Nguyễn Khoa Điềm xuất thân trong một gia đình trí thức cách mạng. Anh là cháu nữ sĩ Đạm Phương, con trai nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn). Lên mười một tuổi, anh đã mồ côi bố. Thời thơ ấu anh lại sống trong “khu phố buồn đau”. Hàng ngày chứng kiến cái cảnh: Những người dân nghèo “như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến”. Có phải vì thế mà anh hay suy ngẫm về cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ? Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), Nguyễn Khoa Điềm được trở về quê hương, hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên Huế. Trong một trận càn, anh bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ suốt mấy tháng trời. Mãi đến chiến dịch Mậu Thân (1968), anh mới được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Chính thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ. Bài Đất ngoại ô chiếm một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp thi ca của anh. Nó mở cho anh một hướng đi riêng, một cách nói riêng, một giọng điệu riêng trong dòng thơ chống Mĩ. Đến trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm vẫn tiếp tục mạch suy ngẫm về nhân dân, đất nước bằng lối thể hiện tự nhiên, bình dị, phóng khoáng, hiện đại vốn có của mình. Thanh niên trí thức yêu nước ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ rất tâm đắc với bản trường ca này, vì họ tìm được ở đó những tâm tư sâu kín của mình. Sau ngày nước nhà thống nhất, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lần lượt được giao nhiều trọng trách: Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Tổng thư ký BCH Hội Nhà văn khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương... nên ít có thời gian làm thơ. Tuy vậy, vào năm 1986, anh vẫn cho ra đời tập Ngôi nhà có ngọn lửa ấm. Chỉ một thời gian ngắn sau khi nghỉ hưu anh đã hoàn thành tập thơ Cõi lặng (NXB Văn học - 2007) thu hút sự chú ý của bạn đọc.
Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp cho nền thơ ca nước nhà một số thành tựu đáng kể. Những tác phẩm: Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm của anh đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và chương Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của anh được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn giảng dạy trong nhà trường. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ xuất hiện trong những năm chiến tranh chống Mĩ.
MAI VĂN HOAN giới thiệu
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Ngày về
Kính tặng chị Thuỳ Trâm
Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất Cùng cây giang, cây dẻ ngày xưa Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ
Người bạn gái gục trước lằn đạn lửa Một sườn đồi cháy nát dưới ban trưa Giờ xanh ngắt một cánh rừng khép ngủ Lá im che những đau đớn không ngờ
Dòng nhật ký cuối cùng đã viết Giọt máu cuối cùng cũng trả lại đất đai Thật bình thản, không có gì nói nữa Cả chiến tranh và khúc hát ngày về
Giờ yên ả, thì thầm con suối nhỏ Giờ buôn xa tiếng trẻ gọi trâu về Giờ xao xác cánh cò mặt nước Giờ nỗi buồn theo gió cũng tan đi... Tháng 4. 2006
Những bài hát,
con đường và con người
Những bài hát không ai hát nữa Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng. Sẫm bên đường mỗi sợi cỏ hoàng hôn, Nghe thương mến lại thắp từng ngọn lửa Những bài hát không ai hát nữa Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng...
Những con đường không ai trở lại, Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm. Anh nghe đập những bước chân đồng đội, Bao lối mòn chớp lửa chiến tranh Những con đường không ai trở lại Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm...
Những con người không ai gặp nữa Đã đặt lên vai anh gánh nặng cuối cùng. Bao khuôn mặt gầy xanh mơ mộng Như cánh rừng, đã thuộc về anh. Những con người không ai gặp nữa Đang sống cùng anh trọn tuổi xuân...
Tháng tư Trường Sa
Tháng tư mùa biển lặng Những đảo xa ca hát Lời thiếu nữ Những đảo xa ngủ Tóc đen dài Tháng tư lính đảo Nụ cười lấp loá nắng Dưới hàng cây phong ba
San hô chập chờn đáy biển Đảo phập phồng Cát, lửa Như trái tim tình yêu Tổ quốc
Song Tử Tây Sơn Ca Nam Yết Trường Sa lớn Thuyền chài... Hãy đọc thầm tất cả Dù một lần Trước sóng gió mịt mù Bằng tiếng Việt Buồn vui máu lệ
Người lính đảo nhìn đăm đăm, Cô gái trẻ Khóc Về giây phút thiêng liêng Chợt hiện ra Giữa biển Một tình yêu hơn cả cuộc đời Một điểm hẹn phóng vào vô tận
Ngày mai Những nàng mềm mại Những môi hồng ca hát Ra đi Còn lại giữa đại dương Một bờ cát sỏi Những người giữ đảo sạm đen Ngồi bên súng Đón mặt trời Mọc từ biển, lặn về biển Hát Một lời nguyền sâu thẳm Ngàn trùng vạn lý Trường Sa... Tháng 4. 2003
Cánh đồng buổi chiều
Có một nhà thơ đi mãi vào cánh đồng buổi chiều Lởm chởm những gốc rạ sau mùa cấy gặt Mùi thơm lúa khoai thân thuộc Nói gì hở tiếng reo cỏ may Mùa thu vừa trở lại?
Nhà thơ cúi xuống tìm những hạt mồ hôi bỏ quên trên mặt đất Bao người đã mất, đang còn Sống âm thầm sau rặng tre khuất lấp Không một dấu vết Những mặt ruộng nứt nẻ
Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau Khi mồ hôi trở nên quá rẻ Kẻ ranh ma trở nên quá giàu
Đã lâu nhà thơ lại trở về với cánh đồng làng Hít sâu hương thơm no ấm Nhận ra trong mỗi khuôn mặt đen sạm Những tháng ngày bỏ quên
Bằng bước chân chậm rãi Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi Mặc cho ngôi sao hôm xa ngái dẫn đường Thăm thẳm ngõ quê rơm rạ Trái tim lăn tròn êm ả. Ngày 5. 9. 06
(243/05-09) |