Tạp chí Sông Hương - Số 175 (tháng 9)
Mặt trời trên đỉnh Phú Sĩ
08:53 | 09/06/2009
NGUYỄN VĂN DŨNGTôi mới có ý định leo núi Phú Sĩ trên đường từ Tokyo về cố đô Kyoto. Chiếc tàu siêu tốc chạy ngang qua vùng núi Fuji. Bên ngoài, trông Fuji hùng vĩ và đẹp hơn trong ảnh nhiều. Trên nền xanh thẳm của Công viên Quốc gia Fuji-Hakone-Izu, hai cánh núi từ tít tắp hai đầu Bắc Nam như đôi tình nhân thiên thu gặp lại, tràn về phía nhau. Và khi gặp nhau, cả hai hoà thành một, rồi bay vút lên trời, xuyên qua mấy tầng mây, để lộ giữa thinh không cao ngút cái chỏm mĩ miều như đầu ngọn bút lông.
Mặt trời trên đỉnh Phú Sĩ
Núi Phú Sĩ (Fuji)

Fuji là ngọn núi thiêng. Là bàn thờ tối thượng của mặt trời. Là đỉnh cao bất tử. Là đệ nhất kỳ quan của Nhật. Là biểu tượng của xứ sở hoa anh đào. Là nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca nhạc hoạ. Mùa xuân, hoa anh đào nở tràn khắp nơi. Fuji phủ đầy tuyết trắng soi mình lên mặt hồ, tạo nên vẻ đẹp thầm lặng, sâu thẳm: nỗi muộn phiền lắng xuống, lòng ham muốn dịu đi, và sự bình yên trở lại trong tâm hồn khách lãng du. Đã đến Nhật mà bỏ sót một danh thắng như thế, chẳng uổng lắm sao. Với lại, biết đâu tôi là người Việt Nam đầu tiên may mắn được đặt chân lên đỉnh Phú Sĩ ngắm mặt trời mọc. Ý nghĩ ấy càng thôi thúc tôi.

Chúng tôi khởi hành từ Tokyo lúc 7 giờ sáng bằng xe buýt.  Đến độ cao 2.100 m lúc 10 giờ 30. Tại đây, chúng tôi có 45 phút để ăn trưa và mua sắm những vật dụng cần thiết. Hầu hết mọi người đều mua mang theo chiếc gậy. Trên đầu gậy có lá cờ Nhật, cờ Mỹ hoặc hai quả lục lạc. Tôi bỗng có ý nghĩ hay hay: Mang theo lên đỉnh Phú Sĩ lá cờ Tổ quốc mình - Ai nói dân mình không có khát vọng chinh phục những đỉnh cao. Tôi gặp cô bán hàng. Cô ta lắc đầu lấy làm tiếc đã không chuẩn bị chu đáo.

11 giờ 15, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi bộ chinh phục đỉnh Phú Sĩ. Đoàn chúng tôi gồm 82 người. Hầu hết sinh viên. Tất cả đều người Nhật. Dẫn đầu là một thanh niên địa phương, tay cầm cờ hiệu. Hậu quân gồm anh Trưởng đoàn người Tokyo, tôi và đôi trai gái trông trữ tình như Romeo - Juliette. Anh chàng Romeo dong dỏng cao, nghiêm và rất oai. Nàng Juliette hồn nhiên, xinh đẹp, nước da trắng ơi là trắng, và hay cười. Họ đẹp đôi quá. Mong sao đừng thế lực ma quái nào chia lìa họ.

Mùa nầy Fuji không có tuyết. Từ độ cao 2.100 m trở xuống, toàn tùng là tùng. Xanh ngắt một màu. Từ độ cao 2.100 m trở lên cheo leo những đá, sỏi, cát, dấu vết nham thạch của đợt phun lửa cuối cùng. Tôi đặc biệt quan tâm cách đi của họ. Họ đi thành hàng hai. Người sau theo chân người trước. Lặng lẽ. Đều đặn. Kỷ luật. Không xô đẩy, dẫm đạp, chen lấn, chạy ngược chạy xuôi. Đôi khi, người dẫn đầu do quán tính vè theo khúc đường cong để đi lên. Mọi người cũng cứ thế mà đi. Tôi ngạc nhiên. Tôi thử đi theo đường thẳng, thì đúng là nhanh hơn, đỡ tốn sức hơn. Tôi biết họ cũng nghĩ như tôi, nhưng họ không làm theo tôi. Họ, đi theo đoàn theo đội. Với họ, hình như không có khái niệm tách ra. Đấy là nét độc đáo của người Nhật. Rất coi trọng tính cách riêng, nhưng biết gắn cái riêng vào cái chung thành một khối. Rất linh hoạt trong việc học tập cái hay của người, nhưng lại "bảo thủ" trong việc giữ gìn truyền thống văn hoá dân tộc. Trời chợt nắng, chợt mưa, chợt sương khói. Họ cứ đi. Giữ nguyên đội hình. Cần mẫn như một đàn kiến. Bền bỉ như dân tộc họ từng đi trong suốt chiều dài lịch sử. Thỉnh thoảng, người dẫn đường ra lệnh nghỉ chân. Họ tự giác dạt vào một bên, uống nước, chuyện trò, đùa vui chút chút. Vẫn Juliette hay cười. Ừ, thì cười đi em. Mai sau, biết đâu chẳng may, em sẽ khóc nửa phần đời còn lại.

17 giờ, chúng tôi đến trạm dừng chân ở độ cao 3.100m. Đó là một căn nhà 3 tầng bằng gỗ thông. Mỗi tầng có nhiều sạp. Mỗi sạp có thể nằm dài dài hàng trăm người. Mọi người mệt nhoài lăn đùng ra thở. Tôi gắng gượng lê mình đến cửa sổ ngắm hoàng hôn. Hoàng hôn Fuji trắng một màu sương khói.

Sau bữa cơm chiều chớp nhoáng, nhiều bạn Nhật quay lại chuyện trò, hỏi han tôi. Họ rất vui khi biết tôi từ Việt Nam sang. Đã có thời, Việt Nam dưới mắt họ là chiến tranh, hận thù, đói rách. Họ không thích và không muốn quan tâm. Bây giờ thì khác, hình ảnh Việt Nam đã được cải thiện nhiều. Đài Truyền hình Nhật Bản thường xuyên chiếu chương trình thời sự về những đổi thay tốt lành ở Việt Nam. Nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn thành công ở Nhật. Nhiều tour du lịch Nhật sang Việt Nam. Đang có phong trào rầm rộ hướng về Việt Nam, ủng hộ Việt Nam, kêu gọi tài trợ giúp Việt Nam phát triển. Họ tỏ vẻ thán phục khi biết rằng sang Nhật, tôi ở lại nhà của một người học trò cũ đang làm luận án tiến sĩ y khoa ở trường đại học Tokyo. Người Nhật biết ngưỡng mộ tài năng. Họ thật sự quí trọng những ai giỏi giang hơn mình.

Đúng 18 giờ, chúng tôi được lệnh đi ngủ sớm. Hàng trăm người nằm sát rạt trên 4 dãy sạp. Tôi biết có nhiều người chưa ngủ, nhưng căn phòng vẫn tịnh không như không. Theo thứ tự, anh trưởng đoàn nằm ngoài cùng. Bên trái anh trưởng đoàn là tôi. Bên trái tôi là Juliette. Bên trái Juliette là Romeo. Về cái chuyện đi chung, ngủ chung, tôi phát hiện thêm một nét tính cách nữa của người Nhật. Họ phân biệt rạch ròi giữa cái riêng và cái chung, giữa trong và ngoài. Trong phòng họ, là thế giới của riêng họ. Ngoài phòng họ, là thế giới của cái xã hội mà họ là một thành viên. Đem cái riêng phô bày giữa ba quân thiên hạ là biểu hiện của một nhân cách chẳng ra gì. Tôi không thấy trên xe, tàu, đường phố, hay chỗ đông người, con trai con gái ngả ngớn, chọc gẹo, đầu mày cuối mắt, vuốt ve âu yếm. Điều nầy thì khác với bên Tây bên Mỹ. Cũng khác cả với bên mình.

Tôi quyết định không ngủ. Lý do thứ nhất, tôi không quen nằm quá chật. Lý do thứ hai, chẳng lẽ qua Nhật, leo lên tận Phú Sĩ Sơn để ngủ một giấc sao. Gặp cơ hội thế nầy, tôi thường vào thiền, quán tưởng, nhìn lại mình, nhìn lại người, nhìn lại đời, những việc đã qua, những điều sẽ tới. Những ngày sang đây, tôi thường hay nghĩ về đất nước mình. Đất nước mình giàu quá, đẹp quá. Cớ sao cứ mãi đi sau người ta. Tôi tìm cách lý giải từng điểm một. Ước gì tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình với các nhà lãnh đạo.

Đã khuya, tôi nhẹ nhàng xuống phòng khách tiếp tục cuộc đối thoại với mình. Đi xa, thiếu bàn tay phụ nữ, cánh đàn ông thường quên cả những thứ huý tiếu nhất. May quá, tôi đã không quên ba cái lăng nhăng kia: trà, rượu, và... thuốc lá. Trà, đã có sẵn một bình - trà Thái Nguyên hẳn hoi. Sáng mai lên đỉnh Phú Sĩ, chỉ cần hâm nóng lại là có thể nhâm nhi đón bình minh được rồi. Còn thuốc, chỉ ba điếu. Tôi không hút được thuốc lá. Nhưng đêm nay tôi nhất định phì phèo. Người ta hút cho sướng cái bụng. Tôi chỉ cần hút cái không khí. Với lại, cũng nên góp với Fuji một chút sương khói chứ. Chỉ rượu là gay go nhất. Ở Nhật, rất khó kiếm ra một chai rượu ngoại. Đành xài tạm Sake thôi. Uống rượu một mình với mình cũng là một cái thú. Thỉnh thoảng, tôi thích uống rượu một mình. Thà uống rượu một mình với mình còn hơn không may phải uống rượu với một tâm hồn lạc điệu.

12 giờ đêm. Chúng tôi lại lên đường. Vách đá cheo leo. Người đông như kiến. Trời tối như mực. Gió rát mặt. Sương dội đầu. Lạnh buốt da. Chúng tôi phải di chuyển theo thế “lăng ba vi bộ”, đôi khi cả “bích hổ du tường”. Đã có vài người trong đoàn rớt lại phía sau. Dọc hai bên đường, nhiều “chiến sĩ” không chịu nổi, đành “gục trên súng mũ bỏ quên đời”. Họ đều nằm trong tư thế rơi tự do. Nên chi, không tư thế nào giống tư thế nào.  Có người, không hiểu bằng cách gì mà nằm vắt vẻo ngang vách núi, như ai cột dây treo anh ta vậy. Tôi đã quá đọa chẳng còn hơi sức đâu tìm xem bằng cách gì. Té ra, tôi quên mang theo một thứ vô cùng hệ trọng: mũ trùm đầu. Sương, gió và cái lạnh tới không độ, như hằng trăm mũi tên xuyên qua đầu tôi. Đã mấy lần tôi loạng choạng suýt ngã. Tôi nhớ có lần, một nhà báo nước ngoài phỏng vấn vận động viên bóng bàn Trung Quốc vừa giành huy chương vàng vô địch thế giới. “Sức mạnh nào đã giúp ông dành thắng lợi”. Anh ta trả lời tỉnh queo: “Nhờ nghiên cứu lý luận của Mao Chủ tịch”. Tôi cười trong bụng. Bây giờ thì tôi có thể phần nào hiểu được anh ta. Trong trạng thái gần như xây xẩm, tôi chỉ nghĩ tới một điều: Giữa hàng ngàn người chỉ có mình là người Việt Nam. Trong đoàn ai cũng biết mình là người Việt Nam. Nếu mình gục xuống thì nhục cho đất nước mình qúa. Ý nghĩ ấy mạnh mẽ đến nỗi như có nguồn nội lực vừa trỗi dậy giúp tôi đủ sức lê bước đi lên. So với việc leo lên đỉnh Phú Sĩ ngắm mặt trời mọc thì đi chùa Hương chỉ như leo cây bưởi sau vườn nhà mình.

Đi đã mỏi mòn, thấy trên đầu một quầng sáng. Tôi mừng quá, hỏi anh trưởng đoàn có phải đỉnh Fuji, anh cười, gật đầu, “Hai”! Nào dè chỉ là điểm dừng chân. Hằng chục điểm dừng chân như thế trên đường tới đỉnh. Người Nhật giỏi nghệ thuật nói không như có. Đúng hơn, họ gần như không bao giờ nói không.

Tôi không hiểu cái sức mạnh nào đã khiến người Nhật dành thời gian, tiền của, tâm sức lặn lội leo lên tận đỉnh Phú Sĩ ngắm mặt trời mọc. Trong đêm tối, họ lầm lũi, mệt mỏi, nhấc từng bước, nhưng tôi biết trong lòng họ cháy bỏng khát vọng, thành kính. Tôi chợt có ý nghĩ, mai mốt về, tôi sẽ viết một bài báo quanh chủ đề: Chúng ta đang tiến hành công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cho dân giàu nước mạnh. Nhưng đừng quên, còn một công cuộc khác không kém phần quan trọng là, tạo điều kiện cho tuổi trẻ lên rừng xuống biển chờ ngắm bình minh.

Năm ba phút nghỉ chân là khoảnh khắc tuyệt vời. Tôi có cảm tưởng như mình đang ở thượng giới. Trên đầu, sáng trưng một trời sao. Dưới kia mây mù trắng xoá một màu. Thỉnh thoảng vài đám mây chơi trò cút bắt, để lộ một khoảng trần gian đen ngòm và lấp lánh những vì sao- như vừa có chùm sao đâu đó lạc xuống cõi trần. Một cảm giác gần gũi lạ thường. “Sông Ngân Hà vịt lội không ướt lông. Rùa kêu đá nổi thiếp không bỏ chàng”. Sao Ngưu Lang. Sao Chức Nữ. Sao hiệp sĩ có cây kiếm dài. Sao chỉ đường không hề biết mệt. Còn sao rua hôm nay sao sáng thế. Đã bao nhiêu lần trong đời tôi ngủ dưới ngàn sao. Bỗng da diết nhớ... Vẫn sáng một trời sao sáng, mà chàng chăn cừu giờ ở nơi đâu.


(Minh Họa: ĐẶNG MẬU TỰU)


Đúng 4 giờ 30, chúng tôi lên tới đỉnh. Phía đàng đông, ánh hồng đã rạng. Hằng ngàn người lên trước chúng tôi đang hướng về, lặng lẽ, chờ đợi. Thời gian như ngưng đọng. Trong ánh sáng mờ mờ, khuôn mặt họ toát lên vẻ thành kính lạ lùng... Sau đám mây được nhuộm hồng từ dãy núi phía đông, Nữ Thần Mặt Trời từ từ xuất hiện. Dịu dàng như một vầng trăng. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào khoảnh khắc naìy. Một bầu không khí uy linh đến ngạt thở... Cho đến khi Thần Mặt Trời đột ngột chiếu ra những tia sáng diệu kỳ, đánh thức cái vũ trụ kia đang lim dim ngủ. Khối người cũng đột ngột chuyển động theo. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng gọi nhau, tiếng chào hỏi. Mấy ông trưởng đoàn, tay phất cờ, miệng la inh ỏi phát lệnh tập kết đội hình, chuẩn bị hạ san. Tôi có kinh nghiệm naìy, trong mọi tình thế biến động, cần nhất phải giữ cái tâm mình cho thật tĩnh. Tôi hâm lại bình trà. Trên đỉnh Phú Sĩ. Một sáng mai hồng. Một mình. Một cốc trà. Một điếu thuốc. Giữa cái khối người đang ầm ào chuyển động kia. Lòng dạt dào cảm khái. Tôi thừa nhận rằng, tôi chưa bao giờ thưởng thức một cốc trà hương vị tuyệt đến thế. Cho hay, nhận thức của con người không phải xuất phát từ bộ óc mà từ trái tim.

Tôi chụp nhiều ảnh. Những tấm ảnh ấy sẽ là cái đinh cho tôi mắc bao nhiêu kỷ niệm về chuyến du sơn kỳ thú nầy. Cũng may, người Nhật rất tốt bụng. Dù họ đang đi đâu, làm gì, chỉ cần bạn chìa máy ảnh ra và nói “Sumimasen” là họ vui vẻ nhận lời. Còn như lúc ấy trên tay họ đang cầm gì thì họ cũng sẵn sàng bỏ cả xuống đất. Chìa mặt bên cột mốc có dòng chữ “Phú Sĩ Sơn đỉnh thượng...” để chụp một pô hình giữa hàng trăm người đang chờ đợi là việc không dễ. Nhưng họ vẫn vui vẻ chờ. Tôi đem chuyện naìy kể với nhiều người. Họ đều nói, “Người Nhật lịch sự nhất thế giới”.

Quanh Fuji, những núi là núi. Mây trắng vương vấn trên các đầu non. Đã nhiều lần tôi ngây ngất trước bình minh trên đỉnh Bạch Mã. Nhưng xem ra bình minh ở đây đẹp và hùng vĩ hơn. Thuở xưa, hẳn nhiều vị Samurai từng hẹn nhau lên đây tỉ thí phân tài cao thấp. Tôi ngờ rằng, khi đã lên tới đây, chắc các vị chỉ muốn chống kiếm nhìn nhau mà cười khà khà.

Tôi tha thẩn một vòng quanh miệng núi. Nó không là hình phễu như tôi tưởng. Tôi cúi nhặt một viên sỏi định mang về làm kỷ niệm. Viên sỏi nâu sậm, sù sì, bởi nó từng được nung trong một lò lửa kinh hồn. Chao ơi. Chính chỗ nầy, 300 năm trước đã xẩy ra hiện tượng kỳ vỹ: Một phần sinh khí của trái đất tuôn trào... Là do áp lực của con người vốn nòi ưa chặt phá, đánh nhau, hay đó chỉ là cách vẽ vời nghệ thuật của tạo hoá?...

Người ta nói, vào những ngày đẹp trời, từ Tokyo có thể nhìn thấy Fuji. Tôi cố dõi mắt về hướng cái thành phố khổng lồ với 32 triệu dân ấy. Vẫn không thấy đâu. Không biết có phải do lớp sương khói hư ảo kia, hay do Tokyo nhỏ bé quá so với đỉnh cao naìy. 

Truyện kể rằng, nữ thần Fuji là một cô gái cực kỳ xinh đẹp, nhân hậu, nhưng lại nóng tính. Vào những sáng mai hồng như thế nầy, nàng bay lượn trên không, tiếp nhận lời khẩn cầu của khách hành hương và sẵn sàng ném xuống vực sâu kẻ nào có trái tim đen tối. Tôi cố dọn mình cho tinh tấn. Dồn hết tâm lực tưởng đến nàng: Hỡi Asama-Sama, nữ thần Fuji xinh đẹp và nhân hậu. Xin hãy nghe lời nguyện cầu của tôi đây: Xin cho mấy cái đầu nóng ở Toà Bạch ốc và Ngũ giác đài nguội bớt lại, để đừng xẩy ra cuộc tấn công vào Irac. Xin cho nhân dân Palestine quyền có một tổ quốc. Xin cho các cháu bé ở Châu Phi, Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới đừng đói rách. Xin cho nhân loại không bao giờ còn chiến tranh!

Buổi chiều, chiếc Haito Bus đưa chúng tôi về lại ga Tokyo, để từ đây mỗi người đón tàu đi về mỗi hướng. Sayonara! Sayonara! Tạm biệt các bạn! Tạm biệt Fuji! Qua khỏi cổng soát vé, tôi cố ngoái lại vẫy tay chào lần cuối. Vâng. Fuji và các bạn. Tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên.

Người Nhật có câu nói naìy hay hay: “Trong đời, nếu ai chưa một lần đến Fuji thì hắn là một thằng ngu”. Tất nhiên, đấy là lối “khích tướng” chỉ dành cho người Nhật. Tôi, may mắn được một lần đến Fuji, không biết có nhờ thế mà khôn ngoan hơn chút nào chăng.

Mount Rainier, Mont Blanc, Foret Noire, Kroc, Bạch Mã...nay Phú Sĩ. Tôi nghiệm rằng, trên núi cao hay biển sâu, ruộng đồng, thành thị, ở đâu mặt trời cũng vậy. Ở đâu mặt trời cũng tròn và hồng trái tim mẹ. Khác chăng, trên những đỉnh núi cao, người ta thường nhận ra được nhiều điều.

Viết thêm cho lời kết: Gần đến ga Tokyo, một cô gái trong đoàn ngồi cạnh chìa tay cho tôi bắt, rồi nói - “Sayonara”! Và cô khóc. Tôi vô tình không hỏi tên cô, không địa chỉ, không số điện thoại. Giờ lại còn nhớ là tôi đã quên cả nói một lời cám ơn. Mấy dòng nầy xin thay lời cám ơn muộn màng. Arigato! Cám ơn em! Và em nữa, tôi cũng sẽ mãi mãi không bao giờ quên.

Tokyo 20/8/2002
N.V.D
(175/09-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ông thanh tra (03/06/2009)