Tạp chí Sông Hương - Số 243 (tháng 5)
Lửa tháng năm
15:52 | 29/05/2009
TRƯỜNG ANChúng ta đang sống giữa những ngày rực lửa truyền thống hào hùng của Tháng Năm trong lịch sử cách mạng Việt và thế giới. Trước hết, hãy nhắc đến một sự kiện lớn của giai cấp công nhân quốc tế. Ngày 1.5.1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.
Lửa tháng năm
Hành quân trên đường Trường Sơn (ảnh tư liệu)

Tiếp đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Giới chủ đã thuê cảnh sát đàn áp. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt. Dù vậy, cuối cùng, công nhân đã giành được thắng lợi. Cuộc đấu tranh này lan rộng khắp thế giới và cũng từ đó, nhân loại bước sang một thời kỳ mới, ngày một phát triển như vũ bão trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đẩy đến cùng khả năng tự do sáng tạo của con người... Ở Việt Nam, giai cấp công nhân hình thành có đặc điểm quan trọng là ngay lập tức đứng lên theo Đảng gánh trọng trách của sứ mệnh đội quân tiên phong trong việc bảo vệ và xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa, làm nên bao trang sử hào hùng.

Trong tháng 5 năm nay, chúng ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn: Kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5), Kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chủ Tịch (19.5). Tất cả những sự kiện này đều mang đậm dấu ấn của thiên tài Hồ Chí Minh. Ít người biết rằng ngay từ mùa xuân 1947, Người đã chỉ thị phải “đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm lên đất Điện Biên Phủ”. Đến tháng 6.1949, trong bài viết “Giấc ngủ mười năm”, ký tên Trần Lực, do Tổng Bộ Việt Minh xuất bản, Người đã dự đoán sẽ có trận cuối cùng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
“trận ấy phải là trận khủng khiếp nhất, nhưng là khủng khiếp cho giặc”... Quả nhiên như thế! Chúng ta đã làm nên một chiến thắng lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử quân sự nhân loại: “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng...” (Tố Hữu).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đoàn 559 ra đời đúng vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19.5.1959, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam. Trước sự đòi hỏi ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đoàn 559 cũng đã lớn mạnh không ngừng, quân số từ lúc ban đầu có 500 người, về sau có lúc lên đến 20 vạn người. Suốt 16 năm chiến đấu ác liệt gian khổ, bộ đội đường Trường Sơn đã chiến thắng trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường đi tới độc lập, tự do của tổ quốc. Huyện A Lưới ở Thừa Thiên Huế, nơi có nhiều đọan đường Hồ Chí Minh đi qua trong kháng chiến, đã trở thành vùng đất anh hùng trong quá trình bám chặt đường Trường Sơn chống Mỹ. Nhiều người dân tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh ở đây bây giờ vẫn vui vầy cùng con cháu trong công cuộc xây dựng đất nước và không bao giờ quên được những năm tháng hào hùng xưa. Năm nào đó, khi theo đoàn cán bộ lão thành cách mạng lên thăm A Lưới, người viết nghe những chiến sỹ Trường Sơn chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa hỏi nhau: -“Anh có nhớ rừng không?”-“Nhớ chứ” - “Ừ, anh ra khỏi rừng nhưng rừng chưa ra khỏi anh”. Rõ ràng không ai có thể quên, không ai được phép quên những ngày tháng hào hùng đó. Cũng vậy, không ai được quên những hy sinh mất mát vô cùng lớn lao của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc thiêng liêng, không ai được quên những dòng sử đã viết bằng máu và đẫm nước mắt ấy, tất cả để hun đúc thêm niềm tự hào trong cuộc sống dựng xây hôm nay, và để nhắc nhở những người hôm nay phải sống cho xứng đáng với những gì mà những người nằm xuống đã mong đợi...

Và để xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cuộc đời của Người đã tận hiến cho hoà bình, độc lập, tự do và sự phồn vinh của đất nước, của dân tộc; kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Người, cả nước đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Học tập Người, nhiều khi cũng chỉ cần thực hiện một điều đơn giản thôi: bỏ thói vô cảm trong cuộc sống, thờ ơ trước những hoài mong của nhân dân... Nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong đội ngũ cán bộ công chức chính là đòi hỏi bức thiết của Đảng trong sự nghiệp phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Từ ngày 5.5, bắt đầu
tiết lập hạ sang hè. Nhưng đến 22.5, Ngày Phòng chống thiên tai của Việt Nam nhắc chúng ta nhớ rằng tháng 11 đến, Thừa Thiên Huế kỷ niệm tròn 10 năm Đại Hồng Thủy 1999. Cơn lũ ấy cuốn trôi hàng trăm mạng người, hàng nghìn tỷ tài sản, hàng ngàn gia đình phút chốc trắng tay; nhưng cơn lũ ấy cũng đã bồi đắp cho chúng ta tình cảm thiêng liêng của lòng nhân ái dân tộc. Hàng triệu tấm lòng của đồng bào trong cả nước đã kịp đến với những nạn nhân Đại Hồng Thủy ngay trong cả khi cơn lũ đang cuồng lưu dữ dội nhất; nhiều tấm lòng cao cả xả thân cứu đồng loại đã xuất hiện; và vì thế, đất nước đã thêm một lần ngời sáng tình dân tộc, nghĩa đồng bào của con cháu Lạc Hồng sinh ra từ bọc trứng Mẹ Âu Cơ...

Tất cả đó là những ngọn lửa Tháng Năm hun đúc cho chúng ta bước tiếp trên hành trình đi về phía trước.

T.A
(243/05-09)

Các bài mới
Ba lần gặp Bác (19/06/2009)