Tạp chí Sông Hương - Số 171 (tháng 5)
Trên đồi Kà Mạ
16:08 | 14/05/2009
NGUYỄN THÁNH NGÃĐêm nay trăng nhão, không biết là đêm trăng gì. Ở xa nhìn về đồi Kà Mạ vẫn một khối đen sì. Nếu có ai nhướn mắt nhìn thật kỹ sẽ thấy cái khối đen sì ấy nhô lên như một cái đầu người đôi mắt lấp láy đom đóm. Thỉnh thoảng gió hất cái đầu tóc rối bù xù bay về phía ruộng. Tiếng chim cú kêu mỗi lúc một thê lương, ớn lạnh từng đốt xương sống...
Trên đồi Kà Mạ

Kà Mạ là tên thật của lão, nhưng cũng có người gọi là Cò Ma, thứ nhất là cho dễ kêu, thứ hai là trông bộ dạng nhếch nhác, thất thểu của lão thì đúng là một con Cò Ma thật. Lão hành nghề thầy mo đã mấy chục năm rồi, cái nghề bí truyền của dòng họ cho đến đời lão mới được phát đạt. Lão làm chủ nguyên một quả đồi màu mỡ nổi lên giữa cánh đồng xanh tốt. Quả đồi còn mang trên mình nó dấu tích của người xưa. Rõ nhất là một nghĩa địa, nơi chôn cất nhiều thế hệ đi qua với phần của cải chia cho người khuất núi như: chum ché, nồi niêu, chén bát... Lão canh giữ cái di sản ấy với nhiều bí thuật ma quái khiến người nhập cư không ai dám bén mảng tới đây.

Vợ thầy mo là một người Kinh với dòng lý lịch cụt ngủn: Mệ Lượm! Mệ Lượm có nước da trắng như phấn. Chỉ bấy nhiêu thôi đã là một thứ của quý đối với những cô gái bản địa. Có điều đôi mắt của Mệ Lượm không được trong, luôn có những tia máu đỏ chạy quanh cái nhìn; và cái miệng hơi to không đủ sức giấu hai hàm răng đẹp như những hạt bắp, khắng khít, không hở một kẽ nào. Người ta nói mẹ của Mệ Lượm có nhiều ma ngải mới mua được Mệ Lượm từ nhỏ và lớn lên bắt cái chồng cho Mệ Lượm là lão Kà Mạ bấy giờ. Nhưng trong cái bụng của Cò Ma có nhiều con ma ở quá, Mệ Lượm phải một thời lao đao dở sống dở chết với lũ yêu ma của chồng. Mà Mệ Lượm lại là chủ nhà nên nó quấy, nó vật Mệ Lượm tơi bời, Mệ Lượm trở thành bà điên của buôn K'Ràng. Người điên đâu biết sợ ma nên cái nghĩa địa kia vô tình đã trở thành nơi ăn ở, đi về của Mệ Lượm. Đêm đêm Mệ rú lên. Tiếng rú vọng xa ba quả đồi, dội trong từng hốc núi từng hồi kinh dị. Ấy là những đêm có trăng, lũ chó sủa rời rạc vào hư không nghe buồn một nỗi buồn trống rỗng, trống đến tan ra từng mảnh vụn rồi lại nhập lại, rồi tan ra nhập lại tận vô biên. Cho đến một buổi trưa nào đó người ta thấy Mệ Lượm ôm một khúc cây đi xuống mé sông. Bình thường Mệ Lượm rất sợ nước, nhưng như có ma xui khiến, Mệ ôm khúc gỗ nhảy ùm xuống sông và biến mất... Cứ thế, người ta thấy Mệ Lượm xuất hiện, nhảy sông rồi biến mất. Và lại xuất hiện. Một hôm trở trời Mệ Lượm đi đứng không được bình thường nữa, người ta mới vỡ lẽ ra là Mệ Lượm có mang. Cái tin khủng khiếp ấy bay đến tai lão Kà Mạ trong lúc lão đang nhập đồng nhập cốt.

Mệ Lượm trở nên hiền dịu trong cái ổ rơm mà 1ão Kà Mạ lót cho ở một góc vườn có con suối nhỏ róc rách chảy ra bờ ruộng; rồi từ bờ ruộng um tùm hai hàng chuối xanh mát con nước nhỏ ấy lại đổ ra bờ sông. Mệ đã mò cua bắt ốc ở đấy trong suốt thời gian ở cữ. Những buổi trưa nồng nàn hơi thở của ruộng, lũ chim chào mào thường sà xuống hai hàng chuối, í ới gọi nhau mổ những quả chuối chín muồi không có người đến hái. Thỉnh thoảng trong không gian tĩnh mịch, người ta nghe tiếng khóc của trẻ con từ những đám mây bay thấp là là, luôn biến đổi thành hình những con vật thời tiền sử.

Ở giữa một quả đồi biệt lập và cái không gian u ám đó, Xinh Hương vẫn cứ lớn lên trong khi thằng anh sinh đôi với nó cứ ngày một gầy còm chỉ còn da bọc xương. Có một điều khiến lão Kà Mạ lo sợ không dám cúng cái tên gọi cho con là: da thằng bé nhăn nheo xám và mọc lông như lông khỉ. Lão luôn quay mặt đi không dám nhìn thằng bé khi nó nhe răng khóc. Tiếng khóc lí chí lóe chóe như con khỉ con bị thương. Lão đổ dồn hết tình thương cho Xinh Hương. Con bé láu lỉnh có đôi mắt đen láy hoang dại, tóc xoăn tít và màu da đẹp như hoa phong lan. Con bé được mang họ của bà ngoại nó khi bà để lại cho nó một cái ché quý. Ché cũ kỹ đã bao đời nhưng với hàng hoa văn đen bóng mờ nhạt chứng tỏ nó đã năm bảy đời truyền lại. Trong nhà lão Kà Mạ có rất nhiều ché quý nhưng cái ché này quý hơn cả, là phần cho con gái. Tuy nhiên tận trong thâm tâm lão có một câu hỏi chưa vỡ lẽ ra. Đấy là lão tự hỏi lão: Ai là cha thật của hai đứa bé?

Mệ Lượm hàng ngày vẫn nuôi con như một phụ nữ dịu dàng. Cơn điên của Mệ không biết lý do nào đã lắng xuống, tỉnh táo, nên Mệ thường nở nụ cười tủm tỉm với con và với lão Kà Mạ nữa. Những lúc như thế lão thấy vợ thật đáng yêu và cái câu hỏi ngắc ngứ kia lại tan biến đi. Lão không dám hỏi. Và sẽ không bao giờ dám hé răng bởi lão đang thừa hưởng một thứ hạnh phúc mà lão không ngờ. Lão đương nhiên là cha đẻ của thằng bé Khỉ và Xinh Hương. Hương là lão đặt tên theo cái gốc của mẹ nó. Vì lão ngửi được cái mùi sữa thơm tho từ đôi môi đỏ mọng của con bé tỏa ra. Riêng Mệ Lượm rất thích thú cái tên Hương. Hình như nó gợi nhớ cái kí ức mù mờ trong lòng Mệ. Mệ là một hài nhi trôi dạt ở một bến sông, rồi người ta lượm Mệ lên nuôi nấng và bán Mệ trong một chuyến buôn dài ngày ở miền núi. Giờ đây Mệ thông thạo cả hai thứ tiếng, tiếng Kinh và tiếng dân tộc bản địa. Mệ Lượm đã sống hết cái quãng đời đẹp nhất của Mệ ở đây và trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, Mệ nhận ra ở con người những cái ấm cúng và những cái phũ phàng. Mệ đang mở lòng ra giữa cái không gian yên ả, hít thở khí trời dịu mát, Mệ sung sướng nhận ra mình được làm mẹ qua một cơn điên...

Tiết trời chuyển dần sang thu, nhan sắc của Mệ Lượm tự nhiên đẹp lên một cách không tưởng. Mái tóc rũ chấm gót ngày xưa giờ đã được cắt ngắn ngang vai. Lão Kà Mạ thấy thế thì sung sướng lắm. Lão không nghĩ gì đến cái thân nhếch nhác của mình. Vì thế khi ngang qua hàng quần áo ở chợ Quận lão đã mua cho vợ hai bộ quần áo còn khét mùi thuốc tẩy. Năm ấy ở những buôn nghèo đói, người bản địa thường rủ nhau lên rừng đốt rẫy làm nương và săn bắn thú rừng. Những đụn khói đen cao ngất trời mang theo những tàn tro rắc xuống cánh đồng. Lão Kà Mạ đứng nhìn theo khói, nhớ lại một thời thanh niên bàn chân dậm khắp rừng rú Tây Nguyên. Lão bỗng thèm một tấm da lợn rừng, một miếng nai khô nướng với ống rượu cần trong ngày hội cồng chiêng... Bỗng hai vành tai lão động đậy, xa xa có tiếng reo hò của một cuộc đi săn. Tiếng reo ngày càng rõ. Và trước mắt lão đám thợ săn từ hướng núi Chưyangsin đổ về, trong tay họ là gậy gộc, cung tên và những mũi dao nhọn khoắm. Hai con hoẵng da lưng vàng cháy như nắng chiều đang lao nhanh về quả đồi của lão. Chân lão run lên, tay và miệng lão không cản được đám thợ săn. Lão ngất đi trong tiếng reo hò. Khi tỉnh dậy lão mơ hồ thấy mình bị lạc trong một cái hang tối đen. Lão quờ quạng tìm đường ra nhưng trước mặt là một dòng sông chảy xiết. Nước cuộn mình ào ào qua những hang đá rong rêu. Lão giật mình quay lại bởi tiếng khóc xé lòng của ai đó vang i ỉ trong hang hốc, trong vách đá âm ẩm hơi nước. Lão đi men theo tiếng khóc vì nghĩ rằng nơi đó có người ắt có lối ra. Con đường gồ ghề đá cuội càng ngày càng dẫn lên cao, những tia sáng xanh lục đã hé dần. Nhưng đôi mắt lão, đôi mắt già nua chợt như đứng tròng khi qua một vách ngăn lão thấy vợ lão đang ôm một cái xác chết khóc thảm thương. Máu lão sôi lên, lão nhảy chồm đến trước mặt vợ, và máu lão chợt nguội lạnh đến độ lão đổ gục xuống khi nhận ra cái xác chết là một con khỉ đột đã bị đâm xuyên qua ngực, máu đóng thành cục, chảy luênh loáng trên tay người đàn bà đẹp, thấm vào chiếc áo mới mua... Từ đấy lão Kà Mạ câm hẳn. Lão chỉ ú ớ đưa hai ngón tay lên ra hiệu. Có người giải thích rằng không phải một sự kiện làm cho lão Kà Mạ câm luôn mà tới hai sự kiện quá lớn khiến lão không chịu đựng nổi. Đó là con khỉ đột bị giết và đứa bé Khỉ cũng bị đám thợ săn bắt đi mất. Hễ nhớ tới hai sự việc ấy lão thường ôm một cái tượng mộ nhảy xuống sông trôi vào cửa hang đến trước nấm mộ của con khỉ đột khóc than. Thỉnh thoảng lão khọt khẹt thứ tiếng của loài khỉ u uất rồi đu người lên những rễ cây leo lên mặt đất.

Ở đời có những thứ ngược ngạo khó tin. Ví như người điên thì làm sao làm ra một cắc bạc. Ấy vậy mà lão Kà Mạ giàu lên nhờ cơn điên. Vốn làm nghề thầy mo lâu năm, càng điên lão càng cao tay ấn. Những con bệnh ngớ ngẩn đi long rong đến những con bệnh cởi hết quần áo không còn biết mắc cỡ là gì lão Kà Mạ vẫn chữa được. Nghe nói nấm mộ Khỉ Đột rất linh thiêng, bao con bệnh được lão dắt tới đó khấn vái đều đã khỏi. Còn Mệ Lượm bây giờ đã đứng ra cai quản cái cơ nghiệp của dòng họ: Mệ Lượm đã được Khỉ Đột truyền dạy một món thuốc lá rất công hiệu để bó tay chân trặc trẹo, té gãy. Vì vậy công việc làm ăn của hai vợ chồng Mệ ngày càng khấm khá.

Xinh Hương lớn lên rất xinh đẹp. Tuy là bông hoa của núi rừng nhưng Xinh Hương có một nét đẹp rất quý phái với giọng hát hay không ai bằng. Một ngày hoa pơlang nở đỏ cả triền sông Con Gái, Xinh Hương gặp một chàng họa sĩ. Mê mẩn trước sắc đẹp của Xinh Hương chàng họa sĩ đã ở lại buôn K'Ràng ba tháng trời để vẽ. Những bức tranh của chàng đều có bóng dáng của Xinh Hương. Nhất là bức tranh khỏa thân làm xôn xao làng trên xóm dưới. Những tiếng xì xào tiếc rẻ, những tiếng xì xầm chê trách và cả những giọng cười dè bỉu châm chọc vang lên khắp buôn làng. Già làng K'Bri đã bắt đền Mệ Lượm một con trâu hai gang sừng và tuyên bố đuổi Xinh Hương cùng với tay họa sĩ nọ ra khỏi buôn. Đó là cái ngày định mệnh của Xinh Hương, mới mười sáu tuổi đầu Xinh Hương đã lẻn trốn trong đêm ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình cùng chàng họa sĩ ngây ngô...

Sau cái đêm ấy, K'Riều không còn được nghe tiếng hát của người yêu réo rắt bên sông. Chàng thường buồn bã đi thơ thẩn từ hang nghĩa địa đến bờ sông. Chàng bắt được trong gió cái mùi thơm từ mái tóc của Xinh Hương. Chàng cắm đầu chạy miết... lên đỉnh đồi Trọc, và những tiếng hú vang dội chạy qua bảy sắc cầu vồng tỏa đi rất xa. Rồi K'Riều lại về, thổi tiếp một đoạn khèn bầu tưởng nhớ Xinh Hương. Những điệu khèn xót nghẹn 1àm bối rối những sợi hoàng hôn đang phát ra luồng ánh sáng sung mãn nhất để rồi lịm tắt. K'Riều cho rằng thứ ánh sáng ma diệu ấy là ánh mắt của Xinh Hương âu yếm nhìn chàng. Vì thế thứ âm nhạc bồng bềnh phát ra từ chàng là một thứ âm nhạc trạng thái. Nó hư ảo như sương và đắm đuối như chiều. Nó nhớ như mưa rừng rỉ rích và nó hạnh phúc như nắm bắt được. Hàng ngày nó phủ dụ K'Riều đến gầy rạc. Chỉ còn có đôi mắt mờ như khói chợt sáng lên như đóm lửa khi có ai vô tình nhắc đến Xinh Hương. Lão Kà Mạ đã dắt K'Riều đến trước mộ Khỉ Đột vào một buổi chiều. Và sáng hôm sau K'Riều đã quyết chí ra đi... Bố K'Riều và già làng đến bắt tội Kà Mạ. Lão nổi giận điều âm binh, khiển tướng gỗ đánh lại Già làng. Nhưng Già làng xé áo để lộ một chuỗi răng cọp và cặp nanh heo rừng to bằng cổ tay em bé. Âm binh của Kà Mạ không làm gì được bèn rút lui. Đêm đó lão Kà Mạ bê một cái đầu heo cùng ché rượu quý đến mộ Khỉ Đột. Lão uống say và vật nhau với Khỉ Đột Không hiểu sao cái đầu của lão mắc trên cành cây xoài rừng, cái xác nằm chèo queo dưới đất. Từ đó mộ Khỉ Đột có hai nấm nằm song đôi với nhau, một nấm lớn một nấm nhỏ. Người ta đồn mộ Khỉ Đột không còn linh thiêng nữa nên việc làm ăn của Mệ Lượm cũng sa sút dần.

Đêm đêm cái đầu của lão Kà Mạ hiện về trên cây càng về khuya càng to dần như cái đầu của một ông khổng lồ nổi lên giữa đồi. Mệ Lượm sợ quá đã bỏ vào trong làng, Mệ không quên đem theo cái ché quý của Xinh Hương. Khi nhớ Xinh Hương Mệ khóc, nước mắt nhỏ vào miệng ché. Lâu ngày Mệ nghe cái ché biết nói. Mệ đã hỏi và cái ché linh thiêng trả lời rằng Xinh Hương còn sống, K'Riều còn sống... Lão Kà Mạ đã biến thành con cò ma đứng một chân thẫn thờ nhìn nước chảy.

Bẵng đi hai mươi năm, sau nhiều sự kiện trọng đại diễn ra. Tây Nguyên giờ đã có điện. Người nước ngoài vào làm ăn buôn bán du lịch tấp nập. Người ta thấy có đôi vợ chồng một người Pháp tìm đến Buôn K'Ràng. Người chồng cao lớn mặt mày râu tóc rậm đen. Đôi mắt tròn xoe đẹp như hai hòn bi ve. Người vợ trông rất quý phái và lãng mạn. Đôi mắt lại ẩn chứa một nỗi buồn không biên giới. Họ được bọn trẻ con giới thiệu với ông chủ tịch xã K'Riều...

Đêm đó trong cái nhà sàn nhỏ nhắn của cụ Mệ Lượm, dân ở Buôn K'Ràng từ bé đến lớn bu đông nghẹt. Tiếng khóc tiếng cười lẫn lộn vào nhau. Ông Chủ tịch K'Riều quệt nước mắt phân bua với bà con dân làng rằng bà Xinh Hương và ông Bé Khỉ đã trở về... Bà cụ Lượm tuy mừng mừng tủi tủi nhưng vẫn bán tín bán nghi. Bởi bà không muốn cái kết cuộc quá vui mừng mà cũng quá xót xa như thế. Bà khệ nệ bưng cái ché gia truyền ra giữa nhà đặt lên chiếc chiếu cói hoa văn. Bà chu miệng vào ché hỏi: "Có thật là Xinh Hương và thằng Bé Khỉ đã về không hở Yàng?". Những giọt nước mắt già nua lăn vào miệng ché. Mãi lâu cái ché lắc lư nhưng không tiếng trả lời. Bà Xinh Hương đưa tay đụng vào ché, cái ché bỗng vỡ ra sáu mảnh trước sự kinh ngạc của mọi người. Điều kinh ngạc hơn nữa: sáu viên đá lấp lánh ngũ sắc cùng lăn xuống cái đế ché bằng vàng...

Lâm Hà, cuối tháng 4 năm 2002
N.T.N
(171/05-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng