Tạp chí Sông Hương - Số 176 (tháng 10)
Linh cảm về những cái chết đầy bi tráng
10:57 | 08/06/2009
NGUYỄN THANH TÚMùa đông năm ngoái, anh Đoàn Tuấn từ Hà Nội vào Huế giảng dạy lớp đạo diễn điện ảnh. Dù công việc khá bận rộn nhưng anh vẫn dành cho tôi không ít thời gian tâm sự, bởi ngoài tình cảm thân thiết anh còn là cấp trên của tôi ở toà soạn tạp chí Thế Giới Điện Ảnh. Trong những lần trò chuyện ấy, tôi thật sự bất ngờ khi nghe anh kể chuyện về cuốn sách anh sắp in ở Nhà xuất bản Trẻ mà nội dung của nó là câu hỏi hơn 20 năm nay vẫn luôn canh cánh trong tôi. Vốn dĩ Đoàn Tuấn là nhà biên kịch điện ảnh tên tuổi, anh đã có nhiều kịch bản phim nổi tiếng như: Chiếc chìa khoá vàng (1998), Ngõ đàn bà (1992), Đường thư (2003)...
Linh cảm về những cái chết đầy bi tráng
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn

Tuy nhiên, việc anh viết sách tôi nghĩ hẳn phải có nguyên cớ của nó? Và điều đó quả không sai. Đầu năm nay, tôi nhận được cuốn sách anh gửi tặng có tựa đề: "Những người không gặp nữa" (Nhà xuất bản Trẻ - in xong và nộp lưu chiểu tháng 12 năm 2002), trong "Lời thưa cuốn sách" anh viết: "Cuốn sách này thật khó viết. Hơn 20 năm trước, tôi đã thử viết một lần, dưới dạng tiểu thuyết, nói về những cái chết của đồng đội tôi. Nhưng nhiều người chết quá, không thể dựng được nhân vật chính. Được vài chục trang, lại bỏ.

Mấy năm sau, tôi nghĩ ra một cách. Vẫn tiểu thuyết nhưng dưới dạng những bức điện gửi về trung đoàn (vì tôi là lính thông tin). Mỗi bức điện là một cuộc hành quân, một trận đánh và những người hy sinh. Nhưng viết được dăm sáu bức điện, thấy đơn điệu quá, lại thôi.

...Cuốn sách này tôi đã dựng lên rất nhiều chân dung những đồng đội đã chết. Song cuối cùng, để tập trung cho chủ đề cuốn sách, tôi chỉ chọn ra 18 chân dung những đồng đội của tôi - Những người đã linh cảm về cái chết của mình..."


Đó là cuốn sách: "Những người không gặp nữa" (NNKGN) - Câu chuyện về những cái chết bi tráng và tuyệt đẹp của những người lính tình nguyện ở chiến trường Cam Pu Chia. Với 142 trang sách, Đoàn Tuấn đã một phần tái hiện lại cuộc chiến thật khốc liệt, đẫm máu nhưng đồng thời ở đó cũng phát sáng nhiều phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội! Nếu ai đã từng cầm súng chiến đấu trong đội quân tình nguyện ở những năm tháng đó hẳn sẽ không bao giờ quên sự gian khổ, hiểm nguy... Song có một điều lớn hơn cả, khắc ghi hơn cả vẫn là tình yêu thương đồng đội. Chính tình cảm đó đã giúp họ vượt qua mọi thử thách để chiến thắng kẻ thù. Vì thế, mặc dù cuốn sách NNKGN chủ đề của nó muốn dẫn dắt người đọc đến với một thế giới tâm linh - linh cảm! Nhưng xuyên suốt qua 18 chuyện kể, tác giả đã đồng thời mang đến cho độc giả một tình cảm ấm áp của những người đồng đội kể cả khi họ vĩnh viễn chia tay: "...Chúng tôi đắp mộ cho An khá to - Không biết Tuấn quản kiếm đâu ra bát cơm, quả trứng nhờ anh nuôi Đệ điếc, người Đà Nẵng, mang ra. Tuấn quản đang bận chia cơm ở nhà. Là quản lý, phụ trách bếp ăn tiểu đoàn bộ có khác, Tuấn quản quả chu đáo" (trang 11). Cùng song song với tình cảm thiêng liêng cao quý, đó là những chuyện muôn thuở của lính: Chuyện tếu, tính lạc quan và có cả sự bạc nhược cá biệt... mà chính tác giả là người trực tiếp chứng kiến, nhập cuộc để rồi bây giờ viết nên những trang sách đầy hơi thở của cuộc chiến đã trôi qua gần ba thập kỷ: "Sáng sớm tỉnh dậy, chợt nghe tiếng hát trên đỉnh đồi. Nghiêng người, ló đầu nhìn. Anh Ngườn đang đứng ở đỉnh đồi say sưa hát. Anh mặc chiếc áo bạc màu, rất hợp với nước da trắng hồng dân tộc Mường, chiếc quần sỹ quan màu xanh thẫm tươi, thắt lưng màu mận chín. Hai tay chống sườn, mắt nhìn bầu trời xanh non lúc giao mùa, hát như chim giữa thiên nhiên..." (trang 14); "...Bên ấm trà, tôi kể chuyện về con gái Hà Nội - Anh Thành kể chuyện "Nhất thử, nhì vỹ, thứ ba là đĩ Plây-Ku":

- Này Ngườn, mày đã chơi đàn bà chửa bao giờ chưa?
Nghe người ta bảo chơi đàn bà chửa sướng gấp ba gái thường.
- Rồi - Anh Ngườn khẻ nói.
- Bao giờ?
- Hồi em đi dân công trên Huyện - có một chị bụng chửa. Buổi tối chị ấy cứ kéo em vào ngủ cùng.
- Này, coi chừng trúng phong đấy! Lỗ đít mày có lông không?
- Không.
Chuyện nọ xọ chuyện kia, đêm xuống lúc nào không biết"; "Nhìn bộ mặt bạc nhược của chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Xuân V..., Chúng tôi chán hẳn..." v.v...

Và, thông qua bao chuyện thường nhật ấy, tác giả lần lượt dẫn dắt độc giả đến với từng cái chết liệt oanh. 18 chân dung chiến sĩ - 18 tráng sĩ lần lượt ngã xuống sau mỗi chuyện kể. Hẳn nhiên họ chết mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều giống ở một điểm là có linh tính đã mách bảo trước khi họ từ giã cuộc đời.

Đó là những lời nói đoạn tuyệt của Hoàng An khi đang cùng bạn bè vui cuộc rượu: "...Mỗi lần nâng bát An đều vừa cười vừa nói: "uống đi, chỉ lần này thôi, lần cuối cùng đấy" (trang 7); Hay một đoạn thơ gửi đồng đội của Hà Huy Lan: "Anh Chương đưa tôi xem lá thư. Đúng nét chữ rắn rỏi của anh Lan hay viết điện cho tôi truyền từ tiểu đoàn hàng ngày. Vẻn vẹn chỉ có bốn câu thơ viết trên sổ tay:
Chim xa rừng cho cây nhớ cội. / Người xa người nhớ lắm người ơi/ Từng bên nhau chiến đấu bấy năm trời / Trong phút chốc phương trời nam cách mặt.
Anh Chương cứ nhắc đi nhắc lại rằng lá thư này như một điềm gở báo hiệu anh Lan sẽ hy sinh"
(trang 30); Hoặc một thần sắc và hành động khác thường của anh Trần Thanh Biện: "Tôi nhớ lại gương mặt anh Biện chiều qua, lúc sáng gửi tôi chiếc đồng hồ. Gương mặt ấy có điều gì thảng thốt như tái dại, giọng nói dù vẫn nhỏ nhẹ nhưng không được bình tĩnh, ánh mắt cháy rực sáng. Rất rực sáng. Và dáng đi của anh thật vội vã. Mất hút luôn" v.v... và v.v...

Quả thật, khi đọc đến trang cuối cùng cuốn sách, niềm thương tiếc đã dâng lên trong tôi đến nghẹt thở. Có thể ngoài tình cảm con người, họ còn là đồng đội tôi cùng một chiến trường vào những năm tháng đó. Nữa, họ cũng như Huy - bạn tôi chết khi đang còn rất trẻ và đã cùng linh cảm về cái chết của mình nhưng không ý thức được điều đó. Và có lẽ cùng với tâm trạng ấy của tôi, tác giả đã kể chuyện về những cái chết của đồng đội mình với giọng văn tự sự, trân trọng giàu cảm xúc. Từng trang viết về cuộc sống của người lính ở chiến trường qua mỗi câu chuyện như hoà tấu thành bản anh hùng ca ngợi ca những người đã chiến đấu và ngã xuống vì lợi ích của nhân loại. Và cùng song song với tư tưởng đó tác giả đồng thời khai phá thêm về một khía cạnh thế giới tâm linh, đó là linh cảm của con người trước cái chết. Tuy nhiên những chuyện kể ở cuốn sách này vẫn chỉ mới dừng lại ở mức độ sự kiện mà tác giả và một số đồng đội đã dày công xâu chuỗi nó bằng ghi chép ở chiến trường và tư liệu từ thư từ, nhật ký... Có thể, sự khai phá này không còn mới mẻ trên thế giới, nhưng ở nước ta hy vọng sẽ là một món quà quý cho các nhà nghiên cứu khoa học và những ai quan tâm đến nó.

Huế, ngày 27-7-2003
N.T.T
(176/10-03)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Về hưu (08/06/2009)