Tạp chí Sông Hương - Số 171 (tháng 5)
Từ làng văn vật xưa đến làng văn hoá nay (Qua cứ liệu văn hoá dân gian xứ Huế)
09:58 | 29/04/2009
TRẦN HOÀNGTrong tiếng Việt, từ "Văn vật" là một từ thuộc nhóm từ gốc Hán và cùng tồn tại song song với các từ: Văn hoá, Văn hiến, Văn minh. Người xưa thường dùng từ này để nói, viết về truyền thống văn hoá của một vùng đất, hoặc của một địa phương. Chẳng hạn, lâu nay, cư dân đồng bằng Bắc bộ đã có câu: "Thăng Long là đất ngàn năm văn vật". Song có lẽ từ "Văn vật" xuất hiện nhiều nhất trong các cụm từ "làng văn vật", "danh hương văn vật". Điều này cho thấy từ xa xưa, tổ tiên ta đã rất quan tâm đến "văn hoá làng" và "làng văn hoá".
Từ làng văn vật xưa đến làng văn hoá nay (Qua cứ liệu văn hoá dân gian xứ Huế)

1. Trước hết phải nói ngay rằng: không phải làng xã nào trên đất nước ta cũng được gọi là "làng văn vật". Một tỉnh, một huyện nhiều khi cũng chỉ có dăm bảy hoặc mươi lăm làng được vinh hạnh mang hai tiếng này. Ví như châu Bố Chánh xưa (Quảng Bình ngày nay), khi nói đến truyền thống văn hoá làng xã, người xưa cũng thường chỉ nhắc đến "bát danh hương": Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim (1). Ở xứ Huế, đất mấy trăm năm văn hiến, đất kinh đô một thời, số làng được gọi là "danh hương văn vật" có nhiều hơn. Khi nói đến văn hoá làng xã của vùng đất này, không mấy ai không nhắc đến các địa danh: Vĩ Dạ, Kim Long, Nguyệt Biều, Sình, An Truyền, La Chử, Phú Bài, Thuận An, Mỹ Lợi, Sịa, Dương Nổ, Hiền Lương, An Cựu, Dạ Lê... Trừ đôi ba làng được nhà nước phong kiến sắc phong là "Danh hương văn vật" (ví như làng Thuận An), còn phần lớn các làng văn vật là do nhân dân các địa phương tôn vinh và công nhận. Vậy thế nào thì được gọi là "làng văn vật"? Điều này khó mà lý giải cho thật đầy đủ và cặn kẽ. Tuy nhiên, qua nhiều lần đi điền dã ở thôn quê, qua nghiên cứu các tài liệu sách báo, chúng tôi thấy các làng được gọi là "làng văn vật" (hay "Danh hương văn vật") nổi lên mấy điểm đặc sắc sau đây:

* Về vị trí và cảnh quan địa lý:
Các làng văn vật thường nằm ở các vùng đông dân cư, các trung tâm kinh tế của một khu vực, cạnh các dòng sông lớn nhỏ, các trục lộ giao thông liên xã, liên huyện..., rất tiện cho việc đi lại, làm ăn, giao lưu kinh tế, văn hoá... Rất nhiều làng phong cảnh vô cùng hữu tình, sông núi, hồ đầm rất nên thơ, khác nào "rồng chầu, hổ phục"... Đồng bãi, nương đồi thì rộng rãi, khoáng đạt. Sông biển, phá đầm thì bát ngát mênh mông. Cảnh quan làng xã không chỉ do thiên nhiên tạo nên mà còn do con người gây dựng - Luỹ tre, cây đa, bến nước, mái đình làm cho các làng văn vật xưa trở nên cổ kính, trầm mặc, nhưng lại rất đỗi ấm cúng, chan hoà giữa con người với cảnh vật. Gần như làng nào cũng có đình thờ Thành Hoàng, miếu thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền khai canh, khai cư, đàn âm hồn, chùa thờ Phật... Đó là các công trình kiến trúc có giá trị lớn về văn hoá và lịch sử. Đình chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng mà còn là chốn hội họp của dân làng, là địa điểm để tổ chức các lễ hội xuân thu nhị kỳ... Chẳng vậy mà ca cao xưa có câu:

Làng tôi bé nhỏ xinh xinh
Chung quanh có luỹ tre làng vươn xa
Trong làng san sát nóc nhà
Đình làng lợp ngói có vài cây cau
Chùa làng rêu phủ mái nâu
Dân làng thờ Phật để cầu bình an...
....Giếng làng có mạch nước trong
Có cây đa mát rợp vùng đất xa....

Không ít làng từ hàng trăm năm nay đã lưu giữ được nhiều di vật văn hoá quý giá: "Trống An Gia, thanh la Thạch Bình, đinh xã Khuông, chuông Thủ Lễ" là ví dụ.
Nhiều làng văn vật được người xưa gọi là đất "địa linh nhân kiệt".

* Về đời sống kinh tế:
Do có vị trí thuận lợi, có đồng ruộng tươi tốt, phì nhiêu; có sông biển cận kề... nên hoạt động kinh tế của các làng văn vật rất sinh động, rất đa dạng. Có làng thuần nông, làng thuần ngư, hay chuyên nghề thủ công, nhưng cũng lại có khá nhiều làng việc làm ăn không chỉ bó gọn trong một loại ngành nghề nào. Chẳng hạn các làng ven biển, nghề chài lưới bao giờ cũng đi liền với nghề chế biến, buôn bán, xuất khẩu hải sản và vận tải đường biển... Hay như các làng ở vùng đồng bằng và gò đồi thì ngoài nghề làm ruộng, trồng vườn, cư dân các làng này còn thường làm các nghề thủ công - mỹ nghệ. Chính vì vậy mà họ đã tạo ra được rất nhiều loại nghề nghiệp và sản phẩm mang dấu ấn riêng của làng quê mình. Ví như nghề rèn ở Hiền Lương, nghề gốm Phước Tích, nghề vẽ tranh làng Sình, nghề đúc đồng ở Phường Đúc... Du khách đến Huế không ai là không yêu thích các sản phẩm do người vùng đất sông Hương, núi Ngự làm ra: rượu Kim Long, làng Chuồn, bánh bèo, bánh nậm, bánh khoái, kẹo mè xửng, nón Huế, đồ mỹ nghệ Huế... Hầu hết các loại sản phẩm này đều có nguồn gốc từ thôn quê, từ các làng văn vật... Ca dao, tục ngữ Huế rất nhiều câu, nhiều bài nói về đặc sản của các làng quê. Xin được dẫn đôi câu:
            + Dừa Mĩ Á, cá Tam Giang
            + Trầu Chợ Dinh ăn với cau Nam Phổ
            Không vôi cũng đỏ, không vỏ cũng ngon
            Đã thơm mà xác lại giòn
            Được tiếng thơm là phải, dậy tiếng đồn không sai
            + Đồng Lâm đi rập, đi ràng
            Sơn Tùng đan thúng, hai làng ăn chung

Các làng văn vật, gần như làng nào cũng có chợ - Chợ là nơi hoạt động kinh tế sầm uất không chỉ là của một làng, mà còn là của cả vùng. Chợ Mai, chợ Nọ, chợ Dạ Lê, chợ Làng Chuồn, chợ Kim Long... là những chợ không mấy người xứ Huế không biết đến.

* Về giáo dục, học hành, thi cử:
Cư dân các làng văn vật rất hiếu học. Gia đình và làng xã luôn khuyến khích con cháu học hành thi cử. Họ giúp tiền gạo cho người nghèo hiếu học, tặng phần thưởng cho người đỗ đạt, tổ chức lễ khai vọng, lễ đón rước chu đáo các ông cử, ông nghè khi họ "vinh quy bái tổ" (Điều này được ghi rõ trong hương ước của nhiều làng). Bia tiến sỹ ở Văn Thánh Huế, sách "Hương Khoa lục" có tên nhiều con em các làng xã xứ Huế đạt học vị cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội thời kỳ trung đại. Nhiều dòng họ đất thần kinh như các họ: Nguyễn Phước, Nguyễn Khoa, Hà Thúc, Hồ Đắc... cha truyền con nối, đời đời vinh hiển nhờ có nhiều người đức trọng, tài cao, có nhiều cống hiến to lớn và làm vẻ vang cho quê hương đất nước. Các bậc hiền tài này dù đang làm quan hay khi đã về hưu trí ở thôn xóm, phần đông trở thành những nhân tố tích cực giúp cho bộ mặt văn hoá, cho sinh hoạt cộng đồng làng xã trở nên tốt đẹp.

* Về sinh hoạt và truyền thống văn hoá:
Nếp sống ở các làng văn vật bao giờ cuîng là một nếp sống có kỷ cương, có nề nếp. Thuần phong mỹ tục được dân làng coi trọng, gìn giữ và phát huy. Đọc hương ước, khoán ước của các làng Thanh Phước, Dương Nổ, Xuân Hoà, Phước Tích làm từ thời các vua Cảnh Thịnh, Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức (2), chúng tôi thấy bản nào cũng ghi rõ những điều khoản về ruộng đất, tế tự, học hành, trật tự trị an... những điều khoản giúp cho làng xóm ổn định, phát triển, và yên lành trong cuộc sống. Một điều rất đáng lưu ý là hầu như mọi làng văn vật đều có vốn văn nghệ dân gian rất phong phú, với nhiều loại hình như hò mái nhì, mái đẩy, hò bài tới, bài thai, các điệu lý, điệu ru... Năm đôi ba lần làng lại mở hội, vừa đáp ứng nhu cầu giải toả, thăng hoa tâm linh của dân làng, và phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, Thương người như thể thương thân", vừa thoả mãn nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hoá của bà con nơi thôn xóm, đồng thời lại góp phần tăng cường, bồi đắp, thắt chặt thêm mối quan hệ cộng đồng làng - nước. Các lễ hội cầu ngư Thuận An, vật làng Sình, rước thần làng An Truyền, tế Cô đàn, đua ghe làng Thủ Lễ... là những lễ hội đặc sắc và giàu tính dân tộc, tính địa phương ở Huế, đất văn hiến mấy trăm năm.

Tóm lại: Làng văn vật thuở xưa, với sự đa dạng, phong phú, và những nét đặc sắc riêng trong sinh hoạt kinh tế - văn hoá, thực sự đã trở thành những trung tâm thu hút và toả sáng văn hoá trong khu vực - khu vực ấy có thể là của một tổng, một huyện, nhưng cũng có thể là một không gian rộng lớn hơn... Điều đáng quý, đáng trân trọng là dù có trải bao biến động của lịch sử, làng văn vật vẫn luôn là những điểm sáng văn hoá của đất nước.

2. Cũng như các làng văn vật xưa, làng văn hoá nay là làng có đời sống vật chất, văn hoá tốt đẹp, phát triển. "Mỗi thành viên trong làng tối thiểu phải đảm bảo đủ ăn, mặc, ở, không bị đói, giảm được nghèo (3). Tuy nhiên, nghiên cứu làng văn hoá nay và làng văn vật xưa, chúng tôi thấy có một số điểm khác biệt:

Làng văn vật xưa hầu hết là tự nhiên mà có. Do một số điều kiện thuận lợi nào đó về vị trí địa lý, về tài nguyên, về điều kiện làm ăn mà đời sống kinh tế trở nên phát đạt, sầm uất, từ đó kéo theo sự phát triển của văn hoá, giáo dục... Do vậy, số làng được gọi là làng văn vật, danh hương văn vật không phải là nhiều lắm. Ngày nay xây dựng làng văn hoá đã trở thành một phong trào rộng khắp trong cả nước. Mọi làng đều có thể xây dựng làng mình thành làng văn hoá, dù làng đó ở miền xuôi hay miền ngược, nằm ở vùng đất thuận lợi hay khó khăn về kinh tế...

Làng văn vật xưa chủ yếu quan tâm đến cái chung của tập thể cộng đồng mà chưa chú ý nhiều đến từng gia đình, gia tộc nhất là ở phương diện đời sống kinh tế. Cho nên trong các làng xã xưa bao giờ cũng tồn tại ở thế đối lập 2 tầng lớp: kẻ giàu, người nghèo; kẻ áp bức và người bị áp bức. Nhân dân ta hiện nay đã và đang phấn đấu xây dựng một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Việc xoá đói, giảm nghèo là một công tác trọng tâm, một ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng làng văn hoá. Quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình, gia tộc gắn liền với quyền lợi, với trách nhiệm (theo hai chiều) của làng xã. Gia đình văn hoá được xem là một nét không thể thiếu được trong quá trình xây dựng làng thành làng văn hoá. Đây cũng chính là một tác nhân quan trọng để tập hợp, để huy động sức mạnh của quần chúng vào việc phát triển kinh tế, văn hoá ở hương thôn, làm cho hương thôn ngày càng no ấm, hạnh phúc, văn minh, hiện đại....

Làng xã dưới thời quân chủ không ít thì nhiều cũng có sự không thống nhất giữa địa phương với trung ương, với huyện, với tỉnh... "Phép Vua thua lệ làng". Mỗi làng là một ốc đảo nhỏ và rất dễ biến thành nơi "ao tù nước đọng" với nhiều phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu, chậm đổi mới. Làng văn hoá ngày nay cần xoá bỏ những điều đó. Lệ làng phải nằm trong và tuân theo phép nước. Làng phải luôn mở rộng mối quan hệ giao lưu với bên ngoài để kịp nắm bắt và tiếp thu cái mới, trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn hoá, giáo dục... Có như vậy làng mới tự nâng mình lên, mới đi kịp với trào lưu,với sự phát triển chung của đất nước.

3. Làng văn vật xưa và làng văn hoá nay dù thuộc hai thời đại khác nhau nhưng chung một mục đích là làm cho cuộc sống của cư dân các làng quê yên bình, no ấm, tươi vui. Sống trong một làng có văn hoá, một gia đình văn hoá, con người sẽ được phát triển đầy đủ tài năng và nhân cách, được bảo vệ, được quý trọng và được hạnh phúc.

Do vậy việc xây dựng làng văn hoá không chỉ là trách nhiệm, là công việc của ngành văn hoá, của các cấp chính quyền, mà đã thực sự trở thành nguyện vọng, thành phong trào của quần chúng nhân dân. Kế thừa nét đẹp của làng văn vật xưa để tạo ra nhiều làng văn hoá mới ở khắp các vùng quê chắc sẽ làm cho đời sống văn hoá của đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

T.H
(171/05-03)

---------------------
1.Tám làng văn vật ở châu Bố Chánh xưa: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoã, Văn La, Võ Xã, Cổ Hiền, Kim Nai.
2. Xin xem: tư liệu Hán nôm một số làng xã TT Huế (tập IIIA: Khoán ước) Sở KHCN và MT Thừa Thiên.
3. Theo tài liệu "Một Huế quản lý số vấn đề cơ bản việc triển khai công tác xây dựng làng văn hoá" Nhà Văn hoá trung tâm TT Huế ấn hành năm 1996.

Các bài mới