Anh sinh năm1937, quê Thủy Vân, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Thuở nhỏ, anh theo mẹ sống ở nhiều nơi: Đà Lạt, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm (1966), anh cùng với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được tổ chức bí mật đưa lên chiến khu Trị Thiên làm việc ở cơ quan Tuyên huấn Thành ủy. Sau 1975 cho đến khi nghỉ hưu (1998), anh từng làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ thành phố Huế, Phó Tổng biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Sông Hương, trưởng phòng đại diện miền Trung và Tây Nguyên báo Lao Động... Tác phẩm đầu tiên của anh gây được sự chú ý đối với bạn đọc viết về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế. Anh may mắn gặp được những người bạn học và bạn đồng thời với Bác như các cụ Lê Thiện, Nguyễn Đạm, Lê Thanh Cảnh... Qua các cụ, anh biết được khá cặn kẽ quãng đời niên thiếu của Bác. Anh cũng đã xuất bản hàng chục đầu sách kể chuyện thâm cung bí sử thời nhà Nguyễn. Trong đó đáng chú ý là: Chuyện nội cung Huế (gồm 3 tập, tái bản lần thứ 4), Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa (gồm 6 tập). Công trình gây được tiếng vang gần đây của anh là Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung. Sách dày trên 400 trang với nhiều tư liệu quí hiếm. Đây là công trình anh kiên trì theo đuổi suốt 20 năm nay. Ở Huế, không chỉ mình anh đi tìm lăng mộ vua Quang Trung nhưng xem ra dự đoán của anh là có cơ sở hơn cả. Anh phải lần đọc hàng núi tài liệu như: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn, Lịch sử Phật giáo, gia phả các dòng họ nổi tiếng ở Huế, văn học cổ Việt Nam, Trung Quốc... Anh đi nhiều nơi, gặp gỡ, trao đổi, hỏi han những bậc học giả uyên thâm trong và ngoài nước... Lăng mộ vua Quang Trung cứ hé lộ dần. Từ những chứng cứ thu thập được, anh khẳng định: Lăng mộ vua Quang Trung nằm trên vùng đồi khu ở ấp Bình An cũ, thuộc phường Trường An ngày nay. Những năm gần đây, anh còn dành thời gian viết về những văn nghệ sĩ mà anh yêu mến, ngưỡng mộ như Tố Hữu, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Phạm Duy...
Tiếp xúc với Nguyễn Đắc Xuân, tôi rất khâm phục tác phong làm việc khoa học, cần mẫn; tính thẳng thắn, trung thực, cầu thị của anh. Với anh “người cầm bút chân chính phải là một nhà văn hóa đồng thời là một kẻ sĩ”. Anh tâm nguyện: “Còn viết là còn tư duy, còn học hỏi, còn gắn liền với cuộc sống của nhân dân mình”. Qua hàng nghìn trang sách viết về con người Huế, văn hóa Huế, lịch sử Huế... anh xứng đáng được vinh danh: Nhà Huế học!
MAI VĂN HOAN giới thiệu
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Huế và thơ, nhạc, sách
(Trích chương 6, Hồi ký Mười bốn năm đèn sách (chưa xuất bản) của Nguyễn Đắc Xuân).
Về quê nội Dã Lê lúc đầu tôi buồn lắm. Buồn vì nhớ mẹ ở Đà Lạt, buồn vì chưa quen cuộc sống ở làng quê Huế và buồn vì gia đình ở Đà Nẵng bị phá sản. Những ngày nghỉ học tôi tìm đọc truyện, thơ và tập hát. Một điều thú vị là không phải vì buồn mà tôi thích truyện thích thơ, thích hát, mà cái lứa tuổi của tôi ở Huế lúc đó cũng như trước đó và sau nầy đều thích như thế cả.
Sau tháng 7-1954 ở miền Nam cũng như ở Huế thơ văn mới không ai đọc. Thơ truyện có giá nhất là của nhóm Tự Lực Văn Đoàn thời Tiền chiến và thơ văn trong vùng kháng chiến do những người trong vùng “tự do” bí mật đem về. Qua chuyện thích thơ văn, âm nhạc tôi thân với hai người chị họ cùng lứa tuổi với tôi: Chị Nguyễn Thị Thương con bác Đội Thị (nhà ở gần chợ Cống) và chị Nguyễn Thị Xuyến - con gái út của bác Trợ Nhuận (1) (nhà ở đối diện với Rạp Xiné Châu Tinh, 26 Chi Lăng, Gia Hội). Hai chị tôi đều học trường Đồng Khánh, được nhiều người ngưỡng mộ. Bạn của hai chị giúp tôi mượn được nhiều thơ văn quý. Anh Vĩnh Am - bạn của chị Xuyến cho tôi mượn cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh xuất bản từ năm 1942. Sau ngày cả thành phố Huế chạy tản cư (đầu năm 1947), sách vở tài liệu lịch sử của Huế thất lạc, hư hại hết.
(Chị Xuyến thời học trường Đồng Khánh)
Cuốn Thi Nhân Việt Nam của bạn chị tôi cho mượn là một cuốn sách quý hiếm. Bởi thế tôi ngồi chép lại toàn bộ tập sách dày hơn bốn trăm trang để làm của riêng. Tôi cũng không nhớ những người bạn nào của các chị tôi cho tôi mượn các Thơ Thơ của Xuân Diệu, Lửa Thiêng của Huy Cận, Điêu Tàn của Chế Lan Viên, Gái Quê của Hàn Mặc Tử, Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính v.v. Lúc đầu tôi chỉ chép những bài thơ tôi thích, sau thấy như thế thiêu thiếu thế nào tôi ngồi chép lại “toàn bộ bản gốc”. Các chị tôi thấy tôi chép như thế mất thì giờ, “liều” quá, hỏi tại sao tôi có đủ can đảm chép như thế. Tôi đáp:
-“Các tác giả họ viết nháp một trang văn, một bài thơ năm bảy lần mới xong mà họ làm được cả tập truyện, cả tập thơ. Mình ngồi chép chữ nào xong chữ ấy tại sao mình không làm được?”
Các chị thấy có lý nên ủng hộ tôi. Sau đó các chị và chính các bạn của các chị cũng giúp tôi chép.
Người bạn của chị Thương - và sau cũng là bạn thân của tôi, có khả năng văn nghệ nhất, giúp tôi nhiều nhất là Tôn Nữ Giao Cầm. Cầm là con gái út của nhà thơ học giả Vân Bình Tôn Thất Lương. Nhà ở gần Đập Đá. Cầm có người anh là nhạc sĩ chơi violon nổi tiếng Tôn Thất Cảnh, có người chị ca sĩ cũng nổi tiếng Giao Thủy, và chính Cầm cũng hát rất hay. Nhà Cầm khi nào cũng dập dìu tài tử giai nhân. Tôi quen với đạo diễn xi-nê Lê Hoàng Hoa, nhà thơ Tôn Thất Trân từ trong nhà Cầm. Biết tôi thích thơ văn nên có lúc Cầm cho tôi cả chục số Phong Hóa, Ngày Nay của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn do cụ Vân Bình để lại. Đặc biệt Cầm đã cho tôi tập Sóng Thơ (1940) của Thu Hồng - một người cháu của cụ Vân Bình. Rất tiếc sau nầy tôi đi kháng chiến, anh tôi giúp đưa tủ sách của tôi về làng, trong Tết Mậu Thân 1968, nhà tôi bị bom Mỹ, toàn bộ sách vở cả ngàn cuốn bị chôn vùi xuống đất bùn. Những sách vở báo chí Cầm tặng cho tôi, tôi chưa có cơ hội sử dụng thì đã bị bom Mỹ đưa về với đất. Thời sinh viên tôi thuê phòng trọ ở nhà 9/7 Nguyễn Công Trứ, sát bờ sông Thọ Lộc và ăn cơm tháng nhà Cầm. Cùng ăn cơm tháng với tôi có Hồng Hạnh và Ngân Hà - hai cô sinh viên người Đà Nẵng, có Trần Mô Phạm - sinh viên Ban Triết ở chung phòng với tôi. Một điều bất ngờ, từ tháng 8 đến đầu tháng 11-1963, tôi bị “kế họach nước lũ” của Ngô Đình Nhu bắt đi tù, ở nhà Trần Mô Phạm phải lòng Hồng Hạnh. Sau hai người thành gia thất và sinh ra Trần Nữ Yên Khê - vợ của Trần Anh Hùng, đạo diễn các phim Mùi đu đủ xanh (1993), Xích lô (1995), Mù hè chiều thẳng đứng (2000) v.v. sau nầy. Còn Ngân Hà thì thành hôn với nhà thơ cách mạng Phan Duy Nhân - bạn thơ của tôi. Tôi có duyên nợ với xóm nhà Cầm từ đó. Và, có lẽ cũng vì thế năm 1976 tôi lập gia đình với một người con gái có nhà ở ngay sau lưng nhà Cầm và trở thành hàng xóm thường xuyên của gia đình Cầm. Rất tiếc là khi tôi về xây dựng Gác Thọ Lộc ngay sau lưng nhà Cầm thì cô nàng đã theo chồng sang định cư bên Hoa Kỳ. Tôi mong có dịp được tặng Cầm những cuốn sách mà tôi đã sử dụng đến những tư liệu sống, những hiểu biết, những kỷ niệm tôi đã thu thập được từ mái nhà Cầm. Không biết rồi điều mong ước nhỏ nhoi ấy có thể thành hiện thực không (?).
Chị Thương còn một người bạn thân nữa là Lê Thị Ngọc. Ngọc có hoàn cảnh rất đặc biệt. Cha đi tập kết, mẹ làm ăn ở Đức Trọng (Lâm Đồng), Ngọc ở Huế với ông bà nội và các cô. Ngọc dễ thương, thích thơ, hát hay. Tôi bị Ngọc hớp hồn trong một dịp rất chi là bất ngờ. Hôm ấy sống ở làng quê buồn quá tôi ngồi trước hiên nhà chép thơ Hàn Mặc Tử. Tôi vừa chép xong bốn câu thơ “Đêm qua nằm mộng gặp Thương Thương/ Má đỏ au lên đẹp lạ thường/ Bàn tay mềm mại nên duyên quá/ Tà áo lung linh dày tợ sương” thì tự nhiên nhìn ra ngõ thấy chị Thương và Ngọc mặc áo dài trắng dắt xe đạp vào. Trời ơi, tôi có cảm giác như hai người ấy vừa từ trong mộng bước ra. Trời nắng, đi đường xa, má của chị tôi và má Ngọc cũng đang đỏ au lên. Tà áo trắng thướt tha của hai người cũng lung linh như Thương Thương của Hàn. Hai người đi thăm Cầu Ngói Thanh Toàn, đường đi qua làng tôi, chị Thương mời Ngọc ghé thăm tôi. Hai người ghé qua, hỏi thăm vài câu rồi đi ngay. Thế mà tôi cảm động làm sao! Một người thích thi ca lãng mạn như tôi, trong trường hợp gặp gỡ bất ngờ như thế không thể không yêu. Nhưng mà lúc đó, con nhà nghèo, đang học Trung học như tôi nói chuyện yêu sao được. Lại yêu một người bạn của chị mình lại càng không thể. Hơn thế nữa, thế hệ của tôi, con gái chỉ yêu và lập gia đình với con trai học trên mình năm ba lớp. Những cặp học cùng lớp lấy nhau là chuyện lạ và thường không bền. Tôi làm sao có thể nói yêu Ngọc được! Tôi giấu tình yêu Ngọc tận đáy lòng. Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi lần gặp Ngọc học chung với chị tôi. Tôi tìm đọc những câu, những bài thơ mới diễn tả những mối tình thầm kín, những mối tình câm. Tôi đọc thuộc lòng bài thơ Tình tuyệt vọng của Anvers do Khái Hưng dịch: “Lòng ta chung một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thâu/ Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu/ Mà người gieo thảm như hầu không hay/ Hỡi ơi, người đó ta đây/ Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?” Tôi đã học thuộc lòng nhiều thơ tình, nhưng cuối cùng không có thơ nào diễn tả đúng tâm hồn tôi. Tôi tự làm thơ để diễn tả đúng tâm hồn mình. Tôi thi vị hóa hình ảnh của Ngọc. Ngọc trở thành nàng thơ của tôi. Nhiều bài thơ đầu tay của tôi đều làm cho Ngọc. Mấy năm sau lên học đệ nhất trường Quốc Học, Ngọc học cùng trường với tôi. Sau đó lên đại học, tôi lại học cùng lớp dự bị Văn khoa với Ngọc. Lúc nầy Ngọc có nhiều bạn trai xuất thân trong các đại gia ở Huế. Tôi thấy Ngọc không phải như nàng thơ của tôi. Nàng thơ của tôi đã thoát ra khỏi Ngọc. Sau năm dự bị Văn khoa, tôi đỗ vào Đại học Sư Phạm. Ngọc vào học sư Phạm ở Qui Nhơn cùng với Trịnh Công Sơn. Ngọc đi vào hồn tôi cũng như lúc đi ra khỏi thơ tôi rất nhẹ nhàng. Có lẽ đến lúc đọc đoạn hồi ký nầy Ngọc mới biết có chuyện “tôi yêu nàng” như thế.
Từ năm 1958 tôi có thơ đăng trên Tuần báo Rạng Đông do ông L.H.M làm Chủ nhiệm. Tôi mê thơ Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử nên lấy biệt hiệu là Nguyên Xuân Tử. Nhưng bạn đọc lại cứ đọc nhầm là Nguyên Xuân Tứ và tôi lấy cái sự nhầm ấy làm bút danh của mình. Năm 1959, Hà Ly Hải (2) - một người bạn học Quốc Học với tôi yêu cô P.Th. - em gái ca sĩ Hà Thanh. Cũng là một mối “tình câm”. Tôi và Hải chung nhau in tập thơ Bướm lạc rừng xuân. Lúc ấy, không riêng gì tôi với Hà Lý Hải có “tình câm”, ở Huế còn có nhiều mối “tình câm” khác gây cảm hứng cho nhiều bài thơ rơi lệ nữa. Một trong các bài thơ ấy còn lưu lại đến bây giờ là bài Cuối cùng cho một tình yêu của Thương Nguyệt (tức họa sĩ Trịnh Cung bây giờ). Đó là chuyện “tình câm” của Thương Nguyệt dành cho cô Nhụ H. - nữ sinh Đồng Khánh. Bài thơ được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc rất nổi tiếng. Chuyện buồn cười là bao nhiêu năm Nhụ H. hát bài nhạc đó mà vẫn chưa biết chính cô là nguồn cảm hứng để Thương Nguyệt viết nên bài thơ phổ nhạc ấy. Chuyện nầy tôi đã nhắc đến trong tập Trịnh Công Sơn có một thời như thế.
Thương Nguyệt (tên thật là Nguyễn Văn Liễu, sinh năm 1939) người Nha Trang ra Huế học trường Cao đẳng Mỹ thuật. Cùng ra Huế với Thương Nguyệt có Cao Hoành Nhân. Hai người ở trọ nhà của Chiêm Đàm gần cửa Thượng Tứ. Cao Hoành Nhân làm thơ rất dữ dội theo trường phái với thơ Đinh Hùng. Cao có một người yêu là Thanh Nhung cũng làm thơ. Thơ Thanh Nhung đằm thắm, sâu sắc. Thanh Nhung là người Hoàng tộc thuộc phủ Tuy Lý nhưng gia đình ở Nha Trang nên yêu Cao Hoành Nhân từ trong ấy. Thanh Nhung học cùng một lứa với tôi ở Quốc Học, Thanh Nhung học C (văn chương, sinh ngữ), tôi học A (Lý hóa vạn vật). Tôi chơi thân với nhóm thơ nầy và phần nào chịu ảnh hưởng của Cao Hoành Nhân. Ít năm sau nhóm thơ của Cao Hoành Nhân tan (tôi không còn nhớ lý do). Tôi chuyển qua gia nhập nhóm thơ Hoa Trang Trắng do họa sĩ làm thơ Hoàng Hương Trang (tức Hoàng Diệm Phương) làm chủ soái. Nhóm thơ nầy tập họp được những người làm thơ tiêu biểu của Huế thời gian ấy. Nhóm thơ Hoa Trang Trắng có mặt các bạn Ái Phượng Liên, Hoàng Hương Trang, Khang Lang, Kiều Trung Phương, Nguyên Xuân Tứ, Thanh Thuyền, Tuyết Lộc, Tường Phong v.v.
(Nhóm thơ Hoa Trang Trắng gặp mặt)
Lúc ấy, trong Thành Nội còn có một nhóm thơ khác thường tụ tập ở nhà Ngô Đức Chương. Nhà Chương ở trong ngõ hẹp đường Ngô Đức Kế gần cửa Đông Ba. Bà mẹ Chương bán hàng ngoài chợ Xép. Nhà tuy chật nhưng lòng nhà thơ Ngô Đức Chương rất rộng. Hay lui tới với Chương có Hương Thu - nhà ở đường Phan Chu Trinh gần cầu Phủ Cam. Hương Thu nhận mình là đồ đệ của Nguyễn Bính. Nhiều bài lục bát của Hương Thu điêu luyện không thua gì Nguyễn Bính. Lúc nầy tôi đang dạy kèm ở hãng buôn Rồng Vàng. Đường Trần Hưng Đạo nên hay ghé vào nhà Chương chơi. Có lần Hoài Nam làm báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Sài Gòn ra Huế tìm người yêu Thu Vân đã ở lại nhà Ngô Đức Chương. Chương phải mượn cái giường bố của tôi cho khách thơ nằm. Hằng ngày Hoài Nam viết truyện ngắn đem ra đăng báo Công Dân của luật sư Lê Trọng Quát ở đường Phan Bội Châu (nay là đường Phan Đăng Lưu) để kiếm sống. Và, từ trong nhà Ngô Đức Chương, Hoài Nam và Trần Thị Thu Vân gặp nhau. Về sau hai người đem nhau vào Sài Gòn, đổi họ thay tên để làm văn nghệ. Hai bút danh Trần Dạ Từ và Trần Thy Nhã Ca xuất hiện trên văn đàn Sài Gòn từ đó. Trần Thị Thu Vân (Nhã Ca) không phải xa lạ đối với tôi. Thu Vân là bạn học với chị Nguyễn Thị Xuyến, tôi đã gặp Thu Vân ở nhà chị tôi bên Gia Hội nhiều lần. Tôi và đám em trai bà con bên ngoại của chị tôi thường để ý đến những cô bạn đẹp của chị tôi như Thanh Thu, Tôn Nữ Ngọc Bích, Trần Thị Thuyên Thuyên... ít khi để ý đến Trần Thị Thu Vân. Nay biết Thu Vân yêu Hoài Nam, tôi không ngạc nhiên chút nào. Dù sao tôi và Thu Vân biết nhau trong những hoàn cảnh vô tư dễ thương. Nhưng không ngờ sau nầy Thu Vân trở thành Nhã Ca, do yêu cầu kiếm sống cô nàng làm bồi bút cho các thế lực chống phong trào tranh đấu và kháng chiến yêu nước, vu khống cho tôi nhiều chuyện oan nghiệt trong Giải khăn sô cho Huế, gây cho tôi không biết bao nhiêu phiền toái (3). Sau nầy chị em tôi có dịp gặp nhau nhắc lại chuyện Thu Vân/Nhã Ca, ngao ngán vô cùng.
Thơ là người bạn an ủi tôi trong thân phận cô đơn, thơ thể hiện được tâm hồn nhạy cảm của tôi, thơ đã buộc chặt tôi vào con đường cầm bút. Ngoài ra tôi cũng rất thích ca nhạc. Tôi học nhạc lý với các thầy Phạm Thế Mỹ, thầy Tôn Thất Tiết. Tôi đã tự học đàn Mandoline và đã từng tham gia Ban nhạc hòa tấu của học sinh Quốc Học từ khi tôi mới học đệ ngũ. Các chị tôi cũng thích ca nhạc. Chị Xuyến học đàn ghi-ta hai-viên, (Hạ Uy Cầm) chị Thương chơi banjo rất tốt. Chúng tôi thường đàn cho Giao Cầm hát. Giai đoạn chơi ca nhạc sôi nổi nhất vào lúc ra đời tập Tình Ca - thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc (khoảng 1960?). Trong chúng tôi ai cũng có một bộ sưu tập nhạc, phần lớn do Nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế ấn hành. Đến nay nhiều bạn yêu nhạc vẫn còn giữ được những bộ sưu tập nhạc ấy như anh chị Lê Gia Phàm - Tôn Nữ Như Ngân ở Thành Nội, Bùi Đắc Đức - Lê Thị Ngọc Trinh ở Phường Đúc v.v. Từ chơi mandoline, tôi mon men chuyển qua học violon với bác Nguyễn Đình Thị của tôi. Bác Thị là trưởng Ban nhạc Đài Phát thanh Huế, nên qua bác tôi quen biết nhiều nhạc sĩ lúc ấy như Ưng Lan, Lê Quang Nhạc, Lê Khuê, Ngô Ganh, Văn Giảng v.v. Tôi được nghe bác kể mối tình của nhạc sĩ Châu Kỳ với ca sĩ Mộc Lan, kể cả chuyện của những nghệ sĩ đàn ca Huế giữa Vĩnh Phan và Bích Liễu. Nhưng rồi một chuyện bất ngờ xảy ra với tôi: Một hôm tôi đứng tập đàn violon, bác Đội Thị đi ngang qua nhìn vào mấy ngón tay trái của tôi đang bấm bấm trên cần đàn, bác dừng lại và bảo tôi:
- “Con nợ, chơi violon các ngón tay phải rất đẹp. Ngón tay cái và ngón trỏ của con bị tật như thế nầy khó coi lắm. Bác sợ con theo violon rồi sau nầy không thành công!”.
Bác Đội là người đánh đàn mẫu mực của Huế, nhận xét của bác rất chính xác, khách quan, các nghệ sĩ ở Ban nhạc Đài Phát thanh Huế nể bác lắm. Biết thế nên tôi không dám bỏ qua ý kiến của bác. Tôi vốn hát không hay, bây giờ thêm nhận xét của bác Đội về mấy ngón tay tật của tôi, thấy bất lợi quá tôi quyết định không theo đuổi học ca nhạc nữa. Từ đó tôi chăm chút rèn luyện về thơ văn. Bộ sưu tập nhạc của tôi đem phân phát cho bạn bè và các chị tôi.
Như hồi ký của tôi trên đây, tôi đã ngồi chép nguyên văn các tập văn thơ. Về sau không còn thì giờ chép sách nữa, tôi phải dồn tiền mua sách. Đi học buổi trưa ở lại trường, nhiều hôm không có cơm nắm, ông nội tôi cho tiền ăn bánh mì. Tôi thường chỉ ăn nửa ổ, còn cất tiền nửa ổ dồn lại để mua sách. Dồn một tuần tôi có thể mua được một cuốn truyện như Đọan Tuyệt hay Đôi Bạn của Nhất Linh. Ki-ốt sách Bình Minh gần chợ Đông Ba, biết tôi con nhà nghèo mà thích đọc sách, bà chủ cho phép tôi lên gác ki-ốt tìm những cuốn truyện phế phẩm để được mua với giá rẻ. Từ khi tôi đi làm gia sư, đi dạy ở trường bán công, tôi dành một số tiền lương thích đáng để mua sách. Thỉnh thoảng mẹ tôi ở Đà Lạt gởi cho tôi ít tiền tiêu, tôi dành toàn bộ tiền mẹ cho để mua sách. Tôi là khách hàng thường xuyên của Nhà sách Ưng Hạ, nhà sách Gia Long đường Trần Hưng Đạo. Nhờ thế mà năm tôi lên học đại học, tôi đã có một tủ sách bốn năm trăm cuốn. Trong đó có nhiều bộ sưu tập quý như sách của Nhà xuất bản Phượng Giang (hậu thân của Nxb Ngày Nay của Tự lực văn đoàn cũ), bộ sưu tập thơ, sưu tập truyện của các nhà văn nổi tiếng Âu Mỹ do nhà xuất bản Le Livre de Poche phát hành như L’Étranger của Albert Camus, Le Vieil Homme et La Mer của Ernest Hemingway, Les Conquérants của André Malreaux, Bonjour Tristesse của Francois Sagan, các bộ tạp chí Bách Khoa, Sáng Tạo, Văn Hóa Ngày Nay v.v. Tủ sách thể hiện sự đam mê trí thức của tôi, tạo bởi nguồn tiền mồ hôi nước mắt của tôi cho nên mùa hè 1966 rời Huế ra đi, ở chiến khu xa tôi nhớ tủ sách của mình còn hơn nhớ người yêu.
Năm tôi rời Huế cũng là năm chấm dứt 14 năm đèn sách của tôi (1952-1966). Các chị của tôi và mấy người con gái tôi phải lòng, kể cả “nàng thơ” của tôi đã đi lấy chồng, các bạn thơ văn của tôi người đi lính, người đi tù, người đi dạy xa, người đi kháng chiến... mỗi người một nơi. Đến đầu năm Mậu Thân (1968), tủ sách quý nhất của tôi bị bom Mỹ vùi xuống đất bùn quê tôi. Tất cả đều đã thay đổi. Nhưng không mất. Nhờ các chị tôi, những người con gái Huế bạn của chị tôi, môi trường văn học xứ Huế đã biến tôi - từ một cậu bé làm vườn ở Phụng Sơn Đà Lạt trở thành một người con trai Huế. Tình cảm và kiến thức Huế tôi tiếp nhận được trong giai đọan nầy là năng lượng cho bước khởi đầu học Huế mạnh mẽ của tôi sau năm tôi đi kháng chiến về (5-1975). Mai sau dù có... tôi vẫn luôn cám ơn bác Đội Thị, cám ơn các chị và cám ơn tất cả những bạn bè thơ văn âm nhạc xứ Huế thế hệ tôi. Và, cũng xin các bạn đã rất gần gũi tôi trong những lúc vui buồn nhưng tôi không nhớ ghi lại trong chương sách nầy hãy đại xá cho tôi. Đó là do sự khúc xạ của thời gian chứ không phải vì tôi vô tình. Xin đa tạ.
N.Đ.X (243/05-09)
--------------------- [1] Bác Nguyễn Viết Nhuận là trợ giáo nên thường gọi là bác Trợ Nhuận. Sau nầy nghiên cứu tôi biết bác Trợ Nhuận là bạn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trường Pháp Việt Đông Ba và trường Quốc Học Huế những năm 1906-1908. [2] Hà Ly Hải tên thật là Nguyễn Tấn, làm bác sĩ, hiện nay định cư ở Hoa Kỳ. [3] Xem thêm Giải Khăn Sô cho Nhã Ca Trần Thị Thu Vân do Đông Dương Thời Báo xuất bản ở Houston (Hoa Kỳ, 2008) hoặc xem trên Dongduongthoibao.net hoặc Nhandanvietnam.org sẽ rõ hơn vụ nầy.
|