Dường như lịch sử dân tộc, chưa từng có cuộc đời một danh nhân văn hoá nào đầy ắp truyền thuyết và giai thoại vây quanh như Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đầy ắp đến độ, trang đời Trình Quốc Công kín giấy mực ghi chép, lòng ngưỡng mộ của nhân dân lại thăng hoa thêm nhiều sáng tạo nên những giai thoại đẹp đẽ về song thân của ông. Như thế hãy còn chưa đủ, lại tràn sang vợ con, bạn bè và cả bà con làng xóm. Người đã đẹp lung linh trong sự truyền tụng của lòng ngưỡng vọng. Còn đất, đất cũng lộng lẫy không kém gì. Mỗi cái dòng Tuyết Giang, một nhánh sông con chảy qua làng ông, có khác gì sông Luộc, sông Thái Bình. Còn nhỏ hơn thế nữa là khác. Vậy mà, dòng sông ấy đã từng là bầu bạn, từng tắm gội tuổi thơ Trạng Trình; thế nên mặc nhiên, dòng sông ấy cũng trở thành một dòng "thánh thủy" góp phần nuôi dưỡng cậu bé thần đồng Nguyễn Tất Đạt (tên gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc còn nhỏ). Mỗi cái gốc đa đầu làng cũng thành một địa chỉ tình yêu của Trạng. Mỗi chiếc cầu đá nhỏ bắc qua một con mương, nơi Trạng Trình thường đi qua Thiên Hương Tự vãn cảnh chùa, đàm đạo thơ văn với các nhà sư, cũng được lấp lánh trên mình một tên gọi "Tràng Xuân Kiều" đầy hấp lực mê hoặc trí tưởng thưởng ngoạn của con người. Người đẹp như thế, đất đẹp như thế, thảo nào chẳng sánh danh như ngọc trong thơ văn Trạng Trình, khi nói về xứ sở của mình: "Hào hoa hấp nhĩ tư lân hội. Nhân hậu y nhiên mỹ lục tồn" (Hào hoa tụ hội thôn xóm cận kề. Người nhân hậu với thuần phong mỹ tục).
Vậy mà đôi bàn chân bê tha của kẻ hậu sinh như tôi, đã có lần lội khắp đường ngang ngõ dọc trên cái làng quê văn vật ấy. Cái cảm giác bổi hổi của bước chân lạc giữa bao nhiêu là chuyện kể, giai thoại, truyền thuyết, khiến tôi ham hố bước đi mê say một cách nghễnh ngãng như chính mình rồi cũng...huyền thoại nốt. Chỉ mỗi cái làng quê huyện Vĩnh Bảo, mà có đủ trạng nguyên, bảng nhãn, hoàng giáp, phó bảng, lại còn đến cả 11 vị đồng tiến sĩ. Và ngày nay, cái thời mà Trạng "tiên tri" là "ức vạn xuân" ấy, làng quê này có đến 40 vị cũng đều là tiến sĩ cả. Đất như thế mà không gọi là "địa linh nhân kiệt" thì gọi là gì. Bỗng dưng tôi khao khát, giá như được đến Vĩnh Bảo sớm hoặc là muộn hơn, nghĩa là cho kịp một dịp lễ hội nào đó, để được tắm táp lên mình ánh sáng của những ngọn đèn trời trong hội lễ phóng đăng. Hay là được mở to mắt kinh ngạc nhìn những con rối nước phi ngựa diễn trò tưng bừng trên cái sân khấu thuỷ đình, hay là sới vật, hát đúm, đánh đu, hay là hay là... Nhưng mà thôi, hình như tôi có vẻ tham lam. Mà điều đó là trái với ý Trạng: "Thiều tư, quả dục, vật lao thân" (Bớt ham muốn cho xác thân khỏi nhọc nhằn). Vậy thì, hãy reo vui với những cái đẹp từ đất và người mà mình đang được nhìn thấy, đang được chạm tay vào những sự vật, mà mới hôm qua đây còn là trong giấc mơ, còn là trong tâm tưởng.
Tôi đứng nhìn đền thờ Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, một ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Lịch sử một ngôi đền thờ cũng thăng trầm cung bậc như đời một con người, có khác gì đâu. Lần đầu, đền được xây dựng vào năm Trạng mất (1585). Vua nhà Mạc đã cấp cho làng Trung Am 3000 quan tiền và hàng trăm mẫu ruộng để tạo dựng đền thờ. Đích thân vua đề chữ "Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ" lên trên biển gắn trước đền. Nhưng rồi "nương dâu bãi bê" bị đổ nát, cho đến thời Lê Trung hưng (1735) dân làng mới dựng lại. Cũng chẳng hề được yên, thời Minh Mạng thập tứ niên (1833) đền Trạng bị phá. Chuyện phá đền lần này có giai thoại liên quan đến Nguyễn Công Trứ, thời gian này, Uy Viễn đang là Tổng đốc Hải Dương. Nhân việc Nguyễn Khoái, người Vĩnh Lại (tên gọi xưa của Vĩnh Bảo), làm giặc chống lại triều đình, Nguyễn Công Trứ cho rằng ứng với sấm ký Trạng Trình để lại: "Gia Long nhị đại, Vĩnh Lại vi vương". Thế là vua lệnh cho Trứ phá đền, khi đền phá ra, Trứ phát hiện có tấm bia ghi sẵn: "Minh Mạng thập tứ, thằng Trứ phá đền", mặt sau bia lại ghi: "Phá đền ta thì không được dự vào hàng nho sĩ". Đọc xong, Trứ lạnh toát cả người, bèn tâu vua xin cho được xây đền lại như cũ. Ngôi đền mà tôi bước vào thắp hương trước người xưa, là ngôi đền được xây dựng lại từ thời Bảo Đại (1927). Đền được xây dựng trên chính cái nền của Bạch Vân am ngày xưa. Tại nơi này đây, Trạng Trình từ quan lui về mở trường dạy học, và đã có bao nhiêu trạng nguyên, những bậc hiền tài học trò của ông đã ra giúp đời, giúp nước. Cũng chính nơi này, bao nhiêu vua quan Mạc, Trịnh, Nguyễn đã lui tới nhờ Trình Quốc công kiến giải, vẽ đường đi nước bước cho từng triều đại. Và Nguyễn Bỉnh Khiêm, với lòng yêu nước thương dân, với cái trí của người "Thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự" (thấu hiểu thiên văn trên trời, am tường địa lý dưới đất, giữa rõ lòng người), đã hướng dẫn cho các thế lực phong kiến những con đường khác nhau, tránh cho dân tộc bớt cái họa binh lửa nồi da xáo thịt.
Ngày nay, những dự án tôn tạo khu di tích lịch sử văn hoá và đền thờ Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được xây dựng hoàn thành. Đường vào khu di tích đã được tráng nhựa. Bước vào khuôn viên, từ hồ Thái Nhâm đến mọi lối vườn hoa cây cảnh, tất cả được lát gạch Bát Tràng trông đến mát mắt. Trước đền, trên đường vào về phía tay phải là một quảng trường rộng lớn để tổ chức lễ hội. Giữa quảng trường là pho tượng lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm uy nghi giữa đất trời lồng lộng. Bên phải quảng trường là ngôi chùa cổ Song Mai, nơi có thờ bà Minh Nguyệt, vợ thứ của Trạng Trình - người lộng lẫy trong giai thoại người đẹp Đồ Sơn nức tiếng, đã làm say đắm trái tim thi sĩ của ông. Và chắc rằng, nhan sắc ấy đã ảnh hưởng ít nhiều đến văn bút một đời tài hoa bậc thầy như ông.
Nhưng tôi lại muốn đi tìm một chút khí vị cổ xưa, dù chỉ là hơi hướm trong nhà lưu niệm. Những cầu Nghinh Phong, Tràng Xuân Kiều, hoặc là Quán Trung Tân bên dòng Tuyết Giang gió lùa âm vang cổ sử. Tại bến sông này, Trạng Trình đã cho dựng một cái quán lơ thơ phên lá cho khách đường xa lỡ đường nghỉ chân. Một cái quán sơ sài đến thế mà bia đá khắc bài văn bia truyền bá cái tư tưởng Trung Tân của người xưa cứ mãi trường tồn: "...Tôi viết biển đề tên Quán Trung Tân. Có người hỏi tôi: Quán tên là Trung Tân có ý nghĩa như thế nào? Tôi trả lời rằng: Trung là đạo trung, giữ được toàn thiện là trung, trái lại thì không phải là trung. Còn Tân là bến để đậu, biết chỗ bến đậu đúng thì là bến chính, nếu đậu sai chỗ là bến mê... Xin ghi vào đá để lưu lại lâu dài. Tháng Mạnh xuân, niên hiệu Quảng Hoà thứ ba (1543) Tiến sĩ cập đệ khoa Ất Mùi (1535) Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ Tư chính Khanh Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn" (Bản dịch Ngô Đăng Lợi).
Một hiện hữu tâm huyết chữ nghĩa người xưa, ngót hơn nửa thiên niên kỷ rồi còn mãi nơi đây. Sông cạn đá mòn, ơi sông cạn đá mòn! Hưng vong và dâu bể. Nhưng những điều trông thấy, đã minh chứng với ta về một lẽ vĩnh hằng của cái ý nghĩa thời gian bao la - cái gì tồn tại và cái gì không tồn tại. Tôi ngước nhìn tượng Trạng Trình ánh lên màu đá granic dưới màu nắng ban mai tươi rói. Ông đang ngồi mắt dõi xa xăm, hai tay cầm bút và sách như đang viết tiếp những trang thơ, nối vào cái gia tài văn hoá đồ sộ: Bạch Vân thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Trình Quốc thi tập...
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bằng thiên tài và sự chiêm nghiệm, ông đã giãi bày quan niệm triết lý của mình-không yếm thế hoặc tiêu cực theo khuynh hướng "giải thoát", mà nghiêng về chiều hướng thiên nhiên và sự vận động không ngừng của qui luật tất yếu sự vật khách quan, nhằm hướng cái tâm con người tới một ý nghĩa của sự hoàn thiện.
Thời gian không đủ cho tôi chiêm bái hết mọi con đường làng quê Trung Am, nơi Trình Quốc công đã từng đi qua. Những con đường, là nói theo sự tâm tưởng để cố mà hình dung cái lẽ "xuất, xử" hơn người của một nhà nho, hơn thế nữa là một triết gia, một nhà thơ, một danh nhân văn hoá, mà bóng râm của ông nào chỉ trong một làng quê nầy. Con đường hoạn lộ của ông ngắn ngủi 8 năm (sau khi dâng sớ lên vua Mạc xin chém đầu 18 tên gian thần không thành), quả ít ỏi so với gần một thế kỷ ông đã sống (1491-1585). Thế nhưng cái uy đức và sự lỗi lạc của ông đã ảnh hưởng đến nhiều triều đại. Sau khi cáo quan về quê, không có nghĩa là ông qui ẩn lánh đời, mà chính là thời gian Trạng Trình mở trường dạy học, viết sách mới, với lòng khát khao đào tạo hiền tài cho đất nước.
Đi giữa cái làng quê văn vật, nào chùa Mét (Cổ Am), nào Tháp Bút Kinh Thiên nổi lên giữa cánh đồng, nào Quán Trung Tân bên dòng Tuyết Giang, và rồi những làng nghề sơn mài, điêu khắc, tạc tượng ở những làng bên. Đứng nhìn những "bàn tay khắc gỗ nên vàng" của các nghệ nhân làng Bảo Hà, tôi thực lòng đến mê muội nhìn không biết chán là gì. Dường như mỗi pho tượng đều ẩn giấu bên trong một linh hồn, một sức sống đầy cám dỗ. Bước vào miếu Bảo Hà, người thủ tự kéo chiếc màn bàn thờ Tổ. Dưới ánh đèn thờ hư ảo, pho tượng Linh-Lang-Đại-Vương đang ngồi bỗng từ từ đứng dậy, phút chốc, gây cho ta được cái cảm giác người xưa đang trở về. Không ghi chép hết vào trí nhớ một xã Lý Học, nói gì một huyện Vĩnh Bảo mênh mông, càng mênh mông đến vô tận là thời gian ngàn năm ngun ngút...
Nhưng dù sao tôi cũng đã tắm táp lên mình được ít huyền thoại từ mưa móc lịch sử của một vùng đất. Và nếu như "sấm ký" của Trạng Trình, mà bút tích của ông còn lưu lại trên chiếc lư hương ở quê ngoại là thật, thì bước chân tôi là kẻ thứ bao nhiêu trong những đoàn người hành hương về xứ sở của ông thuộc 500 năm về sau: "Chú ngũ phục nguyên tiền. Hữu xương hồ nhân thập..." (Khoảng 500 năm sau thì trở lại như trước. Niềm vui từ người thập phương về).
Từ giã quê hương Trạng Trình, hẹn với lòng mình sẽ có một ngày trở lại. Xe chạy qua dòng Tuyết Giang rồi mà mắt tôi cứ đau đáu nhìn về cái bờ bến mù sương phía bên kia. Quáng Trung Tân ở đâu trong mấy lớp sa mù, mà tiếng thơ người xưa như trong gió thoảng bay về chúc tụng mùa xuân: "...Thư nhàn khước tá đông phong lực Lưu thử xuân quang nhập thọ bôi" (Trung Tân ngụ hứng- Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Dù mịt mù cổ tự, nhưng không hiểu vì sao trong cơn say khướt với từng cơn gió tràng giang, hay tại vì tiếng mời chào ngọt lịm của cô hàng nước ven sông, khiến tôi liều lĩnh ngẫu hứng ngâm nga. Nếu có quấy quá âu cũng là lòng ngưỡng mộ, xin tiền nhân Quán Trung Tân độ lượng bao dung: "Du ngàn ngậm sắc gió đông. Ngày xuân say một tiếng lòng đầy vơi!"
N.N.T (171/05-03)
|