Tạp chí Sông Hương - Số 176 (tháng 10)
Sức sống mới trên đường Hồ Chí Minh
15:22 | 09/06/2009
TRƯƠNG ĐÌNH MINH                                 Ký Đợt này trở lại Trường Sơn, tìm hiểu thêm các tấm bê tông xi măng vắt qua đỉnh Trường Sơn, lượn quanh các đèo U Bò, Cù Đăng, A Dớt - A Tép mưa mù phủ trắng... Có đỉnh như đỉnh Sa Mù cao trên 1400m mà đợt tháng 3/2003 vừa rồi chúng tôi đã có mặt. Song do mưa liên miên, xe vận chuyển vật liệu, vật tư đi lại co kéo quá nhiều, đường lầy lội. Các đơn vị thi công chưa hoàn thiện phần nền...
Sức sống mới trên đường Hồ Chí Minh
Hành quân trên đường Trường Sơn (Ảnh: TL)

Sáng nay, rời thị trấn Phố Châu, trời tháng 5 trong xanh nắng đẹp. Xe chúng tôi boong boong trên con đường thảm nhựa loáng bóng. Hai bên đường, các em bé cắp sách đến trường nhí nhảnh giơ tay vẫy vẫy. Các mẹ, các chị gồng gánh đi chợ sớm. Mấy bác nông dân trên vai vác cày bừa, thủng thỉnh đi bên con trâu. Trông cảnh rất nên thơ và hoà bình mà năm nào nơi đây là cánh đồng trũng, bãi lầy, sườn đồi, rừng lau tre nứa. Cũng chính đoạn đường này, tháng 9/2002 khi những mảng bê tông nhựa vừa thảm xong, còn hăng hắc mùi nhựa đường, thì trận lũ chu kỳ 50 năm xuất hiện ập đến vào lúc đêm khuya. Chính nhờ con đường Hồ Chí Minh mà nhân dân các xã vùng trung du dọc ven đường thuộc ba huyện miền Tây Hà Tĩnh: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê đã dìu đỡ nhau lên che bạt ẩn trú trên đường. Chưa kể một số lương thực như thóc gạo ngô khoai và hàng trăm ngàn trâu, bò, lợn, gà. Điều đáng nói nhất là bao sinh mạng con người trong phút chốc xuýt bị cơn lũ cuốn trôi. Nhanh thật. Mới đó đã hơn 3 năm rồi. Nhớ lại những hôm đầu sau ngày 5/4/2000, ngày Thủ tướng Phan Văn Khải đọc lệnh khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn I tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình)... Trên dọc tuyến đường Trường Sơn dài hơn 1000 cây số; các đơn vị Tổng CTXDGT (Bộ Giao thông), Tổng CTXD Sông Đà (Bộ Xây dựng), các đơn vị quân đội... bên các dàn thiết bị thi công nền mặt đường hiện đại, rầm rộ ra quân. Người và xe, máy chen chân, ầm ào dàn trận chiến đấu, ngày lấn đêm, sáng cả các miền rừng núi, trung du... Tất vì con đường. Họ đã vượt qua bao gian khó: dầm mình dãi nắng, gió mưa. Năm tháng bạn cùng với con đường. Đẩy lùi nắng nóng oi bức miền Trung, gió Lào khô rát: đẩy lùi khí hậu khắc nghiệt rừng sâu, đèo cao suối thẳm... để làm nên một tuyến đường rộng thênh thang, mang tên đường Hồ Chí Minh.

Xe rời khỏi địa phận Hà Tĩnh trời đang nắng hanh. Đến Pheo địa phận miền tây Quảng Bình, khí trời dịu dần, rồi âm u. Khi xe bám lên mặt đường bê tông xi măng, trời sụt sùi đổ mưa. Anh bạn phóng viên ngồi bên tôi chợt hỏi: "Tại sao hồi nãy giờ đang đi trên đường bê tông nhựa, lại chuyển sang mặt đường bê tông xi măng?". Là người đã có thời gian thiết kế thi công cầu đường, tôi chân thực trao đổi: "Đoạn đường nào đi qua vùng đồng bằng, trung du, khí hậu ôn hoà, địa chất khô ráo thì mặt đường bằng bê tông nhựa. Song các đoạn vượt qua vùng rừng núi sâu, đèo cao, mưa mù quanh năm, khí hậu ẩm ướt; mặt đường được thiết kế bằng bê tông xi măng. So sánh về mặt kinh tế: đường bê tông xi măng giá gấp rưỡi với mặt đường bê tông nhựa. Nhưng đứng về tuổi thọ, đường bê tông xi măng lâu bền hơn, công duy tu bảo dưỡng sau này ít hơn". Xe vượt qua khỏi cầu Xuân Sơn, trời hửng nắng. Bám theo đường chiến lược cũ 20 Quyết Thắng, xe chúng tôi đi chừng 15 cây số, sắp đến cầu Tràng An, trời đổ mưa. Gió mang mưa bay trắng xoá. Bên mố bắc cầu, anh em bộ đội công ty 99 đang đội mưa hò dô, chuyển vật tư vật liệu. Một tốp khác đang bám bên cần cẩu, chuẩn bị lao những chiếc dầm 33m. Nhìn xuống 2 chiếc trụ cầu cao trên 30m, cắm sâu lọt thỏm giữa 2 bờ vực, đang ngẩng cao đầu như chuẩn bị đón lấy chiếc dầm từ bờ bắc lao ra...

Tôi liền nghĩ đến cách đây hơn một năm về trước, vào một ngày đầu năm anh em bộ đội công ty 99 trằn trọc, vất vả ngày đêm, giải quyết bịt bê tông mố trụ, mà địa chất ở đó là hang động cas-tơ, phấn đấu đưa trụ vượt khỏi cơn lũ tháng 5. Việc giải quyết phương án kỹ thuật ở cầu Tràng An, không kém phần quan trọng như cầu Long Đại nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Dừng ở cầu Tràng An nghỉ trưa, chúng tôi cũng không quên nhiệm vụ đến thắp hương bia mộ 8 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ mở đường, bị bom Mỹ vùi. Trong lúc ngồi uống nước cùng ban lãnh đạo xí nghiệp công ty 99, anh Huy trung tá cho biết: "Cứ đến rằm và mồng một thường lệ, trong lãnh đạo chúng tôi thường xuyên thay nhau mang hương hoa đến để thắp hương tưởng nhớ. Có một câu chuyện huyền thoại kể các anh nghe cho vui - Cậu bảo vệ cầu đang đêm lúc tỉnh dậy, nhìn ra phía dòng suối qua màn sương và trăng trắng đục, thấy hiện lờ mờ 5, 7 cô nhảy ào xuống tắm... Sáng hôm sau cậu đến báo với ban chỉ huy... Tôi lại nhớ đến một đồng đội của tôi trong đoàn xe vận tải, chuyển hàng vào Trường Sơn năm 70-72, thường qua đây đều dừng lại thắp hương. Anh bảo rằng - nhờ vía các cô trên đường hành quân gặp rất nhiều may mắn. - Mà lạ thật. Từ khi đơn vị chúng tôi hành quân đến đây thi công, mỗi lần gặp trở ngại khó khăn chúng tôi đều vượt qua cả, không xảy ra một tai nạn, xúi quẩy nào mặc dù thi công chiếc cầu này suối sâu vực thẳm, địa hình sườn đá chênh vênh rất phức tạp".

Chia tay ban lãnh đạo xí nghiệp, nhắm thẳng hướng đèo U Bò, xe chúng tôi chầm chậm bám dốc. Đường không còn lầy lội như cách đây 4 tháng về trước chúng tôi đi qua. Con đường bê tông xi măng uốn khúc lượn vòng rất ngon lành. Trên đường: đó đây anh em bộ đội công ty 144 đang đổ lớp đá mạt đen xạm 2 bên lề mặt đường. Ở một đoạn khác, vài anh bộ đội đang theo sau xe lu để hoàn thiện rải mặt lề đường, chuẩn bị bàn giao. Cách đỉnh đèo U Bò chừng 5 cây số, trời lại mưa lun phun. Đến đây xe chúng tôi phải lách sang đường công vụ để tiến lên vì đơn vị đang đổ bê tông. Càng đến đỉnh đèo, gió quật càng mạnh. Cây cối 2 bên đường cứ lào xào, nghiêng ngả. Mặc mưa, mặc gió, anh em bộ đội căng các tấm ni lông làm mái che để chống mưa, vẫn tiến hành trộn đổ bê tông. Tôi và đồng chí phóng viên nhảy tụt xuống, tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh sinh động, nóng bỏng trong khí thế buổi chiều trên đỉnh Trường Sơn mà thời gian sẽ đi qua nếu không kịp ghi lại. Trong lúc đang nghiêng người chụp mấy kiểu ảnh cuối cùng thì có tiếng vỗ nhẹ lên vai: "Mưa gió, nơi heo hút thế này mà các anh vẫn lên thăm anh em!" Tôi ngoảnh lại - à! anh Diên. Đêm nay chúng tôi dự kiến sẽ ngủ tại đơn vị anh trên đỉnh Trường Sơn.

Nhìn đồng hồ tay đã hơn 5 giờ chiều mà trời miền núi đã tối sẫm. Rừng cây, gió, màn đêm và mưa sương đã pha lẫn một màu mực đen thẫm. Giữa màn trời đen thẳm đó, ánh điện công trường loé lên, sáng rực soi rõ những dáng đi vạm vỡ của anh bộ đội: người thì cầm dùi bê tông dí sâu làm mặt bê tông sủi bọt; người thì cầm xẻng san bằng từng mảng bê tông từ trong chiếc ô tô đang quay vòng nhả xuống; xa hơn nữa một tốp 5,7 người đang là mặt nền, dựng ván khuôn cốp pha, hình như chuẩn bị dọn đường để sau khi đổ tấm bê tông xong, chuyển sang đổ tiếp tấm khác. Dưới ánh điện, tôi nhìn rất rõ từng khuôn mặt trẻ trạc chừng 20-25 tuổi. Mồ hôi cứ chảy ròng qua đôi gò má xám xịt dãi dầu mưa nắng; mồ hôi thấm đẫm bộ quần áo xanh bạc màu mưa nắng. Đêm hôm đó, anh Diên giám đốc xí nghiệp 5 công ty 384 đã kể cho tôi nghe khá nhiều câu chuyện xúc động về những người lính trẻ: "Hôm qua họ còn là những chàng trai nông thôn vừa mới tốt nghiệp 12 thi hỏng đại học hoặc vừa rời tay cuốc tay cày, hoặc là những kỹ sư vừa tốt nghiệp ra trường...

Cánh chúng ta đã từng tham gia mở đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, không ít nhiều kinh qua những tháng năm gian khó... Còn lớp thanh niên trẻ, bấy lâu quen sống môi trường ở đô thị, nhà cao cửa rộng đầy đủ tiện nghi. Thế mà anh em vào đây... quanh năm chỉ thấy rừng và núi. Hằng ngày ra mặt đường cùng đơn vị phát tuyến, bạt đồi, chênh vênh trên các sườn đồi khoan mìn phá đá, ăn uống thì kham khổ... Ở đây mưa suốt ngày, suốt tháng, áo quần phơi hàng tuần không khô. Ở mặt đường về áo quần sũng ướt, anh em vắt lên dây, rồi sáng mai mặc lại ra mặt đường. Hình như hơi ấm, ngọn lửa trong mỗi anh em đã tự hong khô. Còn bao khó khăn nữa... Anh em tự khắc phục chịu đựng, rồi qua dần. Tất nhiên trong đó cũng có vài anh em kỹ sư, lính mới không chịu đựng nổi thử thách đã tự bỏ về. Có câu chuyện tình yêu cũng là lạ xảy ra ở đơn vị- Có mấy anh kỹ sư kháo nhau- Vào đây gần một năm mình chưa về Hà Nội thăm, cô em đã không chờ đợi được nữa- Cùng thời gian đó xuất hiện một cô sinh viên khoẻ, trẻ, đẹp, từ Hà Nội băng qua bao đoạn đường vào đến đây để thăm người yêu. Sau hơn một năm xa gặp lại, cô thấy người yêu mình da xanh sạm, trên cánh tay và đôi chân bị những nốt sẹo do ruồi vàng cắn. Cô ôm chầm lấy người yêu khóc trước mặt chúng tôi. Hôm chia tay người yêu về Hà Nội, chúng tôi tưởng rằng mối tình họ sẽ tan vỡ. Song chưa đầy một tháng, anh cầm lá thư của người yêu lên khoe chúng tôi, trong thư có đoạn viết: "Em rất tự hào về anh. Em sẽ mãi mãi là của anh".

Người kỹ sư trẻ 28 tuổi đó, hiện nay đang phụ trách ban kế hoạch kỹ thuật của đơn vị. Anh cũng là một trong những đảng viên trẻ được chi bộ xí nghiệp chúng tôi kết nạp tại đỉnh đèo trên đường Trường Sơn". Anh hạ giọng kể tiếp: "Gần đây qua những lần tâm sự, anh em đã thực thà bộc lộ: "Thời gian đầu chúng em vào đây gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng không qua nổi. Nhưng thời gian năm tháng rồi cũng quen dần. Nếu so với các chú, cha anh lớp người đi trước mở đường trong những năm chống Mỹ, gian khổ này chưa thấm vào đâu. Điều mà chúng em cảm nhận là được vinh dự đóng góp phần nhỏ năng lực trí tuệ mình trên con đường mang tên Bác...". Lo tôi sau một ngày đường vất vả, anh pha ấm chè mạn, thêm thìa đường mời tôi uống: "Đấy là những khó khăn nửa năm đầu. Hai năm gần đây không riêng gì các xí nghiệp công ty 384 mà hầu hết tất cả các công ty thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đảm nhận thi công từ khe Gát đi Tăng Ký độ dài 138 cây số: đời sống tinh thần vật chất của anh em bộ đội đã được khắc phục nhiều từ nơi ăn chốn ở... Đơn vị nào cũng có nhà lắp ghép cơ động, có vô tuyến sử dụng ăngten barabon, có sân chơi bóng rổ kể cả nhà tắm tươm tất đàng hoàng, trong bữa cơm ăn đều đảm bảo định lượng. Hoàn cảnh thực tế đã trực tiếp động viên một phần không nhỏ trong điều kiện anh em đang công tác ở các vùng rừng núi, xa nhà..."

Qua câu chuyện anh Diên kể, tôi lại nhớ những câu chuyện mà anh Văn Hùng đại tá giám đốc ban điều hành đường Hồ Chí Minh đoạn Tà Rùng - Sa Mù - Hướng Linh (Hương Hoá) dài gần 50 cây số do đoàn công binh Lũ Lô đảm nhận - Chuyện đám cưới dưới chân đèo Sa Mù của đôi bạn trẻ Khánh - Linh. Anh Khánh là kỹ sư của đơn vị. Còn cô Linh là cử nhân luật công tác tại viện kiểm sát tỉnh Thái Bình. Sau khi tổ chức ra mắt làm lễ cưới ở quê xong, anh chị đã lặn lội đưa cho kỳ được người bố là bộ đội cũ thân sinh của Khánh và vài người bạn bè thân của Khánh - Linh vào tận đơn vị thăm, vừa ra mắt giới thiệu trong một buổi lễ đạm bạc do đơn vị và gia đình tổ chức. Anh Hùng còn cho tôi biết thêm: "trên tuyến đường đơn vị đang thi công, xưa trong những năm 68 -72 là đường giao liên tiếp vận. Khi địch phát hiện, ngày đêm hàng trăm nghìn tấn bom đổ xuống, không từ một loại bom nào, hòng ngăn chặn bước hành quân của bộ đội ta từ miền Bắc bào tham gia chiến dịch giải phóng đường 9 - Nam Lào - Khe Sanh...

Đến nay, hơn 30 năm chiến tranh đi qua, hai bên đường một số nơi, đồi núi trọc lốc, cây cối vẫn chưa mọc lên được như đoạn đường từ Cống Đầu Mầu kéo dài gần 10 cây số về mỏ đá Đầu Mầu hiện nay. "Tôi biết anh Diên, anh Hùng, anh Tưởng Đăng Tần và các anh lãnh đạo các đơn vị quân đội đang thi công trên tuyến nhánh Tây Trường Sơn này chưa kể cho tôi nghe về sự tác hại của chất độc hoá học của đế quốc Mỹ còn nằm lại, ẩn sâu trong từng lớp đất kể cả bom mìn trên dọc tuyến đang thi công không thể tránh khỏi. Song một nhà văn nữ bạn tôi năm ngoái trên chuyến đi cùng tôi từ Khe Gát, qua U Bò, Cù Đăng; khi vượt qua sông Xê-Đăng-Hiên đã nói: "Tôi càng hiểu hơn tính dũng cảm lao động phi thường của anh em bộ đội mình trong những ngày hoà bình. Họ đã nhịn, không những nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn cả tình yêu và bao thiệt thòi mất mát nữa..." Đêm về khuya. Nằm bên anh Diên trong chiếc lán trên đỉnh Trường Sơn, tôi liền nghĩ đến con đường Trường Sơn băng qua các vùng: Khe Gát - Tăng Ký - Sa Mù - KonTum... Ngọc Hồi dài hơn nghìn cây số... Là người lính công binh tôi đã có mặt tham gia đổ những tấm bê tông trên sân bay Nội Bài trong những năm 64-65, tôi càng hiểu hơn giá trị con đường bê tông chạy dài suốt dọc dãy Trường Sơn. Riêng chỉ một tấm bê tông dài 5m, rộng 3,5m, dày 0,22m từ đồng bằng đã cõng, đặt lên trên đỉnh Trường Sơn tốn biết bao công sức mồ hôi sức lực của anh em bộ đội, công nhân... Anh Hải trưởng phòng kỹ thuật Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: "Một tấm bê tông dài 5 m...: cần 1,6 tấn xi măng, 2m3 cát vàng, 3m3 đá dăm, đạt quy cách kích cỡ 1-2. Chưa nói đến các trang thiết bị vật tư kèm theo: đầm rung, đầm dùi, ván khuôn, máy phát điện, xe vận chuyển bê tông, trạm trộn bê tông và hàng nghìn, vạn chuyến xe vận tải từ đồng bằng, các thị trấn xa tít hàng trăm cây số chuyên chở đến. Nếu tính đợt 1 nhánh Tây Trường Sơn thì khối lượng vô cùng lớn: riêng xi măng cần 435.000 tấn, chưa nói cát, đá dăm, vật liệu phải chất đống thành núi."

Qua đó, đã nói lên công sức vất vả nặng nhọc của anh em bộ đội làm công tác bốc vác, vận chuyển, lái xe, giữ kho cũng như hàng ngàn anh chị em cán bộ trực tiếp thi công trên tuyến đường này để làm nên con đường bê tông dài trên 250 cây số, rộng, đẹp, lượn ngoằn nghoèo ngang dọc vắt qua đỉnh Trường Sơn cao vút, mù sương quanh năm; chưa nói đến gần 700 cây số tuyến mặt đường bằng bê tông nhựa, anh chị em cán bộ công nhân các Tổng công ty xây dựng, Tổng công ty tư vấn Bộ giao thông vận tải; Đoàn tư vấn giám sát nước ngoài: Cu Ba; Tổng công ty xây dựng Sông Đà, Bộ xây dựng; bên đó hàng trăm cầu cống lớn, nhỏ như cầu Ngàn Phố, Xuân Sơn, Xê Băng Hiên tốn hàng trăm nghìn tấn thép xi măng... Tôi đã có dịp đặt chân tham quan Vạn Lý Trường Thành. Tôi không thể so sánh tuyến đường Hồ Chí Minh trong những năm chống Mỹ anh chị em bộ đội, thanh niên xung phong đã dệt nên những kỳ tích huyền thoại với Vạn Lý Trường Thành. Bởi mỗi tuyến đường đều mang ý nghĩa lịch sử và thời gian riêng của nó.

Nhưng hôm nay trong những ngày hoà bình, đi trên đỉnh Trường Sơn lộng gió, xe chạy boong boong, tuyến đường đợt 1 sắp đến ngày bàn giao; tôi càng hiểu hơn giá trị của tuyến đường được vinh dự, tự hào mang tên đại lộ Hồ Chí Minh mà Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã dồn bao tiền của công sức để xây nên, trong đó có cả mồ hôi và máu của các thế hệ.

Hà Nội - Trường Sơn tháng 5 năm 2003
T.Đ.M
(176/10-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Về hưu (08/06/2009)