Tạp chí Sông Hương - Số 171 (tháng 5)
Cuộc chiến tranh Việt Nam - chiến tranh Iraq: nhìn từ phía bên kia
14:46 | 14/05/2009
HÀ KHÁNH CHINgày 20 - 3 - 2003, siêu cường lớn nhất mọi thời đại là đế quốc Hoa Kỳ đã mở đầu cuộc chiến tranh kỳ quái nhất trong lịch sử bằng cách tấn công Iraq sau khi đã bắt quốc gia này phải tự phá huỷ vũ khí tự vệ của chính họ. Đó là bài học chưa hề thấy về chút hy vọng cuối cùng mà lương tri nhân loại có thể đòi hỏi. Để có thể hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra hôm nay - có lẽ cũng rất cần ôn lại một trong những vấn đề lớn nhất mà loài người có thể nghĩ tới: cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây gần 30 năm.
Cuộc chiến tranh Việt Nam - chiến tranh Iraq: nhìn từ phía bên kia

Năm 1998, tại Hà Nội, được hỏi về thất bại của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Robert Mcnamara- cựu bộ trưởng quốc phòng, cựu chủ tịch Ngân hàng thế giới đã tỏ ra hơi thiếu kiềm chế khi quát lại phóng viên BBC: "Chẳng lẽ chúng tôi thua ư? 60.000 người Mỹ và bên kia là 3.600.000 người, ông nghĩ xem?".

Sự cay cú vì phải nuốt một viên thuốc đắng quả thật không dễ dàng dẫu ngay cả đối với một người đã trải qua rất lâu rồi cái tuổi "tri thiên mệnh". Lòng kiêu hãnh bị tổn thương, đó là cái duy nhất quan trọng phá huỷ chút khách quan cuối cùng trong tư duy luận chứng của Mc. Ông ta muốn đảo ngược một sự thật bằng cái chết của hàng triệu dân thường trong những đợt ném bom huỷ diệt hay "rải thảm" chất độc màu da cam của Mỹ. Tuy nhiên, sự ngụy biện của Mc là điều có thể hiểu được vì cho đến tận bây giờ, Hoa Kỳ chưa thực sự đầu hàng trước bất kỳ một đối thủ nào, trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào. Người Mỹ đã từng dạy cho người Pháp biết cách "rút lui trong danh dự", năm 1954. Cơ sở lý giải của Mc cũng không ít: Năm 1962 Hoa Kỳ đã tiễn đưa một cách rầm rộ cuộc rút lui của tên lửa Liên Xô ra khỏi Cu Ba. Hơn nữa, bằng chứng thật rõ ràng là Trung Quốc vĩ đại đến nhường ấy nhưng suốt hơn nửa thế kỷ đã không thể đi qua 200 km của eo biển Bành Hồ, để tới Đài Loan...

Năm 1965, khi đưa quân Mỹ vào Việt Nam, tổng thống Lyndon B. Johnson đã tuyên bố: "Chúng ta sẽ không mệt mỏi. Chúng ta sẽ không rút lui. Chúng ta sẽ không thể bị đánh bại"(1). Johnson đã chứng tỏ ông ta là người số một trong thế giới của những nhà ngữ học biết sử dụng ý nghĩa trào lộng và phung phí nhất của ngôn từ.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người Mỹ đều giống như thế. Một trong bốn bộ óc thông thái nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20 là Henry Kissinger, đã nhìn thấy sự thất bại hiển nhiên của Mỹ từ năm 1967 khi xuất bản cuốn sách: "Thế giới sau Việt Nam. Tương lai của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ"(2). Sách của Kissinger được in vào thời điểm đỉnh cao của chiến lược chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Đây có thể được coi là lời tiên tri chính thức đầu tiên về tình trạng "Người Mỹ không thắng tức là đã thua. Việt Cộng không thua tức là đã thắng". Năm 1969, sau Tết Mậu Thân, tân tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã tin vào nhận định của Kissinger, người sẽ ký Hiệp định Paris, chứng minh ngược điều mà cố tổng thống Johnson, (chết năm 1971) đã cam kết, rút quân Mỹ khỏi Việt Nam.

Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã, đang và sẽ cho giới cầm quyền Mỹ những bài học đáng giá:

- Mỹ không thể thắng một dân tộc quyết tâm, bền bỉ; có đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp cách mạng sáng tạo.

- Trong một thế giới mà sức mạnh của Mỹ bị kiềm chế (bởi khả năng quân sự của Liên Xô, Trung Quốc), thì Mỹ buộc phải nhượng bộ dù vẫn đủ khả năng để thực hiện nước cờ mạo hiểm nhất.
- "Hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định đến thắng lợi của chiến tranh hiện đại"; nguyên tắc do Lê nin đề ra đã được kiểm nghiệm một cách đầy thuyết phục ở Việt Nam.

Bài học thứ ba rất có thể là bài học quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo Mỹ. Trong thế chiến thứ hai, nước Mỹ đã góp phần quyết định đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức khi phá huỷ gần hết những nhà máy sản xuất vòng bi cho xe tăng và những cơ sở tinh chế dầu cho máy bay của Hitler. 20 năm sau, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã không chịu hiểu rằng, để đánh bại Mỹ, Việt Nam chỉ cần vài chục chiếc máy bay,và đôi khi có cả xe tăng. Hậu phương trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã và sẽ là một hậu phương chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Đó là sức sống mãnh liệt của chiến tranh nhân dân "Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi thôn xóm là một pháo đài" (Hồ Chí Minh); là hệ thống xã hội chủ nghĩa và cả loài người tiến bộ trên toàn thế giới. Đảng, chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thường xuyên củng cố, phát triển hậu phương của mình bằng nền ngoại giao tiết kiệm đầy ấn tượng ngay trong thời kỳ mà sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc là gay gắt nhất. Đó là mẫu mực của trí tuệ được kết hợp một cách tuyệt vời với sức mạnh của chính nghĩa; cũng như từ cách phân tích sắc sảo những biến động thực và ảo của một thế giới mà những chen lấn giữa quyền lực và quyền lợi được diễn ra với một tốc độ chóng mặt. Sự mềm dẻo và linh hoạt là cách ứng xử đầy hiệu quả để con người có thể tạo ra lịch sử của chính mình. Việt Nam là dẫn chứng đáng suy ngẫm về sự tương phản giữa một nền kinh tế lạc hậu đối nghịch tột cùng với năng lực sáng tạo phi thường.

Từ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã sửa chữa sai lầm một cách đáng chú ý vào năm 2001, ở cuộc chiến Afganistan. Taliban đã bị cô lập tuyệt đối, bởi chính họ và, bởi những nỗ lực ngoại giao nhiều sức mạnh của Mỹ.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong cách nghĩ - hiểu của mỗi người dân Mỹ. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (1977 - 1981) đã làm được điều mà trước đó hàng ngàn năm chưa ai làm được: ông là người đầu tiên trên trái đất này dựng tượng đài để kỷ niệm một thất bại - Đài kỷ niệm chiến tranh Việt Nam. Bức tường chìm sâu một phần dưới lòng đất xuất phát từ hướng Lầu năm góc, vươn ra như hai lưỡi dao nhọn sắc của hai nét chữ V "đâm" thẳng vào Nhà Trắng và điện Capitol - tự nó đã diễn tả một cách đầy đủ nỗi đau của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Những khuôn mặt ủ ê, chán chường và đầy mệt mỏi của ba người lính trong cụm tượng đài đó như kéo dài thêm những bước lê chân trĩu nặng của quá khứ được đặt tên là Việt Nam sẽ mãi đeo đuổi (và nhắc nhở) người Mỹ trong thế giới này.

Sự thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã đẩy giới cầm quyền Mỹ ngày càng đi đến gần hơn tới chỗ cực đoan: Quyết liệt và tàn bạo hơn; đó là nguyên tắc của mọi cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành, kể từ năm 1975. Đặc biệt, ngày 20 - 3 - 2003 Mỹ đã ngang nhiên tự cho mình "quyền" tấn công vào thủ đô Baghdad của Iraq mà không cần đến bất kỳ một sự nhất trí nào của Liên hợp quốc.Nhân loại đang đứng rất gần một tương lai mà sự bình đẳng giữa các quốc gia là điều sẽ làm cho lương tri của mỗi một con người trở thành cái dễ tổn thương nhất. Rất có thể trong tương lai không xa đó, sự quẫy đạp của lòng tự trọng và những tham vọng quyền lực sẽ làm bùng nổ những cuộc chiến tranh khủng khiếp. Một khi vũ khí hạt nhân lên tiếng thì cả người chiến thắng lẫn kẻ chiến bại - và tất nhiên,ngay cả người làm chứng cũng không còn,như Zbignew Brzezinsky đã nói.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã tạo nên sự phân hoá sâu sắc chưa từng có trong xã hội Mỹ. Hoa Kỳ đã không thể nào hiểu nổi vì sao một nền kinh tế - công nghiệp quân sự hùng mạnh như thế lại có thể bại trận trước nền văn minh đang ở trong "thời kỳ đồ đá"(!)

Khả năng chịu đựng và vượt qua của dân tộc Việt Nam là một trong những vấn đề khó lý giải nhất của lịch sử. Dưới góc nhìn của địa-văn hoá thì tảng đá lãnh thổ Trung Hoa đã từng đè nặng lên tấm bản đồ của người Việt tự rất lâu rồi nhưng có lẽ chỉ làm cho nó oằn xuống màì,vẫn mãi vẹn nguyên bản sắc của nền văn hoá Việt.

Chiến thắng của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một trong số rất ít những chân lý của thời hiện đại: Một dân tộc dù nhỏ yếu đến đâu, vẫn có thể chiến thắng kẻ thù hung hãn nhất nếu có đường lối cách mạng đúng đắn, có quyết tâm và có phương pháp cách mạng sáng tạo. Phải mất 27 năm người Mỹ mới có thể nhìn thấy chân lý đó. Ngày 10 - 6 - 2002, tại New York, Colin Powell đã phát biểu đầy cảm xúc: "Tôi đã đến Việt Nam vào ngày Noel năm 1969 - một đại uý trẻ được cử đi chiến đấu trong cái sẽ trở thành cuộc chiến tranh dài nhấtduy nhất bị thất bại của Mỹ"(3). Đây là lần đầu tiên một chính khách Mỹ công khai thừa nhận thất bại. Hơn thế nữa, đó là một người từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng liên quân trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và bây giờ, là đương kim ngoại trưởng Hoa Kỳ. Colin Powell là người có đủ mọi tư cách để đánh giá đúng về một cuộc chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam mà ông ta đã trải qua.

H.K.C
(171/05-03)

-------------------------------
 (1) Far Eastern Economic Revew, tháng 3- 1965, nguyên văn: " We will not tired. We will not withdraw. We will not defeated."
(2) The World after Vietnam. The Future of US Foreign Policy...
(3) Mỹ: những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại (phần 2); TTX Việt Nam, TLTK số 10-2002, tr.29.

Các bài mới
Các bài đã đăng