Không cứ thời nay mà cả thời xưa, mọi thế lực đi xâm lược và chinh phục nước khác không bao giờ tự cho mình là phi nghĩa, thường vẫn tìm một chiêu bài hay danh nghĩa nào đó để che dấu ý đồ thực sự của mình và bao giờ cũng tìm chỗ dựa cho mình ở trong nước bị xâm lược, tìm những kẻ hợp tác thích hợp và đắc lực với mình để thực hiện mục đích của mình. Kẻ xâm lược càng ít lộ mặt càng tốt, càng ít trực tiếp ra tay càng tốt, tuy đây là việc không phải dễ dàng. Các lực lượng chống ngoại xâm bao giờ cũng có ưu thế hơn về chính trị, luôn luôn tìm cách giương cao ngọn cờ dân tộc, yêu nước, mặc dù thường thường bị yếu kém hơn về quân sự hay thực lực, phải đau khổ, hy sinh nhiều hơn, song được đền bù về tinh thần, đạo đức và danh dự, được tôn vinh bằng chủ nghĩa anh hùng. Trái lại, các lực lượng theo đuôi kẻ ngoại xâm được chúng "ưu đãi" hơn đồng bào mình cũng thường thường tìm mọi cách bào chữa cho hành vi của mình trước sự phê phán, kết tội của công luận, của lịch sử và có khi của cả chính lương tâm mình. Phản bội, phản quốc là tội danh mà chẳng kẻ nào dám nhận. Càng là người có học vấn, có tri thức mà sa vào con đường thứ hai trên đây thì càng có nhiều luận điệu bào chữa xảo trá, tinh vi, không chỉ bản thân những người ấy làm việc ấy mà đương thời cũng như hậu thế của họ cũng có những người cùng chung cảnh ngộ, cùng chung não trạng với họ làm việc ấy. Đối với những nhân vật loại này lúc đương thời thì ranh giới phải - trái thường cũng khá rõ ràng, song về sau do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự đánh giá có khi lại trở nên phức tạp, rối rắm, gây phân vân, tranh cãi. Dĩ nhiên, như người ta thường nói, lịch sử bao giờ cũng công minh, song chân lý của lịch sử cũng như của khoa học nhiều khi phải kinh qua con đường khúc khuỷu, gian nan mới sáng tỏ được. Bao giờ cũng vậy, người đời sau vẫn tuỳ vào chỗ đứng, tâm lý và lợi ích của mình mà rút ra từ lịch sử những nhận định, những đánh giá, những bài học khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau. Thêm nữa, các nhân vật lịch sử cũng là những con người, có ưu điểm mặt này lại có khuyết điểm mặt kia, đối với lịch sử, đối với dân tộc, nhiều khi gây tai hại chỗ này lại có đóng góp chỗ khác, có mặt chính diện mà cũng có mặt phản diện, hai mặt này có khi chuyển hoá lẫn nhau, tuy trong hai mặt đó bao giờ cũng có một mặt chính.
Ví những lẽ trên cho nên không lạ gì trong lịch sử, bên cạnh những nhân vật từ lâu đã nhận được sự đánh giá ổn định, nhất trí thì cũng có những nhân vật từ thời này sang thời khác gây nên những sự đánh giá khác nhau, trái nhau. Có khi do quan điểm, tình cảm khác nhau, song cũng có khi do sự thiếu sót về chứng cứ, về tư liệu.
Trương Vĩnh Ký với tư cách là một nhân vật lịch sử, nhân vật văn hoá thời cận đại chúng ta là một trường hợp tiêu biểu cho sự đánh giá phức tạp nói trên. Đối với nhân vật này, dù ai chưa đi thật sâu nghiên cứu kỹ thì cũng đã thấy hai mặt khá rõ ràng. Một mặt, ông là người Việt Nam có trình độ học vấn cao đã đứng ra hợp tác rất sớm và rất tích cực, rất đắc lực với các thế lực quân sự và chính trị của chủ nghĩa thực dân Pháp trong quá trình xâm lược và bình định nước ta cuối thế kỷ XIX, không chỉ ở Nam Bộ mà trong toàn quốc. Cũng như mọi nhân vật có thân phận tương tự như ông, ông cũng có thời kỳ đắc sủng, đắc chí mà cũng có thời kỳ thất sủng, thất chí, song trước sau lập trường chính trị của ông đối với "tân trào" (tức là chế độ và chính sách thuộc địa) là nhất quán và rõ ràng, ông luôn luôn là "người nô bộc tận tụy và trung thành" của họ, hết lòng vì "quyền lợi của nước Đại Pháp ở nước Đại Nam" với danh nghĩa là "vì sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước", song "một nước đi đồng hoá với một nước bị đồng hoá". Mặt khác, ông lại là một trong nhà trí thức Việt Nam đầu tiên được đào tạo thành đạt theo con đường giáo dục mới từ phương Tây, nổi tiếng thông minh và uyên bác, trong quá trình phục vụ cho chính sách của "tân trào" cũng đã tạo ra nhiều công trình học thuật và văn hoá theo tinh thần "tân học", về nhiều mặt có phần tân tiến và cập thời hơn các nhà trí thức "cựu học"; nếu các nhà "cựu học" tiêu biểu cho các giá trị truyền thống thiên về chiều hướng bảo thủ thì những nhà tân học như ông tiêu biểu cho các giá trị cách tân có những mặt cấp tiến so với đương thời. Cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa thực dân Pháp với dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX đã diễn ra thành cuộc đối đầu giữa hai nền văn hoá và hai trình độ văn minh: một bên là chủ nghĩa phong kiến đã khủng hoảng và suy tàn, một bên là chủ nghĩa tư bản đang thịnh đạt và bành trướng. Ưu thế của đối phương đối với nước ta không chỉ về kinh tế, kỹ thuật và cả về văn hoá, khoa học. Trương Vĩnh Ký tiêu biểu cho các ưu thế về văn hoá ấy, tuy là ưu thế nhất thời song là ưu thế tuyệt đối. Chính điều đó tạo nên hào quang và uy tín có phần được phóng đại lên của ông với tư cách và danh nghĩa là nhà văn hoá, nhà bác học lỗi lạc, có những cống hiến cho công cuộc hiện đại hoá một số mặt của nền văn hoá Việt Nam từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX. Rõ rệt nhất là vai trò của ông trong việc sử dụng và phổ biến chữ quốc ngữ, lúc ban đầu là công cụ của chủ nghĩa thực dân song về sau trở thành công cụ của nền văn hoá hiện đại Việt Nam. Mặt thứ hai của con người Trương Vĩnh Ký cũng rõ ràng không kém mặt thứ nhất, tuy có khi nó như mặt trước che mờ mặt sau, mặt ngoài che lấp mặt trong.
Ngoài ra, tôi cho rằng có một nhân tố gây không ít phân vân cho người đương thời cũng như người đời sau khi phân tích, đánh giá về ông, đó là tư cách cá nhân của ông, đúng hơn là tư cách trí thức của ông. Tuy được đào tạo rất cẩn thận trong nền văn hoá phương Tây, song Trương Vĩnh Ký vẫn có một căn cơ khá bền vững về văn hoá dân tộc, đặc biệt là truyền thống văn hoá dân tộc ở Nam Bộ. Tuy là tín đồ được nuôi dạy từ bé của giáo hội Cơ Đốc song nơi ông cốt cách của đạo học phương Đông cũng còn rất sâu. Tuy đứng ra hợp tác với kẻ xâm lược và chinh phục, song ông không thể thờ ơ với các phong trào yêu nước, kháng Pháp thời bây giờ với các tấm gương trung nghĩa, khí phách sáng ngời như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân và trên lĩnh vực văn học, văn hoá như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị... Tuy về tư tưởng và chính trị, ông ngả về phía chủ nghĩa thực dân, cả tin và bị lôi cuốn theo chính sách lừa mị đi đôi với mua chuộc và hăm doạ của thực dân, song về phương diện tình cảm, lương tâm và trí tuệ ông không tránh khỏi những mặc cảm về sự thất thố, sai lầm thậm chí tội lỗi của mình. Nhân tố này đặc biệt tăng lên trong thời gian cuối đời của ông, khi ảo tưởng vào chính sách khôn khéo, giảo quyệt của Paul Bert bị sụp đổ cùng với cái chết của nhà chính khách "thông thái" này, và ông bị các người kế nhiệm của Paul Bert đối xử không lấy gì làm lịch sự, tử tế lắm. Lương tâm và ý thức của người trí thức ít nhiều còn trung thực và trong trắng trong ông và có thể cả với đức tin chân thành của một tín đồ ngoan đạo nữa đã làm cho ông trong giai đoạn này của cuộc đời rút về chuyên tâm hơn cho các công trình văn hoá của ông. Đồng thời, khi nhìn lại cuộc đời mình, đối chiếu với tình cảnh nước nhà lúc đó, và có lẽ đối diện với công luận khảng khái, chân chính của giới sĩ phu, trí thức và nhân dân Nam Bộ thời bây giờ, hẳn rằng ông cũng như người đồng thời và đồng đạo của ông là Nguyễn Trường Tộ đã hơn một lần thốt lên tâm sự của mình qua hai câu thơ xưa: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận/ Tái hồi đầu dĩ bách niên thân". (Một phút sa chân muôn thuở hận/Quay đầu nhìn lại đã trăm năm). Chính nỗi thất vọng và niềm tâm sự ấy ông đã gửi lại trong bài thơ Tuyệt mệnh của ông làm cho bao tấm lòng đương thời và hậu thế "giận thì giận mà thương thì thương" đối với ông:
Cuốn sổ bình sinh công với tội Tìm nơi thẩm phán để thưa khai
So với Phan Thanh Giản "minh tinh chín chữ lòng son tạc", Trương Vĩnh Ký còn thảm thiết hơn ghi trên mộ chí của mình:
Miseremeni mei saltem vos amicis mei (Xin hãy thương tôi ít ra là các bạn của tôi)
Tôi trộm nghĩ: so sánh với các nhân vật trong lịch sử nước ta, nếu đặt ông bên cạnh Trần Ích Tắc, Trần Di Ái thì cũng tội nghiệp quá cho ông. Có lẽ ông gần hơn với Hồ Nguyên Trừng. Cũng tài năng ấy, thân phận ấy và tâm sự ấy. Cũng để lại cho đời sau một tấm gương và một tấm lòng ai oán. Để đời sau cảm phục, tôn vinh thì không, song để cảm thông, thương xót thì có. Nhất là để rút ra bài học thì nhiều.
Tôi có nói bên trên: Sự đánh giá, bình luận về các nhân vật lịch sử nhiều lúc chưa được xác đáng không chỉ vì tình lý phân vân mà còn vì tư liệu chưa đầy đủ. Về Trương Vĩnh Ký, dưới chế độ thực dân cũ rồi thực dân mới, khi "ý thức thống trị thời đại là ý thức của giai cấp thống trị" thì nhận định về Trương Vĩnh Ký không tránh khỏi bị méo mó, xuyên tạc theo chiều hướng có lợi cho giới cầm quyền, thiếu toàn diện và khách quan. Tuy vậy, bên cạnh những kiến giải thiên lệch cũng có những cố gắng tìm lại sự khách quan, công bằng, trung thực, ít nhất là tạo điều kiện tối đa cho một kiến giải như vậy. Thực ra những cố gắng như vậy cũng có bối cảnh lịch sử của nó. Cũng như dưới chế độ thống trị của đế quốc Pháp trước 1945 không ít học giả có tinh thần dân tộc và tấm lòng yêu nước đã bằng cách tố cáo tội ác xâm lược của phong kiến Trung Hoa ngày xưa để ám chỉ kẻ thù thực dân đương thời, hồi đội quân viễn chinh Mỹ đặt chân lên đất Việt Nam và dựng lên các chế độ tay sai của chúng ở Miền Nam thì nhiều học giả yêu nước trong vòng kiềm toả của chúng lại mượn cách tố cáo chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp để ám chỉ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ và bọn tay sai của chúng, thức tỉnh tinh thần dân tộc, góp phần vào cuộc kháng chiến cứu nước của toàn dân lúc bấy giờ. Tôi cho rằng hồi đó việc nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân Pháp và các chính sách, thủ đoạn của chúng buổi đầu xâm lược Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX cũng là một sự phản ánh và một cách hưởng ứng cuộc đấu tranh gần đến ngày thắng lợi của nhân dân ta cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ vừa qua. Việc nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký hồi ấy ở các đô thị miền Nam cũng có ý nghĩa thời sự của nó như thế. Trong đó, có công trình của nhà nghiên cứu lúc bấy giờ còn trẻ tuổi là Nguyễn Sinh Duy. Cũng không phải là ngẫu nhiên mà với đại thắng mùa xuân 1975, khi nạn xâm lăng của ngoại bang chấm dứt, nguỵ quyền Sài Gòn sụp đổ thì một công trình như "Trương Vĩnh Ký, cuốn sổ bình minh" trở nên không cần thiết nữa. Nói như K.Marx, phê bình của vũ khí lúc này đã thay thế cho vũ khí của phê bình
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, giữ nước và dựng nước dù ở thời đại nào, vẫn là hai nhiệm vụ chiến lược của dân tộc ta, kể cả trong thời kỳ hoà bình xây dựng và đổi mới, phát triển và hội nhập ngày nay. Một chủ nghĩa yêu nước chân chính đi đôi với một tinh thần quốc tế trong sáng vẫn là vũ khí tinh thần quan trọng, một kim chỉ nam thiết yếu của nhân dân ta thuộc mọi tầng lớp, mọi thế hệ và ở bất cứ đâu, có ý nghĩa rất lớn đối với sự tồn vong và suy thịnh trong tương lai của dân tộc ta. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời kỳ đổi mới hiện nay, nhiều vấn đề lịch sử, văn hoá, văn học tưởng đã đâu vào đấy rồi lại được đặt ra để tìm những cách tiếp cận mới, những sự lý giải mới. Quá trình này diễn ra không tránh khỏi một số cách nhìn, cách nghĩ khác nhau, trong đó một cách tiếp cận, một sự lý giải đúng đắn, tránh được mọi sự quá khích, cực đoan, nghiêng ngả khi về phía này, khi về phía kia, tôi trộm nghĩ là rất cần thiết. Hơn nữa, theo tôi, dù đã bước sang thế kỷ XXI thì các vấn đề lịch sử, văn hoá, văn học ở nước ta cũng như trên thế giới không phải đã đến lúc có thể thoát ly cơ sở xã hội, chính trị và tư tưởng của chúng, mà thực tế cho thấy chúng thậm chí đang càng gắn bó khăng khít, nóng bỏng với nhau hơn bao giờ hết. Đi tìm chân lý của lịch sử cũng như của thời đại không phải là con đường luôn luôn xuôi chèo, mát mái. Đó vẫn phải là con đường của khoa học và của cả triết học (tức là thế giới quan và phương pháp luận) nữa. Chỉ với con đường khoa học và triết học đó, thông qua nghiên cứu, thảo luận, tranh luận với tinh thần tôn trọng chân lý và đạo lý, chúng ta mới đạt được sự đồng thuận, nhất trí lâu dài, bền vững, góp phần vào công cuộc phục hưng dân tộc về mọi mặt, trong đó có mặt văn hoá. Việc đó cũng còn có ý nghĩa trong việc định hướng, nhận đường của người trí thức Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Trên tinh thần như vậy, tôi trộm nghĩ việc nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, ngày nay cũng không còn trẻ nữa, có nguyện vọng tái bản công trình nghiên cứu trước đây của ông về Trương Vĩnh Ký mà tôi nghĩ là rất phong phú về tư liệu và rất đúng mực về thái độ là một điều tích cực và chính đáng. Dù đã có một số cuộc nghiên cứu, hội thảo, thậm chí có số sự việc thực tế như đặt tên trường*, tên đường mang tên nhân vật này, song trong khoa học không thể có chân lý cuối cùng và nếu vấn đề còn tồn tại thì còn nên tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, trao đổi thêm. Tôi viết bài này cũng không ngoài mong muốn góp phần thảo luận thêm và để được hiểu biết thêm về một vấn đề mà bản thân mình đến nay chưa phải đã hoàn toàn thông suốt.
TP. Hồ Chí Minh ngày 30.12.2002 T.T.Đ (173/07-03)
----------------------- *Về đặt tên trường, thời Pháp thuộc cũng như thời Mỹ thuộc, một nhà trường trung học lớn ở Sài Gòn mang tên Petrus Ký. Sau ngày thống nhất 1975, tên đó đã được thay đổi. Song sau đó một thời gian, nó lại được tái sinh ở một nhà trường trung học khác ở thành phố Hồ Chí Minh. Có người băn khoăn một cách chính đáng: Đặt tên Trương Vĩnh Ký cho một cơ sở giáo dục Việt Nam, những nhà giáo dục ở đây định giáo dục con em thành những con người như thế nào? Với tinh hình nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký như hiện nay, tôi cho rằng vấn đề trên đây vẫn còn bỏ ngỏ. |