“Trước Vô Môn Quan, Thượng Đế - kẻ sáng tạo với trái tim yêu thương, hỷ hoan bước vào…” (Sáng tạo ca).
Nhiều người thường nói rằng: “ Cuộc đời chỉ là một cuộc chơi”. Có cuộc chơi ô nhiễm đầy bụi bặm và cũng có cuộc chơi thanh tao, trang nhã. Tuy nhiên, nói cho cùng thì cuộc chơi nào cũng chỉ là sự thể hiện cách nhìn, cách thấy, cách sống hay cách lịch trãi cuộc đời của những tâm hồn lang thang phiêu bạt hoặc đoạ đày nơi trần gian muôn đời là quán mộng này.
Những ngày đầu năm, tôi không biết mình nên mừng hay nên buồn khi phải nhập viện để giải phẫu. Chắc có lẽ cả hai, một chút buồn vì ngày xuân phải chịu đau đớn do bệnh tật và chứng kiến rất nhiều cảnh đau đớn thương tâm quanh mình. Một chút mừng, vì nói theo nhân quả thì mình cũng đang trả được một nghiệp báo từ quá khứ. Nợ nần trả trước khỏi trả sau là vậy. Trong những ngày nằm viện với nhiều tâm trạng như thế, tình cờ đọc về một triển lãm “Chắp tay sen và nụ cười Đức Phật” đã làm tôi ngạc nhiên và thích thú vô cùng. Ngạc nhiên vì chính tác giả cuộc triển lãm tại Sydney lần này là một người bạn cũ, thích thú vì một gã lãng tử nghệ sĩ như anh mà có cái thấy rất phù hợp với chánh kiến của những người tu hành tinh tấn. Cuộc triển lãm nhìn theo quan niệm của một nhà sư là một bài Pháp được trình bày hết sức súc tích và thi vị. Người nghệ sĩ, tác giả cuộc triển lãm này đã có được cái thấy phiêu hốt vượt lên trên thời gian nhân quả, hạnh phúc hay đau khổ và đã diễn tả được cái thấy ấy qua ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật sắp đặt. Ba cái chắp tay được bố trí theo một hàng thẳng tắp trước hình ảnh một nụ cười khiến cho ta liên tưởng như trọn cả tam giới đều kính ngưỡng trước sự chứng ngộ tự tại (là nụ cười) của Đức Phật. Tác giả đã dùng những khoảng không gian rất sáng tạo phối hợp với ánh sáng và sự phản chiếu của một hồ nước tĩnh lặng như muốn soi rõ những vùng vô thức bí hiểm của nội tâm để cho ta thấy rằng tất cả - dù lí trí cao siêu cũng chỉ là thực tại tính vô ngã, để đưa người xem thâm nhập vào một cảnh giới lung linh huyền ảo, rất mơ nhưng rất thực; mênh mông an lành trong nụ cười - và phải chăng nụ cười ấy cũng là cứu cánh mà thông điệp của anh muốn nói đến?
Trong cuộc sống, con người luôn là yếu tố chính giành phần chủ đạo vì con người có một quyền năng vượt trội các giống loài khác hiện hữu trên trái đất này - quyền năng mạnh mẽ ấy cũng chính là khả năng của lý trí.
Niềm khát vọng chinh phục hay cũng chính là tham vọng đã khiến con người có những bước thật xa trong nhiều lãnh vực của cuộc sống. Lý trí sẽ không tuyệt lộ trong sự mênh mông của vũ trụ quan mà với sự tìm kiếm ở ngoại giới đang hứa hẹn mở ra những cánh cửa bất tận để con người khám phá.
Nhìn một cách tổng quát con người chính là sự tương giao với hoàn cảnh chung quanh, tạo thành những không gian riêng và trong sự vận hành tương tác ấy một vòng đời liên miên bất tận được hình thành.
Tôi quen biết anh lần đầu tiên khi anh đến Đà Lạt. Nhìn những bức tranh về những con ngựa được kết hợp giữa sơn dầu với giấy báo của anh thật ấn tượng. Thuở ấy, tôi chỉ là một kẻ lãng tử ham chơi và không hề am hiểu chút gì về hội hoạ, vậy mà những bức vẽ ngựa của anh đã làm cho tôi ngẩn ngơ mà thán phục, để rồi từ đó một niềm cảm mến hình thành và từ trong thâm tâm kẻ giang hồ ngang tàng ngày ấy xem anh - một hoạ sĩ tài hoa, giảng viên của một trường đại học mỹ thuật danh tiếng là một người bạn mà tôi luôn tôn trọng.
Nghĩ cũng lạ, nghệ thuật cũng như văn chương luôn là một điều gì đó cuốn hút những tâm hồn nhạy cảm, nhất là lúc khán giả cảm nhận trọn vẹn hay là xuyên qua hiện tượng để đến được bản chất đích thực mà tác giả muốn nhắn gửi. Nghệ thuật của anh cũng luôn như vậy, không cần phải giải thích, không cần nhiều lời bởi theo anh, chính tác phẩm đã nói lên tất cả. Dĩ nhiên, khác với ngôn ngữ của những nhà hoằng Pháp, người nghệ sĩ thể hiện ý tưởng của họ bằng hình tượng nghệ thuật, và với những sáng tạo thiên về hình tượng như thế, người nghệ sĩ này đã chuyển đạt được sự rung động trong vô thức của mình đến với cuộc đời, với mọi người.
Sau này, tôi chọn cho mình con đường xuất gia theo chân Đức Phật, và trọn phần đời còn lại sẽ sống không gia đình. Anh không chọn con đường như tôi, nhưng đến giờ anh vẫn độc thân, phải chăng cũng vì một đại nguyện với nghệ thuật?
Nhiều năm sau, anh tìm đến thăm tôi trên núi vắng, anh vẫn phong trần như ngày nào, chỉ có ánh mắt như sâu hơn, nụ cười như bao dung hơn và tâm trí như đã nhận ra được nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống hơn. Chúng tôi nói với nhau vài chuyện vu vơ về cuộc sống, về hạnh phúc của con đường, của cuộc đời. Hạnh phúc! Tôi thấy anh hình như không có ý tìm kiếm hạnh phúc cuộc đời, sáng tạo với anh mới chính là hạnh phúc.
Anh cười rất hoan hỷ khi kể về niềm hạnh phúc của anh khi đi thăm Angkor Thom và Angkor Wat bên Campuchia. Anh kể rằng anh đã ngất ngây hạnh phúc như thế nào khi đứng trước hàng ngàn nụ cười tự tại của Đức Phật. Rồi anh đã thuê một chiếc xe máy và chở người chủ xe chạy suốt mấy ngày liền quanh khắp Angkor để được chiêm ngưỡng những nụ cười của Đức Phật ra sao. Lúc đó tôi tự nghĩ rằng kẻ giang hồ phiêu bạt này đã “ngộ” đạo qua hình tượng nụ cười.
Người nghệ sĩ hân hoan, người nghệ sĩ ưu tư, sống trong hơi thở nghệ thuật cũng là sống trong miền miên tưởng, tiến trình tâm thức khám phá ra con đường là vô biên và vô cùng vi tế. Người nghệ sĩ sẽ thâm ngộ đến cấp độ nào, và có chăng sẽ một lúc nào đó, tự thân người nghệ sĩ chợt nhận ra nghệ thuật đạo mà mình đang theo đuổi cũng chỉ là cái tưởng phi tưởng.
Nếu lí trí bị cho là khô khan, bay bổng, bỏ quên hay lướt trên thực tại khi lí trí đeo đuổi theo hiện tượng ngoại giới. Thì ngược lại, tình cảm ướt át, chìm đắm, dính mắc khi quá chú trọng những dục vọng tầm thường từ cảm giác sẽ là một tiến trình sa đoạ tinh thần từ cao quí đến thấp hèn của một bản năng mù mịt và ảo tưởng.
Cuộc triển lãm lần này của anh đã nói lên được cái giá trị đích thực của nghệ thuật sắp đặt. Người nghệ sĩ bình thường luôn sao chép cuộc sống ảo tượng thành tranh, như vậy cũng có nghĩa đồng thời tồn tại cùng sự chết! Kẻ sáng tạo phi thường không làm điều sơ sài, thô thiển ấy, mà phải hành động như cuộc sống, luôn luôn dịch động là tồn tại - luôn luôn thấy trọn vẹn nơi từng sự kiện; không chỉ là tác ý mà là toàn bộ tiến trình tâm thức phải được nhận biết. Nghệ thuật sắp đặt - con đường chứng ngộ tâm linh, người nghệ sĩ ấy đang thực hành…
Xin cám ơn người bạn tôi - hoạ sĩ Lê Thừa Tiến, cả đời tôi cũng không ngờ sau bao cuộc đi cuộc về, một ngày đầu năm, ngồi trong một căn phòng bệnh viện buổi sáng, đơn giản chỉ ngồi và hít thở để chợt nhận ra mình cần nở một nụ cười.
C.H (243/05-09) |