Tạp chí Sông Hương - Số 244 (tháng 6)
Giới thiệu Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế - Nhà văn Hồng Nhu
10:06 | 02/07/2009
MAI VĂN HOAN giới thiệuNăm 55 tuổi, Hồng Nhu từng nhiều đêm trăn trở, băn khoăn lựa chọn việc trở về quê hay ở lại thành phố Vinh - nơi anh gắn bó trọn hai mươi lăm năm với bao kỷ niệm vui buồn. Và cuối cùng anh đã quyết tâm trở về dù đã lường hết mọi khó khăn đang chờ phía trước. Nếu không có cái quyết định táo bạo đó, anh vẫn là nhà văn của những thiên truyện ngắn Thuyền đi trong mưa ngâu, Gió thổi chéo mặt hồ... từng được nhiều người mến mộ nhưng có lẽ sẽ không có một nhà văn đầm phá, một nhà thơ “ngẫu hứng” như bây giờ.
Giới thiệu Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế - Nhà văn Hồng Nhu
Nhà văn Hồng Nhu (Ảnh: TL)

Quê Hồng Nhu ở Vinh Mỹ, Phú Lộc. Bố anh nguyên là một thầy khóa. Thuở nhỏ anh thường nghe ông cụ kể nhiều chuyện nhưng anh thích nhất là chuyện về đời sống tâm linh của bà con đầm phá. Những câu chuyện ấy cùng với ký ức tuổi thơ bỗng nhiên thức dậy trong anh. Và bằng trí tưởng tượng phong phú của một nhà văn có nghề, anh đã tái hiện lại phần nào đời sống tâm linh ở vùng đầm phá với lễ cúng Thần Đầm, lễ hội ăn mày, lễ hợp cẩn... vừa hoang dã vừa bí tráng. Hồng Nhu đan cài đời sống tâm linh và đời sống thường nhật, đan cài quá khứ và hiện tại. Tất cả cùng đồng hiện trong những trang viết của anh. Từ những con người dám sống và hành động theo ý mình như Mừng (Vịt trời lông tía bay về), Lệ (Giếng loạn)... nhà văn rút ra “quy luật muôn đời”: Những điều tốt đẹp, trọn vẹn không phải từ trên trời rơi xuống mà con người phải tự tìm lấy, tự giành giật lấy.

Trong những ngày đầu trở về quê hương, Hồng Nhu bỗng nhiên “ngẫu hứng” làm thơ. Anh nói một cách thành thật: “Mãi đến năm 1987, tôi mới chuyển sang làm thơ một cách liều mạng mà không biết vì sao. Chỉ biết là tâm hồn thôi thúc phải vậy, không thể nào khác”. Thăm nhà thờ Nguyễn Công Trứ, Ngẫu hứng về chiều, Chiêm nghiệm 2, Nói trước vợ, Uống cùng Huế, Một mình với Tịnh Tâm, Cân bằng... là những bài thơ hay của anh.

Nguyễn Khắc Phê trong bài viết Hồng Nhu tuổi hồi xuân, in trên báo Văn nghệ có tổng kết: ở Hội Nhà văn Huế, Hồng Nhu là người cao tuổi nhất, sáng tác truyện ngắn và làm thơ đều tay nhất, nhận nhiều cú đúp giải thưởng nhất (Ba lần giải thưởng Hội LHVHNT Việt Nam, hai lần giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ba lần giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô)... Tôi xin bổ sung thêm: Hồng Nhu còn là nhà văn viết về đời sống tâm linh của những người dân ở vùng đầm phá hay nhất hiện nay.

M.V.H


HỒNG NHU

Thuyền đi trong mưa ngâu

Truyện ngắn


Sau chiến tranh, đi thăm lại một điểm nào đó mà giặc Mỹ đánh phá hồi xưa không phải là việc khó khăn gian khổ gì. Vậy mà suýt nữa tôi đã bỏ qua Bến Nươi, nơi một thời chiến công vang dội, nếu như hôm đó không có một cuộc gặp gỡ bất ngờ.

Vào một buổi chiều tháng bảy, đang công tác lẻ ở một vùng khai hoang, tôi đi tắt đường xe trâu qua Vực Ồ. Được chừng vài cây số, tôi hứng phải một trận mưa. Vì thế lẽ ra khoảng nhọ mặt người thì ra đến đường đá, nhưng cái đất vừa trơn tuột vừa dẻo quánh đã níu tôi với chiếc xe đạp trầy trật mãi trên quãng đường lâm nghiệp đắp vội chạy dọc thượng nguồn sông Giăng.

Trời tối ụp. Trăng rừng mơ mơ. Gió sông tai tái. Tôi bấm đèn pin, cứ đi như người vô định, lòng rười rượi buồn tự trách mình đã quá chủ quan không tính trước những gì có thể xảy ra dọc đường.

- Ai?

Một tiếng kêu nửa hoảng hốt nửa vui mừng làm tôi dừng phắt lại. Một người đàn ông gần như nhảy chồm tới, giọng đầy hồi hộp pha chút nịnh hót:

- Chào đồng chí. Đồng chí về đâu mà lặn lội tối tăm thế? Có đèn pin nhỉ? Khốn khổ cho bọn tôi quá đồng chí à. Mình đã không thạo đường lại hỏi phải một thằng cha gà mờ nên mới chết dở thế này. Đồng chí “hi sinh” cho mượn đèn bấm tí nhá. Chữa xong xe, ta cùng về.

Tôi không kịp trả lời, trao chiếc đèn pin qua tay người lái. Tình cảnh quả là nghiệt ngã; chiếc xe con chết máy nằm giữa núi đồi tối mịt, có trời mới biết nó hư hỏng bộ phận nào!

Thoáng trong ánh đèn le lói, tôi thấy hai người đang ngồi thu lu im lặng trong xe. Lát sau, người cao lớn mở cửa khom lưng bước ra. Anh ta đến ngồi xổm bên vệ đường thản nhiên châm thuốc lá hút, bực bội phẩy tay rất mạnh cho bật lửa tắt phụt. Đoạn hắng giọng, nói:

- Nhỡ hết công việc ở tòa soạn sắp tới chứ chả chơi!

Tôi bấm đèn pin soi cho anh lái cúi gập người chúi đầu vào máy đã chống nắp ca-bô lên, sờ mò, tìm tòi. Lòng tôi hồi hộp không kém những người bạn đường chưa quen biết. Hy vọng máy móc không có gì hư hỏng nặng, chỉ sửa chữa chốc lát là lại có thể tiếp tục lên đường.

- Thùy Dương! Thùy Dương không ngủ đấy chứ? Ra ngoài này ngồi cho mát - Người đàn ông cao lớn thò đầu vào xe, gọi khe khẽ.
Tiếng sột soạt của áo vải ni-lông, tiếp theo là một tiếng reo nhỏ, êm mượt:

- Ôi tôi thật chán quá! Các anh lo sửa xe, còn tôi thế là thiếp đi mất! Chào anh, anh ở đâu đến giúp chúng tôi thế?

Người đàn bà không trông rõ mặt đến sát bên chúng tôi một cách tin cẩn, gật đầu chào tôi. Hơi thở của chị nóng hổi bên tai, cả mấy sợi tóc lòa xòa cọ vào gáy bên trái tôi buồn buồn, mê mê. Chắc chắn không phải chị xức nước hoa, nhưng một làn hương khó tả phả ra từ dáng vẻ và giọng nói của chị.

- Có hy vọng gì không các anh? Hẳn anh thông thạo về cơ điện, nhỉ?

- Trái lại, chị ạ. Tôi chỉ là một người thiếu đầu óc tính toán trước. Còn một điều may là tôi đã mang theo đèn pin!

Chị ta khẽ khàng cười sau câu trả lời của tôi. Như một bà chủ ý thức đầy đủ quyền lực nữ giới của mình, chị đến bên vệ đường nói một cách kiêu kỳ:

- Anh Thanh Nguyễn thân mến, cái việc tư duy cho bài báo sắp tới của anh hãy tạm xếp lại đã. Còn bây giờ anh phải biết xấu hổ để xắn tay áo lên cùng làm với các anh ấy chứ!

Anh phóng viên đứng dậy, xòe hai tay:

- Ồ Thùy Dương! Tôi đâu có thông thạo điện cơ. Tuy nhiên tôi cũng... có thể...

- Thế anh thông thạo cái gì?

- Tôi ấy à? Tôi thuộc diện người có nhiều lập luận và phán đoán chính xác việc gì sẽ xảy ra. Nghề nghiệp mà!

- Có thể cho ví dụ chăng? - Người phụ nữ hỏi.

Chắc là trong đêm tối, một nụ cười tuyệt đẹp của chị đã nở. Không biết vì sao mà xưa nay tôi vẫn cho người phụ nữ đẹp nhất ở vào hai trường hợp: lúc quài tay ra sau gáy trễ tràng búi tóc và lúc giễu cợt mỉm cười. Bất giác tôi cũng mỉm cười theo, nghĩ thầm: “Đáng kiếp cho ông nhà báo!”. Dĩ nhiên vẻ mặt đắc thắng của tôi giờ đây chẳng đẹp đẽ tí nào!

Thanh Nguyễn bỗng phá ra cười dài như chưa từng có lúc nào anh thích thú bằng. Khó có thể nghe một tràng cười như vậy ở những người mà cuộc đời gặp ít thành đạt.

- Ví dụ thì thiếu gì cô Thùy Dương! Này nhé, nếu tôi không nhầm, giờ đây trong đầu cô đang xoáy tròn sự tự đối thoại: “Có? Không! Không thật chứ? À... cơ mà cũng có thể có…!”. Chính xác chứ, đồng chí kỹ sư?

Thùy Dương ném thia lia một hòn sỏi nhỏ trên mặt đường, giọng bỗng đượm buồn:

- Anh quả là một con người quá tự tin. Sự tự tin quá mức chỉ dẫn đến thất bại. Tôi có quyền nổi giận vì sự đoán mò của anh. Nhưng thôi…

- Thùy Dương cứ nổi giận cũng được. Sự nổi giận của một người phụ nữ tuyệt vời như Dương không phải bao giờ cũng báo hiệu một điều không tốt đẹp!

- Tán vừa chứ ông - Thùy Dương phì cười - Thôi được, tôi trừ vào cái khoản cám ơn về sự giúp đỡ đưa tôi đi chuyến này. Nếu không có ô tô của anh thì không biết mấy ngày nữa tôi mới hoàn thiện được sự kiểm định hệ thống cột mốc trắc địa trong bản đồ mới của tôi.

- Đó là luận án sắp bảo vệ của Dương?

- Vâng!

Người lái xe bảo tôi tắt đèn pin. Anh chùi tay, thở dài thất vọng:

- Bộ chia điện hỏng, không thể chữa được. Đành nằm lại thôi. Xúi quẩy quá!

Thùy Dương thích thú:

- Ngủ giữa rừng núi mênh mông! Cũng có cái thơ mộng của nó!

Thanh Nguyễn gạt đi:

- Dù sao tôi cũng là chủ của chuyến đi này. Tôi thấy mình có trách nhiệm bảo đảm an toàn, đi đến nơi về đến chốn cho mọi người. Đúng thế chứ, ông bạn đồng hành? - Anh quay qua hỏi tôi.

Tôi sực nhớ ra:

- Bây giờ thế này nhé. Gần đây, khoảng dăm cây số thôi, tôi có một người bạn cũ. Anh ta là bộ đội chuyển ngành, làm nghề đo nước. Đã lâu tôi không gặp, không biết bây giờ anh ta ra sao, song chắc chắn là còn ở đó. Tính tình anh ta khoáng đạt, cuộc sống chắc dễ chịu...

Cuộc bàn bạc sắp xếp khá chóng vánh. Người lái xe ở lại, đến nơi tôi sẽ bảo bạn tôi liên hệ với địa phương nhờ dân quân tuần phòng bảo vệ xe. Ngày mai - theo kế hoạch của Thanh Nguyễn vạch - có chiếc xe nào chạy cùng chiều qua thì nhờ họ kéo thẳng về Vinh vào xưởng sửa chữa; xong vào huyện ủy Can Lộc đón hai phóng viên cùng tổ anh đang công tác ở đó. Chậm nhất là sáng ngày kia, anh và Thùy Dương sẽ có mặt ở khách sạn Quang Trung, Vinh. Nếu không có gì trở ngại nữa thì chiều hôm sau đó có thể về đến Hà Nội...

Đêm hôm đó chúng tôi không đến được nhà người đo nước. Dọc đường, chúng tôi gặp một ông già vạm vỡ tay cầm gậy lưng thắt dao vỏ gỗ. Ông là trưởng công an xã. Sau khi hỏi han xem xét giấy tờ, ông mời chúng tôi về nhà ông nghỉ cho gần. Vả lại, người đo nước... ông ngập ngừng không nói hết câu.

Tôi hỏi:

- Thưa bác, anh Hồi dạo này có khỏe không? Không biết đã vợ con gì chưa? Nhà vẫn ở Bến Nươi chứ ạ?

- À... nhà vẫn ở đó. Thôi chuyện dài lắm, rồi sáng mai tôi sẽ nói với chú!

Cơm nước xong thì gà gáy đầu. Quá giấc, chúng tôi không ai ngủ được nữa, trừ Thanh Nguyễn. Anh khỏe mạnh, tự tin, và có lẽ do thói quen của các nhà báo luôn luôn sinh hoạt trong những điều kiện bất thường, anh thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh. Anh vừa đặt mình xuống giường một lát, chúng tôi đã nghe tiếng thở pho pho đều đặn phát ra. Chị Thùy Dương nằm với bà cụ ở nhà trong, không biết có ngủ được hay không mà nghe chừng im ắng quá.

Tôi nằm ở chiếc võng gian giữa, đầu óc vẩn vơ suy nghĩ chuyện này gài chuyện khác. Suốt từ chập tối đến giờ, tôi chưa được nhìn kỹ mặt chị kỹ sư đồ bản - nghề nghe là lạ - nhưng qua dáng vẻ và đối đáp của chị với anh nhà báo mà chắc chắn là đang yêu chị kia, tôi hình dung chị không còn trẻ nữa. Những người phụ nữ đã qua thời phơi phới của tuổi thanh xuân nhưng chưa đến thì đứng lại, thường có một vẻ quyến rũ sâu xa khó nói, biến người yêu mình thành một chàng trai nũng nịu và ưa thích sự chở che. Vậy mà anh Thanh Nguyễn - theo lời chị Thùy Dương - lại quá tự tin. Hà... chuyện nghe chừng sóng gió đây... Tôi cười thầm về cái tật hay phân tích tâm lý người khác của mình, lòng bỗng thấy vui vui. Đầu óc tôi càng tỉnh táo bởi mấy bát nước chè tươi đặc của nhà chủ. Tôi ngồi dậy lững thững ra sân. Ông già công an xã nãy giờ vẫn ngồi lặng lẽ uống nước một mình dưới bếp, thấy tôi dậy, vội vặn to ngọn đèn chai:

- Chú lạ nhà hử? Vậy ngồi đây hút thuốc cho vui. Chú ngày xưa ở cùng đơn vị với thằng Hồi à?

Ông nạp một mồi thuốc rõ to vào điếu rồi châm đóm rít một hơi dài nổi trái khế. Ông chuyền điếu cho tôi, trên khuôn mặt màu gỗ de thoáng vờn một nét u trầm. Và câu chuyện bắt đầu, không đợi đến mai như ông đã nói.

“...Đó là những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh ác liệt ở miền Bắc. Trạm thủy văn vùng này đã có từ lâu, lúc bấy giờ nằm dưới rìa sông cách đây non nửa buổi đường đi bộ. Một hôm đang giữa cơn mưa, người ta thấy một người mặc áo bạt, chân đi ủng, tay cầm chiếc xẻng nhỏ - loại xẻng chiến lợi phẩm kiêm cả cuốc - đạp rừng đi ngược sông. Anh vừa đi vừa nhìn đăm đăm vào dòng nước chảy. Bấy giờ là đầu mùa nước, dòng sông bắt được mấy trận mưa ngàn, mặc sóng dềnh lên rất nhanh. Từng dạt nước lớn nhỏ từ trăm nghìn hang hốc nào đó trong rừng sâu đổ về, quằn lên dữ dội rồi ào ạt hòa vào dòng chính. Con sông, để có tên trên đất đai Tổ quốc, sự hiện hữu của nó, thoạt đầu là những dạt nước như vậy, có khi chỉ là một dạt mỏng manh như sợi chỉ. Hồi - người cán bộ thủy văn ấy là Hồi - cứ đi cứ nhìn như thế, say mê hết ngày này qua ngày khác, với chiếc xẻng trong tay, anh khi thì bẩy một hòn đá lên xem xét ở nền đất dưới, khi thì cào cào một cái lạch nhỏ, căng mắt nhận dạng một dòng sinh thủy...


(Minh họa: Đặng Mậu Tựu)


Bấy giờ Bến Nươi là bãi hai của các đội khai thác rừng Con Cuông. Gỗ từ các mái núi xa lao về hội tụ ở đây. Ngày ngày, các đàn trâu sành sỏi của lâm nghiệp đến kéo ra bãi ngoài cho ô tô hoặc đóng bè chở về xuôi. Giặc Mỹ ngày đêm liên tiếp đến bắn phá, bom tấn, bom tạ, bom nam châm, bom từ trường... nổ rền vang không lúc nào ngớt tiếng. B52 phạt quang rừng thành từng vệt lớn. Bến Nươi trở thành chiến trường. Máu người và máu những con trâu kéo quí giá có lúc nhuộm đỏ cả một khúc sông. Liên đội tự vệ của lâm trường và thủy văn ngày ấy đã đối mặt đọ súng và hạ được của giặc một chiếc F4. Sau thì bãi gỗ, phải sơ tán đến một nơi khác. Nhưng chỉ ít ngày sau khi bãi hai của lâm nghiệp chuyển đi, người ta thấy mọc lên trên cái mỏm đất thòi lòi ra Bến Nươi một ngôi nhà nhỏ. Đó là trạm đo nước mới do Hồi thiết lập.

Hồi làm việc cần cù không phút nào ngơi. Từng đổi thay nhỏ nhặt của dòng nước theo thời tiết, thời gian, thời giờ... được anh theo dõi, ghi chép, nghiên cứu tỉ mỉ tận cội nguồn. Với chiếc thuyền con và một số dụng cụ chuyên môn ít ỏi, anh ngày đêm chèo kéo trên dòng sông, lặn ngụp xuống đáy, thở theo hơi thở phập phồng của sóng, người lúc nào cũng đầm đìa nước bạc. Anh lang thang vào các triền núi quan sát, tìm tòi các dạt nước ri rỉ phát sinh, khơi những mạch ngầm dưới những lớp lá khô mục dày hàng mét. Từng tí, từng tí, người con trai đó ấp ủ, nâng niu những phát hiện trong công việc của mình như người mẹ cưu mang nuôi nấng cái bào thai để đợi ngày sinh nở. Đêm đêm, phòng làm việc của anh chong đèn suốt sáng. Một thời gian sau, phòng thủy văn tỉnh nhận được một bản tài liệu viết tay từ một trạm đo nước hẻo lánh gửi về với cái nhan đề khá lạ: “Luận cứ bước đầu về việc phát sinh một dòng sông trẻ qua các thông số còn mơ hồ của nó”.

Một ông già trong vùng vì cảm phục tinh thần làm việc và tính tình dễ mến của Hồi, đã xin cho cô con gái đầu của ông vào làm công nhân hợp đồng ở trạm để vừa học việc vừa lo cơm nước giặt giũ giúp đỡ anh. Người con gái sáng dạ chẳng bao lâu sau đã thông thạo nhiều việc, trở nên như một kỹ thuật viên giúp việc đắc lực cho anh. Và lẽ đương nhiên tình yêu của họ nẩy nở. Họ cưới nhau và sinh được đứa con trai đầu lòng rắn rỏi.

Mùa xuân năm đó, Hồi được Cục Thủy văn gọi ra Hà Nội bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ. Vợ anh ở nhà đảm đương mọi công việc trạm. Sáu tháng sau anh về, mang theo lỉnh kỉnh đủ các thứ máy móc, dụng cụ, sách vở... Bấy giờ đang mùa nước nổi. Những trận mưa lạ xuất hiện ở nguồn sông. Nửa đêm, Hồi gói đồ đạc vào ni-lông buộc túm lại đội lên đầu, bơi đứng qua sông về trạm đo nước.

Từ chập tối khi những đợt mưa quái dị ào ào dội xuống nổi bong bóng trên sông đang như một cái chảo khổng lồ rộp phồng, tựa hồ như xé rách mặt nước; người vợ đã nhém kỹ lại chăn cho đứa con nhỏ, cầm đèn pin nhào ra sông làm việc. Những thông số bất ngờ về đỉnh lũ, về lưu lượng, lưu tốc vân vân, những gì quí giá nhất mà nghề thủy văn có thể phát hiện được ở dòng sông là lúc như thế này đây. Hồi về đến trạm đúng vào lúc núi rừng chuyển động những phút giây dữ dằn nhất. Trong ánh chớp loá, bằng con mắt già dặn, anh đã nhận dạng được những dòng chảy mới đẻ ra, trẻ trung, sức vóc, nhập hòa vào dòng sông mẹ... Trời ôi! Các thông số không còn mơ hồ nữa, hình dáng nhánh sông đã hiện lên rõ rệt. Anh rú lên sung sướng, gọi vợ, rồi rút sào đẩy chiếc bè buộc găm ở mỏm đá nhảy lên.

Người vợ lúc này đang khom người trên thuyền, bấm đèn pin soi vào cột thủy chí chỗ nước táp vào sàn sạt mỗi lúc một cao, quay lại nhận ra chồng. Chị “ối chao” một tiếng mừng rỡ. Nụ cười của chị sáng lòa trong sấm chớp. Chị đưa tay níu sào cho bè của anh cặp sát thuyền chị. Đúng vào cái phút giây đó, bất đồ, từ thượng lưu, những đàn sóng cao ngất lừng lững tràn về, tiếng ầm ầm như núi lở đổ tới. Cơ hồ như trùm lấp tất cả. Hồi hét: “Quay lại! Đọc thủy chí!”. Và nhanh như cắt, anh vút sào một góc nghiêng, xoay bè ngang lại đối đầu với dàn sóng, giữ cho thuyền chị khỏi bị lật úp. Vừa lúc ánh đèn pin của chị kịp lướt một vệt xanh mờ trên cột thủy chí: Thông số có một không hai về đỉnh lũ lịch sử đã được ghi!

Người vợ vuốt nước mưa rát rạt trên mặt, nhìn lại. Chiếc bè chở người chồng yêu quý của chị đã tan biến đi đâu dưới sức chảy khủng khiếp của dòng nước đục ngầu rồi! “Anh ơi... ơ... iii!”, tiếng kêu thảm thiết của chị trải dài hai bờ vắng lặng. Dưới kia, ngọn thác réo ầm ầm. Nước mắt chị ròng ròng nhỏ xuống lòng sông...”.

Ông già kể chuyện xong, tôi nhìn ra thì trời đã sáng bạch. Cổ gần như tắc vì nghẹn ngào, tôi hỏi:

- Thưa bác, thế thì chị Hồi giờ ra sao?

- Hắn đã đỗ kỹ sư, làm trưởng trạm.

- Ôi - Tôi kêu - Chị ấy thi vào trường đại học à?

Ông già đứng dậy:

- Không, à mà cũng có thi cử đàng hoàng chứ. Hắn học hàm thụ tại chức. Thôi, chú đi nằm một lát kẻo mệt. Tôi chạy đằng này một chút.

Tôi ngồi gục đầu vào hai cánh tay vòng ôm gối cố hình dung lại nét mặt của người bạn cũ. Đến lúc ngẩng lên thì thấy chị Thùy Dương đã ngồi trước mặt tự bao giờ, lặng phắc. Đôi mắt đỏ hoe không cần giấu giếm, chị nói gần như thì thầm:

- Tôi đã nghe, anh ạ. Thật là kỳ diệu, con người ấy mà, thật là kỳ diệu!

Anh cho tôi cùng đi đến trạm Bến Nươi với. Tôi muốn thăm và muốn tìm hiểu thêm về các nhánh sông trẻ. Trên bản đồ của bọn tôi... trên thực địa... cả trong lòng những con người... anh hiểu tôi chứ?

- Vâng!

Thanh Nguyễn đi đâu từ mờ sáng bây giờ cũng vừa về. Anh líu ríu, hồn nhiên theo phong cách quen thuộc của anh:

- Chúng mình thuộc diện người phán đoán chính xác việc sẽ xảy ra, Thùy Dương ạ. Nào, mời các bạn chuẩn bị. Tôi vừa chạy qua đơn vị tu bổ rừng gần đây gọi nhờ dây nói về Vinh báo tình hình bọn ta ở đây. Một tiếng nữa bên họ có xe đi. Tôi đã điều đình với họ, họ sẵn sàng trở lại kéo chiếc xe hỏng của chúng ta.

- Tôi chưa đi đâu. Tôi còn có việc ở đây, tại nhà người đo nước! - Thùy Dương nói.

Thanh Nguyễn tròn mắt:

- Ơ?!?

Anh đưa mắt nhìn tôi, vẻ chất vấn, trách móc.

Tối hôm qua anh đã ngủ khá đẫy giấc. Sáng ra lại xông xáo đi ngay. Và bây giờ nom anh bị hẫng rất tội nghiệp. Tôi nói tóm tắt cho anh rõ những chuyện gì vừa xảy ra, và tại sao chị Thùy Dương đã nảy ra ý định sẽ ở lại đây thêm ít ngày nữa.

Thanh Nguyễn buồn rầu:

- Thế là nhỡ kế hoạch ư?

- Không sao, anh Thanh Nguyễn! Anh có thể đi theo xe lâm nghiệp ngay bây giờ.

- Còn Thùy Dương?

- Tôi sẽ về Hà Nội sau. Bằng tàu hỏa hoặc ô tô hàng.

- Thế nghĩa là Dương thay đổi ý định ban đầu? Dương còn ở lại đây bao lâu nữa? - Thanh Nguyễn đau khổ hỏi.

Thùy Dương nhìn anh một lúc lâu. Rồi chị mỉm cười, nụ cười giễu cợt nhưng không hàm chút ác ý nào:

- Tôi thích anh cứ tự tin như bản tính anh vốn có, anh Nguyễn à. Còn tôi, tôi lại thuộc loại người phán đoán rất kém những gì sẽ xảy ra - Chị nghịch ngợm lắc lắc mái tóc uốn sóng - kể cả những gì ở ngay trong đầu tôi đây. Tuy nhiên, anh có thể yên tâm. Dù phán đoán thế nào đi nữa, cái gì phải đến tất nó sẽ đến, và ngược lại.

Thanh Nguyễn không nói gì, châm một điếu thuốc lá, tay phảy bật lửa một cách băn khoăn.

Tôi nhìn chị Thùy Dương. Khuôn mặt chị hết sức bình thường, nhưng chiếc cằm rất thanh tú làm cho nụ cười của chị bỗng trở nên lặng lẽ, xa vời... đẹp một cách kỳ lạ.

Chúng tôi đến trạm Bến Nươi sau khi được bà cụ chủ nhà cho ăn khoai luộc lót dạ. Dĩ nhiên là Thanh Nguyễn cũng ở lại. Điều này làm tôi rất yên lòng.

Trạm trưởng ra đón chúng tôi. Người phụ nữ mảnh dẻ, còn rất trẻ như đang con gái. Chị ngăm ngăm, mằn mặn. Một đôi mắt to, vát đuôi thuyền. Chị tiếp chúng tôi ân cần như người nhà, với những cử chỉ khoan thai hình như trái với công việc sông nước thì phải. Chị đưa tôi xem tấm ảnh còn lại của chồng. Hồi vẫn như lúc ở đơn vị cùng tôi. Nét mặt anh nhẹ nhõm, và nụ cười thì rụt rè.

- Em vừa nghe thầy em đến nói có anh ghé chơi. Dạo nào, anh Hồi em vẫn thường nhắc đến anh.

- A, thế ra ông cụ là...?

- Vâng!

- Cháu nhỏ đâu chị?

- Cháu vừa theo ông ngoại. Chắc hai ông cháu chạy đâu đó.

Nãy giờ chị Thùy Dương vẫn ngồi lì ở bàn làm việc. Những tài liệu, bản ghi chép, biểu đồ, nhật ký, rồi cả một tập hồ sơ biến dạng của con sông do Hồi vẽ đã làm chị say mê, quên hết mọi người xung quanh. Anh Thanh Nguyễn đi đi lại lại, giở sổ tay ghi chép điều gì đó rồi gõ gõ mãi đầu bút bi vào bìa, vẻ như đăm chiêu, như sốt ruột.

Bấy giờ người nữ trưởng trạm đã xin phép xuống sông. Mùa nước đang bắt đầu, chị có nhiều việc phải làm, những việc phải được theo dõi, ghi chép từng giờ từng phút chuẩn xác, khoa học.

Chúng tôi ra ngoài nhìn quang cảnh xung quanh.

Vườn trạm xanh um, những cây chuối lùn buồng dài chạm đất, một hàng cau tơ có lẽ chỉ sang mùa là có bẹ. Chuồng gà, bể nước, bồn hoa trồng đinh lăng, mào gà, tóc tiên, bạch hạc... Đặc biệt là những giò phong lan nuôi trực tiếp trên những khúc gỗ sần sùi hình thù khác nhau treo trước hiên nhà trạm, có mấy chùm đuôi chồn đang nở hoa đu đưa, hương thơm bảng lảng. Vẻ đẹp tự nhiên và hoang dã của nó làm chúng tôi rất mực sững sờ...

Thanh Nguyễn chậc lưỡi:

- Ở Hà Nội cũng nhiều, có gì lạ đâu!

Thùy Dương quay lại, gắt:

- Anh không hiểu gì cả. Anh đừng nói có hơn không? - Mặt đỏ bừng, chị quay đi, nói như để trấn tĩnh lại - Xin lỗi. Chúng ta xuống bến sông một lát nhé.

Mặt trời lên cao. Sương mù đã tan hết. Đứng trên bờ nhìn xuống, con sông chảy dưới xa, lượn lờ, tràn trề nắng. Cái màu nắng ở miệt sông rừng thật lạ. Nó cứ xanh mờ ảo như bâng khuâng như ngỡ ngàng...

Chúng tôi lần từng bậc đi xuống. Sâu vời vợi. Được nửa chừng chị Thùy Dương dừng lại, bíu tay vào một gốc cây, nhắm mắt, hổn hển thở. Chúng tôi hoảng hốt gọi chị. Chị mỉm cười đỏ mặt thú nhận:

- Không sao. Tôi thấy... hơi sờ sợ tí thôi!

Trên thuyền, chị trưởng trạm đang lom khom hướng dẫn cho mấy công nhân thả cá sắt đo tốc độ nước chảy. Thấy chúng tôi, chị ngẩng đầu nói vọng lên:

- Em lên bây giờ đây. Xong rồi!

Chúng tôi đi vòng quanh mom sông. Nhìn lên cao, trạm Bến Nươi thấp thoáng sau vòm cây như một bán đảo xanh rì nằm thoi ra giữa trời nước, vẻ vừa mơ màng vừa thách thức. Chúng tôi gặp ông già khi trở lên nhà. Ông cho biết vừa ra chỗ xe hỏng về; khoảng tám giờ một chiếc xe tải đã kéo nó đi.

Tôi ngỏ ý với chị trưởng trạm xem có cách gì giúp đỡ anh Thanh Nguyễn chị Thùy Dương nay mai về xuôi không.

- Hay là anh chị đi thuyền? Về đến chợ Dùng, xong mua vé xe hàng đi Vinh. - Chị nói.

Thanh Nguyễn liếc nhanh về phía Thùy Dương:

- Thế thì tốt quá, cám ơn cô. Nhưng sẽ trở ngại cho công việc của trạm, làm sao?

- Anh chị đừng lo. Thuyền trạm em còn mấy chiếc nữa. Thầy ơi, thầy giúp con đưa anh chị về Dùng một chuyến nhé - Trưởng trạm quay qua ôm hông Thùy Dương, ngây thơ như một cô em gái - Đi thuyền trên sông thú vị lắm, đẹp lắm chị ơi!

Thùy Dương bỗng đưa hai tay bưng mặt. Chị chạy ra ngoài hiên nhà.
Sáng hôm sau, tôi cũng từ biệt mọi người để trở lại con đường hôm qua. Tôi còn công việc ở vùng khai hoang cần phải hoàn thành trong vài ngày tới. Tôi nán lại chốc lát cùng chị trưởng trạm tiễn hai người bạn mới quen.

Thuyền đẩy.

Trời bỗng rợp rờn mưa.

Chị trưởng trạm vừa vẫy tay vừa nói với Thùy Dương đang ngước lên lo lắng nhìn trời:

- Mưa ngâu thôi, chị ạ.

Anh Thanh Nguyễn từ chiều qua đến giờ bỗng trầm tư, ít nói hẳn.
Thùy Dương vò mãi chiếc khăn mùi soa trong tay, giọng lạc hẳn đi vì xúc động:

- Tôi đi nhé! Thế nào tôi cũng trở lại!

Thuyền đi khuất.

Chỉ còn tôi và người nữ trưởng trạm đứng lại trên bến. Tôi nghĩ bụng không biết rồi chị Thùy Dương có còn dịp nào trở lại đây không, nhưng chắc chắn tâm hồn chị thì trở lại...

Còn tôi...? Tôi sực nhớ là bây giờ đã đến lúc tạm biệt mà tôi vẫn chưa biết người phụ nữ thân yêu bên cạnh tên là gì...

1978
H.N
(244/06-09)

 

Các bài mới
Đêm của bướm (24/07/2009)
Các bài đã đăng