Vậy mà nhiều người cứ thường xuyên nhầm lẫn Lý luận với Phê bình. Khi nói đến Lý luận thường hay kéo theo Phê bình và ngược lại. Vì vậy, mặc nhiên, hai khái niệm này đã trở thành một "anh em song sinh" với cụm từ không thể chia cắt: Lý luận và Phê bình, hoặc Lý luận-phê bình. Gần đây nhất, trên báo Văn nghệ trong bài "Nhạc trưởng của văn học" tác giả của nó đã không còn sử dụng dấu ngăn cách hoặc liên từ, mà cứ "hồn nhiên" viết: lý luận phê bình, đôi lúc lại đảo ngược thành: phê bình lý luận. (xin xem: Báo Văn nghệ, số 33, 16/8/2003).
Sự đánh đồng trên đã dẫn đến tình trạng: rất nhiều cây bút phê bình tự ngộ nhận mình là nhà lý luận văn học! Trong các cuốn sách của họ, chỉ là sự tập hợp những bài viết tản mạn, vậy mà vẫn cứ "chương" ra ở bìa bằng cái tên rất to tát: Lý luận - phê bình. Thử nhìn lướt qua trên giá sách của bạn, điều tôi vừa nói sẽ được chứng minh.
Nhà lý luận đâu dễ dãi như vậy? Nếu quả thực có nhiều nhà lý luận như thế, hẳn nền lý luận văn học ở Việt Nam đã thực sự phồn thịnh! Nghiêm túc mà xét, ở nước ta hiện nay, có bao nhiêu nhà lý luận văn học đích thực? Rất hiếm. Lý luận với tư cách là một hệ thống thì lại càng hiếm.
Tình hình đánh đồng trên, theo tôi có hai nguyên nhân. Thứ nhất, đã trở thành một thói quen trong sử dụng. Thứ hai, không xác định rõ mục đích và đối tượng của hai phân môn nghiên cứu này. Đây chính là đầu mối cho mọi sai lầm khác, dẫn đến tình trạng đã đánh mất sự tự ý thức về nhiệm vụ của mỗi ngành nghiên cứu.
Lý luận và phê bình quả có mối liên hệ gần gũi, tương tác lẫn nhau. Lý luận cung cấp cho phê bình những kiến thức chung nhất, cơ bản nhất để phê bình có cơ sở đánh giá, nhận xét các hiện tượng văn học (cụ thể là có tác dụng xác định phương pháp luận và phương pháp phân tích văn học). Đến lượt nó, phê bình lại cung cấp những luận cứ, luận điểm (các nhận định về nền văn học, tác giả, tác phẩm) để lý luận khái quát lên thành hệ thống có tính lý thuyết. Tuy cả hai đều soi sáng cho nhau, nhưng lý luận và phê bình đều có đối tượng, đặc trưng riêng không thể nhầm lẫn.
Lý luận văn học có nhiệm vụ nghiên cứu bản chất, chức năng xã hội và thẩm mỹ của văn học cũng như các qui luật phát triển của nó. Lý luận đòi hỏi khái quát ở mức cao nhất lý thuyết về những quan điểm, kiến thức, và phương pháp chung từ sáng tác, phê bình và nghiên cứu văn học sử... Vì vậy, lý luận vừa có ý nghĩa dẫn đường, vừa phải có độ lùi để đúc kết các đặc trưng, các qui luật của các hoạt động văn học.
Còn phê bình văn học là một bộ môn thiên về cụ thể và mang tính "tức thời". Đối tượng chính của nó là những hiện tượng văn học nóng bỏng, bức xúc đang diễn ra trước mắt. Nhà phê bình phải có nhiệm vụ kịp thời: hoặc khẳng định, ngợi ca, hoặc phê phán, phủ nhận... theo một lập trường, quan điểm thẩm mỹ nhất định nào đó. Và qua những nhận định, giải thích, bình giá đó, có tác dụng soi rọi những chuyển động văn học hiện thời, hướng dẫn thị hiếu cảm thụ văn chương cho công chúng. Vì vậy, nếu khái quát, trừu tượng là đặc tính của lý luận, thì cụ thể là đặc tính của phê bình.
Như vậy, lý luận và phê bình là hai khái niệm có nội hàm riêng, được xác định bởi các tiêu chí đặc thù. Đánh đồng các khái niệm này là một sai lầm nghiêm trọng. Nó chẳng những làm mất đi tính năng động, phong phú của khoa nghiên cứu văn chương, mà sẽ có nguy cơ dẫn đến sự triệt tiêu bản thể của mỗi khái niệm. Chừng nào xác định đúng, rõ đối tượng của các thuật ngữ thì chừng đó mới phát huy nhiệm vụ và ý nghĩa của mỗi ngành nghiên cứu văn học.
Ở Việt Nam hiện nay, tình hình lý luận văn học khá bế tắc. Với tư cách là một bộ môn có ý nghĩa phương pháp luận, lý luận chưa tỏ rõ hết chức năng của mình trước sự phát triển sinh động và phong phú của đời sống văn học. Nó đã không đáp ứng được những đòi hỏi bức bách của các hoạt động văn học và rõ ràng đã trở nên lạc hậu. Nếu cứ tiếp tục nhầm lẫn lý luận với phê bình, không đánh động trách nhiệm của các nhà lý luận, thì rồi đây, nền lý luận văn học Việt Nam sẽ đi về đâu?
Huế, 24-8-2003 T.H.S (176/10-03) |