Đại đội trưởng của tôi lúc ấy là Trần Hữu Bê đã chép lại bài thơ này vào sổ tay. 34 năm sau, anh Bê (là đại tá trường Sĩ quan Công binh) gặp lại tôi và trao lại cho tôi bài thơ mà anh đã chép. Nhớ lại chuyện xưa, tôi về Quế Phong tìm lại người yêu cũ của trung đội trưởng, nhưng cô đã nghỉ hưu tại quê nhà là xã Hưng Đạo; Hưng Nguyên, Nghệ An. Và tôi được biết, sau khi được tin người yêu hy sinh, cô Ánh vẫn chờ đến năm 1974 mới lấy chồng, sinh được 2 trai 1 gái. Con trai đầu của cô đã là sỹ quan công binh. Chồng cô đã mất cách đây hơn 10 năm. Tôi đã gặp cô Ánh ở quê nhà và nói với cô rằng, tôi chỉ là người chép lại tâm sự của trung đội trưởng trước lúc anh hy sinh, gửi về cho cô. Nhưng đấy cũng là tâm trạng chung của nhiều người lính đối với người yêu thời chiến tranh khốc liệt...
Chiều vàng trôi Mặt trời về khép cửa Trường Sơn Anh ngắm biên cương Bâng khuâng nhớ chiều quê hương
Chiều vàng trôi Không níu lại được thời gian Riêng anh giữ mãi chiều gặp em Núi trở mình rừng buông màn đêm
Và bấy giờ sau lưng núi trăng lên Trăng đầu tháng lặng im không nói Trăng yếu ớt xua chiều đi vồi vội Trăng hiểu rằng, từ đây anh xa em
Nhớ nhau nhiều là buổi đầu tiên Khi anh nói lời yêu em thẹn thùng cúi mặt Trăng bẽn lẽn sau vòm cây ẩn nấp Em nhìn anh, ôi, gương mặt trăng đầy...
Trăng rắc vàng lên mái tóc mây Trời lấm tấm những vì sao xa lắc Một dải ngân hà mờ ánh bạc Ngưu Lang và Chức Nữ có gần nhau?...
Trên sao xa rồi cũng sẽ có người Những làng mạc sẽ thay bằng thành phố Mái trường xinh em với đàn em nhỏ Hát sau giờ ra chơi...
Âm thanh xa anh không rõ ý lời Vọng tiếng nhạc tận khoảng không vũ trụ Và dáng dấp những người thiếu nữ Cô giáo Lào, nàng tiên, hay là em?
Đồng đội và anh thức với màn đêm Súng gác sao trời hiện mảnh trăng đầu tháng Anh ngỡ mình bay ra ngoài giới hạn Đến một vì sao xa, nơi ấy có em yêu... Khe Tang, ngày 10.11 .1968
(173/07-03) |