Tạp chí Sông Hương - Số 171 (tháng 5)
Sự sáng tạo của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc
14:35 | 13/05/2009
MAI VYSự sáng tạo nghệ thuật của giới nghệ sĩ biểu diễn xuất phát từ cảm xúc trước tác phẩm, trước cuộc sống. Đó là đặc thù trong quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực. Mối quan hệ đó bao giờ cũng là mối quan hệ có tính chất cảm tính. Người nghệ sĩ chân chính nào cũng có khả năng cảm xúc rất nhạy bén trước đối tượng được thể hiện. Họ có khả năng lồng trí tưởng tượng vào trong quá trình sáng tạo cốt để thâm nhập sâu hơn vào bản chất của các sự vật.
Sự sáng tạo của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc

Mối quan hệ giữa hiện thực và sáng tác, giữa sáng tác và biểu diễn, giữa biểu diễn và công chúng âm nhạc vốn là những mối quan hệ đa dạng, phức tạp trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Việc tìm hiểu sâu hơn, xác định rõ nét hơn vị trí của người biểu diễn nói chung và biểu diễn khí nhạc nói riêng sẽ giúp cho việc sáng tạo được những hình tượng âm nhạc có giá trị trong cuộc sống.

Khác với nhiều ngành nghệ thuật khác như hội hoạ, văn học,... tác phẩm âm nhạc qua biểu diễn mới có thể tới được công chúng. Tuy rằng hiện nay với sự nhanh chóng phát triển của âm nhạc điện tử, nhiều nhà sáng tác nhạc trên các chương trình máy tính và sau đó máy tính sẽ thể hiện ngay tác phẩm đó nhưng cho đến nay máy tính vẫn chưa thể thay thế vị trị của các nghệ sĩ biểu diễn. Ngôn ngữ của các ngành nghệ thuật  chính là các phương tiện biểu hiện nghệ thuật. Đối với nghệ thuật âm nhạc, các phương tiện biểu hiện chính là nhịp điệu, tiết tấu, giai điệu, hoà âm. Hình tượng âm nhạc bao giờ cũng được biểu hiện bằng những phương tiện (hay còn gọi là ngôn ngữ) của nó. Nhà soạn nhạc chiánh là người đã sử dụng toàn bộ những phương tiện biểu hiện của nghệ thuật âm nhạc như giai điệu, tiết tấu, hoà âm, nhạc khí để xây dựng hình tượng âm nhạc, tạo nên tác phẩm âm nhạc, người nghệ sĩ biểu diễn khác với người soạn nhạc ở chỗ thông qua nhạc khí - một phương tiện biểu hiện - để tái hiện những ngôn ngữ âm nhạc (giai điệu, tiết tấu, hoà âm), tức là tái hiện lại những phương tiện biểu hiện khác. Người nghệ sĩ biểu diễn, họ phải diễn đạt các ngôn ngữ âm nhạc đã được nhà soạn nhạc tổ chức lại - tức là tác phẩm. Thể hiện tác phẩm phản ảnh hiện thực phải thông qua việc sử dụng nhạc khí với tư cách là một phương tiện biểu hiện, đó chính là đặc điểm khác biệt quan trọng nhất để phân biệt giữa nhà sáng tác và người biểu diễn.

Lâu nay chúng ta vẫn có quan niệm người sáng tạo thứ nhất là người sáng tác và người biểu diễn là người sáng tạo thứ hai cũng chính là phản ảnh đặc điểm này. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan niệm khác nhau về vai trò của người biểu diễn trong việc thể hiện hình tượng âm nhạc, thể hiện tác phẩm. Có quan điểm cho rằng người biểu diễn chỉ cần thể hiện thật tốt, chính xác các yêu cầu về xử lý tác phẩm như sắc thái to, nhỏ, tốc độ mà tác giả đã ghi đầy đủ trên tác phẩm. Sự sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ biểu diễn chỉ được phép thực hiện trong khuôn khổ của những chỉ dẫn trong tác phẩm mà tác giả đã ghi. Quan điểm này thoạt nghe không có gì vướng mắc, tuy nhiên điều đó hầu như không bao giờ có thể thực hiện được bởi vì cho đến ngày nay, chưa có một "từ điển ký hiệu âm nhạc" nào có thể chỉ dẫn cho các nhạc công một cách chính xác để thể hiện được những sắc thái đa dạng và vô cùng tinh tế của tư tưởng, tình cảm con người. Các ký hiệu ký âm trên 5 dòng kẻ nhạc hiện nay được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết, các thuật ngữ âm nhạc hiện nay đang sử dụng cũng không phải đã là hoàn toàn thống nhất về ý nghĩa của nó.

Do việc các ký hiệu, thuật ngữ không thể phản ảnh được đầy đủ các đặc tính của các ngôn ngữ âm nhạc nên người nghệ sĩ biểu diễn phải có những hiểu biết đầy đủ về các ngôn ngữ âm nhạc mà tác phẩm đã sử dụng nó để tạo những hình tượng âm nhạc.

Đối với nghệ sĩ biểu diễn các nhạc khí phương Tây có khả năng thích ứng với ngôn ngữ âm nhạc truyền thống như violon, cello thì yêu cầu về sự hiểu biết đối với thang âm điệu thức truyền thống lại càng trở nên quan trọng. Ngoài thang âm điệu thức, cách nhấn âm, tạo mẫu âm mang đặc tính dân tộc cũng là những ngôn ngữ âm nhạc quan trọng để thể hiện hình tượng âm nhạc mà người nghệ sĩ biểu diễn cần phải biết sâu sắc.

Trên đây là một vài suy nghĩ có thể còn chưa đầy đủ về vai trò của người nghệ sĩ âm nhạc đối với việc thể hiện hình tượng âm nhạc, những yêu cầu cơ bản để thể hiện tác phẩm âm nhạc. Âm nhạc chuyên nghiệp Châu Âu đã hình thành trên ba thế kỷ (nếu tính từ thời hình thành âm nhạc cải cách). Tuy với thời gian còn rất ngắn nhưng nền âm nhạc chuyên nghiệp mới Việt Nam đã hình thành một đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn khí nhạc đông đảo có trình độ cao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển âm nhạc Việt Nam vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc đã hơn 50 năm qua.

M.V
(171/05-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng