Tạp chí Sông Hương - Số 174 (tháng 8)
Lát cắt thiên đường
16:42 | 28/05/2009
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO...Sáng hôm ấy bà con xóm đạo đi lễ rất đông. Người ta nhìn thấy một vệt sao băng vào lúc trời tảng sáng. Họ cho rằng Chúa thấu hiểu được nỗi đau đang dày xéo trên thân thể Xoan. Nhưng cũng chính vì thế mà bố cô lại quay về làm chính con người liêm khiết hồi xưa. Thiên đường cũng có những con đường riêng để người ta sám hối.
Lát cắt thiên đường

Trễ lắm rồi. Tôi nhìn lên chiếc đồng hồ công cộng và quyết định ra về. Xoan đã không đến như lời hẹn. Ngày trước Xoan là đứa con gái hiền ngoan nhất khu tập thể ấy. Ai cũng bảo rằng khó có thể tìm thấy một điểm yếu nào trong tính cách của cô Xoan - con gái ông phó giám đốc một cơ quan tầm cỡ trên tỉnh và nổi tiếng sống trong sạch, không vụ lợi. Tiếng lành đồn xa. Cả huyện rồi cả tỉnh đều biết đến Xoan như một hiện tượng của thời sự hàng ngày. Họ kháo nhau xem bao giờ thì Xoan lấy chồng và ai sẽ lọt mắt xanh của con gái phó giám đốc cùng cái cơ ngơi không mấy giàu có của họ. Là con một trong gia đình, Xoan được học hành tử tế, diễm phúc là có chút nhan sắc, có không biết bao chàng trai làng trên xóm dưới tẩn mẩn tranh nhau đưa đón Xoan về.

Tình yêu đầu tiên của Xoan là một chàng kỹ sư tốt nghiệp bách khoa Hà Nội vừa về quê nhận công tác. Thời nay người ta yêu nhau chỉ vì bản thân muốn trục lợi điều gì đó từ kẻ yếu hèn hơn mình. Sự thật đắng cay đó đã đưa bao người con gái đi đến quyết định vụ lợi cả trong hạnh phúc, tình yêu. Xoan của ngày xưa không phải Xoan bây giờ với đôi mắt được xăm, tỉa gọn gàng, tóc nhuộm màu hạt dẻ có điểm vài sợi màu xanh. Thế là văn hoá đô thị đã bò về tận những miền quê thuần chất. Nhiều người cho rằng đó là quy luật bất biến của xu thế thị trường. Nghĩa là người ra có thể buôn bán tất tật mọi thứ, bất kể đó là thứ gì...

Xoan bỏ hẳn quê lên thành phố. Khi người yêu của Xoan đã cao chạy xa bay cùng cô bồ mới, với đám thanh niên đô thị lố nhố thi tài trên những chiếc xe máy không bằng lái, không công ti mét. Đua nhau thử sức không mệt mỏi trên những chặng đường loanh quanh thành phố. Rồi ôm nhau hò hét khi đêm đã trễ tràng về sáng. Chút hi vọng mỏng manh của những người dân quê chân chất với Xoan là sự tái sinh bằng những tia hi vọng khổ hạnh, bằng những lời nói không hoa mỹ. Cái ghế ông phó giám đốc của bố Xoan cũng bị lung lay ít nhiều sau những ngày gia đình mắc cạn. Người ta mới thấy ông Thăng buồn buồn, lặng lẽ đi về cuối tuần cùng người vợ già chung thuỷ bằng chiếc xe máy cũ, không phải bằng xe hơi đưa đón như xưa. Thì cũng phải thăng trầm người ta mới ngẩng đầu nhìn lại, ai mà tiên đoán được mọi chuyện xảy đến trong cuộc đời này? Bởi vậy mà mọi thứ hắc - bạch đều nên phân minh. Tôi đã lục tìm được tập hồ sơ về vụ án chìm nghỉm mấy năm nay của bố Xoan trong đống hồ sơ tối mật của Viện. Thời nay người ta làm ăn theo êkíp cả, không có ai riêng lẻ như tôi. Nghĩa bạn, tình thầy, tôi đã cố bào chữa cho tội trạng của bố Xoan với hi vọng rằng mọi nhẽ sẽ khác. Nếu như...

Chuông điện thoại réo đến mấy lần tôi mới nhấc ống nghe. Bên kia dây giọng Xoan khô khốc:

- Lục có thể giúp mình được không? Bao nhiêu Xoan sẽ trả.

- Xoan...

- Hay Lục nghĩ cô Xoan này buôn hoa bán... nên.

Giọng Xoan nghe đay nghiến. Đời sao phù phiếm thế! Tôi buông một câu nói cửa miệng mà thấy đắng ngắt ở cổ họng. Cái thời đồng tiền lên ngôi thì tình cảm chỉ còn là con tép riu mà thôi. Không nên nói chuyện tình cảm với những ai trọng tiền hơn tình. Tôi thấy gương mặt mình trong gương gầy hốc hác. Bao nhiêu vụ án là bấy nhiêu nết nhăn trên khuôn mặt trẻ chưa qua, già chưa tới của tôi. Người ta bảo làm luật sư không thể bào chữa nổi cho chính mình. Tôi đang đúng với lời tiên tri ấy bởi không thể tự giải quyết những khúc mắc của mình. Tôi rối rắm và buông mình nằm xuống tấám phản kê đầu nhà. Lặng lẽ nghe gió ru cây ngoài bãi dương, tôi thầm nghĩ đến Xoan với khuôn mặt bầu bĩnh ngày xưa, nghĩ đến những buổi chiều cùng nhau hái hoa sim trên đồi vắng, vô tư nhìn mọi người và trinh bạch trong từng câu nói không hoán đổi. Thời ấy sao giờ khác xa quá, mười năm, thời gian đủ dày cho người ra quên hoặc nhớ một điều gì đó. Bên kia điện thoại giọng Xoan vẫn đều đều: "Bây giờ Lục có khinh Xoan thì Xoan vẫn phải nói thế, thời buổi kinh tế thị trường nên làm gì cũng phải có giá". Tôi bỏ yên điện thoại và đi ra ngoài. Đường phố bây giờ hết người qua lại. Khuya rồi. Đồng hồ nhà thờ đã điểm canh ba. Thời khắc của ngày mai, của sự phán xét cuối cùng của bồi thẩm đoàn khi bố Xoan cúi mình trước vành móng ngựa. Những câu hỏi cứ day dứt tôi đủ để trọn đêm không ngủ.

Tôi nghĩ đến buổi đi thỉnh kinh sáng của người theo đạo thiên chúa giáo. Tội lỗi sẽ được sám hối với cha xứ rồi được chúa chở che và người ta sống lương thiện hơn. Làm người thường thật khó, cái khó xuất hiện khi người ta tưởng nhầm mình là người ngoan đạo. Người ta lại không nặng lắm về hiện tại nhưng thiết tha với quá khứ hơn. Tôi đoán chắc rằng Xoan cũng thế. Cô đang ở cái thế của cá nằm trên thớt, muốn quẫy đạp để xuống cũng không được. Con đường cũ hằn lên từng nếp nhăn trên khuôn mặt của Xoan. Năm xưa bố Xoan giấu giếm người khác để tích góp tiền cho cô bồ nhí ở tận làng Nhạc thì người ta cho rằng đó là lẽ công của "riêng tư". Nhằm khi tháng ngày rong mạ, người ta cứ cày cấy trên mảnh đất của sự thoá mạ không có đích. Như ngọn gió đông quăng quật ngoài bãi sậy, Xoan gầy rộp sau những ngày kiếm tìm trên thành phố, kiếm cái mất mà được, kiếm cái có mà không. Cái thời con gái đi qua khi người ta nhầm mình đương xuân, đương sức. Rặt chuyện thiên đường.

Khi người ta bốn mươi tuổi, người ta có thể đi trên con đường phẳng lì sự thành công. Cũng có thể người ta bắt đầu làm lại một cái gì đó vừa đánh mất khi còn trai trẻ. Đời người ngoắt nghéo. Gấp khúc. Nhiều khi lao lực, lao tâm mà không mệt mỏi. Nhiều khi cố thanh nhàn lại phải cam chịu đắng cay. Tôi đã làm luật sư được hai mươi năm, mỗi vụ án là một đêm tôi trắng mắt tìm nhân chứng, lời lẽ sao cho không phán oan cho kẻ mang tội và bảo vệ người lành. Đôi mắt tôi nhiều đêm không chớp, ngủ mà lại thức. Tôi ngồi trước đống hồ sơ vụ án của bố Xoan, cố tìm ra cho ông ta một lối thoát mà không thể. Tôi nhủ thầm mình rằng công việc là công việc, chuyện riêng tư là chuyện riêng tư, vậy mà.... Có lẽ Xoan cho rằng tôi là người đàn ông không thể làm chỗ dựa cho em mỗi khi gặp chuyện buồn lòng. Và cũng có thể lúc này đây tôi không đủ khả năng để làm được điều mà Xoan mong muốn. Có một câu nói người ta thường truyền miệng nhau "Cha ăn mặn, con khát nước", đời người không ai nói trước được điều gì dẫu có tin là trên đời có thể. Khi người ta chết chìm trong một mớ bòng bong do chính mình gây ra thì cái chết đó xứng đáng với những người tự tay vấy bẩn trái tim mình. Tôi mò mẫm đi tìm cái khoảng tối mênh mông giữa lòng người, che lấp đi phần nửa còn lại của sự thật. Đó là chỗ hổng trong vụ án tôi đương thụ. Không mảy may tìm thấy điều gì làm niềm an ủi. Trên cao có Thiên đường hay không? Nếu có thì con người ta có thể tìm lại những gì mình mất mát hay không? Người ta có nhận ra lỗi lầm làm tổn thương bao người hay không? Mặt trời cũng có lúc loé sáng che lấp khoảng không gian khi người ta nhìn lên ai đó. Trong ánh sáng của mặt trời làm ta chói mắt đó, người ta không mơ mình giàu sang mà người ta mơ mình hạnh phúc. Xoan lại không, cô mơ về một nơi mà tiền bạc có thể mua bán, thu đổi tất cả, từ những cái nhỏ nhặt nhất.

Khi Xoan yêu chàng kỹ sư ấy, tôi là anh luật sư mới ra trường chưa xin được việc làm. Khi Xoan quay lại nhìn tôi, cái nhìn thường chua chát bởi những vụn vặt thường nhật, bởi vì anh sinh viên quèn không có đủ chiếc xe đạp đi làm, bởi mốt lúc bấy giờ người ta chuộng đồ ngoại... N lý do làm cho người ta dở cười, dở khóc như khi cầm phải con nuốt tươi dưới biển. Nó đang chiết ra một thứ chất nhờ nhợ để cố chống lại cái chết cận kề trên bãi cát dưới trời nắng cháy da. Con người đến đường cùng cũng thế. Tôi đã đợi đến tia hy vọng cuối cùng là Xoan sẽ trở về. Xoan không biết được rằng sau những cuộc tình chóng vánh ấy. Đằng sau những món quà đắt tiền của chàng kỹ sư ấy là một mớ bòng bong của sự dối lừa. Con người ta thường bị vật chất dồn nén, những dục vọng tầm thường không đáp ứng đủ cho sự tinh khôn của trái tim và lý trí. Tôi biết sau những buổi cầu kinh, Xoan thường lén lút làm điều gì đó như cố giấu tất cả mọi người bằng một nụ cười liến thoắng.

Nhiều khi tôi cũng mơ mình là con chiên của Chúa, được đi lễ lúc nửa đêm, được xưng tội với cha xứ như những người khác và thấy tâm hồn mình thanh thản khi không phải vướng bận những chuyện thế sự. Thế nhưng trong thế giới ấy tôi đã nhìn thấy mình càng bé nhỏ, càng muốn được chinh phục những điều ngoài tầm nhìn của một người ngoại đạo. Nhưng cái khó là ở chỗ người ta cứ phải hoài nghi về lòng tin, về nhân phẩm một con người. Xoan từng là con chiên ngoan đạo với đôi mắt sáng với tia nhìn sắc bén. Từng là cô con gái cưng chiều của một nhà quyền quý. Vậy mà tôi nhận ra trong thế giới của cô cái mỏng manh, sự dối trá và sự khiêm nhường... tất cả trộn lẫn vào với những ước mơ có cánh bay qua từng vùng trời. Cả những sự vật cũng cất cánh bay được trong không gian. Những ngày tháng đi đây đi đó, Xoan nhận ra mình bước nhầm đường mà không thể tìm ra lối gỡ. Lại càng lún sâu vào những mớ bòng nhòng của sự dối trá có chủ đích. Rồi cái anh chàng kỹ sư kia cũng cất cánh bay đi khi hết công trình nơi anh ta từng đam mê cô gái hiền đoan ngày ấy. Tình cảm con người đổi thay ngay khi người ta tưởng mình hạnh phúc. Trong bể khổ trầm luân của cuộc đời, mấy ai biết được những ngả rẽ đưa người ta đến tương lai cũng có lỗ chỗ gai góc tang thương sẵn sàng đâm vào lòng bàn chân đỏ au của số phận. Trên thiên đường có một con đường dẫn người lầm đường lạc lối trở về với thực tại ngay khi họ bắt đầu gục ngã dưới chân núi dục vọng. Nhiều khi người ta khắc tên mình lên đá mà cứ hoài tưởng đó là công việc sang trọng nhất của một kẻ tìm kim đáy bể. Những lớp cắt ngang dọc trên mặt biển không làm cho người ta choáng ngợp trên những tia lân tinh màu xám. Trên con đường đi tới miền xa thẳm của thiên đường, có những chỗ lổm chổm toàn đá, toàn gốc cây trơ trụi bị cháy sém, không còn nhìn thấy là bao những gương mặt con người... Tất cả nhoà đi, thoắt ẩn, thoắt hiện, những khuôn mặt xương xẩu, gầy nhom nhìn thì ma mãnh lắm. Có những hố sâu trũng xuống trong lớp bụi thời gian màu vàng vọt, đó là hốc mắt của những tội nhân đang chờ phán xử cuối cùng.

Khi chiếc đồng hồ công cộng chỉ đến mốc 24 giờ khuya, một chiếc xe hơi sang trọng đỗ xịch lại, và Xoan bước xuống. Tôi đứng cách đó không bao xa, đủ để thấy và nghe trọn cuộc trò chuyện của họ.

- Bố em không thoát tội được đâu!

- Nhưng tôi đã chồng đủ tiền anh cần.

- Cô em đi nhầm đường rồi!

- Nghĩa là...

- Tội ông bố yêu quý của cô em không thể có đủ tiền mà chạy tội. Dù có bán hết cái thân dơ của cô em.

- Đồ đểu! Anh gạt thời trinh của tôi chưa đủ sao.

- Đồng tiền có vạn năng. Nó có cánh bay đi khỏi tay tôi thì giờ nó lại về đúng chủ. Cô hiểu chứ?

Tôi nhìn thấy dáng Xoan đổ ập xuống tơi tả, đau đớn. Người đàn ông kia cho xe vụt chạy như chưa hề có cuộc nói chuyện vừa rồi. Bóng đêm đè xuống không gian. Tôi nhìn rất rõ khuôn mặt đẫm nước mắt của Xoan. Cầu trời trong buổi xét xử ngày mai bố của Xoan sẽ giảm được tội. Tôi đang có trong tay tập hồ sơ là những tang chứng, vật chứng để giảm trọng tội cho vị phó giám đốc nổi tiếng thanh liêm ấy. Tất cả là vì tin tưởng và giao phó cho vị trợ lý hợm hĩnh của mình. Ông ấy đã không biết được rằng đằng sau việc ông vào tù có nhiều uẩn khúc được dán kín trên khuôn mặt cô thư ký.

- Về đi Xoan, ngày mai còn phải đưa bố em về nhà.

- Nhưng bố em...

- Anh có thể giúp em trong việc này bằng nghiệp vụ của mình. Em yên tâm.

Tôi vừa nhận ra mình đã đổi cách xưng hô với Xoan và không ngần ngại cầm lấy đôi bàn tay thon lẳn của Xoan. Giáo đường đã có người đi lễ sớm. Những ngôi sao màu bạc đang lấp lánh phía chân trời trước khi bình minh hửng sáng. Chỉ còn ít giờ đồng hồ nữa bố Xoan sẽ được trả về nguyên vị trí cũ. Và cuộc đời cũng thật lắm oái oăm. Chính gã đàn ông nói chuyện với Xoan hồi tối đã không kịp xoay xở chi nhiều trước khi nhận mức án nặng.

Sáng hôm ấy bà con xóm đạo đi lễ rất đông. Người ta nhìn thấy một vệt sao băng vào lúc trời tảng sáng. Họ cho rằng Chúa thấu hiểu được nỗi đau đang dày xéo trên thân thể Xoan. Nhưng cũng chính vì thế mà bố cô lại quay về làm chính con người liêm khiết hồi xưa. Thiên đường cũng có những con đường riêng để người ta sám hối.

Huế, trung tuần tháng 5/2003
N.T.A.Đ
(174/08-03)

Các bài mới
Bà cụ Tuần (02/06/2009)
Các bài đã đăng
Về với chị (27/05/2009)
Cái tâm (27/05/2009)