Tạp chí Sông Hương - Số 171 (tháng 5)
Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp
10:05 | 18/05/2009
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP...Nguyễn Huy Thiệp không phải là người duy nhất đổi mới phương thức trần thuật. Trước ông đã có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng... tích cực mở đường. Nhưng phải đến Nguyễn Huy Thiệp thì sự khai phóng về tư tưởng nghệ thuật mới được thể hiện một cách đậm nét. Tất cả được Nguyễn Huy Thiệp kiến tạo qua một trò chơi đầy tính bất ngờ. Giống như người nghệ sĩ ba lê tài năng, Nguyễn Huy Thiệp trình diễn một thế giới đa sắc trên đầu những đầu mũi ngón chân. Những ngón chân ấy bám trụ vào hiện thực một cách tinh diệu, xoay chuyển một cách nhịp nhàng với những vòng quay, những vũ điệu ngôn từ...
Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp

1. Mỗi lần đọc Nguyễn Huy Thiệp, tôi lại nhớ đến câu văn khép lại Cuốn theo chiều gió của M.Margaret: Ngày mai là một ngày khác. Cách đây hơn hai nghìn năm, Heraclic cũng nhấn mạnh sự thay đổi trong nhận thức của chủ thể qua một triết lý: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Cũng phải, văn chương Nguyễn Huy Thiệp có khả năng gây ngạc nhiên. Ngạc nhiên này kéo theo ngạc nhiên khác. Mỗi lần đọc lại Nguyễn Huy Thiệp là một lần ta thấy cái khối vuông ru bích ấy chuyển động. Gắn với sự chuyển động của nó là những độ mở mới, màu sắc mới và những trữ lượng ngữ nghĩa nghệ thuật mới được khai lộ. Nhưng dường như phía sau "tảng băng trôi" ấy vẫn còn nhiều bí mật mà không dễ gì nhận biết một cách rạch ròi. Hành trình "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp", vì thế, vẫn còn tiếp tục.

Gia tài văn chương Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu là truyện ngắn. Nhưng điều đáng chú ý là mỗi một truyện ngắn của ông lại mang sức nén của một tiểu thuyết trường thiên. Diễn đạt gọn hơn, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được viết bằng tư duy tiểu thuyết. Nói điều này không ít người nhếch mép: truyện ngắn là truyện ngắn, tiểu thuyết là tiểu thuyết, làm sao có thể lẫn lộn những điều sơ đẳng ấy! Nhưng sự thật là thế. Văn học ta không thiếu gì tiểu thuyết, nhưng lại quá ít tác phẩm mang chiều sâu của một tư duy tiểu thuyết đích thực. Phần lớn đó là những truyện kể kéo dài. Tôi không có ý định chê bai tài năng của các nhà tiểu thuyết (vì trên thực tế đã có những tiểu thuyết thành công của Vũ Trọng Phụng, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh...). Nhưng nếu làm một phép so sánh thì thế này: nền văn học ta có khá nhiều truyện ngắn xuất sắc trong khi thành công về phương diện tiểu thuyết chưa nhiều.

Nhìn ra ngoài bờ cõi, ta không thấy thẹn lắm khi nói về truyện ngắn nếu không muốn nói là ta có quyền tự hào. Văn học ta trước đây nhiều khi quá nghiêng về khách thể phản ánh mà chưa thực sự chú ý đến sự năng sản của chủ thể sáng tạo. Bởi thế, khi Nguyễn Huy Thiệp và một số cây bút khác xuất hiện, cái quán tính văn học viết theo những mô hình định sẵn trước đây dừng lại một cách thật đột ngột. Nguyễn Khải có lần thốt lên khi đọc Nguyễn Huy Thiệp: viết thế này hoặc là cỡ thiên tài hoặc là ma quỷ. Ma thì chắc là không. Thiên tài thì khoan hẵng khẳng định. Lời nhận xét của bậc đàn anh trong văn giới này một mặt khẳng định tài năng Nguyễn Huy Thiệp, mặt khác, quan trọng hơn, là lời thú nhận trước một thực tế hiển nhiên: cần phải "giã từ vũ khí", giã từ bút pháp quen thuộc của một "thời lãng mạn". Dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc phải viết như Nguyễn Huy Thiệp mà điều cấp thiết hơn nằm ở chỗ: phải viết khác đi so với những gì trước đây đã từng viết. Vì viết, xét đến cùng phải là một hình thức làm/ tự làm mới. Khi không có cái mới (và hay) thì văn chương cơ hồ không còn sức sống.

2. Nguyễn Huy Thiệp là kẻ dám tạo nên một sân chơi mới và dẫn người đọc bước vào một thế giới quen ít lạ nhiều. Thế giới ấy được xây dựng bởi tiếng gọi của trò chơi (1). Nghĩa là ông hình dung lịch sử theo cách riêng của mình chứ không nhìn lịch sử theo kiểu biên niên, ông cũng không đi theo lối mòn tô hồng khi nói về vĩ nhân và bôi đen khi nói về những nhân vật "có vấn đề". Nghĩa là Nguyễn Huy Thiệp không thật sự "tâm phục khẩu phục" trước những giá trị mà cộng đồng vẫn thường thừa nhận như một lẽ hiển nhiên. Tất cả các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp được đặt trong cùng một tọa độ soi ngắm và được lột tả bằng cái nhìn đa diện. Giống như Vũ Trọng Phụng trước đây, Nguyễn Huy Thiệp nhất quán với quan niệm văn chương là "sự thật ở đời". Bởi thế, ngay cả vĩ nhân cũng được hình dung qua khoảng cách thẩm mĩ mà tiểu thuyết hiện đại vẫn quen dùng: quan hệ suồng sã phi sử thi. Thành ra, những cuộc tranh cãi quyết liệt xung quanh các tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, nếu có, cũng là chuyện thường tình. Đơn giản, mô hình nghệ thuật do Nguyễn Huy Thiệp xác lập khác xa với những mô hình quen thuộc đã từng có trước đây.

Điều thú vị là ở chỗ, dù các ý kiến về Nguyễn Huy Thiệp rất khác xa nhau, thậm chí trái ngược nhau nhưng cuối cùng lại gặp nhau ở một điểm: thừa nhận văn tài của Nguyễn Huy Thiệp! Dĩ nhiên Nguyễn Huy Thiệp không phải là người duy nhất đổi mới phương thức trần thuật. Trước ông đã có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng... tích cực mở đường. Nhưng phải đến Nguyễn Huy Thiệp thì sự khai phóng về tư tưởng nghệ thuật mới được thể hiện một cách đậm nét. Tất cả được Nguyễn Huy Thiệp kiến tạo qua một trò chơi đầy tính bất ngờ. Giống như người nghệ sĩ ba lê tài năng, Nguyễn Huy Thiệp trình diễn một thế giới đa sắc trên đầu những đầu mũi ngón chân. Những ngón chân ấy bám trụ vào hiện thực một cách tinh diệu, xoay chuyển một cách nhịp nhàng với những vòng quay, những vũ điệu ngôn từ.

Muốn viết được những trang văn ám ảnh, nhà văn không chỉ trông chờ vào ngẫu hứng, anh ta còn phải biết tổ chức một cách công phu để cái thế giới nghệ thuật ấy thể hiện một cách chính xác và thuyết phục nhất tư tưởng của anh ta về đời sống, về thế thái nhân tình. Trong quá trình ấy, việc lựa chọn giọng điệu cho tác phẩm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi giọng điệu mang chứa thái độ của nhà văn về đời sống, thể hiện cái nhìn độc đáo của nhà văn khi khám phá hiện thực. Còn nhớ khi viết Sự tích ngày đẹp trời, Hoà Vang cũng từng gây bất ngờ khi nhìn đối tượng bằng cách lật ngược những thông lệ: biện minh cho kẻ thất thế trong cuộc đấu tranh giành người đẹp. Nhà văn giải mã huyền thoại Sơn Tinh, Thuỷ Tinh theo một lôgic khác với những gì mọi người thường hình dung. Vượt qua cách hiểu đắp đê chống lụt là lớp nghĩa cơ bản của truyền thuyết này, Hoà Vang đã nhìn chuyện tình tay ba này theo cái nhìn nhân bản. Ông đã mở ra những hàm lượng nghĩa mới trên nền tảng những "siêu mẫu" trong văn học quá khứ. Mối tình dành cho Mỵ Nương của Sơn Tinh chắc gì đã sâu nặng hơn so với Thuỷ Tinh? Nếu Hoà Vang và một số nhà văn khác thi thoảng đi chệch khỏi quỹ đạo quy phạm thì Nguyễn Huy Thiệp là người đã thoát hẳn kiểu tư duy quy phạm ấy.

Là một trong những cây bút nhạy cảm nhất của thời đại mình, Nguyễn Huy Thiệp luôn luôn lật ngược vấn đề, thoát ra ngoài những chuẩn mực thông thường và xác định cái giá trị nhân thế bằng những tưởng tượng phong phú ken dày các huyền thoại, các biểu tượng, các yếu tố dân gian. Tất cả được nhào nặn, tái tạo một cách hợp lý bằng tư duy tiểu thuyết. Công việc của Nguyễn Huy Thiệp làm ta nhớ đến ám ảnh của M. Kundera khi cây tiểu thuyết trứ danh này khẳng định ông đặc biệt nhạy cảm với tiếng gọi của trò chơi. Bản chất của trò chơi nghệ thuật là tạo nên một mô hình đời sống bằng trí tưởng tượng phong phú trên cơ sở "những điều trông thấy"... Mỗi một nhà văn đích thực bao giờ cũng đồng thời là một nhà tư tưởng, tác phẩm của anh ta phải đạt tới một tầm cao tư tưởng nào đó. Nhưng đó không phải là tư tưởng bằng tư duy luận lý mà bằng sức mạnh của ngôn từ. Ngôn từ không chỉ được hình dung như vật liệu tải chở nội dung mà bản thân nó có thể làm nẩy sinh tư tưởng. Chính vì tạo nên một thế giới mang đặc điểm trò chơi nên thế giới nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp không tựa vào cốt truyện kiểu có đầu có cuối như văn học truyền thống mà mang vẻ mặt hỗn độn hơn nhiều.

Thế giới ấy có cả "vua gà vua vịt", đầy bát nháo vì "không có vua", có sự giả trá, nhập nhèm: "Cái tay Bường này, tôi biết, khi hắn lý giải về sự sống nói chung, bao giờ hắn cũng minh triết, bao giờ hắn cũng cố gắng để giữ cốt cách thanh cao về mặt nhân cách. Thế nhưng đời thực của hắn thì như cứt chó. Không sao ngửi được". Các sợi dây thiết chế, các mối quan hệ xã hội, các tôn ty được xây dựng ngàn năm bỗng chốc "mất dấu". Không xây dựng nhân vật theo lối phân tuyến địch - ta, đen - trắng, xấu - tốt... mà đặt nhân vật trong nhiều quan hệ khác nhau, Nguyễn Huy Thiệp vừa nói lên được con người xã hội vừa nói được con người nhân tính. Sự hỗn độn trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp đã giúp người đọc hình dung một cách sâu hơn chân dung cuộc sống trong tính đa dạng và toàn vẹn của nó. Và nếu hiểu như thế thì "Tướng về hưu" chính là một trạng thái khác, một biểu hiện khác của cái gọi là "không có vua" mà thôi. Hệ quả của nó là các giá trị và các tôn ti xã hội trở nên "bát nháo", các niềm tin ngây thơ đã bị tước đoạt. Xem ra, hệ thống biểu tượng nghệ thuật này có phần gần gũi với tư tưởng "Thượng đế đã chết". Trong hoàn cảnh ấy, con người trở nên hoang mang và niềm tin chưa biết gửi về đâu.

Chính vì sân khấu văn học Nguyễn Huy Thiệp dựng lên theo một nguyên tắc khác lạ nên đã làm rối lòng không ít những cách đọc đơn giản chỉ chực tìm cách đối chiếu xem văn học có giống cuộc đời hay không. Hiện thực trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là thứ hiện thực tự cảm thấy. Vì được dựng lên theo nguyên tắc trò chơi và cấu tạo thế giới theo nguyên tắc tự cảm thấy nên các chi tiết truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có sự xen cài giữa cái thực và cái ảo, giữa cái hữu lý và cái phi lý, giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên. Tiểu thuyết của ta thường có xu hướng nghiêng về phần sáng lý tính mà ít khi để ý đến những giấc mơ, chú ý đến cái nhìn thấy mà ít khi xây dựng tác phẩm trên cơ sở tự cảm thấy của nhà văn. Bởi thế, đọc văn Nguyễn Huy Thiệp ai cũng thấy mình cứ như bị "ma ám", thấy hay nhưng chẳng biết thế nào mà lần. Khi không lần được nhà văn định nói gì người ta bèn hô hoán nhà văn đang "xuyên tạc lịch sử", "hạ bệ thần tượng", khẳng định nhà văn có tài nhưng lại thiếu chữ tâm... Cứ thế, tranh cãi văn chương dần trở thành chiến trường để khẳng định lập trường chính trị của nhiều nhà phê bình.

Nhưng cái thú vị cũng nhân đó mà bộc lộ: có sự vênh lệch giữa các cách đọc, sự khác biệt giữa việc nhìn tác phẩm như một sản phẩm nghệ thuật ngôn từ và như một công cụ tải chở các quan niệm đạo đức luân lý thuần tuý. Điều này đã được Hoàng Ngọc Hiến linh cảm: "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió". Khi khảo sát truyện ngắn Nguyễn Thị Lộ, Đặng Anh Đào đã đưa ra một nhận xét thú vị: Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một thứ lịch sử giả. Nhận xét này của Đặng Anh Đào đáng chú ý bởi hai lẽ: a- Nguyễn Huy Thiệp đang sáng tác chứ không định viết sử, không thuyết giáo những bài học luân lý; các yếu tố lịch sử xuất hiện trong tác phẩm chỉ là một phần của một cấu trúc hoàn chỉnh; b- Dựng lên một lịch sử giả cũng có nghĩa là đi theo tiếng gọi của trò chơi. Xin đừng nghĩ hai chữ "trò chơi" là một cách nói hạ thấp văn học. Nó là một hình thức lạ hoá nhằm tổ chức một thế giới nghệ thuật in đậm dấu ấn chủ thể sáng tạo mà những cây bút non tay không bao giờ vươn tới được. Vấn đề là xuyên qua cái thế giới mang tính trò chơi ấy, nhà văn định tái hiện một mô hình đời sống bằng cách nào. Nguyễn Huy Thiệp có cách của ông:

"Sau khi viết xong truyện Cún, tôi mang đến đọc cho nhà nghiên cứu văn học, giáo sư tiến sĩ X nghe. Mặt anh tái đi theo diễn biến câu chuyện.
- Không phải thế!- X. giằng lấy tập bản thảo ở trên tay tôi. -Cậu viết những điều bịa đặt! Cần phải tôn trọng hiện thực. Hiện thực khác lắm! Cậu biết cha tôi thế nào không?". Gạt sang một bên cái gọi là tính ám chỉ mà nhiều người đã nói, tôi chú ý đến mặt khác của vấn đề. Nhân vật "tôi" không quan tâm đến chuyện phản ánh hiện thực theo cách vẽ truyền thần. Cuộc sống ngoài đời của Cún chỉ là một gợi ý để nhà văn dựng lên một số phận trong mối quan hệ với hàng loạt số phận khác. Mà khi đã dựng, nhà văn phải hư cấu, phải bịa nhằm kiến tạo một trò chơi để nhân vật tự bộc lộ. Dĩ nhiên, cái gọi là "bịa" ấy không hề đồng nghĩa với những hành động vu vơ mà bao giờ cũng hàm chứa một quan niệm nào đó của chủ thể về thế giới. Nguyễn Huy Thiệp là người rất sâu khi miêu tả sự bát nháo của trạng thái "không có vua - một trạng thái hỗn loạn, các giá trị bị đảo lộn đến bi hài”.

Đọc Nguyễn Huy Thiệp, ta thấy ông là người khá ưa triết lý. Các triết lý trong văn Nguyễn Huy Thiệp thường được bộc lộ qua giọng điệu tưng tửng, cứ như không: "Lẽ đời là thế" (Trương Chi). Sức hấp dẫn của các triết lý này là nhà văn không khẳng định, không coi đó là những kết luận cuối cùng. Cách viết này hối thúc người đọc bước vào cuộc đối thoại với nhà văn qua trang viết. Tôi bảo: "Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu". Cô Phượng bảo: "Có thể... nhưng anh đừng khẳng định..."(Con gái thuỷ thần). Tôi muốn lưu ý đến một cảm hứng triết lý khá đậm trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp. Đó là triết lý về văn chương và người nghệ sĩ. Trước đây, Cao cũng là nhà văn hay trăn trở về thiên chức của nhà văn: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có" (Đời thừa).

Với Nguyễn Huy Thiệp, cái nhìn của ông về văn chương khá "phức tạp". Khi thì "Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất" (Chút thoáng Xuân Hương), khi thì "tôi thấy văn chương từa tựa lẽ phải", khi thì "văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn" (Giọt máu). Không phải Nguyễn Huy Thiệp cực đoan, nông nổi hay nhẫn tâm. Ông thừa sức viết nên những tuyên ngôn nghệ thuật chừng mực và "chuẩn mực" về cả ngữ pháp lẫn ý tưởng. Chỉ có điều, những tuyên bố như vậy rất dễ rơi vào nhàm nhạt "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"... Nguyễn Huy Thiệp đã làm "nhoè" những lời tuyên bố về văn chương và sự mệnh của nó. Một lần nữa, ông biết đánh lạc hướng người đọc bằng "ngón chơi" tưởng như hớ hênh nhưng thực ra rất kỹ lưỡng của mình. Khi mà nhà văn thường xuyên suy tư về đời sống, về sống chết, vinh nhục, ngay thẳng đểu giả... thì trái tim anh ta làm sao có thể là một trái tim thờ ơ?

Đúng là Nguyễn Huy Thiệp có lối viết riết róng về cái ác. Nhưng tự trong thẳm sâu ông hy vọng vì ông biết tuyệt vọng: "Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ, mặt đất này xuất hiện tiến bộ" (Vàng lửa). Rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một mê hồn trận ngôn từ và đánh lừa những ai nhăm nhăm quan tâm đến các sự kiện bề nổi trong khi chiều sâu các tác phẩm của ông nằm ở những suy tư không ngừng về các vấn đề nóng bỏng qua các tình huống thật mà như đùa, phi lý nhưng té ra lại là hữu lý. Những suy tư và triết lý ấy thường được đặt vào phát ngôn của nhân vật, diễn ra trong các đối thoại nên không gò ép, không bị sượng. Nhiều người cho rằng Nguyễn Huy Thiệp có những quan niệm cực đoan. Tôi cũng nhận thấy thế. Nhưng tôi không coi đấy là một nhược điểm, mà hình dung nó như một ứng xử nghệ thuật. Chỉ cực đoan một cách có ý thức (khác với vô chính phủ) thì mới tạo nên độ sắc của chi tiết và ý tưởng. Người đọc có nhiệm vụ điều chỉnh lấy nó, còn tác giả thì không định biến ngôn ngữ của mình thành những hòn bi tròn vo nhưng không hề có cá tính! Cũng bởi thế, các tình trạng phân thân, ma mị, chập chờn nửa tỉnh nửa mê được dùng rất linh hoạt: "Mây đưa tay cởi cúc áo ngực của tôi. Trong bóng tối mờ mờ, Mây quay người lại, tôi thấy tấm lưng trần quẫy ở trước mặt, ánh sáng trắng ở bên ngoài chiếu vào trông thật kinh dị nhưng đẹp lắm. Tôi chợt nhớ đến mẹ Cả, đến con gái thuỷ thần. Lòng tôi nhói lên cảm giác xót xa" (Con gái thuỷ thần). Những hình thức đảo mạch chảy của chuyện trên cơ sở tạo nên các phiến đoạn có sự hoà trộn hư hư thực thực như đã nói khiến cho hệ thống lời văn của Nguyễn Huy Thiệp cùng lúc vang lên nhiều giọng điệu khác nhau. Đây là một phương diện rất quan trọng tạo nên tính đa thanh trong tác phẩm của ông.

3. Từ quan niệm nhìn thẳng vào sự thật, "căm thù sâu sắc những kết thúc truyền thống" (Trương Chi), "thích những gì ào ạt của cuộc sống trần tục" (Chút thoáng Xuân Hương), Nguyễn Huy Thiệp không ngại lột mặt nạ các quan hệ đời sống, nói về cái xấu và cái ác bằng một giọng văn thật thản nhiên. Lối văn đạm này khiến cho hiện thực được tái hiện khách quan hơn, nó không bị nhoè nhoẹt bởi những giọt nước mắt thương cảm rơi xuống dòng chữ một cách dễ dãi. Đó là một cách viết đòi hỏi bản lĩnh của nhà văn. Văn học ta thường nghiêng về màu tình nghĩa, ít khi bóc trần cái màu bùn đất trong quan hệ con người với con người, con người với thiên nhiên. Với cái nhìn không kiêng dè, không ngần ngại các huý kỵ, Nguyễn Huy Thiệp nhìn thấy hàng loạt nghịch lý: một ông tướng oai dũng trên chiến trường nhưng lại bất lực trong đời thường, một gã mang tiếng có học nhưng lại là kẻ thực dụng nhất trong những kẻ thực dụng: "Ai đồng ý bố chết giơ tay", một kẻ "Cậu có dáng dấp của một thằng trai điếm. Phụ nữ mê cậu. Trong phim có cảnh Chiêu Hổ bóp vú các cô thôn nữ, cậu vào vai ấy tuyệt vời"... Cái "hiện thực hạ đẳng" được nhà văn miêu tả một cách riết róng, giọng điệu tàn nhẫn, lạnh lùng.

Nhìn vào cấu trúc đối thoại Nguyễn Huy Thiệp ta thấy ông ít khi kéo dài các trường đoạn tâm lý theo lối phân tích kể lể. Ông chú ý đến tính đối thoại "một chạm", tước bỏ màu sắc cảm xúc trong đối thoại, buộc các lời thoại ấy soi vào nhau, bộc lộ nhau: "Cha tôi bảo: "Anh nhu nhược. Duyên do là anh đếch sống được một mình". Tôi bảo: "Không phải, cuộc đời nhiều trò đùa lắm". Cha tôi bảo "Anh cho là trò đùa à?". Tôi bảo: "Không phải trò đùa, nhưng cũng không phải là nghiêm trọng". Cha tôi bảo: "Sao cứ như lạc loài?" (Tướng về hưu). Một đoạn khác: "Hai bố con Lâm đi cày về. Bố Lâm hỏi: "Trưa rồi, mấy bà cháu chưa nấu cơm à?". Cái Khanh trong bếp bảo: "Con đang nấu". Bố Lâm lên nhà, ông rót nước ra bát mời tôi. Ông bảo: "Không đi đâu à? Cứ nghe bà lão nhà tôi chuyện trò rồi cậu phát điên có ngày". Bà Lâm bảo: "Phải tôi ngu ngốc". Bố Lâm bảo: "Không ngu nhưng ác". Bà Lâm bảo: "Ác tâm mới sợ chứ ác khẩu có gì mà sợ". Bố Lâm bảo: "Trẻ nhỏ như giếng nước trong, bà cứ thả toàn những ba ba với thuồng luồng vào, kinh cả người". Bà Lâm nói dỗi: "Thôi con ạ, mẹ mười đốt thì tám đốt là quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đốt là người. Nghe được tí nào thì nghe, không cứ bỏ ngoài tai" (Những bài học nông thôn).

Nhịp điệu của lời đối thoại gọn, nhanh, không cần bất cứ sự che chắn, trợ giúp ngoài ngôn ngữ nào. Lời dẫn truyện cũng bị gọt tỉa đến mức tối đa. Điều đó tạo nên hiệu quả thẩm mĩ tích cực: Nguyễn Huy Thiệp đưa người đọc tham gia vào cuộc đối thoại như người trong cuộc. Chân tướng của các cá nhân được phơi bày nhờ ngôn ngữ tự cọ xát và tự phê phán lẫn nhau. Một trong những đặc điểm của tư duy nghệ thuật hiện đại là tính chất tự phê phán của bản thân ngôn ngữ. Nguyễn Huy Thiệp đã phát huy hiệu quả của thủ pháp này qua các màn đối thoại khá dày đặc. Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên đến mức như được xắn lên từ một cuộc đối thoại đâu đó ngoài đời. Theo đó, nhà văn lột mặt nạ tính cách nhân vật, các quan hệ tôn ty nhiễu loạn trong hiện thực nhiều khi thật quái dị: "Thằng bé không thích chú Hảo. Chú Hảo râu xồm. Chú nói:
- Đồ đĩ! Béo nứt bụng!
Mẹ nó cười. Chú Hảo lại bảo:
- Gái xề! Đồ mặt chó!
Mẹ nó lại cười.
(Đời thế mà vui).

Đoạn đối thoại cho thấy màu sắc phong cách ngôn ngữ nhà văn. Nó không óng ả, êm mượt mà thô ráp, góc cạnh như đời sống thực ngoài đời. Đây là thứ ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng đã từng sử dụng:
"Là vì Xuân Tóc Đỏ cứ sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật ái tình...
-...Cứ ỡm ờ mãi!
- Xin một tị! Một tị tỉ ti ti thôi!
- Khỉ lắm nữa!
- Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn...
                                    (Vũ Trọng Phụng - Số đỏ)

Khi xây dựng tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng khá nhiều yếu tố tục. Ngay cả vua cũng vậy: "Thằng Khải kia, tài bằng cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồn, còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ, có ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm, tưởng xênh xang ư?" (Phẩm tiết). Thực ra, bên cạnh cái thanh nhã, tục cũng là một phạm trù thẩm mĩ nếu nó được đặt đúng nơi đúng chỗ. Những nhà văn tài năng là những người dám sử dụng cái tục không phải như một hình thức kích thích tính tò mò của loại thị hiếu thấp kém mà muốn thông qua nó để chỉ ra trạng thái đời sống diễn ra tự nhiên như nó vốn có. Cách thực tiếp cận đối tượng là sự tiếp cận theo lối suồng sã, là ý thức triệt tiêu khoảng cách giữa chủ thể kể và đối tượng, là sự bình đẳng giữa tác giả hàm ẩn và các nhân vật có mặt trong thế giới nghệ thuật ấy. Nhà văn không nhìn đối tượng bằng cái nhìn "biết trước", các giá trị được nói đến trong tác phẩm không bị quy định bởi các sợi dây hình thức tôn ty mà cộng đồng vốn đã thừa nhận từ bao đời. Nói đơn giản hơn, với Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm là một kiểu thông báo: Tôi nhìn cuộc sống bằng cái nhìn của riêng tôi! Chính tại đây khuôn mặt đích thực của đời sống hiện lên một cách sắc nét nhất. Đây là điểm gặp gỡ giữa Nguyễn Huy Thiệp với Vũ Trọng Phụng.

Có lẽ, Vũ Trọng Phụng là người có ảnh hưởng không nhỏ đến Nguyễn Huy Thiệp dù nhà văn này có ý thức rõ rệt "Bài học tiếng Việt" qua tay họ Vũ hay không. Chất đời thấm vào ngôn ngữ và khoảng cách tiếp cận suồng sã trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng cũng như trong văn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần tạo nên màu sắc giễu nhại trong giọng điệu của nhà văn. Những yếu tố nghịch dị và giọng điệu giễu nhại một mặt giúp ta nhận thấy bản chất thật của đời sống, mặt khác, tạo nên một không gian dân chủ về phương diện tinh thần. Nó lột bỏ các nghi lễ, quy phạm, các trật tự tôn ti để làm nổi bật chân dung đích thực của đối tượng. Chẳng hạn khi kể cảnh đi xem tuồng Tần Hương Liên xử án ở quê, chuyện ngoài sân khấu mới là chuyện cho thấy Đời thế mà vui. “Chị Hiên ngừng một lát rồi bật cười: "Có mấy tay thanh niên ở bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược. Cái Lược bảo: "Làm gì thế?". Tay này cũng dơ, thản nhiên: "Làm chủ nhiệm hợp tác". Cái Lược mắng: "Thôi đi chứ". Tay này lại bảo: "Nhân dân tín nhiệm thì tôi còn làm". Xung quanh cười ồ. Cái Lược chạy ra ngoài, đằng sau quần ướt đẫm. Ả sợ quá, chỉ sợ chửa thì chết, thế là về nhà vứt ngay cái quần xuống ao" (Những bài học nông thôn). Thì ra, đằng sau cái vẻ trang nghiêm mà bằng chứng là nhan nhản các giấy chứng nhận "gia đình văn hoá" do xã phường cấp có cả chuyện "gà, vịt". Như thể đó là một phần tất yếu để hoàn thiện chân dung con người trần tục, một phương diện không thể thiếu trong đời sống. Cái hóm của Nguyễn Huy Thiệp là sử dụng ngôn ngữ quan phương để diễn tả hiện thực hạ đẳng nhằm tạo màu sắc hài hước trong tác phẩm. Mới thấy Hồ Xuân Hương xưa có lý biết bao khi vịnh tranh tố nữ: "Trách người thợ vẽ khéo vô tình".

Nhưng, tái hiện một cách tàn nhẫn hiện thực bằng cái nhìn cực thực không có nghĩa là nhà văn thích thú với những giá trị thấp kém. Vén cái hiện thực bề bộn, tưởng như nhiễu loạn ấy ta sẽ gặp một cái nhìn nghiêm túc của nhà văn về đời sống. Ngẫm ra, Nguyễn Huy Thiệp là người hay trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Các bình luận ngoại đề được giấu rất khéo qua những câu nói tưởng như lửng lơ. Nguyễn Huy Thiệp có cách kể rất riêng phù hợp với cái trò chơi ông đã dựng lên. Chủ thể kể rất linh hoạt. Khi thì quyền kể chuyện được trao cho nhân vật, khi là một ai đó đứng ra chứng kiến và bản thân kẻ đó cũng chưa biết câu chuyện sẽ trôi về hướng nào. Chính vì thế, sự tàn nhẫn, ngu muội, độc ác, đểu giả hiện lên trong tác phẩm rất thực. Cái ác không tồn tại đâu xa, nó nằm ngay trong một con người. Con người vừa ý thức được sự nhếch nhác của mình vừa mụ mị trong cái cõi vô hình ấy. Những kẻ hiểu được tình thế thì lại thấy mình là kẻ lạc loài giữa đồng loại. Viết về cái xấu xa, tàn ác một cách sắc sảo và nhạy bén, Nguyễn Huy Thiệp chứng tỏ ông biết tin vào con người vì một khi biết nhìn thẳng và kinh sợ cái ác, người ta sẽ biết vượt lên để giữ lấy thiên lương: "Nghĩa tình chuộc lại nghĩa tình. Vô sự với tạo hoá, trung thực đến tận đáy, dù sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng với người" (Những người thợ xẻ). Cũng cần phải nói thêm rằng, không phải lúc nào Nguyễn Huy Thiệp cũng "đều tay". Nhiều truyện mang tính ám chỉ quá lộ, và một khi quá nghiêng về điều đó, giá trị nghệ thuật của tác phẩm tất sẽ giảm sút. Nói thế để thấy rằng, để tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng là một vấn đề cực khó đối với bất kỳ cây bút nào. Với Nguyễn Huy Thiệp, khoảng thời gian 1987-1993 có thể coi là khoảng thời gian ngòi bút của ông sung mãn đến độ xuất thần.

Tạo nên những lịch sử giả, khi thì hướng về đời sống thị thành qua các "huyền thoại phố phường", khi thì tìm về "đồng quê" để tìm hiểu các bài học nhưng đúng ra, Nguyễn Huy Thiệp đang nói đến thì hiện tại, đến hôm nay. Ngay cả khi trở lại các truyền thuyết xa xưa, nhà văn vẫn đang nói về thời mình, triết lý về thời mình, từ đó mở rộng đến những giá trị vĩnh hằng bằng cái nhìn không né tránh hiện thực dù đó là thứ hiện thực cay đắng nhất. Quan sát đoạn đối thoại sau trong Con gái thuỷ thần sẽ thấy: "Cô Phượng bảo: "Anh là dân làm thuê, là dân da đen. Phải không nào?". Tôi bảo: "Phải". Cô Phượng bảo: "Như thế là anh không có gì cả. Anh là kẻ yếu". Tôi bảo: "Xin cô đừng sỉ nhục tôi". Cô Phượng bảo: "Tôi không sỉ nhục anh. Tôi chỉ nói ra sự thật. Anh không có của cải, không có sở hữu cá nhân, anh không có quyền sĩ diện, không nên tự ái, không nên phản kháng".

Tôi chỉ nói ra sự thật cũng chính là nguyên tắc cơ bản trong cái nhìn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp không chỉ vạch ra hiện thực bằng cái nhìn cực thực, nhiều khi thực đến "ghê tởm" mà còn chảy theo một cảm hứng khác, một tiếng gọi khác: Tiếng gọi của giấc mơ. Đây chính là mảnh đất để cái ảo xuất hiện. Nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp sẽ mất đi vẻ đẹp nếu không có cái ảo, nếu thiếu đi các biểu tượng văn hoá được tổ chức công phu. Nhân lõi của tiếng gọi này, theo ý tôi là cảm hứng Thương cả cho đời bạc. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật đẹp nhất trong Không có vua đã nói trong nước mắt: "Sinh bảo: "Khổ lắm. Nhục lắm. Vừa đau đớn vừa chua xót. Nhưng thương lắm". Mạch trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được cất lên từ chữ thương. Những ai nghi ngờ chữ tâm của nhà văn thiết nghĩ đã bỏ qua cái mạch ngầm này. Người ta thường nói truyện ngắn nhiều chất thơ hơn tiểu thuyết. Điều đó không hẳn đã đúng. Vấn đề là Nguyễn Huy Thiệp đã xử lý một cách hết sức hiệu quả hai cực đối lập: sự sắc lạnh tỉnh táo trong cái nhìn về hiện thực và chiều sâu trữ tình trong tác phẩm.

Màu sắc trữ tình này hiện lên rất rõ qua việc sử dụng rất nhiều thơ. Nhìn từ phương diện cấu trúc, sự xuất hiện của những đoạn thơ vừa giúp cho mạch chuyện lưu chuyển khoáng đạt vừa khiến cho những suy tư về đời sống không bị lộ: "Ta là Trương Chi - Ta hát cho tình yêu - Tình yêu không xúc phạm được - Bởi nó kiêu hãnh và tinh tế" (Trương Chi). Chất thơ còn hiển thị qua các tựa đề truyện: Sang sông,Thương nhớ đồng quê, Mưa Nhã Nam, Chút thoáng Xuân Hương, Truyện tình kể trong đêm mưa, Hạc vừa bay vừa kêu vừa thảng thốt... Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những bức tranh thiên nhiên thường rất đẹp và cũng rất thơ. Dường như với ông, cái nhân tạo thường hàm chứa nguy cơ giả dối, trong khi đó cái đẹp tự nhiên thật rộng lớn vĩnh hằng. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nguyễn Huy Thiệp nhượng bộ trước chất thơ, chất cảm xúc vốn đầy ắp trong truyền thống tự sự nước nhà. Ông là người khá cao tay khi để cho nguồn mạch trữ tình rịn trên những thớ đá trần tục của đời, tạo nên một thứ hương riêng, phảng phất nhưng không thể thiếu. Nhờ được neo giữ bởi yếu tố này ở chiều sâu mà văn ông không nghiêng về tục. Văn Nguyễn Huy Thiệp mê hoặc người khác, và các cây bút khác khó lòng bắt chước ông bởi khả năng tạo nên sự cheo leo, chênh vênh giữa các cực đối lập, giữa các mã ngôn ngữ khác nhau, giữa tính trò chơi và những ý tưởng sâu xa khi suy tư về đời sống.

4. Những sự hỗn độn, khó lòng dự báo trước trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp tất dẫn đến tính mơ hồ đa nghĩa trong tác phẩm của ông. Người đọc có quyền hiểu theo cách của mình, thưởng thức tác phẩm theo gu và vốn văn hoá của mình. Không ai có đủ tự tin tuyên bố là đã hiểu hết Nguyễn Huy Thiệp. Bản thân Nguyễn Huy Thiệp, nếu ai đó hỏi ông tại sao ông viết như thế thì ông sẽ trả lời khá rành rọt về động cơ, ý định, về cách tổ chức kết cấu, tổ chức giọng điệu cho từng tác phẩm. Chẳng gì thì nó cũng là con mình... Nhưng thực ra dù tự tin bao nhiêu thì giờ đây chính Nguyễn Huy Thiệp cũng khó lòng kiểm soát được một thực tế: liệu những đứa con tinh thần kia đã khác với dự định ban đầu của ông như thế nào. Đơn giản, Nguyễn Huy Thiệp giờ đã trở thành độc giả của chính mình. Cũng tựa như những tài năng khác sống lại hẳn sẽ rất ngạc nhiên tại sao thế hệ sau lại gắn cho tác phẩm của họ những tầng nghĩa mới mà trước đó họ đâu có mường tượng đến. Đây chính là sức sống của những tác phẩm đích thực. Sức sống ấy có khi vượt qua cả mong muốn của chính người đã sản sinh ra nó. "Tiếng gọi thời gian" trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp cùng với những mê trận ngôn từ do ông tạo nên khiến người đọc đứng trước một câu hỏi: nhà văn định nói gì qua trang viết của mình. Nhà văn không trả lời thay cho người đọc. Tìm hiểu nó, định giá nó là chuyện của họ.

Nhiều người nhận xét, Nguyễn Huy Thiệp "giỏi võ Tàu". Điều này dễ nhận thấy nhất ở việc ông am hiểu và đưa vào rất nhiều sử nhằm tạo nên không gian huyền thoại (Phẩm tiết, Kiếm sắc, Nguyễn Thị Lộ...). Ông cũng vận dụng rất khéo các yếu tố folklore vào văn học như Chút thoáng Xuân Hương, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Thương nhớ đồng quê.... Nhưng điều đáng nói là tất cả được tổ chức theo nguyên tắc của trò chơi domino. Trò chơi ấy liên tiếp xuất hiện các lối rẽ không thể dự đoán. Trên cái hiện trường lịch sử được thiết lập bằng nghệ thuật "bịa như thật", "thật như đùa", nhà văn thoải mái sử dụng khả năng liên tưởng, đưa cái ảo vào văn học nhằm đề xuất những suy tư về nhân thế. Một cách tinh quá, mà vẫn rất cả tin, Nguyễn Huy Thiệp đã phủ lên thiên truyện mình rất nhiều yếu tố tượng trưng. Tính phân mảnh, hỗn độn, tính không dự báo, sự chồng chéo các biểu tượng và motip cho thấy trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp đã xuất hiện những yếu tố hậu hiện đại. Tuy nhiên, không nên gò ép Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng của các trào lưu hậu hiện đại thế giới đến đâu. Chắc ông cũng lơ mơ về nó. Ông mạnh hơn về cổ sử. Nhưng trong khi nhìn nhận cuộc sống như một "dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển...", Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng những cách biểu đạt hậu hiện đại một cách tự phát (2).

Tôi không tin lắm vào chuyện Nguyễn Huy Thiệp định đưa ra những kết luận nhằm "cải tạo thế giới". Ông chỉ trình bày hiện thực như ông đã tự cảm thấy và nêu lên những suy tư của mình chính trong sự trình bày ấy. Đó là những trăn trở về thiện và ác, vinh quang và thất bại, cao sang và thấp hèn, người và thú, sự trì trệ và ánh sáng giải thoát... Chảy đi sông ơi... Cuộc sống như một dòng sông, có cả sự trong veo tinh khiết đến ngỡ ngàng của nước, có cả rác rưởi đang trôi... Nguyễn Huy Thiệp giúp ta hiểu hơn về nước, về rác bằng một cái nhìn tỉnh táo và sâu sắc. Từ đó, ông thức tỉnh một khao khát, bỏ rác đi ta sẽ gặp sự trong trẻo của dòng sông. Đọc ông, hiểu được những ẩn ngữ trong văn chương ông, biết đâu ta lại chẳng nghĩ, ngày mai mọi điều sẽ khác.

N.Đ.Đ
(171/05-03)

-------------------------
(1) Xin lưu ý là trong tiểu luận Di sản bị mất giá của Cervantes, M. Kundera cho rằng ông đặc biệt nhạy cảm với bốn tiếng gọi: a- Tiếng gọi của trò chơi; b- Tiếng gọi của giấc mơ; c- Tiếng gọi của tư duy; d- Tiếng gọi của thời gian. Cây tiểu thuyết tài danh này cũng cho rằng Tristram Shandy của Lawrance Sterne và Jacques, người theo thuyết định mệnh của Denis Dederot là hai tác phẩm vĩ đại nhất của thế kỷ XVII vì hai tiểu thuyết này tạo được sáng như một trò chơi kỳ vĩ (Xem M. Kundera -Tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Văn hoá thông tin-Trung tâm văn hoá & ngôn ngữ Đông Tây, 2001).
(2) Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp dĩ nhiên không phải là những sản phẩm của chủnghĩa hậu hiện đại (post modernism) với đúng nghĩa của nó. Nhưng trong khi miêu tả sự hỗn loạn, bát nháo của một thứ hiện thực "không có vua", nhà văn này đã vô tình chạm đến tính phân mảnh, tính không định trước, tính phi độc sáng... vốn là những yếu tố cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tính hỗn loạn ấy được thể hiện thành công qua nghệ thuật lắp ghép tài hoa của Nguyễn Huy Thiệp. Đây là một trong những lý do rất quan trọng khiến cho văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ còn có sức tác động lâu dài và sẽ còn tốn nhiều bút mực của giới phê bình.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng