Tạp chí Sông Hương - Số 244 (tháng 6)
Cuộc sống số và sắc hoa anh đào
17:07 | 10/07/2009
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP                         Ghi chépMột chiều cuối đông năm ngoái tại góc Quán Cũ 25 Phan Đình Phùng, khi biết chúng tôi chuẩn bị chuyến khảo sát văn hóa tại Nhật Bản, giáo sư Đại học ngoại ngữ Tokyo Kawaguchi đề nghị chúng tôi nên bố trí kế hoạch đến Nhật vào mùa xuân để còn kịp ngắm hoa anh đào. Y lời, đúng ngày mở đầu tháng Tư năm nay, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Viện trưởng Viện Văn học và tôi lên đường công du sang Nhật khi biết chắc hoa anh đào đã nở.
Cuộc sống số và sắc hoa anh đào
Hoa anh đào ở Nhật Bản (Ảnh: Internet)

Cho dù từng đặt chân lên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau nhưng nhà văn Phan Trọng Thưởng vẫn không giấu nổi sự bồi hồi. Mục đích “Đông du” lần này của chúng tôi là tìm hiểu xem người Nhật đã phát triển văn hóa và con người như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhằm phục vụ cho đề tài nghiên cứu của mình. Vì thế, chúng tôi cố gắng tận dụng mọi cơ hội để trao đổi với các cơ quan nghiên cứu văn hóa, giáo dục của bạn, và không quên dặn nhau tìm cách quan sát lối sống, cách ứng xử của người dân Nhật trong cuộc sống thường ngày.

Sân bay quốc tế Narita hôm ấy khá lạnh. Ngoài trời chỉ khoảng 6-7 độ C. Gió thổi mạnh nhưng bù lại, thời tiết khô ráo và nắng hanh vàng. Hơn 100km từ sân bay về Tokyo, những nụ anh đào đã chúm chím, lác đác có bông đã nở. Lần đầu tiên đến Nhật, tôi ngạc nhiên bởi sự sạch sẽ của phố xá, làng quê Nhật Bản. Không một cọng rác trên đường, không một mẩu thuốc vứt bừa bãi. Sau này, khi vượt qua gần 700km bằng tàu siêu tốc xuống tận Kyoto, tôi mới vỡ lẽ đó không phải là cảm giác mà là sự thật. Một sự thật khiến những kẻ khó tính nhất vẫn thấy bị bất ngờ. Ngay tại ga trung tâm tàu điện ngầm Tokyo, nơi mỗi ngày có hàng trăm nghìn người qua lại cũng sạch sẽ đến mức Trưởng đoàn Phan Trọng Thưởng dù bị sốt cao vẫn kịp đùa, vào toa let công cộng của họ thấy còn sạch hơn toa lét nhà mình. Ý thức giữ gìn vệ sinh ở mọi nơi đã thành thói quen cố hữu của người Nhật. Đến mức, hút dở điếu thuốc, tôi phải gói lại để đợi đến lúc về nhà mới dám vứt vào chỗ quy định. Mấy anh bạn ở sứ quán cho biết, dân Nhật sáng ra gom rác ở phố mang về, sau đó, đến giờ mang ra xe để đổ. Sự sạch sẽ của người Nhật làm tôi liên tưởng đến lần sang Bắc Kinh cách đây dăm bảy năm. Phố xá, cửa hiệu của họ cũng sạch như lau như li. Người Tàu nổi tiếng ở bẩn. Nh
ưng chỉ cần vài ba chục năm tiến hành cải cách, môi trường sống của họ thay đổi như một phép màu. Các nhà hoạch định chính sách của ta nghe đâu cũng nhiều lần ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm bằng tiền đóng thuế của dân, sao lại không thấy đề ra được điều gì khả dĩ để mình nhanh chóng theo kịp bạn bè? Có lẽ, không đâu như ở xứ ta, các vụ Vedan giết sông giết cá giết người vẫn được ém nhẹm. Khi bị phát hiện, người ta lại loanh quanh với kiểu xử phạt hành chính lấy lệ. Ở Nhật, làm ăn kiểu này chắc chắn bị cạch đến già và bị truy tố, xử phạt rất nặng.

Một điều may mắn là chúng tôi được tá túc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật. Đại sứ Nguyễn Phú Bình còn chu đáo cho người của sứ quán ra tận sân bay đón đoàn. Ở Nhật Bản, vào dịp lễ hội hoa anh đào, du khách rất đông và giá khách sạn khá mắc. Thậm chí nếu không nhanh chân sẽ khó lòng tìm được chốn nghỉ ngơi vừa tiết kiệm vừa ưng ý.

Người Nhật nổi tiếng về sự tinh tế trong giao tiếp nhưng lại rất sít sao trong kế hoạch làm việc và gặp gỡ. Họ không thích làm việc theo lối aimatơ tài tử mà mọi việc phải được sắp xếp chặt chẽ, chi li vì chỉ cần sơ sểnh vài phút là anh có thể lỡ một chuyến tàu. Chi li vì người Nhật thích sòng phẳng trong mọi chuyện. Hiếm khi thấy người Nhật hoang phí. Họ luôn biết tính toán sao cho vừa đủ. Anh thiếu của họ một cắc là không xong, nhưng nếu anh thừa một xu, họ sẽ chạy theo trả lại cho bằng được. Của anh, của tôi phân minh, rõ ràng.

Do phải chuyển tàu xe liên tục nên người Nhật (và người nước ngoài nói chung) rất chịu khó đi bộ. Nhập gia tùy tục, trung bình mỗi ngày chúng tôi phải cuốc bộ hơn 10 km. Đến lúc này, tôi mới hiểu vì sao Mori lại email dặn hai anh em tôi nên kiếm loại giày nhẹ trước khi sang Nhật. Với trình độ giao thông vào loại tốt nhất thế giới, người Nhật dường như không bao giờ chậm giờ và lỡ hẹn. GS Kawaguchi cho biết hàng ngày từ nhà đến trường, ông mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nhẩm tính theo tốc độ và mật độ tàu xe của Nhật, mỗi ngày ông phải trải qua ngót nghét gần hai trăm năm mươi cây số. GS Kawaguchi là người yêu Việt Nam. Từ 1997 đến nay, ông đã sang Việt Nam hơn 20 lần và nghe đâu lại chuẩn bị sang Hà Nội vào mùa thu năm nay. Oái oăm là ở chỗ, ông từng bị các “tay lái lụa” Việt Nam tông xe máy đến mức gãy chân. Nhưng sự cố ấy không làm ông nản lòng. Với cây gậy trên tay, ông dẫn chúng tôi từ ga Yoyogi Hachiman, cách Đại sứ quán ta chừng 10 phút đi bộ đến trường Đại học ngoại ngữ Tokyo, nơi ông là Trưởng bộ môn Việt học, rồi lang thang cùng chúng tôi ngắm hoa anh đào, thăm viện bảo tàng, nhà hát và uống cà phê. Tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, chúng tôi đã có cuộc tọa đàm với các nhà khoa học trong bộ môn nghiên cứu về Việt học, gặp gỡ và trao đổi với Hiệu trưởng nhà trường GS Kameyama Ikuo, người vừa tõ Maxcơva nhận giải thưởng dịch thuật của Viện hàn lâm khoa học Nga trở về. Hàng năm, sinh viên Nhật bắt đầu tựu trường vào ngày 7 tháng 4. Dịp chúng tôi đến, sinh viên đang tổ chức các hoạt động đón các sinh viên mới. Giáo dục Nhật Bản được coi là một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới. Trong những ngày chuẩn bị nhập học, sinh viên múa hát rất tự nhiên. Đoàn chúng tôi còn được thưởng thức trà đạo do sinh viên khoa tiếng Việt của trường tổ chức. Vậy là ngay tại các trường đại học, người Nhật vẫn luôn quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa của họ. Mỗi sinh viên ra trường, không chỉ nắm bắt được những tri thức khoa học hiện đại mà còn thấm nhuần sâu sắc truyền thống văn hóa Nhật Bản.

Vào hai ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi lên tàu đến Kyoto. Kể từ năm 794, khi chính thức trở thành kinh đô của nước Nhật, Kyoto là một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Phong cảnh nơi đây nên thơ, sơn thủy hữu tình. Đến năm 1868, Kyoto trở thành cố đô vì sự dứt khoát của Thiên hoàng Minh Trị (Meiji). Để tiến hành cải cách triệt để, Minh Trị đã biến vùng Tokyo xa xôi trở thành thủ đô mới. Ông muốn nhanh chóng thoát khỏi quyền lực của Tướng quân và hàng loạt nhân vật bảo thủ ở Kyoto. Vào thăm Nhị điều cung (Nijo-jo, Di sản văn hóa thế giới 1994) mới thấy hết uy quyền của Tướng quân và ưu thế của tầng lớp võ sĩ đạo dưới triều đại Kamakurra (1192 - 1333) và triều đại Muromachi (1338 - 1573). Khẩu hiệu “Học hỏi phương Tây, Đuổi kịp phương Tây, Vượt lên phương Tây” (Seiyo o marabi, Seiyo ni oitsuki, Seiyo o oinuku) do Minh Trị khởi xướng đã làm cho nước Nhật trở nên hùng cường. Tôi nhìn ga tàu điện ngầm Kyoto với sự thán phục trước một kiệt tác của kỹ thuật công nghệ cao. Dẫu vậy, Kyoto với hơn nghìn năm là thủ đô nước Nhật vẫn bảo lưu được những giá trị tinh thần thuần Nhật. Điều đó có thể thấy rõ trong sáng tác của nhà văn đoạt giải Nobel Yasunari Kawabata. Trên đường phố, khá nhiều phụ nữ bận kimono lướt nhẹ trên những đôi guốc cao. Cảnh tượng này làm tôi liên tưởng đến bóng dáng các nàng geisha thấp thoáng trong tiểu thuyết besalle Đời kỹ nữ của Arthur Golden. Không hề cường điệu khi nói Nhật Bản là xứ sở của hoa anh đào. Hoa mọc khắp nơi, dọc hai bờ sông, trên các triền núi, ẩn hiện sau những mái chùa cổ kính... Tính sơ bộ, ở Nhật có khoảng hơn 60 loại hoa anh đào với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là màu hồng. Trong tâm trí người Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho sắc đẹp cao quý, trong trắng và mong manh. Vì hoa chỉ rộ lên trong khoảng mươi ngày nên các samurai kiên nhẫn chờ hoa nở với tình yêu sâu sắc, thánh thiện. Rất nhiều người mở tiệc, uống rượu thâu đêm chỉ cốt được ngắm hoa cho thỏa thích. Khắp nơi, đâu đâu cũng tràn ngập không khí lễ hội. Người ta cho rằng sakura có nguồn gốc từ sakuyra, lấy từ tên của nữ thần Konohana - Sakyura - hime, người đầu tiên đã gieo hạt giống cây anh đào trên núi Phú Sĩ. Bầu trời Nhật những ngày này thật rực rỡ. Một nhà văn Nhật nói với tôi: “Các ông là những người may mắn. Tôi lấy làm tiếc cho Đỗ Hoàng Diệu vì cô ấy sang Nhật nhưng chỉ kịp ngắm vài nụ anh đào mới nhú mà thôi”. Không hiểu nhà văn Trần Thùy Mai trong dịp Một mình ở Tokyo có kịp đắm mình trong lễ hội anh đào hay không?

So với Tokyo nhộn nhịp, sầm uất với cơ man nhà chọc trời, nhịp sống cố đô Kyoto có phần lặng lẽ hơn. Không hiểu sao lúc ngồi trên xe tôi vẫn mường tượng thấy nét quý phái và lịch lãm phảng phất đâu đây trên khuôn mặt các bà, các cô vốn gốc gác đất kinh kỳ. Những tiện nghi hiện đại và nhịp sống công nghiệp không làm xô lệch vẻ đẹp của những nếp chùa u tịch và cổ kính. Từng đoàn người vẫn nối nhau đến chùa Chùa Vàng, Chùa Bạc thăm thú và cầu may... Sự thân thiện với môi trường, coi thiên nhiên như bầu bạn của người Nhật làm tôi chạnh lòng nhớ cảnh hàng trăm người chen nhau cướp phá hoa anh đào vào dịp năm ngoái ở Hà Nội. Lại nữa, sau những ngày Tết cổ truyền, cây cối bỗng trở nên trơ trụi vì người ta cố sức bẻ lá, ngắt hoa mong rinh lộc về nhà. Chao ơi, đến bao giờ ở ta mọi người mới hiểu được điều giản dị cây cỏ cũng là một sinh mệnh, là người che chở bao bọc ta theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trở về Tokyo, chúng tôi đến làm việc với The Japan Foundation như đã định. GS Phan Trọng Thưởng đã trình bày những hoạt động của Viện Văn học và hy vọng sẽ phối hợp với Quỹ phát triển văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam để mở ra sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tôi nhớ trong lần ra mắt của Quỹ tại khách sạn Melia Hà Nội năm ngoái, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có đến dự và đọc lời chào mừng. Chính trong buổi tối hôm ấy, ông Chủ tịch Ogoura Kazuo đã trình diễn một tiết mục văn nghệ độc đáo. Ông đặc biệt yêu thích âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là cây đàn bầu. Tôi có kể lại với Đại sứ Nguyễn Phú Bình cùng phu nhân chuyện này và miên man nghĩ, giữa Việt Nam và Nhật Bản có khá nhiều điểm tương đồng về nghệ thuật. Người Nhật cũng có loại nhạc cụ gần giống như cây đàn bầu của ta. Về thơ ca, trong khi Nhật tự hào về thể hai ku gồm 17 âm tiết thì Việt Nam tự hào về lục bát với 14 tiếng. Cơ hội giao lưu và phát triển văn hóa giữa hai dân tộc là rất lớn. Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho hay mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang rất tốt đẹp mà bằng chứng là Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã sang Nhật để khẳng định và thắt chặt thêm mối bang giao giữa hai nước.

Một trong những ấn tượng sâu sắc trong chuyến đi này là chúng tôi đến thăm và làm việc với trường Đại học Tokyo. Với người Nhật, Đại học Tokyo được coi là Harvard của đất nước mặt trời mọc không chỉ vì trường đã có bề dày lịch sử hơn 130 năm mà vì chất lượng giáo dục rất cao. Tất cả mọi sinh viên coi việc được bước chân vào trường Đại học Tokyo là một niềm hãnh diện. Rất nhiều chính khách, nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng theo học ở đây. GS Numano, nhà phê bình văn học Nhật Bản tiếp chúng tôi thân mật và hướng dẫn chúng tôi nhìn toàn cảnh ngôi trường từ ban công lầu 8. Khi trao đổi với ông về tình hình văn học Nhật Bản đương đại và đời sống phê bình văn học hiện nay, ông cho biết, ở Nhật cũng giống như Việt Nam, yếu tố thương mại đang chi phối dữ dội tình hình văn học. Rất nhiều nhà phê bình sắm vai của những nhân vật chạy quảng cáo và đẩy những nhà phê bình chân chính vào phe “bảo thủ”. Rồi ông cười vì ông cũng được xếp vào loại “bảo thủ” trong giới phê bình! Khi tôi đem một số tác phẩm văn học Nhật mới được Nhã Nam chuyển dịch sang tiếng Việt, ông ngạc nhiên vì sự mau lẹ này. Nhưng ông cũng khẳng định, văn học Nhật không chỉ có thế. Người Nhật vẫn mong mỏi sự xuất hiện của những tác phẩm giàu tính tư tưởng và giàu tính nghệ thuật. Nghĩa là những tác phẩm nói lên được một cách sâu sắc nhiều vấn đề của đời sống nhân sinh chứ không phải cốt để gây sock với những chuyện tình dục hay bạo lực rẻ tiền. Và ông khẳng định, sáng tác của Yasunari Kawbata hay của Kezaburo Oe sở dĩ vẫn có giá trị lâu dài vì chất lượng nghệ thuật của nó là điều không phải bàn cãi.

Những điều mà GS Numano và GS Kawaguchi trao đổi với chúng tôi cho thấy họ luôn e ngại văn hoá tinh thần Nhật Bản sẽ bị phôi pha trước sự xâm thực của văn hóa Âu Mỹ. Tại cuộc tọa đàm với các nhà khoa học Đại học Tokyo, các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật cho rằng đến nay Nhật Bản đã thực hiện hai lần mở cửa. Lần thứ nhất diễn ra vào thời Minh Trị. Lần thứ hai diễn ra sau khi Nhật bại trận năm 1945. Được sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật đã nhanh chóng vươn lên và trở thành siêu cường kinh tế vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Chính trong lần bại trận này, người Nhật đã cắn răng với tinh thần “biết cúi đầu để đi tìm chiến thắng”. Âm thầm chịu đựng và phấn đấu, người Nhật hy vọng sẽ đến ngày cả thế giới phải kinh ngạc chiêm ngưỡng những kỳ tích của họ. Cho đến khi nhìn thấy những ông chủ Nhật dạo bước trên khu tài chính Phố Uôn, ô tô, hàng hóa mang nhãn hiệu Madein Japan tràn ngập khắp nơi thì người Mỹ, vốn kiêu ngạo là thế cũng phải giật mình trước tốc độ phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật khẳng định, chính vì dám nhìn thẳng vào thực tại và sự yếu kém của Nhật, coi lao động và sáng tạo là bằng chứng cao nhất của lòng yêu nước, dám đầu tư quyết liệt cho giáo dục kết hợp với một chính sách phát triển hợp lý mà Nhật Bản có những bước tiến nhảy vọt. Nhật Bản không chỉ đẹp bởi hoa anh đào, không chỉ cuốn hút bằng trà đạo hay tinh thần võ sĩ đạo mà còn bởi trình độ tự động hóa gần như trong tất cả mọi lĩnh vực. Những điều mắt thấy tai nghe khiến chúng tôi thấm thía nhiều điều. Đều là dân tóc đen da vàng nhưng sao giữa chúng ta với họ lại có nhiều khác biệt đến thế. Thậm chí là khác biệt đến mức đối lập: họ cẩn thận - ta bừa bãi; họ sạch sẽ - ta ô nhiễm môi trường; họ làm ra làm chơi ra chơi - ta vừa chơi vừa làm; họ lấy lý làm trọng - ta lấy tình làm chính; họ nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp - ta phép vua thua lệ làng; họ coi trọng chữ tín - ta được chăng hay chớ; họ yêu nước bắt đầu từ việc nhìn thẳng vào những yếu kém - ta chuộng thành tích mà ngại nhìn vào khuyết điểm để phấn đấu... Tôi nghĩ có lẽ người Trung Hoa sau 1978 cũng đã biết khích lệ lòng tự tôn dân tộc bắt đầu từ cái nhìn phản tư sâu sắc và khoa học ấy, bằng sự đổi mới quyết liệt và toàn diện. Nếu trước đây người ta giật mình vì sự trỗi dậy thần kỳ của Nhật Bản thì nay người ta một lần nữa phải giật mình trước sự bừng tỉnh của con rồng Trung Hoa. Nhìn lại mình, công cuộc đổi mới nước nhà do Đảng ta khởi xướng từ 1986 đến nay cũng đã thu được những thành tựu hết sức quan trọng. Liên tục trong nhiều năm, tăng trưởng kinh tế đều ở mức cao. Nhưng nếu chúng ta tự bằng lòng với những gì đã đạt được thì rất dễ rơi vào tụt hậu. Kinh nghiệm của Nhật Bản và Trung Hoa cho thấy công cuộc đổi mới ở Việt Nam cần phải mạnh mẽ, quyết liệt và triệt để hơn nữa. Làm sao chúng ta có thể đi đến thành công nếu chỉ biết đổi mới nửa vời...

Vẫn biết không phải mọi cái của người đều hay. Và học tập khác xa với sao chép vụng về. Bản thân người Nhật hiện đang có nhiều vấn đề khiến họ phải đau đầu lo nghĩ. Dân số Nhật đang già đi trông thấy, cuộc sống vô cùng đắt đỏ. Cường độ làm việc của người Nhật cao đến mức lên tàu điện, rất nhiều người tranh thủ chợp mắt hay rút di động chơi game để xả stress... Trong thời đại toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, không phải ở lĩnh vực nào Nhật cũng giành ưu thế như trước đây và bản sắc văn hóa Nhật đang bị sức ép của văn hóa và lối sống từ bên ngoài. Đó là chưa kể những xung đột khác. Những ngày chúng tôi ở Tokyo, chính phủ Nhật đang đau đầu trước vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân. Nhưng tôi nghĩ, với bản lĩnh và sự khôn ngoan của mình, người Nhật sẽ biết cách vượt qua những thử thách ấy. Nhìn ra ngoài phố, những đoàn người đi ngắm hoa anh đào vẫn sải những bước chân thanh bình. Trong cảm nhận của tôi, các bạn Nhật Bản luôn tỏ ra rất chu đáo với người Việt. Với họ, Việt Nam là người bạn chân thành. Không chỉ GS Kawaguchi, TS Mori và nhiều người bạn khác tại Nhật Bản mà thạc sĩ Suzuki Kotona dù bận rộn cũng liên tục gọi điện hỏi thăm đoàn. Khi một nhà nghiên cứu văn hóa Nhật hỏi tôi: “ Ông có thể cho biết đâu là đức tính nổi bật nhất của người Việt Nam”, tôi đã nhắc lại điều tôi đã từng trả lời một giáo sư Mỹ đến từ California: “ Đó là sự thân thiện và lòng bao dung”. Sở dĩ tôi nói vậy bởi có lẽ hơn lúc nào hết, chúng ta đang muốn làm bạn với các nước trên tinh thần hợp tác hữu nghị. Và với tinh thần ấy, Việt Nam sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.

Một tuần trên xứ sở hoa anh đào chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa. Muốn hiểu sâu hơn tâm hồn Nhật Bản, hiểu rõ hơn kinh nghiệm phát triển kinh tế và văn hóa của họ cần phải có một khoảng thời gian dài. Nhưng đành tự dặn lòng, thôi thì đi một ngày đàng học một sàng khôn vậy. Trước ngày trở về Việt Nam, mấy cô cháu đang thực tập ở Chi Ba tổ chức một bữa cơm dưa muối đãi chúng tôi để vợi nhớ quê hương. Chuyện đang nở như ngô rang bỗng trở nên ngậm ngùi. Mai các bác về Hà Nội, liệu có còn nhớ đến mùa hoa anh đào nữa hay không? Câu hỏi của ai đó làm tôi nhớ đến lời dặn của cô bạn người Nhật: “Lần sau, các anh cố gắng sang Nhật vào mùa lá đỏ. Đẹp không kém mùa hoa anh đào. Tôi và mọi người ở đây sẽ đợi”. Những cảm xúc ấy cùng lúc ùa đến khiến tôi cảm thấy bối rối. GS Phan Trọng Thưởng chắc cũng có cùng tâm trạng như tôi. Nhưng thôi nào, xin mọi người nâng chén. Ai cũng cười nhưng khóe mắt đã thấy cay cay...

Tháng tư, năm Kỷ Sửu
N.Đ.Đ
(244/06-09)

Các bài mới
Đêm của bướm (24/07/2009)
Các bài đã đăng