Tạp chí Sông Hương - Số 171 (tháng 5)
Cô gái trên sông
09:09 | 08/05/2009
ĐẶNG NHẬT MINH                    (Trích hồi ký)Sau khi đi thực tập về điện ảnh một thời gian ngắn ở Paris về, tôi bắt đầu viết kịch bản Cô gái trên sông mà tôi đã có ý định từ trước như một món nợ tinh thần đối với xứ Huế, quê hương tôi. Cô gái trong kịch bản chính là cô gái trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu: Tiếng hát sông Hương. Cô gái đó tượng trưng cho nhân dân khổ đau hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, hết lòng che chở cho cách mạng. Nhưng khi thành công rồi thì một số người đã quay lưng lại với họ.
Cô gái trên sông
Nữ diễn viên Minh Châu qua vai Nguyệt trong "Cô gái trên sông"

Phim bắt đầu bằng cảnh trong bệnh viện Huế. Liên, một phóng viên của một tờ Tạp chí, đến thăm Nguyệt, cô gái vừa được đưa vào bệnh viện cách đây mấy hôm vì định lao vào xe tô tải để tự tử. Thì ra hai người đã quen nhau khi Nguyệt còn đang trong trại cải tạo nhân phẩm và Liên là nhà báo đến để viết một phóng sự. Nguyệt đã kể lại cho Liên câu chuyện riêng của mình liên quan đến một người đàn ông, người mà trước đây khi Huế còn chưa giải phóng cô đã có lần cứu giúp, rồi đem lòng yêu người đó vì những lý tưởng cao đẹp mà anh theo đuổi. Ngày ấy Nguyệt là một cô gái sống bằng nghề bán thân nuôi miệng trên sông Hương, còn người đàn ông kia là một chiến sỹ hoạt động nội thành. Anh đã gieo vào lòng cô những hy vọng về một cuộc sống đầy hoa như trong bài thơ Tiếng hát sông Hương mà anh đã đọc cho cô nghe. Anh hứa sẽ quay lại tìm Nguyệt. Nhưng rồi anh đã không bao giờ quay trở lại. Sau ngày Huế giải phóng Nguyệt đã cất công đi tìm anh để rồi khi tìm được thì bị anh từ chối. Người chiến sỹ kia không nhận là đã quen cô vì anh bây giờ đã là một cán bộ cao cấp trong thành phố... Sau khi hỏi chuyện Nguyệt xong Liên viết một bài báo tố cáo, lên án sự bội bạc của người cán bộ hoạt động nội thành trước đây. Mặc dù có lệnh của trên không nên đăng bài báo đó, nhưng nhờ sự cương quyết của cả toà soạn cuối cùng nó vẫn được đăng. Đến lúc đó Liên mới biết rằng người cản trở không cho đăng bài báo của cô chính là chồng mình và anh chính là người cán bộ cách mạng bội bạc mà cô đang lên án...

Đây là thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới. Kịch bản được thông qua dễ dàng, thuận lợi. Tôi đã mời nữ diễn viên Minh Châu vào vai Nguyệt, không chút do dự, mặc dù trước đó Minh Châu chỉ mới xuất hiện trong một vài phim không để lại ấn tượng gì đặc biệt. Tôi tin ở sự lựa chọn của mình và quả thực Minh Châu đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này. Trong thời gian đang làm phim ở Huế, tôi đọc báo biết tin ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp gỡ anh chị em văn nghệ sĩ kêu gọi không uốn cong ngòi bút, cởi trói và hãy tự cứu lấy mình trước khi Trời cứu. Tôi yên tâm tiếp tục làm phim lòng mừng khấp khởi nghĩ rằng từ đây người nghệ sĩ sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn cho sáng tác. Người quay phim này là Phạm Việt Thanh, một quay phim trẻ, khỏe mạnh và đây là phim truyện đầu tay của anh. Phim đã quay được gần một nửa mà tôi vẫn chưa quyết định nên mời ai làm nhạc. Tôi bỗng nghĩ đến nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, một người rất nặng lòng với Huế, bèn gọi điện vào Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ cần nói tôi đang ở Huế, đang làm một phim về Huế, và có ý định mời Sơn làm nhạc cho phim, lập tức anh nhận lời ngay không chút do dự, mặc dầu chưa biết nội dung phim. Sau này khi phim đã dựng xong hình ảnh đem vào thành phố Hồ Chí Minh để lồng tiếng tôi mới chiếu cho Sơn xem để làm nhạc. Người lồng tiếng Huế cho vai Nguyệt trong phim chính là ca sỹ Thanh Lan. Cha cô là người Bắc, mẹ là người Huế, sinh sống ở Miền Nam, cô nói được giọng cả ba miền không hề pha trộn. Thanh Lan rất nhiệt tình lồng tiếng cho phim, mặc dầu trước đó cô chưa hề lồng tiếng cho bất cứ phim nào trừ những phim có vai diễn của mình. Sau khi hoàn thành xong phần lồng tiếng thì Sơn cũng vừa soạn xong phần âm nhạc. Hôm thu nhạc cho phim Sơn bị sốt cao nhưng vẫn cố đến phòng thu để theo dõi, sửa chữa những chỗ cần sửa, làm việc với dàn nhạc do nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu chỉ huy. Âm nhạc mềm mại và sâu lắng của Sơn đã hỗ trợ cho phim rất nhiều.

Trong không khí của những ngày đầu đổi mới, phim Cô gái trên sông được Cục điện ảnh thông qua rất nhanh chóng, không gặp khó khăn trở ngại gì. Bộ phim lập tức được giới  điện ảnh và công chúng đón nhận hết sức nồng nhiệt. Nhưng phim ra mắt khán giả chưa được bao lâu thì nghe tin một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã lên án nó gay gắt hai lần. Một lần tại diễn đàn của Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một lần tại kỳ họp của Quốc hội khóa 7. Nội dung phê phán xoay quanh việc trong phim người cán bộ cách mạng thì bội bạc, còn tên lính ngụy, người yêu của cô gái trên sông thì lại thuỷ chung. Bộ phim bị coi là đã bôi nhọ hình ảnh người chiến sỹ cách mạng (tuy vậy cho đến nay cũng không có một văn bản chính thức nào ra lệnh cấm chiếu, nhưng rồi cũng không ai dám chiếu lại nó)... Ban tổ chức Liên hoan phim diễn ra năm 87 tại Đà Nẵng đã lâm vào cái thế hết sức khó xử. Một bên là sự đón nhận nồng nhiệt chưa từng có của công chúng Đà Nẵng và một bên là ý kiến phê phán của lãnh đạo. Hơn thế nữa kết quả cho điểm bằng phiếu kín của các thành viên trong Ban Giám khảo cho thấy bộ phim Cô gái trên sông đạt số điểm cao nhất. Nghe tin bộ phim bị cấp trên phê phán, một số người trong giới điện ảnh tung tin bộ phim đã bị cấm chiếu ở Huế làm Ban tổ chức lại càng hoang mang, có lúc đã định gạt hẳn phim ra khỏi danh sách giải thưởng. Cuối cùng người ta đã tìm ra được một giải pháp dung hoà: chỉ cho phim Cô gái trên sông giải Bạc (trong khi lẽ ra nó đủ điểm để được Giải Vàng). Về sau tôi nghe một số người trong Ban tổ chức kể lại: khi công bố phim Cô gái trên sông chỉ được giải Bông sen Bạc đã gây nên một làn sóng bất bình rất lớn trong khán giả Đà Nẵng.

Những ngày đó không khí tung tin, vận động, xúi giục trước khi bước vào Liên hoan phim làm tôi cảm thấy hết sức chán ngán nên đã quyết định không tham dự Liên hoan phim Đà Nẵng. Cả đoàn làm phim cũng theo gương tôi cùng ở lại Hà Nội. Tôi cùng chủ nhiệm Vũ Văn Nha, nhà quay phim Phạm Việt Thanh và nữ diễn viên Minh Châu nhận lời mời của Công ty chiếu bóng Hà Bắc lên Bắc Giang tiếp xúc với bà con trên ấy. Trong lúc đó ở Đà Nẵng khán giả chờ đợi chúng tôi từng ngày. Có người tung tin rằng chúng tôi vào tới Huế, thấy phim bị cấm bèn lộn ra (sau này nhiều người khi về qua Huế thấy khắp thành phố căng đầy áp phích của phim mới biết mình bị lừa). Sự nhiệt tình của khán giả Đà Nẵng năm ấy  làm các nhà điện ảnh nước ngoài được mời tham dự phải ngạc nhiên. Ông Đinh Triết Giám đốc Phát hành phim Trung ương cho biết số người xem Cô gái trên sông đông đến nỗi tiền bán vé thu được từ bộ phim này đủ để trang trải cho mọi chi phí của Liên hoan phim, thậm chí còn thừa. Ông đề nghị trích tiền doanh thu của phim ra để thưởng cho đoàn làm phim, nhưng không ai dám quyết. Sau Liên hoan phim Đoàn thanh niên Đà Nẵng đã mời nữ diễn viên Minh Châu vào gặp gỡ với khán giả trẻ thành phố và nhận chị là đoàn viên danh dự của đoàn thanh niên Đà Nẵng. Minh Châu trở thành người nữ diễn viên được hâm mộ nhất lúc bấy giờ qua vai Nguyệt trong Cô gái trên sông. Dù sao bộ phim cũng đã nhận được giải Bông sen Bạc và giải nữ diễn viên xuất sắc trái với dự định của những kẻ rắp tâm hãm hại nó.

Thật trớ trêu thay, bộ phim Cô gái trên sông lại được dư luận nước ngoài đón nhận như một biểu hiện của đường lối đổi mới của Việt Nam trong lĩnh vực văn nghệ. CHDC Đức là nước đầu tiên mua và chiếu bộ phim này tại Tuần phim của các nước XHCN tổ chức tại thành phố Kotbus với bản phim đã được lồng tiếng Đức (hồi đó phe XHCN chưa tan rã). Sau này Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ... và nhiều nước khác tiếp tục mời chiếu. Ở đâu nó cũng được đón nhận với nhiều thiện cảm. Năm 1992 khi tôi sang New York để dự Tuần phim Việt Nam do Hiệp hội Asean Cinevision đứng ra tổ chức, đại sứ Lê Văn Bàng đã nói với tôi: Anh cứ đem phim Cô gái trên sông ra để chứng minh cho đường lối Đổi mới của ta trong lĩnh vực văn nghệ (ông ở xa  nên không biết bộ phim bị trong nước phê phán). Trong buổi chiếu phim này tại NewYork ông đại sứ và phu nhân cũng có mặt và tỏ ra rất hài lòng.

Đến năm 1996, có nghĩa là 10 năm sau khi bộ phim hoàn thành, Liên hoan phim Toronto giới thiệu một chương trình phim Việt Nam trong đó có phim Cô gái trên sông. Một cơ quan có thẩm quyền hồi đó đã yêu cầu không chiếu phim này nếu không sửa. Thật oan cho bộ phim khi được nước ngoài đón nhận như một dấu hiệu đáng mừng của công cuộc đổi mới ở nước ta!  Quả thật số phận của bộ phim cũng long đong  như số phận cô gái được miêu tả trong phim vậy, nhưng kết cục của nó lại rất có hậu.

Tháng 4 năm 2000 để kỷ niệm 25 năm ngày Giải phóng miền Nam, kênh truyền hình ARTE của toàn châu Âu đã chiếu lại phim Cô gái trên sông. Đây là bộ phim truyện Việt Nam duy nhất được chiếu trong dịp này. Hình ảnh của phim còn rất tốt vì đó chính là bản phim đã được CHDC Đức mua trước đây. Sau 13 năm, phim Cô gái trên sông đã sống lại lần thứ hai một cách thật bất ngờ.

Đ.N.M
(171/05-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng