Tạp chí Sông Hương - Số 243 (tháng 5)
Giọt nước quấy rối
16:32 | 26/06/2009
HOÀNG KIM NHI        (CLB Văn học Trẻ Thừa Thiên Huế)            Nhân đôi mắt, máu trái tim
Giọt nước quấy rối
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Buồn ở đâu nỡ vô tình lọt xuống hai hàng mi. Mấp máy, mấp máy buồn vẫn cứ đọng lại. Ồ phải rồi vì trưa nay tôi vừa hái phải trái ưu phiền. Trái này mọng nước, tôi sơ ý để trẩy lớp da mỏng bên ngoài thế là nước trong trái ấy phun ra vương vào mắt. Tôi hớt hải tìm kiếm miếng da bị tróc ấy hòng vá vào chỗ bị thủng nhưng vô ích, tôi tìm mãi, tìm mãi mà chẳng thấy đâu nữa cả. Nó đã bị hơi cay và sức nóng của cuộc sống này làm băng hoại mất rồi. Tôi lo lắng cuống quýt tìm đủ mọi cách để giọt nước trên mi mắt ấy khô đi. Tôi xồng xộc chạy vào phòng tắm. Một khuôn mặt long lanh đang đối diện với tôi. Tôi vốc nước hối hả hắt vào mặt. Ồ may quá giọt nước ấy đã biến mất, tan loãng vào những giọt nước màu trắng khác. Nó cùng với những giọt nước ấy chảy từ từ xuống cái máng rửa tay được tráng men bóng loáng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã xua đuổi được giọt nước buồn bã ấy đi. Gương mặt tôi dường như sáng hơn, hai gò má căng lên rạng rỡ nhưng còn đôi mắt, đôi mắt đã không còn là nó nữa. Nó không phải là đôi mắt thân thuộc hàng ngày mà mọi người nhìn và bảo đó là cánh cửa của một tâm hồn đa sầu đa cảm. Tôi cố nhướn đôi lông mày lên cao hơn một tí, đôi hàng mi cũng cứ thế mà cử động theo. Nhưng thật vô ích, tôi chẳng thể nào tìm thấy cái nét hồn nhiên ngày xưa của đôi mắt mình nữa. Nó bây giờ trống không, vô hồn. Nó nhìn nhưng là cái nhìn há hốc, cái há hốc thể hiện tham muốn nuốt trọn hết những ưu tư và hạnh phúc trên thế gian này. Nó sẽ đẩy tất cả những thứ đó xuống cái dạ dày ngoằn ngoèo và có thể bị đâm thủng bất cứ lúc nào. Ồ ích kỉ quá thế thì còn ra trò trống gì nữa, nhân loại sẽ bị chi phối và bị cưỡng ép phải mang trên mình tấm áo choàng cồng kềnh nhưng nhẹ tênh và vô giá trị. Khi đó những cái hình nhân hai tay hai chân ấy chỉ còn biết di chuyển một cách lệch lạc và nặng nề trên con đường mà vốn dĩ không phải dành riêng cho nó. Nó cứ thế mà nối tay dắt nhau đi, đi và đi mãi. Cứ mỗi lần có thêm một bạn đường mới nó đều hỏi nhau í ới về cái đích mà nó sẽ đến. Nhưng vô ích bởi câu trả lời mà chúng nhận được bao giờ cũng chỉ là những cái nhìn quanh ngơ ngác được phát ra từ những ánh mắt vô thần, vô ngã.

Nó lại dắt tay nhau đi. Mùa đông, mùa xuân rồi mùa hạ, mùa thu, cây hai bên đường đã thay không biết bao nhiêu mùa lá thế nhưng đích đến vẫn cứ mãi mịt mù. Càng đi nó càng có cảm giác như bị lạc vào một dòng mắc ma nóng hổi và biến dạng. Dòng mắc ma ấy uốn lượn làm cho nó bị méo mó, chông chênh, dễ bị trượt ngã, và nó lo sợ là sẽ không còn ai nhận ra nó nữa.

Một ngày kia trời bỗng nhiên nổi cơn gió tuyết, gió rít từng cơn kêu răng… rắc như muốn đay nghiến, nghiền vụn những hình nhân bé nhỏ. Tuyết rơi như mưa dội trắng tất cả mọi sự sống trên trái đất. Những cành cây hai bên đường bắt đầu vặn mình cựa quậy. Ồ những mũi nhọn của chúng đang nhắm hướng quay thẳng xuống mặt đất. Ào! Một tiếng va đập mạnh mẽ ập lên một trong số những hình nhân đi đường. Máu trào ra nhưng không phải là những giọt máu màu đỏ thắm như nó vẫn thấy mà là những giọt máu màu đen đục ngàu. Nó ngạc nhiên. Nó không tin. Và để xác minh xem mắt mình có nhầm hay không, nó đưa hai đầu ngón tay quệt lấy một ít máu ấy. Không còn nghi ngờ gì nữa, một giọt máu đen như mực đang đong đưa nhẹ nhàng theo nhịp rung của đầu ngón tay. Nó sững sờ. Những hình nhân khác đang loay hoay tìm kiếm một thứ lá màu xanh nào đó hiếm hoi có thể làm cầm máu cho người bạn đi đường. Nhưng vô vọng, tuyết đã phủ trắng hết tất cả. Các hình nhân nhìn nhau ngơ ngác đành phó mặc cho trời đất.

Máu ra mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Khuôn mặt của hình nhân bị thương tóp dần lại, trong khoảnh khắc chỉ còn thấy nhô lên hai cục xương tròn sắc nhọn. Cơ thể thoải dần. Máu thấm đen cả một khoảng tuyết. Chỉ còn cách cuối cùng là cho máu nhưng chẳng hình nhân nào can đảm để làm điều đó. Vả lại cũng chẳng hề có lấy một con dao nào để làm điều ấy cả. Nó run rẩy, giọt máu nơi đầu ngón tay dường như đen hơn.

Nhắm chặt mắt, lấy hết can đảm nó đưa đầu ngón tay vào miệng. Hai hàm răng nó kẹp mạnh, xiết đầu ngón tay đau điếng. Nó cố chịu đựng không hề thốt một tiếng rên rỉ nào. Máu bắt đầu nhỏ xuống. Những hình nhân khác ồ lên kinh ngạc “sao máu lại đen thế nhỉ?”. Nó mở mắt kinh hoàng, lẽ nào nó cũng như hình nhân bị thương kia sao? Thôi kệ, cứ cho đại, cứu người là quan trọng. Nó đưa đầu ngón tay chảy máu ấy vào miệng của hình nhân bị thương. Lạ thay hai dòng máu hòa vào nhau tạo nên một màu đỏ thắm. Tất cả các hình nhân nhìn nhau xì xào. Quả là một điều kì diệu! Chưa hết sững sờ, nó nhìn vào đầu ngón tay bị dính giọt máu đen trước đó, giọt máu ấy nhỏ dần ngấm vào đầu ngón tay cho đến khi không còn lại dấu tích. Chỗ ngấm vào đó trở nên đỏ thắm, hồng hào, khác biệt hoàn toàn so với các ngón khác. Nó dần tỉnh lại, nó cảm thấy sức yếu dần mệt mỏi, uể oải. Hai chân nó không đứng vững nữa. Nó nở nụ cười đầu tiên trong suốt cuộc hành trình vừa qua. Nó bất tỉnh và những hình nhân đến dìu nó đi.

Trời tạnh gió, tuyết thưa dần rồi ngừng hẳn. Mây kéo vội, màu trời quang đãng, phóng khoáng. Phía trước thấp thoáng làn khói mờ ảo đang uốn lượn những đường nét cong mềm trong không gian. Lại gần hơn một chút các hình nhân nhìn thấy bóng dáng của lũ trẻ đang nô đùa. Những câu hát trong bài đồng dao nào đó đang vang lên rộn rã. Người người vội vã về nhà. Ráng chiều phủ đều trên những mái ngói màu gạch tươi. Một bà lão đang cắp một cái rổ con đi phía trước. Thế là những hình nhân gọi cụ “cụ ơi! giúp chúng tôi với cứu người!”. Cụ già vẫn đi thẳng, cụ không nghe chăng? “Không phải, hình như cụ không hiểu tiếng chúng ta”, một hình nhân lên tiếng. “Hay là cậu chạy đến dẫn cụ lại đây”, một hình nhân khác đề nghị. Thế là một hình nhân chạy tới chặn cụ già lại, cúi đầu chào kính cẩn, chỉ tay ra hiệu cụ nhìn về phía sau. Cụ già hơi giật mình nhưng vẫn quay lại. Nhìn thấy có kẻ bị thương cụ bèn tiến nhanh tới. Cụ đặt cái rổ con xuống rồi lấy trong túi áo ra một quả gì đó dài dài. Cụ trảy một lớp da nhỏ, nước trong trái ấy phun ra cụ bèn nhỏ vào mắt nó. Kì lạ thay nó bừng tỉnh. Nó cảm ơn cụ, rồi nhìn xuống xem trái gì đã cứu nó thoát chết. Nó “ồ” lên một tiếng rõ to “trái ưu phiền”. “Đúng vậy”, cụ già nói. Ôi cụ già đã hiểu được tiếng nói của nó. Các hình nhân khác xúm quanh và nhờ nó xin cụ già một ít nước từ trái đó để được nói chuyện với con người. Lần lượt từng hình nhân cụ nhỏ vào mắt. Thế là tất cả các hình nhân đều được gọi là “nhân”. Tất cả đều reo mừng sung sướng. Những đôi mắt giờ đây đã không còn vô hồn nữa.

Ai đó đã từng bảo với tôi rằng nhìn mọi thứ qua gương chẳng khác chi ảo giác. Điều đó tốt hay xấu đúng hay sai, nếu trong trường hợp này tôi không soi vào chiếc gương trong suốt ấy thì mọi chuyện sẽ thế nào? Tôi sẽ làm khô giọt nước ấy đi mà chẳng cần phải băn khoăn hay thắc mắc gì cả và tôi cũng chẳng bị ám ảnh bởi cái cuộc hành trình quái gở để đi tìm lại thần cốt của cánh cửa tâm hồn ấy?. Nhưng dù sao tôi cũng không dám khẳng định. Và tôi nghĩ cũng không cần khẳng định nó làm gì. Bởi đó là ảo giác mà, ảo giác chứ không phải là ảo mộng!

H.K.N
(243/05-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ba lần gặp Bác (19/06/2009)