Tạp chí Sông Hương - Số 244 (tháng 6)
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam
15:36 | 08/07/2009
LGT: Vài năm lại đây, sau độ lùi thời gian hơn 30 năm, giới nghiên cứu văn học cả nước đang xem xét, nhận thức, và đánh giá lại nền “Văn học miền Nam” (1954 - 1975) dưới chế độ cũ, như một bộ phận khăng khít của văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX với các mặt hạn chế và thành tựu của nó về nghệ thuật và tính nhân bản. Văn học của một giai đoạn, một thời kỳ nếu có giá trị thẩm mỹ nhân văn nhất định sẽ tồn tại lâu hơn bối cảnh xã hội và thời đại mà nó phản ánh, gắn bó, sản sinh. Trên tinh thần đó, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết vừa có tính chất hồi ức, vừa có tính chất nghiên cứu, một dạng của thể loại bút ký, hoặc tản văn về văn học của tác giả Nguyễn Đức Tùng, được gửi về từ Canada. Bài viết  dưới đây đậm chất chủ quan trong cảm nghiệm văn chương; nó phô bày cảm nghĩ, trải nghiệm, hồi ức của người viết, nhưng chính những điều đó làm nên sự thu hút của các trang viết và cả một quá khứ văn học như sống động dưới sự thể hiện của chính người trong cuộc. Những nhận định, liên hệ, so sánh, đánh giá trong bài viết này phản ánh lăng kính rất riêng của tác giả, dưới một góc nhìn tinh tế, cởi mở, mang tính đối thoại của anh. Đăng tải bài viết này chúng tôi mong muốn góp phần đa dạng hóa, đa chiều hóa các cách tiếp cận về văn học miền Nam. Rất mong nhận được các ý kiến phản hồi của bạn đọc. TCSH
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam
Nhà thơ - Bác sĩ Nguyễn Đức Tùng (Ảnh: vanchuong.vnweblogs.com)

Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam


NGUYỄN ĐỨC TÙNG


Mến tặng các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Khánh Phương,Trần Thị Trường, cháu Diệu Linh, và những người bạn khác, lớn lên trong những hoàn cảnh khác.

Khi tôi sinh ra, đất nước đã chia đôi. Lớn lên, tôi yêu mến miền nhưng cũng nhớ thương miền Bắc. Lạ. Người ta có thể nào nhớ một điều mà mình không biết?

Có thể lắm. Năm chín tuổi, trưa hè, đuổi theo một con chim chào mào mũ đỏ, tôi lạc vào kho lúa nhà bà ngoại tôi. Đó là kho lúa lớn, cao như cái tháp, làm để tránh mưa lụt hay xảy ra ở miền Trung, có lẽ chứa lúa giống vì gia đình bên ngoại tôi có vài mẫu ruộng. Ngồi im nín thở, chân tôi chạm vào một cuốn sách giữa những hạt lúa hăng hắc nồng nồng. Cuốn sách có tựa “Anh phải sống”, bìa trắng, đề tên tác giả: Khái Hưng và Nhất Linh, trong Tự Lực Văn Đoàn, nhà xuất bản Phượng Giang. Sách cũ, giấy vàng, đầy kín chữ, nhiều truyện ngắn. Tò mò, tôi lật qua vài trang đọc thử. Thời đó, tôi còn mê truyện tranh và các thú vui trẻ con như bắt chim, đá banh, cởi truồng tắm sông, bắn ná cao su, kéo bím tóc con gái. Cuốn sách tôi cầm trên tay chẳng có hình ảnh nào cả, hiền từ, nghiêm nghị. Tôi đọc thử vài trang. Đọc thêm. Rồi không buông ra được nữa, quên cả con chim chào mào đã bay mất.

Câu chuyện kể về hai vợ chồng bên sông mùa lũ, vớt củi giữa dòng. Thuyền lật úp, họ bơi vào bờ, giữa chừng đuối sức. Họ nương vào nhau, chìm dần. Người vợ buông tay chồng, vì nghĩ đến những đứa con nhỏ ở nhà. Đêm đêm người đàn ông dẫn đàn con bơ vơ ra đứng trên bờ sông nhớ người đã mất. Sông Nhị Hà mùa lũ nước chảy xiết ra sao? Mà nó đọng lại trên má tôi vài giọt nước mắt. Truyện mở rộng cái nhìn của tôi đối với cuộc đời khổ lụy, hy sinh, nâng tôi lên bằng đôi cánh của tình mẫu tử, tình vợ chồng, xé rách trong tôi những kinh nghiệm còn nguyên vẹn thơ ấu. Tôi đọc nhiều truyện khác nữa trong tập, đều hay, nhưng truyện đầu tiên tôi nhớ nhất. Lúc đó, tôi muốn bắt chước kể chuyện như tác giả, muốn được viết như ông, tôi muốn làm cho người ta khóc.

Sau mùa hè ấy, tôi tìm đọc nhiều sách khác nữa, “Gió đầu mùa” của Thạch Lam, “Vàng và máu” của Thế Lữ, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu, “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Sau này nhìn lại, tôi thấy sự giữ gìn và kế tục văn chương tiền chiến trong thời buổi chiến tranh, không thay thế nó bằng một nền văn học nào khác, ví dụ một nền văn học thực dụng, phục vụ chế độ đương thời, thật là điều đáng trân trọng. Tôi đọc loạn xạ. Hình như văn chương miền đối với tôi lúc đó có vẻ cũng lộn xộn. Đi đâu tôi cũng mang theo một cuốn sách trong túi áo, khi tôi buồn rầu, chúng an ủi tôi, khi sung sướng, chúng làm tôi giật mình, khi lạc đường chúng khuyên tôi đứng lại, nhìn xuống.

Ngày nay nhìn lại toàn cảnh, tôi tin rằng văn học miền bắt nguồn từ văn học tiền chiến, văn học miền Bắc bắt nguồn từ văn học kháng chiến (chống Pháp). Văn học tiền chiến lớn hơn văn học kháng chiến, nhưng văn học kháng chiến mới hơn văn học tiền chiến.

Vài năm sau lên trung học, chương trình quốc văn trong nhà trường, tôi bắt đầu được đọc và bình luận về các tác phẩm tiền chiến. Những cuốn như “Nửa chừng Xuân” của Khái Hưng, “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh, “Mười điều tâm niệm” của Hoàng Đạo, “Gió đầu mùa” của Thạch Lam, “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, và thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Bích Khê, Vũ Đình Liên, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân... được giới thiệu khá kĩ bởi những người thầy tâm huyết. Chúng làm cho tuổi thơ của tôi trở nên lãng mạn, diễm ảo.

Tôi nghĩ bầu khí quyển lãng mạn ấy cần thiết cho tâm hồn mới lớn. Và cho một nền văn học mới lớn.

Quả thật đó là những năm đầu tiên của miền , sau chín năm kháng chiến, như một cõi riêng biệt. Phải chờ thêm vài năm nữa, khoảng lớp chín, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng bên cạnh những tác phẩm tiền chiến in lại, đã nung nấu hình thành một nền văn học khác: một nền văn học mới, trẻ trung, hào hứng vừa ra đời. Xét lại thì cũng phải. Mặc dù Nhất Linh, người lãnh đạo Tự Lực Văn Đoàn đã vào Nam, và những người nối bước ông như Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Duy Lam, Nhật Tiến đang viết sung sức, nhất là Nhật Tiến, người làm tôi say mê với “Chim hót trong lồng”, thì tiểu thuyết tiền chiến không còn phù hợp với thời đại mới nữa. Chín năm kháng chiến đã làm đảo lộn nhiều thứ. Thêm vào đó, cuộc chia đôi đất nước là một lưỡi dao sắc cắt qua các tầng văn hóa, nhiều lớp tâm thức, cắt qua lục phủ ngũ tạng, bất chấp tất cả, không tha thứ điều gì trên đường đi của nó, cho đến khi người ta xa lìa nhau vạn dặm.

Siêu quay mặt đi vì không muốn cho Mùi ngượng và chàng cũng ngượng; chàng biết là Mùi sắp ứa nước mắt nên với khăn chứ không phải đi rửa mặt và chàng đợi cho Mùi đủ thì giờ lau thật khô nước mắt như không từng có khóc bao giờ. Chàng thổi sáo miệng, cố bắt chước tiếng một con chim hót gần đấy. Một sự vui mừng nở ra trong lòng chàng, tràn ngập cả người chàng lúc đó và đọng lại yên tĩnh mênh mang cũng như nước lụt ngoài kia tràn vào và đọng lại ngập đầy vườn. Chàng thầm nhủ:

- Cho đến lúc hai tay buông xuôi, anh cũng thế.(1)

Sau tiền chiến, so với thời kỳ “Đoạn tuyệt”, nghệ thuật tiểu thuyết của Nhất Linh đã vươn lên rất xa, nhiều đoạn đạt đến mức tâm lý tuyệt diệu, trong “Xóm cầu mới” mà ông khởi thảo năm 1949 và đăng từng kì trên báo Văn Hóa ngày nay, một tờ báo bìa vẽ lan, tôi đọc ngày còn nhỏ, đọc lén trong nhà ông anh họ. Nhưng nó không cứu được văn chương tiền chiến trước một nền nghệ thuật mới hơn nữa. Những câu văn ấy êm đềm quá, cách dựng chuyện ấy cổ điển quá, những nhân vật ấy dù ngày càng được mô tả phức tạp trông vẫn hiền lành quá so với thời đại vừa đi qua cơn bão táp đang cập bờ vào thế giới mới, hứa hẹn giấc mơ tự do, nhưng cũng cùng lúc cơn bão chiến tranh đang chờ nó. Thơ và truyện phải viết khác đi, vì đó là nhu cầu sáng tạo nội tại của các nhà văn bất kỳ thời nào. Phải viết khác đi, vì người đọc đã khác. Người ta không còn giản dị hồn nhiên như trước, người ta sâu sắc, cay đắng hơn, người ta buồn bã, nghi ngờ hơn, giận dữ và lam lũ hơn. Vì vậy đã có một ý thức làm mới văn chương, cùng với ý thức tự do trong văn học, hiển lộ rõ ràng và phổ biến, trở thành tinh thần chủ đạo, trong mười năm đầu tiên của sinh hoạt văn học miền .

Lớp chín, gặp đứa bạn gái cùng lớp trên đường một mình còn ngượng, thấy người ta hôn nhau từ xa còn đỏ cả mặt, tôi đã đọc truyện tình Mai Thảo. Ông từ miền Bắc vào, sau Nhất Linh một thế hệ. Tôi không biết Mai Thảo bắt đầu viết từ bao giờ, nhưng đọc ông, tôi biết là mới, nhận ra không phải là thứ văn chương tiền chiến được học trong nhà trường. Tôi mê “Chuyến tàu trên sông Hồng”, “Đêm giã từ Hà Nội”, tôi trốn vào trong gầm bàn thờ, liu riu ngọn đèn dầu Hoa Kỳ, đọc “Cũng đủ lãng quên đời”.

Hình dung thấy con tàu đó trên con sông đó. Con sông Hồng-Hà. Như dòng máu đỏ tươi chảy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. Bên này bãi lở. Bên kia bãi bồi. Tiếng sóng giữa dòng trùng trùng ca hát. Tiếng sóng đập cái tiếng đập mênh mông đầu ghềnh nơi tả ngạn bị hút xoáy mải miết, nước xôn xao róc rách đẩy lùi mãi những bãi dâu và những nương khoai vào những chân tre cù. Nơi tả ngạn, ngọn sóng hiền lành lăn tăn êm ả trên những bãi ngầm nổi hình mùa lũ này qua mùa lũ khác. Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mềm dải lụa có trâu đầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, có những cầu gạch mở vào những cái ngõ lang thang mất hút, có cỏ gà trên gò đống, cỏ ống trên mồ mả, có những cầu tre tay vịn chòng chành, đêm đêm có ánh đom đóm lập lòe, có ánh trăng xanh mướt chở tới những khoảng sân gạch bát tràng nồng ấm hương lúa đầu mùa. Tiếng quạt thóc, tiếng đập thóc rào rào.”(2)

Mặc dù Mai Thảo được xem là nhà tiểu thuyết, tài năng của ông tập trung nhiều hơn vào các truyện ngắn, tiểu luận, tùy bút. Đọc Mai Thảo, tôi chú ý đến câu văn. Ông đi vào vùng trời văn học miền Nam bằng lối viết hơn là bằng tư tưởng, bằng phong cách hơn là bằng tác phẩm, mặc dù tầm tư tưởng, tác phẩm của ông lớn hơn nhiều người khác. Đoạn văn trên chưa phải là đoạn Mai Thảo đảo lộn câu chữ nhiều nhất, nhưng tiêu biểu cho một lối viết, nó đặc biệt mới vào đầu những năm sáu mươi. Tôi nhớ khung cảnh đọc truyện đó: một buổi trưa nắng vàng, được ru trong tiếng sóng vỗ sông Hồng, nhớ lại cuốn sách đầu đời của tôi trong kho lúa nhà bà ngoại. Một dòng sông, hai cách chảy đi.

Một câu văn đẹp bất chấp nội dung sẽ tồn tại như một câu văn đẹp, làm ta muốn đọc lại nhiều lần. Có hai phương pháp mà Mai Thảo đã dùng. Một là ngôn ngữ thơ, một ngôn ngữ vi phạm các chuẩn tắc thông thường của văn xuôi, cắt xén, nén nó lại, kéo dài nó ra, làm chùng xuống, khi buông lỏng, khi căng thẳng: ngôn ngữ tự phục vụ cho chính nó. Khác với những câu văn đẹp nhất tiền chiến, như của Nguyễn Tuân. Đọc Nguyễn Tuân, tôi thấy ông dùng chữ chính xác, tự nhiên, để chuyên chở những khám phá thẩm mỹ, nhưng ông không chơi với chữ: ngôn ngữ của ông vẫn là một phương tiện, mặc dù là phương tiện sang trọng. Trước đó, không ai viết như Mai Thảo. Hình như ngoài Bắc, cùng thời, cũng chưa ai viết như thế. Sau này thì tôi không rõ.

Và như thế, tiểu thuyết tự truyện sau này nổi bật trong một số tác giả miền , có thể xem là đã được mở đầu bởi Mai Thảo. Tiền chiến, chúng ta có Nguyên Hồng với “Những ngày thơ ấu” mà tôi được học năm lớp bảy, chương trình phụ giảng. Một cuốn tự truyện tôi đọc cùng thời gian, ghi dấu ấn sâu đậm về nông thôn miền Nam, “Thằng Thuộc con nhà nông” của Hồ Hữu Tường, theo tôi là một tác phẩm hết sức thành công. Nhưng đối với các tác giả trên đây, tự truyện được hiểu theo nghĩa cổ điển, mô tả một đời sống hay một giai đoạn được khoanh vùng cụ thể, thường là tuổi thơ, nghĩa là khi tác giả đó đã viết một lần là xong, không có gì để viết lại nữa. Để hiểu sự khác nhau giữa tự truyện mới và tự truyện cũ, cần sử dụng đến quan niệm về điểm nhìn (point of view): những sự kiện có thể được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, một câu chuyện có thể được kể lại bởi nhiều người khác nhau. Quyết định về điểm nhìn là quyết định quan trọng bậc nhất của nhà tiểu thuyết, trong khi đối với những người viết không có tài năng, điểm nhìn của họ thường thay đổi trong cùng một tác phẩm, làm sự tiếp cận của người đọc trở nên không nhất quán. Tiểu thuyết tự truyện mới không phải chỉ là những hồi ức theo kiểu kể lại các sự việc xảy ra trong quá khứ, mà là sự thể hiện thế giới thông qua nhân vật - tác giả, điều này làm cho nó gần gũi với khuynh hướng tiểu thuyết dòng ký ức. Quả nhiên những tác giả sau này ở miền đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của khuynh hướng dòng ý thức. Một nhà viết tiểu thuyết tự truyện sẽ rơi vào ngõ cụt vì thiếu đề tài; anh ta chỉ có thể thoát ra khỏi tình trạng này trên niềm tin rằng không có một sự thật nào là sự thật cuối cùng, và tìm cách trở lại một lần nữa, nhiều lần nữa, căn nhà của chính mình, khám phá ra ở đó những tầng sâu mới. Hầu hết các truyện ngắn, truyện dài của Mai Thảo đều viết về mình, dựa trên những hồi ức chính mình. Dĩ nhiên hồi ức cá nhân và đời sống thực tế là chất liệu sáng tạo của các nhà văn từ xưa đến nay, không có gì mới. Vấn đề là ở những nhà văn khác, hồi ức và kinh nghiệm chỉ là nơi cung cấp các dữ kiện, các nhân vật và nguồn gốc của những rung cảm, nhưng khi thể hiện thành tác phẩm, chúng đã được chuyển thể, giọng của nhà văn là giọng của các nhân vật, của các mặt nạ. Đó là khái niệm cổ điển của truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong truyện mới, nhân vật tác giả là trung tâm, vũ trụ được nhìn qua nó, mọi trang viết là viết về nó, viết cho nó. Đây cũng đồng thời là phương pháp trữ tình. Mai Thảo là một trong những người đầu tiên đi theo phương pháp tiểu thuyết-tự truyện (memoirist fiction).

Các nhà viết ký và tiểu thuyết ở miền Bắc cùng thời kì, như Nguyễn Huy Tưởng, “Sống mãi với Thủ Đô”; Nguyễn Đình Thi, “Vỡ bờ”; Nguyên Hồng, “Cửa biển”; Chu Văn … vẫn giữ phong cách văn xuôi và tiểu thuyết theo kiểu cổ điển, câu văn chừng mực, chính xác của văn chương tiền chiến, mặc dù có thể không mượt mà như Thạch Lam, hay kiêu sa như Nguyễn Tuân. Dĩ nhiên, chúng ta đang nói về nghệ thuật biểu hiện, chứ không phải về nội dung. Tôi muốn nói là nội dung trong toàn bộ cấu trúc tác phẩm, chứ không phải là nội dung của từng câu chữ. Thật ra, câu văn, dù được đảo lộn cách nào, dù được tái tổ chức ra sao, chỉ đạt được vẻ đẹp của nó khi tác giả có khả năng nén chặt vào chúng số lượng tối đa các thông tin có thể giải mã. Tôi cho rằng đặc điểm quan trọng nhất của nhà văn là sự quan sát, đặc điểm quan trọng nhất của nhà thơ là sự rút ra. Viết như Mai Thảo, có sự quan sát dày đặc, dồn dập, khả năng ghi nhận kín kẽ, bao quát, lại vừa có sự chiêm nghiệm, lùi lại, rút ra, chưng cất. Đó là đặc tính của một người vừa có thể viết tiểu thuyết, vừa có thể làm thơ, mà một số nhà văn hiện nay gọi là khả năng swing.

Đặc điểm của lối viết mới là câu văn, dài hơn bình thường, hoặc ngắn hơn bình thường, hoặc khi dài khi ngắn, nhưng ý tưởng bao giờ cũng trong sáng, không lẫn lộn. Mạch tư duy của tác giả hợp lý, độc giả có thể hiểu được và theo dõi được, khác với lối văn hủ nút, rối rắm, làm độc giả lạc đường như trong một số nhà văn không có tài năng. Một người viết câu ngắn tài hoa sau này là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, hơi văn của ông mạnh nhưng ngắn, buông lửng mà dồn dập, đối thoại của ông tinh khiết. Câu dài của Mai Thảo và một số nhà văn khác, tuy thế lại ít có chữ thừa, thậm chí vẫn tiết kiệm, gồm các mệnh đề chính và mệnh đề phụ chồng lên nhau. Trừ ra trong một số tiểu thuyết quá dễ dãi có tính thương mại, ít có giá trị văn học, hầu hết các câu văn của Mai Thảo đều đạt được như thế hoặc gần như thế, dù là tiểu luận hay tùy bút hay truyện ngắn. Ông cũng làm mới câu bằng cách táo bạo dùng những câu không hoàn chỉnh văn phạm. Tôi nhớ năm học lớp chín đã từng bắt chước ông khi viết chữ nhưng, chữ ở đầu câu, sau dấu chấm, trong một bài luận văn và suýt bị giáo sư đánh rớt vì sai lỗi chính tả. Tôi nhận thấy một số nhà văn sau này, và ngay cả hiện nay, cũng học cách viết như thế nhưng ít thuyết phục hơn, vì họ không sử dụng các động từ một cách tài hoa như Mai Thảo đã làm.

Có một hiện tượng thương mãi trong văn học cần chú ý. Ví dụ, sau những truyện có giá trị văn học, Mai Thảo viết các truyện dài diễm lệ hình như không có nhiều dụng tâm nghệ thuật. Cuối những năm sáu mươi ở miền một số nhà văn cũng viết tiểu thuyết định kỳ trên các nhật báo gọi là feuilleton. Đây là áp lực đời sống mà các nhà văn thời nào cũng cần phải suy nghĩ trước ngòi bút của mình.

Văn học miền Nam thời khởi đầu có hai dấu ấn lớn, một là tác động của các nhà văn từ miền Bắc di cư vào và hai là phong cách của các nhà văn Nam Bộ. Tôi nhớ đã từng say mê đọc giọng kể chuyện mộc mạc mà thi vị của “Thằng Thuộc con nhà nông” của Hồ Hữu Tường, và những truyện khác của ông. Hàng tháng tôi hồi hộp theo dõi tạp chí Hương Quê, đăng đều đặn mỗi kỳ một truyện ngắn, mới đầu của Bình Nguyên Lộc, sau đó của Sơn . Tiếp nối truyền thống tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, các nhà văn này tiếp tục nâng nghệ thuật của mình lên trong lối kể chuyện tài tình riêng biệt của họ. Tôi nhận thấy có sự dịch chuyển từ khuynh hướng tiểu thuyết bình dân có tính giải trí đến khuynh hướng tiểu thuyết văn học. Miền Nam khác miền Bắc ở chỗ trong cùng một thời kỳ đã cho phép phổ biến nhiều loại sách giải trí bình dân, kiểu sách thám tử, kiếm hiệp, đường rừng, xã hội tình cảm bi lụy kiểu người lớn, có người cho là rẻ tiền. Như thế nào là tiểu thuyết giải trí và tiểu thuyết văn học? Người đọc truyện ngắn, tiểu thuyết và các hình thức văn học khác thường đi tìm ba điều: sự vui thú, sự hiểu biết và sự thay đổi. Đi tìm niềm vui vốn là một nguyên lý của người Hy Lạp cổ đại và là một nguyên tắc của phân tâm học Freud, thật ra không cần cắt nghĩa. Chuyện gì vui thì người ta làm. Thích thì làm, không thích thì bỏ đi. Chẳng lẽ cần giải thích hay sao? Vì vậy văn học cần phải mang đến sự vui thú. Nên hiểu rằng vui đây không nhất thiết phải là cái cười hời hợt, không phải chỉ là niềm vui của người sung sướng vì nhặt được tiền, mà có thể là nỗi thú vị của một cuộc chia tay buồn bã, một tiếng khóc nén lại trong văn chương. Nỗi vui thú ấy khi mạnh mẽ quá thì cũng có thể thành sự hài hước. Chất hài hước là một đặc điểm của văn chương miền Nam và văn chương Nam Bộ. Nhưng người đọc tiểu thuyết không phải chỉ đi tìm sự vui thú mà còn đi tìm sự hiểu biết và sự lý giải đối với cuộc đời. Nếu không có sự hiểu biết đằng sau sự vui thú thì văn học hóa ra cũng giống như một trận bóng đá, một ván bài, hay một cuộc dạo chơi mà thôi. Sự hiểu biết mà văn học mang lại thông qua những kinh nghiệm hay thể nghiệm của các nhân vật. Sự khác biệt quan trọng nhất của truyện giải trí và truyện văn học là ở chỗ: truyện giải trí mang người đọc ra khỏi cuộc đời, mang anh ta ra khỏi những khổ đau thường nhật, khóc cười với các nhân vật trong một vài giờ và mơ những giấc mơ ban ngày, trong khi truyện văn học đem người đọc trở lại với cuộc đời, chiếu lên những hy vọng và khổ đau của anh ta một ánh sáng mới. Người đọc tình nguyện đối diện với những vấn đề hiện thực, với hiểu biết mới: anh ta mong ước điều cao cả, mong ước tự thay đổi mình và thay đổi thế giới bên ngoài. Chính sự hiểu biết ấy, và mong ước thay đổi ấy, lại làm cho sự vui thú tăng lên.

Những phân biệt trên đây chưa chắc được áp dụng dễ dàng cho một số dòng văn chương. Truyện kiếm hiệp Kim Dung chẳng hạn. Mặc dù có một xu hướng di chuyển từ Hồ Biểu Chánh đến Hồ Hữu Tường đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Thị Thụy Vũ, ranh giới giữa truyện giải trí và truyện văn học không rõ ràng. Theo tôi có thể giải thích rằng người Việt ở miền không có tính nghiêm nghị, đao to búa lớn, khó đăm đăm. Trên con đường di dân từ Bắc vào Nam, tổ tiên chúng ta có lẽ do phải đối phó với quá nhiều gian khổ trong quá trình khai hoang mở nước, rừng thiêng nước độc, riết rồi người ta lột bỏ gần hết những lớp vỏ ngoài, ném đi những áo mão cần thiết trong một xã hội đã định hình và chuẩn hóa cao độ như ở miền Bắc, và con người sống gần với thiên nhiên hơn, hồn hậu, không tin vào ba cái chuyện nghiêm trang vặt vãnh trên đời. Văn chương Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Lê Xuyên thể hiện rõ nhất tính chất vừa văn học vừa giải trí khơi khơi, nhưng đọc rồi thì không quên được. Tôi nhớ những đoạn văn rất hay của Bình Nguyên Lộc trong “Mưa Thu Nhớ Tằm”, hay hồi hộp đọc “Chú Tư Cầu” của Lê Xuyên trên nhật báo mỗi ngày.

Thằng Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm cho nó quên thằng Chài ngay. Là vì đầu cò chởm chở những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê, cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng.(3)

Lối đối thoại của các nhân vật trong truyện của Sơn , Bình Nguyên Lộc, hay Hồ Trường An, Kiệt Tấn sau này, thật là linh hoạt, phóng khoáng, chộn rộn, vui vẻ.

Tui lạy chị, đừng có nhắc chè, nhắc xoài nữa, tui thèm muốn chết đi. Năm năm nay, tui không có biết món ngọt là gì. Mấy cây chuối trồng sau nhà cũng chết queo vì đất còn mặn quá. Năm nay một cây trổ buồng, chắc tôi được ăn ngọt đây. Úi chà! Trưa rồi, chắc tới bữa cơm, thôi tui về nha, anh, chị?(4)

Điểm thu hút trung tâm là các nhân vật tiểu thuyết. So với truyền thống cổ điển như trường hợp Tự Lực Văn Đoàn, trong đó cốt truyện có thể xem là quan trọng bậc nhất, hoặc quan trọng ngang với nhân vật, thì văn chương mới hình như chỉ xem cốt truyện là cái cớ. Đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, người ta muốn biết số phận của chị Dậu sẽ ra sao. Đọc “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh, người ta hồi hộp xem cô Loan có được trắng án không, Loan và Dũng có gặp lại nhau không? Nhưng đến “Xóm cầu mới” thì Nhất Linh không gây cho ta cảm giác đó nữa, ông cố tình nhẩn nha kể chuyện, ngày này qua ngày khác, gió cứ thổi, nước lụt cứ dâng lên mấp mé bên thềm nhà. Mặc, tôi chỉ muốn biết cô Mùi có cảm giác ra sao khi nằm ngủ trên chiếc giường của Siêu ở ngoài hiên tối, đắp tấm chăn mỏng, dưới trời mưa thưa, bên ngọn lửa nấu cháo khuya của hai người hãy còn liu riu đỏ? Người đọc của Nguyễn Đình Toàn, Nhã Ca, Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, Viên Linh, Hoàng Ngọc Tuấn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lê Tất Điều, Lệ Hằng không để ý lắm đến việc các nhân vật nam và nữ sau khi quen nhau thì sẽ làm gì, cuối cùng họ có lấy nhau không vân vân… mà chỉ quan tâm đến tâm trạng của nhân vật tức là diễn tiến bên trong của đời sống cá nhân. Có một điều quan trọng là chiến tranh càng khốc liệt, chết chóc ngày càng nhiều, đau khổ dân tộc ngày càng lớn, thì các nhà văn miền Nam ngày càng đi sâu vào thế giới nội tâm, như thể chỉ quan tâm đến chính họ. Các nhân vật đâm ra lãnh đạm với thời cuộc, có vẻ như không yêu người mà cũng chẳng yêu mình, chẳng tin tưởng vào điều gì, chẳng tha thiết đến điều gì. Có người cho rằng đó là ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh và một phần của tiểu thuyết mới. Có người lên án rằng các nhà văn thời kỳ này có khuynh hướng quay lưng lại với số phận dân tộc, chui vào cái tháp ngà, ích kỷ, thoái hóa. Tôi cho rằng khuynh hướng tự truyện làm cho người đọc thường có cảm giác nhân vật và tác giả là một. Tôi cũng cho rằng các nhà văn miền Nam thời ấy sống thật với bản thân mình và đời sống xung quanh, mặc dù không phải là không có hiện tượng làm dáng, phấn son lòe loẹt trong văn chương hay thể hiện các tư tưởng triết học một cách hời hợt thời thượng, không phải là không có một khuynh hướng suy đồi. Chẳng qua đó là hiện tượng thường gặp trên đường tìm kiếm tiếng nói của riêng mình, của thời đại mình. Francoise Sagan sinh năm 1935. Cuốn “Bonjour Tristesse” được viết 1954. Dương Nghiễm Mậu sinh năm 1936, Túy Hồng sinh năm 1937, Nguyễn Thị Thụy Vũ sinh năm 1937... vậy thời đó họ là những thanh niên cùng lứa tuổi. Khi không thể lý giải được cuộc xung đột, khi thấy mình bất lực trước lịch sử, khi nhà văn bất mãn với xã hội mà mình đang sống, nhưng anh ta cũng không có cách nào vượt ra khỏi xã hội đó, thì anh ta trở nên lãnh đạm, bất cần, xa lánh các thứ lý tưởng vốn đã phản bội niềm tin của mình, nổi loạn, phá phách, chống lại xã hội về tư tưởng và chống lại chính tâm hồn mình.

Như thế, đó là một khía cạnh của quá trình đi xuống, một tâm trạng chán nản, bi quan, bất lực, nhưng mặt khác nó cũng bộc lộ sự phản kháng của người viết, tiếng kêu của lương tâm và ý thức, sự phản ánh các xung đột trên các bậc thang giá trị. Tôi nghĩ điều này cũng có tính lập lại đối với thanh niên và trí thức Việt .

(Còn nữa)

N.Đ.T
(244/06-09)

-----------
(1) Nhất Linh, Xóm cầu mới, trang 465, NXB Văn Mới, 2002
(2) Hợp Lưu, số đặc biệt về Mai Thảo, 100, tháng 5&6, 2008, trang 196, Hoa Kỳ
(3) Bình Nguyên Lộc, Rừng mắm, bản điện tử dactrung.net
(4) Sơn , Hương rừng, bản điện tử dactrung.net

Các bài mới
Đêm của bướm (24/07/2009)
Các bài đã đăng