Đêm đã khuya lắm rồi! Có lẽ đã hơn mười một giờ, hay đã mười hai giờ, chị Xoan cũng không biết nữa. Chị như quên đi khái niệm về thời gian, cũng không chú ý nhìn đồng hồ. Lâu nay chị không hề thức khuya như vậy. Sau khi xem xong chương trình thời sự khu vực là chị đã đi ngủ rồi. Ban đêm chị ít thích xem phim, dù phim có hay đến mấy. Thế nhưng tối nay, mọi thói quen của chị dường như đã bị đảo lộn. Quanh chị lặng yên, chỉ có tiếng thở đều đều của cô cháu gái nằm bên cạnh. Con bé thật vô tư. Lần đầu tiên chị thấy thèm được hồn nhiên như nó. Lòng chị chẳng yên, cứ như đang có sóng. Bất giác chị Xoan đưa tay sờ lên mặt. Chị giật mình thấy làn da mình không còn mịn màng như trước nữa. Như trước là đã bao lâu rồi, chị không còn nhớ. Chỉ biết rằng khi chị còn là một cô gái hai mươi, hai lăm tuổi, nhiều người khen chị có làn da đẹp. Đã lâu rồi chị không hề chú ý đến nhan sắc của mình. Chị Xoan thở dài. Thời gian đã tạo ra nhiều vết nhăn mới trên khuôn mặt chị. Chị đã già thật rồi. Năm mươi lăm tuổi, thật sự chị đã già thật rồi. Chị ngạc nhiên khi nhận ra rằng sao từ trước đến giờ, chị không hề quan tâm đến tuổi tác của mình.
Mới hôm qua đây, chị vẫn còn thấy mình trẻ trung lắm. Mắt chị còn tinh, có thể đọc báo mà không cần kính. Tay chị làm việc còn chính xác. Mọi thao tác chuyên môn chị làm còn nhanh chóng, gọn gàng. Chị chưa hề để xảy ra sai sót gì đáng trách. Đám trẻ đồng nghiệp vẫn nhìn chị bằng ánh mắt thán phục xen lẫn chút ghen tị. Chị vẫn tự hào về điều đó. Chị một lòng một dạ với công việc. Chưa bao giờ chị nghĩ sẽ rời bỏ môi trường quen thuộc đã gắn bó với cuộc đời chị trong hơn ba chục năm qua, đã cho chị bao niềm vui và hạnh phúc. Ngay cả những lúc mệt mỏi và không được như ý, chị cũng không hề nghĩ sẽ chia tay với nghề này. Chị không có tham vọng sẽ làm được một điều gì to tát. Chị chỉ là một cô y tá bình thường. Hoàn cảnh không cho phép chị thăng tiến thêm nhưng chị vẫn bằng lòng với hiện tại. Sự có mặt của chị đã làm dịu đi nỗi đau của không ít người bệnh. Chị như người dì, người chị em của họ, hiền hòa và tốt bụng. Rất nhiều người có ấn tượng tốt đẹp về chị ngay lần gặp đầu tiên.
Cái hôm qua đó, chị Xoan tưởng chừng như đã qua lâu lắm rồi. Chiều nay, ông An, trưởng phòng tổ chức mời chị lên gặp. Chị lúng túng, không biết mình có phạm sai lầm gì không. Ông An nhìn chị. Chị thấy ánh mắt ông có cái gì khang khác. Chị gượng cười: - Anh cho gọi tôi chắc có điều gì quan trọng, phải không?
Ông An mỉm cười: - Sao chị lại nghĩ thế? Chị ngồi xuống đây uống ly nước đã nào!
Chị ngồi xuống ghế đối diện với ông An và đưa cái nhìn dò hỏi về phía ông. Nhưng ông An không vội. Ông bàn luận với chị về tình hình thời tiết, về những người thân của chị. Rồi ông hỏi chị: - Mấy lúc gần đây chị có khỏe không?
Chị Xoan hơi ngạc nhiên. Chẳng lẽ trưởng phòng tổ chức gọi chị lên chỉ để nói chuyện tầm phào. Chị thở ra: - Sao bữa nay anh quan tâm đến tôi dữ vậy? - Thì tôi cũng hỏi cho biết vậy. Như tôi đây ,cứ trở trời là cái cột sống nó lại hành tội. Có tuổi rồi mà!
Chị Xoan hơi mếch lòng. Chị chưa hề nghĩ mình đã già. Chị nhìn ông An: - Tôi thì vẫn khỏe. Nhưng... có lẽ anh còn có chuyện gì muốn nói nữa, phải không?
Ông An hạ giọng: - Chị đã muốn biết thế tôi cũng chẳng vòng vo tam quốc làm chi nữa.
Ông ngừng lại như muốn thăm dò phản ứng của chị. Thấy chị không nói gì, ông thở dài: - Chị đã nghĩ đến chuyện về hưu chưa?
Chị giật bắn cả người: - Về hưu? ...Anh nói... - Chị Xoan à, sắp tới cơ quan mình cho một số cán bộ được nghỉ hưu, trong đó có chị...
Chị Xoan lắp bắp: - Các anh ...định cho tôi ...thôi ...việc à? - Sao chị lại nói thế? Chị được về theo đúng chế độ cơ mà! - Nhưng tôi... - Chị cũng đã năm lăm tuổi rồi. Theo tôi như vậy là cũng thích hợp rồi. Như tôi đây, muốn về người ta lại chưa cho, cũng phải cố thêm vài năm nữa. Chị Xoan không muốn nói thêm gì nữa. Chị buồn bã chào ông An rồi về phòng làm việc của mình.
Thế đấy, chị sắp phải về hưu. Đã hơn ba mươi năm nay, chị đã quen với cuộc sống này rồi. Khi mới bước chân vào nghề, chị Xoan mới hơn hai mươi tuổi. Cái tuổi hai mươi đẹp đẽ ấy đời người ai cũng chỉ có một lần. Chị đã hăm hở sống, hăm hở làm việc. Cái nhiệt tình của chị lan truyền đến mọi người xung quanh. Rồi chị gặp một người đàn ông và yêu say đắm. Đó là tình yêu đầu tiên và cũng là tình yêu duy nhất trong cuộc đời chị. Chiến tranh đã chia cắt tình yêu của họ. Chị không biết anh đã chết hay lưu lạc nơi nào. Bao nhiêu năm trời bặt vô âm tín, chị vẫn đợi chờ, vẫn không nguôi nuôi hy vọng một ngày nào đó anh sẽ trở về với chị. Anh ấy sẽ về, chị luôn tự nhắc nhở mình như thế. Chị đợi tháng này qua tháng khác, năm này qua năm kia, thoắt một cái đã hai mươi lăm, hai mươi bảy năm. Lâu rồi cũng thành quen, giờ đây chị biết anh sẽ chẳng trở về nữa, nhưng đêm đêm chị vẫn có thói quen thắp hương nguyện cầu cho anh được bình yên. Cứ thấy có tiếng động mạnh hay có tiếng gõ cửa là chị lại choàng dậy hồi hộp, hy vọng. Bao nhiêu năm qua, cũng có những người đàn ông khác đến với chị nhưng chị chẳng bao giờ tự cho mình một cơ hội. Chị thuộc loại người chỉ yêu một lần trong đời. Không có người đàn ông của mình, từ lâu chị đã xem công việc là lẽ sống thứ hai của mình. Không có niềm vui và hạnh phúc lứa đôi, không con cái, chị mượn niềm vui và hạnh phúc của người xung quanh làm cái riêng của mình. Chị là một phụ nữ bao dung và hiền dịu. Có khi chị đã khao khát có một đứa con nhưng chị lại chưa bao giờ cảm nhận vai trò của một người mẹ. Chị mâu thuẫn với mình như vậy đấy!
Ngày trước, chị còn có mẹ. Mẹ chị thương con gái, đã nhiều lần giục chị đi lấy chồng, quên mối tình xưa và cho bà một đứa cháu. Mỗi lần mẹ bảo, chị đều bỏ cơm, đắp chăn nằm một mình, nên sau đó bà cụ đành thôi. Bây giờ, mẹ chị đã mất rồi. Bà ra đi vẫn chưa yên lòng vì cô con gái lớn chưa yên bề gia thất. Năm ấy chị cũng đã bốn mươi lăm tuổi. Với cái tuổi ấy chắc cũng chẳng có người đàn ông nào muốn cưới chị. Hơn nữa, lòng chị cũng đã nguội lạnh rồi, chị không còn hứng thú gì về việc lập gia đình.
Bây giờ, chị phải về hưu. Về hưu! Về hưu! Hai từ đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu chị, như chiếc kim nhọn đâm vào tim chị nghe đau nhói. Rời bỏ công việc, chị còn lại gì cho mình. Gia đình? Mẹ chị đã mất. Em gái chị đã lấy chồng. Chỉ còn một mình chị chơ vơ trong căn nhà rộng lớn do cha mẹ để lại. Trước đây, chị không thấy căn nhà là rộng lớn nhưng từ khi biết mình sắp về hưu, cái nhìn của chị tự dưng có nhiều thay đổi. Không, chị sẽ không về hưu đâu, chị không muốn về hưu đâu. Chị Xoan thầm kêu lên như vậy. Lòng chị đau như xé ...
Chỉ qua một đêm, chị Xoan đã trở thành một con người khác. Buổi sáng soi gương, chị thảng thốt nhận ra mình đã già thật sự. Người đàn bà trong gương đang nhìn chị trân trối. Vẻ mặt chị hốc hác quá! Đôi mắt thâm quầng, đuôi mắt xuất hiện nhiều nếp nhăn. Chị là đây ư? Chị Xoan không muốn chấp nhận cái hiện thực hiển nhiên ấy. Chị trở nên cáu gắt.
Con bé cháu chị đã đi học. Không biết nó đã ăn uống gì chưa. Hàng ngày, chị vẫn chuẩn bị buổi sáng cho cả hai người. Nhưng tối qua chị thức khuya quá, trằn trọc đến gần sáng mới chợp mắt được. Thành ra sáng nay chị dậy muộn. Thêm nữa, chị có chuyện khó chịu trong lòng nên không còn bụng dạ đâu mà nghĩ đến việc ăn uống. Vì bực bội ,chị đã mắng oan con bé. Nó chẳng hiểu ất giáp gì, chỉ nhìn chị bằng đôi mắt kinh ngạc. Bây giờ nghĩ lại, chị thấy có phần ân hận.
Chị Xoan đi làm muộn hơn mọi ngày. Khi chị đến khoa, mọi người đã có mặt đông đủ. Hằng và Tân đang nói chuyện gì đó với nhau. Thấy chị vào, họ im bặt. Nếu là những ngày trước, chị đã không nghĩ gì. Nhưng giờ đây, chị cứ nghĩ họ đang bàn tán chuyện của chị. Chị Xoan nhìn Hằng bằng ánh mắt nghi kỵ. Thư từ phòng sau bước tới, hỏi chị: - Sao hôm nay đi trễ thế, bà chị?
Tự dưng chị Xoan trở nên cau có. Chị nói bằng giọng "mát mẻ": - Gần về hưu rồi, đi trễ một bữa không được sao?
Thư sững sờ nhìn chị Xoan. Cô không biết mình đã làm gì có lỗi với chị. Cả bác sĩ Hùng đã nghe những câu trao đổi của hai người cũng nhìn chị ngạc nhiên. Hôm nay, đột nhiên sao chị khó tính thế! Họ không nói gì nữa, e lại làm phật lòng chị. Nhưng dường như chị không hiểu điều đó. Chị cứ ngỡ họ đang coi thường mình. Chị càng bực bội thêm. Thấy Thư vẫn còn nhìn mình, chị mắng: - Bộ lạ lắm hay sao mà cứ nhìn người ta chằm chặp vậy. Mới đi trễ vài phút mà đã để ý rồi...
Thư lắc đầu: - Chị Xoan, hôm nay chị làm sao thế? Em đâu có ý chọc giận chị... Hay là chị bệnh. Bệnh thì xin phép anh Hùng nghỉ ít bữa. - Tôi không có bệnh tật gì cả.
Hằng ôm chồng bệnh án đi tới, nói xen vào: - Hay chị có chuyện gì buồn? Hay chị giận bọn em? Hôm qua, chị còn vui thế cơ mà...
Chị Xoan không nói gì nữa. Chị ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm lấy đầu. Phải, hôm qua chị còn vui vẻ, điềm tĩnh và đôn hậu là thế. Vậy mà bây giờ... chị sao thế này.
Các cô gái thôi không trò chuyện với chị nữa. Họ quay lại với công việc của từng người. Chị cũng đi làm việc. Chị muốn chứng tỏ cho mọi người biết chị vẫn còn khỏe, vẫn còn cáng đáng được mọi việc. Chị không phải là người bỏ đi.
Chị Xoan nhìn căn phòng, nơi chị đã làm việc trên mười năm nay. Trải qua nhiều khoa phòng, cuối cùng nó là căn phòng mà chị dừng chân lại lâu nhất. Phòng được quét vôi lại từ đầu năm nay nên trông còn mới lắm. Chiếc bàn làm việc, những chiếc ghế, tủ thuốc, chồng bệnh án... tất cả sao mà thân thương, mà gần gũi đến thế! Lâu nay chúng vẫn hiện diện trong cuộc đời chị, như một phần tất yếu của chị. Vậy mà chưa bao giờ chị thấy yêu quí chúng đến thế. Cả Thư, Hằng, Tân và bác sĩ Hùng nữa, chị từng coi họ như những người thân, buồn vui cùng chia sẻ. Nay sắp phải xa tất cả rồi, chị có còn lại gì cho riêng mình không?
Chị Xoan lặng lẽ nhìn Hằng rồi nhìn Thư. Các cô gái hãy còn quá trẻ, chưa qua cái tuổi ba mươi. Chị cũng đã từng có cái tuổi trẻ đó. Sao lúc ấy chị không nhận ra ưu thế của cái thời xuân sắc ấy. Bây giờ chị phát hiện ra thì đã quá muộn. Tuổi xuân đã đi qua không có cách gì níu kéo trở lại. Lâu nay, chị Xoan vẫn hài lòng về cuộc sống của mình. Chị đã từng nghĩ nếu phải bắt đầu lại từ tuổi hai mươi, có lẽ chị cũng sẽ lặp lại những gì mà chị đã trải qua thôi. Nhưng hôm nay, những điều suy nghĩ trước đây của chị dường như đã bị lung lay. Vấn đề về hưu đã có một tác động sâu sắc đến chị. Chị nhận ra rằng thật sự nếu có một gia đình thì tốt biết bao nhiêu. Có một người chồng bầu bạn lúc tuổi già, có con và có cháu. Cuộc đời chị đã thiếu những thứ đó. Khi về hưu, chị sẽ thui thủi một mình. Con bé cháu chị năm nay đã học lớp mười hai. Chẳng mấy chốc nữa nó sẽ lên học đại học hay cao đẳng gì đó. Lúc đó, chị càng cô đơn hơn. Chỉ nghĩ đến thế, chị đã thấy đau đớn trong lòng. Buồn quá, chị không sao ngăn được tiếng thở dài...
Mấy bữa nay, con bé cháu chị Xoan đi thăm bà nội nó đang bị bệnh. Chỉ còn lại chị Xoan ở nhà một mình. Chị Xoan cảm thấy trống vắng và chông chênh hơn. Chị đi vào, đi ra, không biết nên làm việc gì nữa. Nhà cửa đã gọn gàng, ngăn nắp. Ấm chén đã rửa sạch sẽ. Chồng sách đã được quét bụi nằm ngay ngắn trên giá. Bầy gà ăn no đã ríu rít chạy ra ngoài vườn. Chú chó Mực nằm khoanh mình trước cửa nhà. Chị Xoan lên nhà trên, mở ti vi xem. Nhưng ngồi xem một mình, chị lại thấy chán. Chị suy nghĩ mông lung. Giờ này ở bệnh viện chắc mọi người đang bận rộn với công việc. Liệu có ai còn nhớ đến chị không hay chị chỉ là một cái bóng mờ lướt qua cuộc đời của mọi người.
Mặc dù chị Xoan chưa có quyết định về hưu chính thức nhưng cơ quan đã cho chị nghỉ hơn một tuần nay. Đó là một thông lệ đã có từ trước. Thật tình chị Xoan không muốn nghỉ ở nhà. Chị muốn đi làm lắm. Nhưng cấp trên đã ngỏ lời như vậy, chị không tiện nói lên nguyện vọng thầm kín của mình.
Hôm liên hoan chia tay, mọi người trong khoa chị đều tỏ vẻ bịn rịn, lưu luyến. Thư đã ôm chị một cách thân thiết. Bác sĩ Hùng bắt tay chị thật chặt. Họ tặng chị một chiếc áo dài lụa màu tím Huế, đúng là chiếc áo mà chị vẫn thích. Khoa chị tổ chức một buổi liên hoan thân mật. Sau đó mọi người cùng đi hát karaôkê. Hẳn là có ngụ ý khi Hằng hát bài “Chị tôi” của Trần Tiến với một giọng xúc động. Còn Tân thì đòi hát cho được bài "Biển nhớ". "Ngày mai chị đi. Biển nhớ tên chị gọi về". Chị Xoan à, dù chị có về hưu, bọn em vẫn nhớ đến chị. Khi nào trong khoa có chuyện gì vui, chúng em nhắn chị, chị nhớ về nghe. Tân đã ân cần nói với chị như thế. Bác sĩ Hùng nói thêm “Nếu chị trốn không đi, bọn em sẽ đến nhà chở chị. Lúc đó chị Xoan đã xúc động không nói nên lời. Chị cố nén nhưng nước mắt cứ trào ra trên khóe mi. Chị cảm nhận được sự chân thành trong tình cảm mà mọi người đã dành cho chị... Nhưng cuộc vui nào rồi cũng qua đi. Tối đó về nhà chị Xoan đã khóc một mình. Con bé cháu chị đã trêu chị sao mà nhiều nước mắt thế!
Yêu thương là thế, lưu luyến là thế nhưng rồi mọi người cũng sẽ quên chị thôi. Mà nếu có nhớ thì liệu sẽ được bao lâu? Một tuần, một tháng hay chỉ ngày hôm sau, chị đã lặng lẽ ra khỏi cuộc đời của mọi người. Chị Xoan không trách ai. Chị biết thời gian và sự cách xa sẽ làm người ta dễî dàng quên nhau. Chị Xoan lại thấy buồn. Trước đây chị vẫn là chỗ dựa cho người khác. Bây giờ không ai dựa vào chị, chị cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó. Cái gì đó ấy lại rất cần thiết cho cuộc sống của chị.
Chị Xoan tắt ti vi, lững thững bước ra vườn. Đã trưa lắm rồi. Mặt trời chói chang chiếu những tia nắng lấp lánh trên mặt, trên tóc chị Xoan. Chị Xoan đi vào dưới tán cây khế nhưng những tia nắng tinh nghịch vẫn không buông tha cho chị. Bất giác chị mỉm cười một mình, một nụ cười gần như vô thức. Khuôn mặt chị dường như sáng lên trong nắng. Chị Xoan nhón chân hái một trái khế. Chị đưa lên miệng nhấm nháp. Cái vị chua chua ngòn ngọt của trái khế đầu mùa đã làm chị tỉnh người lại. Biết bao kỷ niệm của đời chị đã gắn liền với gốc khế già này. Chị nhớ những ngày ba chị mới đưa cây khế về trồng, chị hãy còn là một cô bé tinh nghịch. Chị đã hái gần như trụi hết những chiếc lá non mới nhú để chơi bán hàng và bị ba chị cho một trận đòn nên thân. Nhưng cây khế với một sức sống mãnh liệt vẫn vươn lên như thách thức với tất cả mọi trở lực. Lúc đầu do bị trận đòn của ba, chị ghét cây khế lắm. Nhưng tuổi thơ dễ quên, ít lâu sau đó chị lại thấy quí nó. Chiều chiều, chị Xoan thường cùng lũ bạn ngồi chơi dưới gốc cây. Rồi tuổi xuân của chị với những hẹn hò của tình yêu đầu đời cũng đã từng diễn ra bên dưới cây khế này. Cho đến ngày anh ấy ra đi và không bao giờ trở lại nữa, thỉnh thoảng chị vẫn một mình ngồi dưới tán lá xum xuê của cây. Những lúc đó chị chẳng suy nghĩ gì cả. Chị chỉ như trải rộng lòng mình ra với thiên nhiên cây cỏ. Mới đó mà đã mấy chục năm rồi. Chị Xoan đã già và cây khế cũng thế. Nhưng tuổi già của người phụ nữ làm chị Xoan không còn khả năng sinh nở, còn cây khế thì vẫn tiếp tục cho đời những đứa con của nó. Đành rằng quả khế không phải là một thứ quả quí, nhưng cũng không ít người thích ăn nó. Chị Xoan cũng trong số đó...
Có tiếng chó sủa ngoài ngõ. Đó là những tiếng sủa hân hoan của chú chó Mực khi có người quen. "Chắc con bé đã về". Chị Xoan bước nhanh ra phía trước. Thấy chị, con bé nhăn mặt: - Sao bữa nay dì đóng cổng cẩn thận thế? Dì sợ trộm à? - Có sợ gì đâu, cái con bé này!
Chị Xoan mở cổng rồi xách bớt cho con bé một giỏ xách. Khi thấy chị định đóng cổng, con bé ngăn lại. Nó nói bằng cái giọng nửa đùa nửa thật : - Dì đừng lo, cứ để cửa mở cho thoáng khí. Dì biết nhà này có gì quí nhất dễ bị mất trộm không? - Cái gì?
Con bé nhìn chị Xoan, le lưỡi: - Là dì chứ còn cái gì nữa. Dì đúng là hàng cổ quí hiếm nhất mà người ta đang đổ xô đi tìm...
Chị mắng con bé nhưng vẫn không khỏi nở một nụ cười: - Cái con phải gió này! Mới đi khỏi nhà có mấy ngày mà đã dám nói với dì nó bằng cái giọng đó rồi...
Con bé giả vờ ngạc nhiên: - Giọng đó là giọng chi hả dì? Con vẫn nói bằng giọng Huế một trăm phần trăm đây mà!
Chị Xoan đặt chiếc xách xuống, phát một cái vào vai cháu. Con bé cười như nắc nẻ, chạy vội vào nhà. Chị Xoan cũng cười theo. Lâu rồi hai dì cháu không đùa vui như vậy. Chị Xoan rất yêu quý cháu. Nó là cô con gái thứ hai của em gái chị. Nhà nó cũng chẳng phải đông đúc gì, chỉ có ba anh em. Thằng anh đầu đang học ở trường đại học bách khoa Sài Gòn. Còn con bé út đang học lớp chín. Mẹ nó thương chị sống một mình nên cho con về sống với chị đã năm nay. Lúc đầu, con bé cứ đòi về với mẹ nó, chị đã định thôi. Nhưng cô em chị, khi thì dỗ dành, khi thì dọa dẫm, cuối cùng con bé mới chịu ở với chị. Lâu dần thành quen, chị và con bé quấn quít với nhau như mẹ con. Tính chị Xoan vốn trầm lặng và ít nói, nhưng chị vẫn rất quan tâm đến cháu. Con bé cũng quen như vậy rồi, nó chẳng đòi hỏi gì thêm ở chị. Thời gian gần đây, do tinh thần chị bất an, với lại con bé thì lo chúi đầu chúi mũi vào học để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp ba sắp tới nên dì cháu chị Xoan ít nói chuyện với nhau hơn. Chị Xoan không nghĩ rằng cháu mình đã lớn. Nó đã bắt đầu có những suy nghĩ chín chắn, khôn ngoan.
Chị Xoan theo sau đứa cháu gái. Như sực nhớ ra, chị hỏi: - Thế bà cháu đã khỏe chưa?
Con bé giả vờ nguýt chị: - Chao ơi, bây giờ dì mới nhớ đến bà nội cháu... - Thì cô có để hở cho tôi chỗ nào để nói đâu?
Con bé ôm choàng lấy chị: - Nói chơi mà dì giận cháu hả? Bà cháu khỏe rồi. Dì xem, mẹ cháu gửi cho dì bao nhiêu là quà... - Ừ, dì thấy rồi. Mà cháu thật, nhà có hai dì cháu, mang về làm gì cho nhiều, tốn kém của mẹ mày! - Mẹ con tự làm cả đấy. Mẹ gửi cho dì mấy thẫu tôm chua, một ít tương ớt, một cân thịt chà bông. Mẹ bảo đó toàn là những món dì thích.
Chị Xoan nghĩ đến cô em gái. Tội nghiệp, hàng ngày cô ấy đã bận rộn biết bao công việc gia đình, vậy mà cô ấy vẫn nghĩ đến chị. Chị Xoan chép miệng thở dài: - Mẹ cháu chu đáo quá! - Thì vẫn thế! Mẹ cháu thương dì nhất cơ mà.. Mà thôi, không nói chuyện nữa, cháu đói bụng quá rồi. Ăn cơm đi dì!
Chị Xoan giật mình nhớ ra chị chưa làm cơm. Cũng do suy nghĩ vẩn vơ, rồi con cháu lại trò chuyện làm chị quên khuấy mất. Chị Xoan nhìn cháu, nói bằng giọng có lỗi: - Dì chưa nấu cơm. Thấy mầy về, dì mừng quá nên...
Con bé cười dòn: - Dì thú nhận rồi nghe. Bữa ni chắc hết nói không cần con rồi... Thôi đi nấu cơm đi dì! - Ừ, cháu đi tắm đi. Dì làm một tí là có cơm ăn ngay mà. Hay là mình đi ăn quán? - Thôi, ăn cơm dì nấu vẫn ngon hơn.
Chị Xoan mỉm cười: - Thôi đi cô, nịnh vừa vừa thôi! - Cháu nói thật đó!
Chị Xoan giục cô cháu đi tắm lần nữa, còn chị thì lo đi làm cơm. Với bàn tay khéo léo của chị, chỉ hơn nửa giờ sau, hai dì cháu đã ngồi vào bàn ăn. Con bé đói bụng nên ăn rất ngon lành. Chị Xoan nhìn cháu, tuổi trẻ của nó thật vô tư và dễ thương. Chị ăn những món do cô em gửi cho, món nào cũng hợp khẩu vị của chị. Chị thấy hài lòng. Chị chợt nhớ mình đã không tự làm những món này đã lâu.
Ăn cơm xong, cũng gần một giờ chiều, hai dì cháu lên giường ngủ. Con bé ôm ngang lưng chị, khúc khích cười: - Dì giữ eo hay sao vậy?
Chị Xoan không hiểu cháu muốn nói gì: - Cháu nói gì vậy? - Sao cháu mới đi có mấy ngày mà dì gầy thế? - Thật à? - Thật chứ!
Rồi con bé nói bằng giọng nghiêm trang: - Cháu kể hết chuyện của dì cho mẹ cháu nghe. Mẹ cháu lo lắm. - Dì có chuyện gì mà mẹ cháu phải lo?
Con bé hơi giận: - Thì chuyện về hưu của dì chứ còn chuyện gì nữa. Dì đừng dấu cháu. Dì nghĩ gì, cháu đều biết... - Về hưu thì về chứ có gì đâu.
Con bé như không nghe lời chị, nó nói tiếp: - Mẹ cháu mắng cháu không chăm sóc an ủi dì. Mà thật ra, bây giờ dì về hưu cũng tốt thôi. Dì sẽ có thời gian rảnh rỗi đi chơi, nghỉ ngơi... Lại còn phải chăm sóc cháu nữa.
- Lớn rồi còn làm nũng hả? Sắp lấy chồng đến nơi rồi! - Cháu ở vậy với dì. Cháu chẳng lấy chồng đâu!
Chị Xoan hơi thảng thốt, cứ như con bé đang nói thật: - Đừng bắt chước dì! - Sống độc thân cũng sướng mà! - Đừng nói thế! Dù sao có gia đình vẫn hơn... - Dì à, cháu sẽ ở với dì cho tới già, nếu cháu có chồng, cháu sẽ bảo anh ấy cư xử tốt với dì. Dì đừng buồn nghe dì!
Con bé lim dim đôi mắt. Có lẽ nó buồn ngủ rồi. Nó không nói gì thêm, chỉ ôm chị chặt hơn. Một lát sau, chị Xoan đã nghe tiếng ngáy nhè nhẹ của cháu. Chị gỡ tay nó ra, vuốt lại những sợi tóc lòa xòa trên trán cháu. Sau đó chị sửa lại cái gối con bé kê lệch. Con bé vẫn ngủ say.
Chị Xoan trở dậy. Chị ngồi thừ người ra. Dù suy nghĩ con bé chưa được sâu sắc nhưng chị Xoan vẫn cảm thấy nó nói đúng. Có lẽ đã đến lúc chị cần nghỉ ngơi thật. Về hưu nói chung cũng chẳng phải là chuyện xấu. Chị Xoan sẽ có thời gian suy ngẫm về những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời chị. Cho dù rằng bây giờ hiểu ra mọi chuyện thì đã quá muộn cho chị. Chị đã năm mươi lăm tuổi, cái tuổi mà bạn bè chị đã lên chức bà nội, bà ngoại. Tuy nhiên, chị không có gì phải ân hận. Chị đã sống mà không phải hổ thẹn với mọi người và quan trọng hơn là không hổ thẹn với bản thân chị. Chỉ có một điều chị Xoan chưa được thỏa nguyện mà chị vẫn đau đáu trong lòng mấy chục năm qua. Chị rất mong gặp lại người xưa dù chỉ là một lần. Không biết anh ấy còn sống hay đã chết. Nếu anh còn sống, chị vẫn mong anh có một cuộc sống hạnh phúc. Gặp lại anh bây giờ chị Xoan không mong nối lại chuyện xưa. Chị cũng không biết sẽ làm gì khi bỗng dưng anh lại xuất hiện trong đời chị. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, những người ra đi có người hoặc đã trở về, cũng có người ít ra đã có tin tức. Chỉ riêng anh vẫn bặt tin. Chút hy vọng cuối cùng gần như đã tắt trong lòng chị. Chị vẫn yêu anh. Chị không ân hận về tình yêu của mình. Chị không tiếc đã dành trọn cuộc đời mình cho duy nhất một người đàn ông. Chỉ tiếc rằng anh đã không cho chị một đứa con. Chỉ tiếc là ngày xưa chị không dám vượt qua hàng rào lễ giáo để đến với anh... Dù sao thì tất cả đã trở thành quá khứ rồi. Sợ rằng nếu được sống lại thời trẻ một lần nữa, chị cũng sống như đã sống. Nhưng chị còn cô cháu gái. Chị hy vọng là cuộc đời nó sẽ không phải là phiên bản của chị. Nó sẽ có chồng, có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chị không muốn có người phải sống cô đơn khi tuổi đã xế chiều như chị. Trong cuộc sống, mỗi người đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho mình. Cuộc đời chị dù có những điều chưa được như ý, nhưng dù sao chị cũng không phải là người bất hạnh. Những gì chị làm đều do tâm ý của chị.
Sắp tới, chị Xoan sẽ có quyết định về hưu chính thức. Suy cho cùng thì rồi ai cũng phải có lúc phải "về hưu". Chị Xoan không muốn chuyện về hưu sẽ tác động lớn đến cuộc đời chị. Chị không thấy buồn nữa. Buồn cũng chẳng để làm gì, chỉ làm khổ mình và khổ những người thân. Chị Xoan nhìn sang cô cháu gái. Con bé vẫn còn ngủ ngon lành. Nó không hề biết những gì đang diễn ra xung quanh nhưng chị cảm thấy dường như nó hài lòng với những suy nghĩ chị vừa có. Hình như nó đang có một giấc mơ đẹp. Chị Xoan đoán thế vì thấy con bé như đang cười, nét mặt nó rạng rỡ như một thiên thần. Phải, nó đúng là thiên thần nhỏ đã, đang và sẽ mang đến niềm vui và hạnh phúc cho chị. Cuộc đời còn lại của chị, chị sẽ dành hết cho nó. Chị lại sẽ có cơ hội để sống hết mình cho người khác, để thấy mình dù sao vẫn còn có ích cho cuộc đời. Nghĩ được như thế, chị Xoan hoàn toàn thấy lòng mình thanh thản. Bắt đầu từ ngày mai, mà không, ngay từ bây giờ chị sẽ bắt đầu cuộc sống mới của mình. Hạnh phúc không phải là cái rơi từ trên trời xuống mà là do từng con người tự mình tạo nên. Chị Xoan thấy bằng lòng với hiện tại... Âu đó cũng là hạnh phúc chị tìm lại được sau một thời gian trăn trở mãi về chuyện về hưu.
Chị Xoan đứng dậy, đến bên cửa sổ. Chị tỳ tay vào song cửa, nhìn ra ngoài vườn. Hoàng hôn đang từ từ buông xuống. Trong ánh chiều, chị Xoan cảm nhận được cái đẹp của vạn vật. Chị phóng tầm mắt về phía cuối vườn. Cây khế với những cành lá xum xuê dường như đang vẫy gọi chị. Những bông hoa trăng trắng, tim tím, nho nhỏ của nó trông mới dịu dàng làm sao. Chị Xoan chợt có một suy nghĩ ngộ nghĩnh. Cả ngày hôm nay, cả chị và cả cây khế đều đã già nhưng tất cả đều đang cố gắng vươn mình tới những điều tốt đẹp còn ở phía trước...
Viết xong ngày 6 tháng 5 năm 2002. P.T.X (176/10-03) |