Tạp chí Sông Hương - Số 172 (tháng 6)
Cảm nhận gửi Sông Hương
10:16 | 08/06/2023


TRẦN ĐÔN

(Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam)

Cảm nhận gửi Sông Hương
Ảnh: tư liệu

Tôi được đọc Sông Hương từ số 3 (46) tháng 4 năm 1991. Bài đầu tiên khiến tôi mê Sông Hương là bài bút ký “Sử thi buồn” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thực tình, từ đó mỗi tháng đến kỳ tôi đều tìm đọc Sông Hương. Có gì cuốn hút tôi đến như vậy?

Đó chính là đặc trưng văn hoá Huế rất sâu đậm, lắng và nổi nơi tạp chí này. Cái niềm yêu sâu xa nảy sinh từ thuở thanh niên mới bước vào đời tôi đã cảm nhận qua bài hát “Trên sông Hương” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, gặp dịp tái hiện, khởi sắc - nhất là những dịp công tác qua Huế, bâng khuâng và cảm hoài lưu luyến với dòng xanh thực thể Hương Giang - và dịp tình cờ được cầm Sông Hương trên tay, đọc, suy ngẫm và đặt Sông Hương lên giá sách.

Nói về các trang thơ của Sông Hương là nói đến sự trẻ trung, bút lực khoẻ khoắn, chất chứa sự tìm tòi cái mới của thơ Việt trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ mới, dự báo một tiềm lực thơ trẻ dồi dào. Sức trẻ của thơ Sông Hương tôi cảm nhận từ thi pháp của các tác giả, trong đó các tác giả trẻ đang vươn tới, gắng thể hiện trong môi trường hiện thực xã hội, trước đòi hỏi bức xúc của nhân dân nơi diễn đàn văn nghệ. Tầm vóc của thơ Sông Hương đã từng điểm mốc qua các cuộc thi, xứng đáng để độc giả thẩm định và trân trọng. Tôi gặp Thanh Thảo, Ngô Minh, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Quyến, Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh... chính trên những trang thơ này.

Các trang văn xuôi của Sông Hương làm tôi luôn liên tưởng đến những mạch sống, tâm hồn và ước vọng Huế, đứng ngang tầm với mảng này ở các tạp chí lớn hiện nay ở ta. Truyện ngắn, bút ký thường kỳ rất đều tay. Có những bài tôi cho rằng thật đặc sắc, tiêu biểu cho truyện và ký của văn xuôi Việt Nam những năm gần đây. Những trang viết đầy tính nhân văn này đã cuốn hút độc giả đến với Sông Hương.

Ở góc lý luận, phê bình, Sông Hương đã tập hợp được nhiều cây bút tên tuổi trong làng văn học và giáo dục của cả 3 miền Bắc Trung Nam. Chính vì thế, Sông Hương từ một tạp chí văn nghệ tỉnh thành đã trở thành diễn đàn của giới học thuật - phê bình cả nước.

Nhưng - riêng với tôi cảm nhận - có một điều thú vị liên tục và bất ngờ nhất là mảng... “triển lãm”. Triển lãm mini này đã dẫn dắt chúng tôi đến với Trương Bé, Bửu Chỉ, Ngô Tâm, Tôn Nữ Tuyết Mai... (hội họa), rồi Trương Vững, Đoàn Dân, Huỳnh Mẫn, Đào Hoa Nữ (ảnh) và Điềm Phùng Thị - người con yêu của Huế (điêu khắc). Mảng gam đa thanh sắc này ngự ở bìa 2. Từ 2 năm nay, Sông Hương đã mời những món ăn đặc sản Huế tặng cho bạn đọc.

Rất cảm ơn Sông Hương vì những ý tưởng mới mẻ, độc đáo thể hiện trong nội dung và hình thức xứng với tầm vóc Huế như vậy. Sông Hương - tạp chí đã vào tuổi hai mươi.

Có những dòng chảy còn lưu dấu ấn trong tâm thức người đời, khi lặng thầm sâu kín, khi rộn rã trào dâng theo bước thăng trầm của cuộc sống tinh thần. Bạn đọc như tôi rất tin ở Sông Hương sẽ có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo tồn văn hoá Huế, một trong những nét đặc sắc nhất của nền văn hoá dân tộc. và hơn nữa, góp tiếng nói tinh tế và truyền cảm của mình vào tiếng nói chung đang sôi nổi trên diễn đàn văn nghệ nước ta.

Hà Nội 9 - 12 - 2002
T.Đ
(TCSH172/06-2003)

 

 

Các bài mới
Chiều (09/06/2023)
Các bài đã đăng