Đồng thời qua các hoạt động hợp pháp để phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố tiến bộ; từng bước xây dựng các cơ sở cách mạng, xây dựng phong trào theo phương châm của Thành uỷ đề ra cho nội thành lúc bấy giờ là “tranh thủ từng mặt tốt của từng người, tranh thủ từng người tốt của từng gia đình, tranh thủ từng gia đình tốt trong từng đường phố v.v...”. Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ, Ban Cán sự giáo chức và Trí thức Giải phóng thành phố Huế đã vận động thành lập Nhóm Tìm hiểu Văn Sử, quy tụ một số giáo chức giảng dạy văn sử ở đại học và trung học, sinh viên văn sử ở hai trường Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Huế, tổ chức các hoạt động triển lãm, diễn thuyết, phát hành các tập san Văn Sử từ đầu năm 1974 đến ngày thành phố được giải phóng. Đây là một hoạt động cách mạng biến tướng, một nét khá đặc biệt trong phong trào trí vận ở nội thành Huế trước tháng tư năm 1975.
Lực lượng chủ yếu của Nhóm Tìm hiểu Văn Sử là số anh chị em cơ sở cách mạng trong giáo chức và sinh viên Huế. Nhằm tạo điều kiện hoạt động thuận lợi, không để địch khám phá được lực lượng, ngay khi mới thành lập, nhóm đã thu hút thêm một số giáo chức có biểu hiện tiến bộ như giáo sư, tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư (Khoa trưởng Đại học Văn khoa Huế), Trần Viết Tuấn, Lê Bá Lăng,... và cả những người được đánh giá là không có màu sắc chính trị rõ rệt như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dương (giáo sư Đại học Văn khoa).
Vấn đề đặt ra khi bắt đầu thành lập là bằng cách nào để tạo thế công khai, hợp pháp đối với địch mà không phải qua thủ tục xin phép, vì chắc chắn khi xin phép địch sẽ thăm dò, điều tra và dễ bác bỏ. Ban Cán sự giáo chức đã giao anh Trần Viết Ngạc tiếp xúc với Trung tâm Văn hoá Liễu Quán của Giáo hội Phật giáo, một cơ sở mới xây dựng ở đường Lê Lợi nhưng chưa có hoạt động đáng kể, đang cần phải tạo những sinh hoạt và tạo uy tín. Trung tâm Văn hoá Liễu Quán đã đồng ý để Nhóm tìm hiểu Văn Sử sử dụng trung tâm, hoạt động như một thành viên của Ban nghiên cứu và học tập của Trung tâm. Kết quả này đã tạo cho nhóm thế hoạt động công khai, hợp pháp.
Đầu tháng 4- 1974, nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Phan Châu Trinh mất, nhóm đã làm việc rất khẩn trương để tổ chức cho được một cuộc triển lãm, một buổi diễn thuyết và phát hành tập san về Phan Châu Trinh, mở đầu cho hoạt động của nhóm. Nội dung hoạt động phải đạt được yêu cầu vừa tạo thế hợp pháp ở mức độ được chấp nhận, nghĩa là đừng quá “đỏ” để địch không đánh phá ngay, vừa thể hiện cho được dấu hiệu của một nhóm tiến bộ mà lúc bấy giờ thường gọi là “thiên tả”, phải khẳng định xu hướng đối lập với Mỹ Ngụy để tạo khí thế hỗ trợ cho các phong trào khác ở nội thành, thu hút được quần chúng, nhất là trí thức và sinh viên đến với các tổ chức yêu nước, tiến bộ.
-Về triển lãm, anh chị em đã sưu tầm trên 100 ảnh và thư xoay quanh chủ đề Phan Châu Trinh. Một số tư liệu lấy từ sách ở chiến khu gởi về được chụp lại và sang ra cỡ lớn, trang trí trên nền giấy đẹp. Ảnh giới thiệu về Phan Châu Trinh không nhiều, nhưng chủ yếu là dựa vào chủ đề Phan Châu Trinh để giới thiệu hai bộ ảnh: Bộ ảnh thứ nhất “Tình cảnh nô lệ của đất nước thời kỳ Phan Châu Trinh”, nổi bật lên là hình ảnh đói khổ của nhân dân, cảnh sĩ phu Cần vương, Văn thân mang gông cùm, bị hành quyết, cảnh tủi nhục nô lệ với những dòng ghi chú kích động, nói kiểu nửa xưa nửa nay. Bộ ảnh thứ hai là cảnh các tầng lớp quần chúng biểu tình trong lễ tang, lễ truy điệu Phan Châu Trinh, gợi lên sức mạnh của quần chúng xuống đường với biểu ngữ chống thực dân, với rừng người trùng điệp. Đặc biệt hơn hết là anh chị em đã sưu tầm được bức thư của Bác Hồ gởi Phan Châu Trinh được gia đình cụ Phan lưu giữ tại Đà Nẵng. Thư được chụp và phóng lớn, treo ở vị trí trang trọng với lời chú thích công khai “Thư của Nguyễn Tất Thành gởi Phan Châu Trinh”. Điều thú vị là cảnh sát ngụy lướt qua bức ảnh để đọc thư, từ dòng “Hy mã nghị bá đại nhân...” ở câu đầu đến chữ cuối là Nguyễn Tất Thành mà không biết đó là Bác Hồ. Ngược lại anh chị em trí thức và sinh viên, học sinh tiến bộ đã được rỉ tai để đến Trung tâm Liễu Quán xem cho được bút tích của Bác Hồ thời còn trẻ. Tác dụng của việc triển lãm bức thư Bác Hồ gởi Phan Châu Trinh đã góp phần giải toả được một quan điểm xuyên tạc của địch đã gieo rắc nhiều năm ở miền Nam là: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là những nhà cách mạng quốc gia, Bác Hồ là Cộng sản, là hai thế đối lập như nước và lửa.
-Bài diễn thuyết “Phan Châu Trinh và sự nghiệp xây dựng ý thức cách mạng” do anh Trần Viết Ngạc trình bày, vừa bám vào chủ đề Phan Châu Trinh, vừa cố ý xoáy sâu vào các tiêu đề “Chế độ thực dân dùng chính sách dĩ Việt chế Việt”, “Chế độ thực dân là tàn ác phi nhân”.
-Buổi phát hành Tập san Kỷ niệm 48 năm huý nhật Phan Châu Trinh được tổ chức dưới danh nghĩa của Trung tâm Liễu Quán, công khai mời Đại tá tỉnh trưởng của ngụy quyền và một số quan chức tỉnh Thừa Thiên đến dự. Khi tờ báo được đưa ra trao tặng cho Tỉnh trưởng ngụy quyền thì bên ngoài hàng trăm số báo được phát hành, đã mặc nhiên tạo được thế công khai, hợp pháp. Bìa số báo chưa có tiêu đề Tập san nhưng ngay trước bài đầu tiên đã có một trang giới thiệu chủ đề những số tới là Đặc san kỷ niệm Phật Đản: Phật giáo và văn chương, lịch sử Việt Nam; Đặc san kỷ niệm Ngày Thất thủ Kinh đô. Đây là cách để công khai hoá: sau số đầu, sẽ còn số hai, số ba... Đưa ra chủ đề Đặc san kỷ niệm Phật Đản: Phật giáo và văn chương, lịch sử là cách tạo áp lực làm cho địch lúng túng, không dám cấm vì ngại va chạm với Phật giáo, ngại bị lên án kỳ thị và đàn áp đạo Phật.
Từ đó số hai bắt đầu xuất hiện dòng chữ TẬP SAN VĂN SỬ ở trang bìa và trang cuối. Bìa cuối đã in công khai Ban Biên tập, những người cộng tác, người làm mẫu bìa, hộp thư bài vở và cả người phụ trách báo chí.
Số ba với chủ đề Ngày thất thủ Kinh thành Huế bắt đầu in tên người phụ trách ấn loát, người phụ trách số báo. Cả ba số đều do hoạ sĩ Đinh Cường trình bày bìa, in hai màu. Ruột in ronéo cẩn thận như in typo. Việc đánh máy, xếp trang và đóng tập đều do anh em cơ sở cách mạng làm để đề phòng nội dung báo bị địch đọc trước. Người duyệt bài là đồng chí Bí thư Ban cán sự Giáo chức và Trí thức nội thành, duyệt bằng cách đọc trực tiếp cho người đánh máy, chữa trực tiếp theo “phương pháp” ai là cơ sở cách mạng thì bớt những từ “quá đỏ”, ai chưa là cơ sở cách mạng thì lại được đưa thêm những từ, những ý có xu hướng tiến bộ hơn. Bài vừa đánh máy xong là “thanh toán” bản thảo, không để lại dấu vết, đề phòng địch khám phá ra ý người duyệt.
Ba số báo với ba chủ đề chuyên biệt nhưng lại gắn rất chặt với nội dung cổ vũ tinh thần yêu nước, đấu tranh vì độc lập dân tộc. Đặc biệt những bài có dẫn chữ Hán, kể cả những bài thơ dài đều được in thêm phần Hán văn viết khá đẹp trên stencil để làm nổi bật tính nghiên cứu chuyên sâu, nặng về học thuật, nhưng nội dung cả ba số đều từng bước, với mức độ khác nhau, tạo ra một cách nhìn các vấn đề lịch sử và văn hoá khác với cách nhìn của miền Nam, gắn những vấn đề lịch sử và văn hoá với thực tiễn của đất nước. Đi từ những vấn đề lịch sử, văn hoá dân tộc để đặt ra vấn đề truyền thống đấu tranh yêu nước, truyền thống cách mạng, hiện trạng nô lệ của dân tộc, khả năng hoà giải hoà hợp dân tộc theo tinh thần thực hiện Hiệp định Paris lúc bấy giờ, bằng phương thức hoạt động của một tổ chức cách mạng biến tướng “xanh vỏ đỏ lòng”.
Tất nhiên với ba số báo và một số buổi triển lãm, diễn thuyết, Nhóm Tìm hiểu Văn Sử chưa tạo được một sắc thái về mặt nghiên cứu, học thuật, nhưng với mục đích của một tổ chức cách mạng biến tướng, hoạt động công khai tại nội thành, nhóm đã thông qua hoạt động nghiên cứu Văn Sử làm được một số nhiệm vụ cách mạng cụ thể:
-Qua tập hợp lực lượng đã phát hiện và xây dựng một số anh chị em thành cơ sở cách mạng.
-Từ những hoạt động phong phú và có uy tín, Trung tâm Liễu Quán đã đồng ý để Nhóm Tìm hiểu Văn Sử xây dựng Đoàn Giáo chức Phật tử mà Ban Chấp hành phần lớn đều là cơ sở cách mạng và những nhà giáo tiến bộ. Sau đó chính các anh chị này đã tham gia vào lực lượng hoà giải của Phật giáo tỉnh Thừa Thiên, một số tài liệu chống Mỹ Ngụy lấy danh nghĩa Lực lượng Hoà giải là do bộ phận này đưa ra. Đầu năm 1975, Trung tâm Liễu Quán đã đồng ý giao cho Nhóm Tìm hiểu Văn Sử cơ sở in ronéo và tiến tới quản lý cả cơ sở in typo, một phương tiện rất lợi hại để tổ chức tuyên truyền các hoạt động cách mạng tại nội thành. Qua giao dịch về in báo, chúng ta đã mua được một số bộ chữ in typo để chuyển lên chiến khu.
-Nhóm Tìm hiểu Văn Sử đã làm nòng cốt vận động trí thức, văn nghệ sĩ ký tên vào bản Kiến nghị đòi Ngụy quyền phải trả lời về việc bắt giữ Nhà thơ Ngô Kha, đăng trên báo Đối Diện ở Sài Gòn để báo động anh Ngô Kha bị địch thủ tiêu. Nhóm đã tham gia xây dựng bản Cáo trạng Văn hoá lên án Nguyễn Văn Thiệu chà đạp những giá trị văn hoá, chuyển cho nhóm các anh Trịnh Công Sơn, Bửu Ý... tung ra dư luận báo chí lúc bấy giờ.
-Nhóm Tìm hiểu Văn sử đã lập kế hoạch vận động thanh niên, học sinh, sinh viên Huế “Một người một viên gạch cho ngôi mộ chung của hai nhà yêu nước Thái Phiên- Trần Cao Vân”, vận động đúc tượng đồng Phan Bội Châu. Thông qua những việc này để tuyên truyền, vận động trí thức và thanh niên hướng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
-Hoạt động của Nhóm Tìm hiểu Văn sử gắn với hoạt động của các tổ chức cách mạng biến tướng khác (như Mặt trận Nhân dân cứu đói miền Trung, Hội đồng Sinh viên Liên khoa Đại học Huế, Đoàn công tác Nữ sinh viên Liên khoa Đại học Huế, Đoàn Nữ sinh áo trắng... đã tạo thêm những hoạt động phong phú, gây được khí thế cho phong trào ở nội thành.
Truyền thống đấu tranh, xây dựng lực lượng cách mạng, tập hợp và động viên giáo chức, sinh viên đi vào nghiên cứu những vấn đề về lịch sử và văn hoá dân tộc để tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam đã được Thành uỷ Huế chỉ đạo trước đây, chúng tôi nghĩ trong điều kiện hiện nay có mặt còn vận dụng được để hướng thanh niên, sinh viên đi vào các hoạt động nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hoá gắn với tham gia xây dựng đất nước, xây dựng thành phố, tạo cho đội ngũ trẻ phát huy được tài năng của mình một cách tự tin và đáng được tin cậy.
TTC (172/06-03) |