Mỗi lần đi công tác với chú Vũ Thắng đều trở thành những kỷ niệm khó quên bởi trên đường cùng đi (thường là về cơ sở) hay những lúc rảnh rỗi, chú hay nêu những suy nghĩ của mình và khuyến khích tôi trao đổi.
Nhớ nhất là hồi 1985. Sau khi bão tan, chú xuất hiện ở sân của uỷ ban nhân dân thành phố. Mất liên lạc, mọi người nhớn nhác. Không chờ đợi, chú xách chúng tôi rẽ về phá Tam Giang. Cùng đi có đại tá Nguyễn Quốc Khánh bên tỉnh đội và giám đốc Sở Thuỷ sản Phan Thế Phương. Tang tóc bao trùm, đặc biệt là ở các vạn chài. Thời đó chưa có cầu Thuận An nên thuyền là phương tiện duy nhất để đến với đồng bào ở bên đó. Nhờ chuyến đi này tôi biết được tấm lòng của một cụ già ở ven đầm An Truyền. Chiều trước khi xảy ra bão, thấy sắc diện của loài cỏ ống biến đổi, kinh nghiệm mách bảo cho cụ rằng sẽ có bão, lũ lớn xảy ra. Nhờ chuẩn bị sẵn sàng đối phó, bão tan cụ tìm đến một doi đất cao, đốt lửa. Nhờ tín hiệu ấy, những đứa trẻ con em cư dân vạn chài sống sót lũ lượt tìm đến. Chúng được cứu sống nhờ tấm lòng nhân hậu. Cảm kích trước tấm lòng của một người dân, chú Thắng ôm cụ gìa khóc và thốt lên: "Cảm ơn cụ, cảm ơn cụ!".
Chuyến đi ấy kéo dài đến chín giờ tối. Đoàn dừng chân ở Phú Diên. Rất nhiều cán bộ ở đây không biết chú Vũ Thắng là ai, thậm chí một sĩ quan biên phòng còn giữ chúng tôi lại vì "dám quay phim ở khu vực biên giới", đến khi đại tá Khánh xuất hiện (do biên phòng lúc ấy thuộc tỉnh đội) chúng tôi mới được thu xếp ở lại qua đêm. Trong câu chuyện trao đổi với cán bộ ở đây, ý tưởng định cư cho dân vạn chài được hình thành. Hôm sau trên đường về, hễ thấy bãi đất nào cao và rộng chú đều ghé lại.
Khi cùng đi hoặc ngồi chung trò chuyện, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất ở địa phương, chú Thắng luôn nói với mọi người, chú ân hận vì sau chuyến khảo sát đời sống của cư dân vạn chài trên phá Tam Giang năm 1982 ý tưởng định cư cho họ đã xuất hiện, nhưng do công việc bộn bề nên chú không kịp đưa ra thảo luận, bàn bạc. Trên đất nước ta, có lẽ ít có địa phương nào có địa hình phức tạp như Thừa Thiên-Huế. Ngoài núi đồi, đồng bằng, sông suối và biển, Thừa Thiên-Huế lại có đến hơn hai vạn ha mặt nước lợ, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhờ có nhiều thuỷ hải sản ngon nổi tiếng nên ở đây đã thu hút hàng vạn cư dân sinh sống. Làm nghề theo đuôi con cá nên phần lớn họ đều mù chữ. Chú Thắng xếp họ thuộc vào đối tượng bị thiệt thòi nhất trong xã hội.
Trăn trở lớn nhất của chú Vũ Thắng, không chỉ ở việc lo hàng chục nghìn người dân vạn chài sống lênh đênh trên phá có nơi để định cư, mà vấn đề lớn nhất, theo chú là làm cách gì để giúp bà con định canh. Tôi nhớ, khi trao đổi về việc này với giám đốc Sở Thuỷ sản, chú Thắng chỉ vào đàn vịt đang rũ cánh trên bờ ruộng và nhận xét: "nếu chúng ta làm không tốt công tác định canh thì khác nào như đàn vịt kia, theo bản năng lên bờ một lúc rồi lại quay xuống nước".
Chính hình ảnh ấy đã gợi và làm cho tôi nhớ lại khi làm phim "Huyền thoại mới trên phá Tam Giang", đề cập về tấm lòng của giám đốc Phan Thế Phương trong việc giúp những ngư dân nghèo ven phá Tam Giang tham gia phong trào nuôi tôm sau này.
Chú Thắng là bí thư của thời chuyển tiếp. Bình Trị Thiên - mảnh đất nghèo và dài dằng dặc, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và luôn phải đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt. Để giúp cơ chế mới vận hành suôn sẻ, chú là một trong những vị lãnh đạo đi nhiều. Bám thực tiễn và giải quyết vấn đề từ thực tiễn là phương pháp làm việc mà chú yêu thích. Thời chú, điện thoại di động chưa có, phương tiện đi lại, đường sá không được tốt như bây giờ. Hoạt động trên địa phận thuộc vào loại "tỉnh dài huyện rộng xã to..." nhưng chú không ngại. Nhờ cởi mở và chân tình nên cơ sở thương và có lẽ nhờ vậy mà chú là người nắm khá rõ tình hình để tìm cách giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý.
Thời 1989-1990, sau khi chia tỉnh, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế có quá nhiều phức tạp. Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã làm cho không ít cán bộ, đảng viên nao núng, thậm chí có người xin ra khỏi Đảng. Là người từng vào sinh ra tử, lại giữ cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ, như nhiều đảng viên trung kiên khác, chú Thắng không chỉ bình tĩnh xử lý mà còn đấu tranh không khoan nhượng với những phần tử cơ hội, dù họ là ai. Sau khi nghe chuyện chú Thắng là người khai hoả đầu tiên của một cuộc đấu tranh lớn trong nội bộ và rất được Trung ương tín nhiệm, hỏi chuyện, chú chỉ khiêm tốn trả lời: mình bận tham gia chiến đấu không có nhiều thời gian dành cho học hành nên đảm đương công việc được giao cho tốt cũng đã tổn thọ lắm rồi, mơ chi chuyện leo cao. Còn việc đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng sai trái là trách nhiệm của mỗi đảng viên cộng sản chân chính.
Tôi nhớ, trước khi xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng ở phía nam cầu Phú Xuân, tết 1993 tôi theo chú lên thăm các chùa. Khi chú và Hoà thượng Thích Mật Hiển tâm tình, chú cho nghe nhưng luôn dặn chỉ ghi hình đủ đưa tin mà thôi. Trong câu chuyện, chú Thắng luôn động viên Hoà thượng tỉnh táo xử lý tình hình, làm cho môn đồ hiểu được đâu là chân đâu là giả. Khi đoàn chúng tôi đến chùa Thiên Mụ thì Hoà thượng Thích Đôn Hậu đã lâm bệnh. Chú Vũ Thắng chỉ gửi thiếp và trao quà. Biết đại đức Thích Trí Tựu là người thân cận của Hoà thượng, trước khi ra về chú đề nghị được xem ngôi bảo tháp của Hoà thượng. Chú vỗ vai và dặn: "chú nhớ tập trung lo chăm sóc ông cho tốt thôi nghe, đừng có nghe xúi dục làm bậy".
Nhờ có thông tin từ chú mà khi vụ việc xẩy ra, tôi không qúa bất ngờ và phim "Tiếng chuông chùa" là ý tưởng của quá trình tôi theo chú thăm các nhà sư, kết hợp với những gì mà chú thường chia sẻ.
Tấm lòng của chú, việc làm của chú nhiều người biết, trong đó có bạn bè tôi. Vào một sáng cách đây đã lâu, khi đi ngang trung tâm Liễu Quán, bất ngờ tôi được họa sĩ Bửu Chỉ mời vào uống cà-phê. Khác với mọi khi, tôi thấy anh có vẻ buồn. Đột nhiên anh Chỉ hỏi tôi: "Tao nghe tụi nó nói mi thân với ông Thắng lắm phải không?" Tôi ngắt lời: "nhưng mà anh có chuyện chi?" - Chuyện là thế này - anh Chỉ nói - Tao có tranh triển lãm ở Hồng Kông, tụi nó mời nhưng tao sợ công an không cho đi, nếu mi thân nói với ông dùm tao một tiếng".
Sau khi trình bày nguyện vọng của anh Chỉ, nghe xong chú Thắng nói với tôi: "Chú biết Chỉ là người có tài, có chuyện này chuyện nọ. Đảng chủ trương kéo vào chứ không đẩy bất cứ một ai. Con nói với Chỉ yên tâm, Đảng không ghét bỏ ai đâu". Có lẽ sau chuyến đi đó tranh của họa sĩ Bửu Chỉ phóng khoáng hơn và triển lãm nhiều hơn.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù ta đã có chủ trương mở cửa, nhưng việc mời gọi nước ngoài vào đầu tư ở Thừa Thiên-Huế là chuyện vô cùng gian nan. Khách sạn Century bây giờ, lúc đó gọi là Hương Giang II khởi công từ năm 1985 nhưng phải sáu bảy năm sau mới đưa vào hoạt động, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do không có vốn. Thế mạnh về du lịch bắt đầu được chú ý. Còn tiềm năng về vật liệu xây dựng thì chúng ta đã nhấn mạnh từ thời còn Bình Trị Thiên nhưng để có một nhà máy đàng hoàng là chuyện hơi khó. Do vậy khi tập đoàn Luck ở Hồng Kông quyết định đầu tư xây dựng nhà máy xi măng ở Văn Xá chú Thắng rất mừng. Chú thường nói: "Quê mình nghèo, phần lớn là lo giữ mồ giữ mả, cho nên phải biết quý trọng những người bỏ công bỏ của cùng mình tính chuyện làm giàu. Không có công nghiệp khó giàu lắm".
Do vậy mà hôm nhà máy này làm lễ động thổ, dù phải đội nắng chờ đến giờ ngọ chú vẫn vui vẻ. Chú nói với tôi: Mình nghèo phải lấy cái tâm mà đãi. Họ đến đầu tư thấy mình không quan tâm, không chia sẻ thì họ chuyển đi nơi khác.
Dù tại vị hay sau này đã nghỉ hưu, hễ mỗi lần gặp, chú đều nhắc nhở tôi về lý tưởng cách mạng, về tư tưởng tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về truyền thống cách mạng của gia đình. Chú sợ tôi vấp ngã.
Chuyện cũng vừa mới diễn ra gần đây thôi, ấy là sau khi xem xong phim "Nước sông Hương biết khi mô xanh trong trở lại" chú gọi tôi và bảo: "Phim này cháu làm chưa tốt. Đúng là do làm đường nên nước sông Hương bị đục, nhưng cháu phải biết đất nước muốn giàu mạnh thì còn phải cần đến nhiều con đường. Riêng con đường này không chỉ đơn thuần phục vụ cho kinh tế mà nó còn phục vụ cho quốc phòng. Lẽ ra cháu phải dành thời gian nói nhiều về chuyện ấy, đằng này chỉ tập trung nói chuyện nước đục làm cho người xem dễ hiểu lầm". Tôi cám ơn sự góp ý chân tình của chú và hứa sẽ cố gắng làm tốt hơn.
Bây giờ, chú Vũ Thắng đã đi xa nhưng tấm lòng chú vẫn ở lại với mọi người. Và cháu nào dám quên những lời chú căn dặn, những ngày chú chia sẻ!.
H.T (175/09-03) |