhà lập tức loay hoay với kế hoạch làm bánh khoái. Làm thứ bánh mà lò đặt ngay cạnh bàn ăn là một cái thú tuyệt vời đối với chúng tôi. Biết bầy con rất thích, mạ tôi thường lo chuẩn bị chu đáo mọi thứ: bột gạo, bột năng, bột bắp, trứng, được khuấy sẵn thành từng tô; ngoại trừ tôm, thịt ba chỉ, giá đậu phải ra chợ mua, những thứ còn lại như cải non, vả, khế, chuối chát, ớt trái... thường có sẵn trong vườn; tất cả đều tươi rói được sắp đặt một cách ngăn nắp trên chiếc rổ mây, công việc còn lại của chúng tôi là lấy khuôn bánh trên giàn bếp xuống chùi rửa và nhen bếp lò đặt cạnh bàn ăn. Dầu nóng lách tách, bột bánh vỡ oà trên chảo, khói um kín khuôn bếp, xen lẫn cả tiếng xuýt xoa của chúng tôi, cảnh nhà lúc này trông thật là khoái.

Nước lèo bánh khoái do mẹ tôi làm quả đã "thành tinh", từ mà chúng tôi thường gọi, vì không biết phải diễn tả làm răng cho chính xác. Mọi người không luận ở đây chuyện ngon dở, bởi, ai nắm được kỹ thuật cũng có thể làm được, nhưng, trong tô nước lèo của mạ, điều đáng bàn còn là sự mặn mòi, phảng phất một chút hương, một chút vị không liên quan đến nguyên liệu chế biến và không biết do đâu; từ hương thơm của làn da trên đôi tay bà chăng? Hay những vị ngọt vô hình thấm đượm từ tấm lòng thương yêu bầy con vô hạn. Chị tôi, truyền nhân của bà cho đến nay vẫn không thể cho chúng tôi thứ vị giác hiếm hoi quý giá ấy.

Được ăn bánh khoái tự tay đổ lấy, độ vàng dòn của nó sẽ tuỳ sở thích từng người; bột bắp, nước trứng, tạo nên những lớp mỏng tràn trên nền bột gạo nhiều hay ít cũng do mình tự chọn; nấm, tôm, thịt, giá... sử dụng theo tỉ lệ phù hợp với gu ăn. Chúng tôi háo hức, say sưa với nó bên rổ rau sống to đùng và tô nước lèo bất hủ của mạ.

Những lúc như thế này, ba tôi thường đứng một mình ở khung cửa nhà trên, có lối dẫn xuống bếp, tay cầm chiếc bâton nghiêng người âu yếm nhìn chúng tôi ăn, khuôn mặt ông cũng thú vị như chính ông đang thưởng thức trực tiếp món ăn này vậy.

Khi nhận được bảng báo đậu vào trường Trung học Đệ nhất cấp, ba gọi tôi lên trái trên bàn chuyện. Ông cho phép tôi được ngồi trên ghế đối diện (đây là lần đầu tiên trong đời mình, bởi trước đó thỉnh thoảng được gọi lên, tôi cũng chỉ có đứng hoặc ngồi bệt trên nền nhà có gạch men chùi bóng loáng, được lót từ thời Pháp thuộc), bỗng nhiên tôi thấy mình lớn hẳn ra.

Ba tôi đề nghị:
    - Kể từ ngày mai con ăn trưa với ba. Sáng thức dậy cho đến giờ Ngọ con sống với ba và không ăn mặn. Buổi chiều con ăn tuỳ thích món mạ nấu cho gia đình.

Tôi bắt đầu tuổi lớn của mình trong cảnh sống nửa thiên đường, nửa trần thế, bằng những tô cháo nếp đậu xanh, cháo gạo hẻo rằn, xôi nấu, xôi hông buổi sáng..., thức ăn kèm với buổi điểm tâm thường xuyên thay đổi: đậu khuôn kho, "mức" rang mặn (một loại tảo biển hương vị đậm đà), chao chưng với mè rang và thỉnh thoảng còn nhấm nháp với trái bùi muối. Các món kho mặn ăn với cháo còn là sa kê, mít, vả, thơm...; tôi thích nhất là những vắt "bình tinh mình" (một loại hoành tinh ta, cây khá giống với cây hoành tinh thường thấy, nhưng củ thì hoàn toàn khác; trông như chột khoai mè, bé xíu, bột trong và rất dẻo. Khi chế biến người ta gọt vỏ, bỏ vào cối giã nát, nêm gia vị và vắt thành từng viên nhỏ), kho trong nước tương có nhiều đậu phụng rang đập dập.

Buổi ăn trưa cũng không có gì thịnh soạn, nhưng tôi ăn bao giờ cũng thấy ngon miệng không tả được, bởi nhiều lý do khác nhau: hâm mộ phong thái của ba; không ăn vặt bằng những thứ hàng "trần thế" trước đó, nên buổi trưa rất đói; thức ăn thường đơn giản nhưng lạ miệng và tươi tốt, đó là chưa kể đến có khi cả hai cha con cùng tham gia hái nhặt một đĩa rau sống trong rừng cây dại sau đồi như đọt móc, rau đầu tôm, lá bứa... để ăn với chao hay gọt mấy lá long tu gửi nhà bếp nấu chè tráng miệng.

Trước khi cầm đũa, tôi được ba hướng dẫn và lúc nào cũng chấp tay cầu Phật gia hộ cho những bác nông dân một nắng hai sương được chân cứng đá mềm, để chúng tôi có được những bát cơm thơm ngon. Ban đầu tôi cảm thấy rất ngột ngạt với những khoảnh khắc im lặng này, nhưng sau cũng quen dần và trở thành một công việc tự nhiên như xếp đũa, sắp chén, đơm cơm trước khi ăn vậy.

Do có mấy mẫu ruộng hương hoả từ An Nong, nhà tôi được các bác nông dân chuyển lúa lên tận nhà. Thật ra, đây không còn là việc đóng tô nộp thuế, bởi trong Cách mạng tháng Tám, chính quyền nhân dân đã thu hết số ruộng ấy, chia lại cho nhiều hộ nông dân. Sau đó, sống dưới chính thể Saigon, ba tôi không thu lại số ruộng bị trưng mà vẫn tiếp tục để cho những gia đình cũ làm ăn, thế là hàng năm chúng tôi có một ít lúa không đóng theo một tỉ lệ nào. "Địa chủ" cũng như "Tá điền" dù không ai có chủ tâm, nhưng, bỗng nhiên xuất hiện giữa chúng tôi một mối quan hệ tự nhiên, gắn bó và tình cảm như bà con thân thích.

Thỉnh thoảng được ba cho về làng thăm các chú đang làm ruộng, chị em tôi thường vòi vĩnh các anh chị con họ dẫn đi tát cá, đào khoai, bắt chim... như đang trở về làng quê chôn nhau cắt rốn của mình.

Thật tình giữa chủ đất và người nông dân trong mối quan hệ này không biết phải nói thế nào cho đúng, chúng tôi luôn kính trọng họ và trong thâm tâm vẫn xem họ là người thân thích.

Những bữa cơm trưa đầm ấm và thú vị ấy kéo dài trong khoảng vài năm thì ba tôi mất. Tưởng nhớ đến ông, ngày giỗ, mọi người trong gia đình thường cúng ông và trưng bày trên bàn thờ tất cả những gì đã từng cùng ông một thời gắn bó. Mâm cơm cũng đơn giản với chừng ấy thứ, nhưng ai cũng chú ý đến sự tươi tốt, trong bóng, sạch sẽ... và nhất là chút cầu kỳ, tiểu vẻ, mà có tinh mắt chú ý mới nhận ra. Ai cũng biết ông thích như vậy.

Bằng nhiều cách nói và thể hiện, trong những câu chuyện liên quan đến ẩm thực và văn hoá ẩm thực, ba tôi luôn luôn muốn chứng tỏ cho chúng tôi thấy rằng: sự sang trọng trong món ăn theo quan niệm của ông không hẳn ở giá trị nguyên liệu, bởi, nếu cho rằng cơm quý tộc hay cung đình chỉ là những món đắt tiền, quý hiếm như bào ngư, vi cá, yến sào, hải sâm, nem công, chả phượng... từ bàn tay chế biến của những đầu bếp nổi tiếng thì giới nhà giàu lắm tiền nhiều của cũng có thể thủ đắc những loại sơn hào hải vị ấy mà không mấy khó khăn. Chất sang trọng trong những bữa ăn của giới quyền quí chính là sự công phu đến mức khó hình dung và đôi lúc nhiều tiền cũng không thể có được. Có lẽ vì thế, chẳng có loại thực đơn nào chỉ dành riêng cho một giới, mà điểm khác nhau sẽ là cách hình thành món ăn như thế nào.

Trong cung cấm, sơn hào hải vị chỉ được bày biện có tính chất trang trọng của nghi thức, thể hiện chất quyền quý xa hoa, cũng như sự đánh giá cho những người tham dự; đó là các buổi tiểu yến, trung yến, đại yến do vua và triều đình thiết đãi. Và dĩ nhiên, đó không hề là thực đơn thường ngày của tầng lớp này, bởi ngoài những quy định và lời khuyên của những chuyên gia hầu cận liên quan đến nho, y, lý, số..., còn là thể tạng, khẩu vị và sự an toàn thực phẩm... Thật ra cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, khi có "Mệ" đã từng tận mắt chứng kiến những đôi đũa tre, những chiếc nồi, trách, tìm, ấm... bằng đất, bằng sành, được sử dụng trong ngự trù... nhưng, cho dù không nhận một lời giải thích gì thêm, thì ai cũng biết rằng, chúng phải được làm bằng tre gì, đất gì, ai làm và làm như thế nào, các công đoạn kỹ thuật bắt buộc phải trải qua ra sao... cái khác chính là ở đó. Không ai bảo rằng canh rau muống hay cá bống thệ kho khô... chỉ là món của dân "bách tánh" sử dụng, nhưng, chắc chắn sẽ có cái khác trong bữa ăn của các đại quý tộc ở giống, cách trồng, chất dinh dưỡng chăm bón, vị trí được chọn khi hái, thời điểm, kỹ thuật gia công trong chế biến...; cá được chọn từ giống, kích cỡ, mùa, khu đánh bắt, đối tượng đánh bắt, các món phụ gia trong chế biến, kỹ thuật.

Chỉ một số yếu tính ấy thôi, tôi cũng thầm nhận ra rằng ba mình thật có lý khi chuẩn hoá chất sang trọng quý tộc không nghiêng về chất liệu thực đơn mà chính ở cách và tính chất thực hiện món ăn. Chẳng khác cảm giác khi nhìn một tác phẩm nghệ thuật, cho dù, bằng chất liệu nào đi nữa, cũng khó có thể bàn đến sự xấu, đẹp, hay, dở, khi chính nó chưa hoặc không hội đủ những yêu cầu tối thiểu về lý thuyết hàm chứa và thực tế cơ bản buộc phải vượt qua. Cứ mang quan niệm ấy khi luận về ẩm thực, tôi thật tình đã bị ba mình "đầu độc" khi ngồi trước những mâm cơm vua hiện đại ở một số cơ sở du lịch: loè loẹt, hào nhoáng, diêm dúa..., cứ như một nhan sắc học đòi thói tiểu thư rồi trang điểm bằng phấn son rẻ tiền, phong thái thô thiển, sống sít... trong lúc sự chỉnh chu, tinh tế, thậm chí một chút kinh điển, quy phạm trong màu sắc, hương vị, cấu trúc, bố cục và tính hợp lý của không gian, thời gian, nội thất, âm thanh, ánh sáng, phong thái, phục trang... của vật và người chính là nội dung của một sinh hoạt văn hoá mang nhiều điều thú vị cho những người mang ý định khám phá, bảo tồn, phục hồi, lẫn sự thưởng ngoạn của khách ở các tour du lịch có chương trình dạng sinh hoạt này.

N.H.T
(170/04-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyện của anh (08/05/2009)
Bát cháo hành (07/05/2009)