Tạp chí Sông Hương - Số 171 (tháng 5)
Huyền thoại, sự thật và tiểu thuyết
10:16 | 14/05/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊ           (Đọc “Thân Trọng Một – con người huyền thoại” của Nguyễn Quang Hà)Đã từ lâu, tên tuổi anh hùng Thân Trọng Một trở nên thân quen với mọi người, nhất là với quân dân Thừa Thiên Huế; những “sự tích” về ông đã thành truyện “truyền kỳ” trong dân chúng và đã được giới thiệu trên nhiều sách báo. Tuy vậy, với “THÂN TRỌNG MỘT – CON NGƯỜI HUYỀN THOẠI”, lần đầu tiên, chân dung và những chiến công của ông đã được tái hiện một cách đầy đủ và sinh động nhất.
Huyền thoại, sự thật và tiểu thuyết
Anh hùng Thân Trọng Một

Thoạt nghĩ, cứ tưởng rằng viết về một con người đã trở thành huyền thoại như Thân Trọng Một sẽ có nhiều thuận lợi vì nhân vật đầy cá tính, các chiến công thì đều hấp dẫn...; nhưng ngẫm ra, nhà văn lại bị những điều đó “trói buộc”, không dễ “hư cấu” – một thủ pháp quan trọng trong nghệ thuật văn chương; hơn nữa, những “sự tích” truyền kỳ thường có “dị bản”, phải cân nhắc tìm hiểu công phu mới tìm ra sự thật; lại có “sự thật” rất thú vị với người cầm bút, với độc giả, nhưng vì lẽ này lẽ khác chưa tiện nói ra bây giờ...

Trong điều kiện ấy, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã chọn hình thức thể hiện như là một cuốn hồi ký (Trong “Lời cuối sách”, tác giả cũng gọi đây là “tập hồi ký”). Có điều độc đáo, đây là hồi ký của nhiều người – những người thân trong gia đình, các chiến hữu và bản thân tác giả - về anh hùng Thân Trọng Một, nên cuốn sách vừa phong phú sự kiện, chi tiết, phản ảnh được cuộc chiến đấu gian khổ và anh dũng của quân dân Thừa Thiên - Huế trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, vừa thể hiện được nhân vật từ nhiều góc nhìn khác nhau. Chúng ta không chỉ được biết những chiến công lẫy lừng của ông như các trận đánh trên đường tàu (thời chống Pháp), trận đánh vào Khách sạn Hương Giang (thời chống Mỹ) làm kẻ thù khiếp sợ, mà còn được “sống” cùng ông trong tình cảm yêu thương nồng cháy với gia đình, với chiến sĩ.

Qua 19 chương sách với 250 trang, Thân Trọng Một hiện ra trước mắt độc giả như một chiến sĩ quả cảm phi thường, đồng thời là một vị chỉ huy đầy tài năng và lòng nhân ái thật đặc biệt. Nhiều lần, trong thời kỳ gian khó nhất, chính là tình yêu thương chiến sĩ đói rét đã thôi thúc ông lập công (như trận đánh đồn An Lỗ, lột hết quần áo kẻ địch cho quân ta...) Ông nổi nóng, quát nạt, doạ cách chức cấp thuộc quyền cũng chỉ vì thương chiến sĩ bị đói trên điểm chốt; thậm chí ông thà chịu kỷ luật để có gạo cho lính ăn. Đối với cả kẻ đào ngũ do giao động trong chốc lát và vì bất bình với người chỉ huy kém cỏi, tình bao dung của ông đã đưa họ trở lại đội ngũ, trở thành anh hùng (Chương “Chuyện nhặt bên đường” – Theo lời kể của Hiệp, của Thảo Nguyên) Dòng chữ “Theo lời kể của...” dưới hầu hết các chương như là “nhân chứng”, giúp thuyết phục người đọc tin rằng huyền thoại về người anh hùng đều là sự thật, chứ không phải chuyện hoang đường.

Có lẽ chính nhờ những ưu điểm đó mà cuốn sách đã đồng thời được báo “Văn nghệ” (Hội Nhà văn Việt Nam) đăng nhiều kỳ và in cả ở Hà Nội (NXB Quân đội nhân dân) và Huế (Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh Thừa Thiên - Huế & NXB Thuận Hoá). Tuy vậy, người đọc và chính cả tác giả, cũng chưa thoả mãn. Một cuộc đời như của anh hùng Thân Trọng Một xứng đáng được viết đầy đủ và kỹ càng hơn nữa. Chúng ta vẫn còn thấy những “khoảng trống” hoặc những chỗ sơ sài. Thiết nghĩ chỉ riêng cuộc rút quân khỏi cứ điểm 815 (Chương “815 - Tháng 8 năm 1968”) đã có thể dựng thành một cuốn tiểu thuyết đầy chất bi tráng tựa như tiểu thuyết “Chiến bại” của nhà văn Liên Xô Pha-đê-ép, một cuộc lui quân nhưng lại làm nổi rõ phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ cách mạng. (Nhà văn Nguyễn Quang Hà cho biết, có chi tiết, sự kiện rất đáng miêu tả kỹ, nhưng ông chỉ viết qua vài dòng vì một sự “tế nhị” nào đó...)

Trong “Lời cuối sách”, tác giả đã tha thiết đề nghị bạn đọc cung cấp thêm những “huyền thoại” “còn nằm trong ký ức của nhân dân”, để khi có dịp sẽ hoàn chỉnh tập sách này. Như vậy, “Thân Trọng Một - con người huyền thoại” đang là một cuốn sách “mở”. Nhà văn đang chờ đợi tư liệu bổ sung và độc giả chờ một tác phẩm có chất lượng cao hơn - có thể đó sẽ là một cuốn tiểu thuyết với nhân vật chính là Thân Trọng Một, người anh hùng đã sống trong lòng nhân dân Thừa Thiên - Huế suốt nửa thế kỷ qua.

Trường An - Huế, 26/3/2003
N.K.P.
(171/05-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng